• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

SỐNG LẠC QUAN, LÀM NHIỆT HUYẾT

SỐNG LẠC QUAN, LÀM NHIỆT HUYẾT

Tác giả (bên trái) và CCB Hà Kim Duyệt

" Sống lạc quan và luôn nhiệt huyết trong công việc", đó là triết lý sống của ông Hà Kim Duyệt, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.

Ông Duyệt, sinh năm 1950, tháng 5/1971, như bao trai tráng đương thời, chàng thanh niên dân tộc Mường ở xã Hưng Long nhập ngũ. Chỉ sau mấy tháng huấn luyện cấp tốc, tiền tuyến gọi, Hà Kim Duyệt khoác ba lô, súng đạn vào chiến trường. Có lẽ là người không chỉ có “hoa tay” khéo léo trong mọi việc, mà còn là người có cả “hoa chân” nên trong hơn chục năm quân ngũ, Hà Kim Duyệt có mặt ở cả ba chiến trường lớn; tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế với Lào và Cam-pu-chia. Gian khổ đấy, ác liệt đấy nhưng được cầm súng tung hoành khắp ba nước Đông Dương trong những thời điểm lịch sử như chiến dịch đường 9 – thành cổ Quảng Trị, cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975 giải phóng Sài Gòn, chiến dịch giúp quân và dân Cam-pu-chia giải phóng Phnom-pênh… là niềm hạnh phúc, vinh dự không phải người chiến sĩ nào cũng có được.

Có lần tôi hỏi ông Hà Kim Duyệt: phải chăng vì anh cứ rong ruổi khắp các chiến trường mà đến giờ, ở tuổi ngoài 70 mà con gái út vẫn đang đi học? Một thoáng buồn hiện lên trên gương mặt chữ điền, ông Duyệt chia sẻ nỗi niềm: Năm 1976, tôi được đơn vị cho đi phép để lập gia đình với mong muốn sớm có con làm bầu bạn với vợ ở nhà, để mình yên tâm đi chiến đấu. Nhưng thật buồn, gần chục năm qua đi như chớp mắt mà chúng tôi vẫn là vợ chồng son. Mỗi lần được về phép, nhìn nét mặt buồn buồn của vợ, mình thương cô ấy vô cùng. Chăm lo cho bố mẹ, quán xuyến việc nhà cửa, chu tất việc họ hàng… tất cả cô ấy đều gánh vác thay mà mình không thể đem lại cho cô ấy niềm hạnh phúc làm mẹ! Hẳn là bấy nhiêu năm đi khắp các chiến trường, mình đã bị nhiễm chất độc hóa học của Mỹ? Khi ấy, người ta chưa biết nhiều đến hậu quả chất độc da cam, chỉ biết rằng nếu chồng bị nhiễm thì vợ sẽ rất khó có con! Đã có lúc tôi nghĩ: Mình đi quá nửa đời lính, đã từng trải các cuộc chiến tranh để mang lại độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân sao ước mơ nhỏ nhoi được ẵm bế đứa con thơ của người vợ lính lại khó khăn đến vậy? Anh em trong đơn vị đều thông cảm hoàn cảnh của mình, tạo điều kiện cho về phép, cùng vợ đi chữa bệnh. May thay, trong lần “gặp thầy, gặp thuốc”, kiên trì theo một lương y ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, năm 1983, vợ chồng chúng tôi đã có được điều mong muốn. Năm sau, thông cảm với hoàn cảnh gia đình, đơn vị cho tôi phục viên, khép lại cuộc đời binh nghiệp 12 năm 5 tháng của mình. Sau ngày phục viên, tôi sinh thêm 3 con nữa nhưng gái đầu có lẽ bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố nên cháu không được làm người. May thay các cháu sinh sau khỏe mạnh hơn, điều kiện chăm sóc y tế tốt hơn nên hai cháu lớn đã ra trường, có gia đình riêng, chỉ còn gái út đang học đại học.

CCB Hà Kim Duyệt chăm sóc vườn cây, ao cá của gia đình

Khi còn nhỏ cũng được học hành chu đáo, những năm trong quân đội được rèn luyện, trưởng thành nên khi trở về quê hương, CCB Hà Kim Duyệt được lãnh đạo địa phương “chọn mặt gửi vàng”, trở thành Ủy viên thường vụ Đảng ủy xã. Ông từng được tin tưởng giao đảm nhiệm Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hưng Long đã tạo dấu ấn đưa cây ngô vụ đông xuống đất lầy thụt, góp phần giải quyết lương thực cho nhân dân xã miền núi Hưng Long. Sau 2 khóa chủ nhiệm, ông Duyệt lần lượt được giao làm Trưởng công an, Phó chủ tịch UBND xã…, việc nào ông cũng hoàn thành xuất sắc.

Là người “nói được, làm được”, nên khi thôi chức (không được hưởng chế độ hưu trí địa phương vì có trợ cấp bệnh binh), ông Duyệt tiếp tục được lãnh đạo địa phương giao làm Chi hội trưởng Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin xã Hưng Long, năm 2016 làm Chủ tịch Huyện hội Yên Lập và đảm nhiệm chức danh này đến ngày nay.

Trong 5 năm qua, với vai trò Chủ tịch Huyện Hội, CCB Hà Kim Duyệt đã cùng Ban thường vụ, Ban chấp hành tham mưu, đề xuất kịp thời với Huyện ủy, UBND huyện về công tác lãnh đạo chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương; tập trung củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi hội cơ sở; xây dựng mối quan hệ phối hợp với các đoàn thể, tổ chức trong huyện để tạo nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân một cách thường xuyên, cải thiện cuộc sống, không ai “bị bỏ lại phía sau”.

Cùng được thành lập sau khi có nghị định 45 của Chính phủ, không được công nhận là “hội đặc thù”, trong khi một số ít huyện trong tỉnh “3 không”: Không định biên, không kinh phí hỗ trợ, không trụ sở; thì tại Hội huyện Yên Lập, do có sự tham mưu đề xuất của lãnh đạo Hội và cơ quan quản lý nhà nước về Hội ở địa phương, cùng nhận thức đúng đắn của cấp ủy, chính quyền huyện, nên Hội được quan tâm cấp kinh phí hoạt động tương đương với 1 định biên, được bố trí trụ sở làm việc, một số chức danh cán bộ các phòng chức năng của huyện được lồng ghép tham gia ban lãnh đạo Hội…, vì thế Hội có đủ điều kiện để hoạt động hiệu quả.

Tính đến cuối năm 2020, Yên lập có 485 nạn nhân, trong đó 264 nạn nhân trực tiếp, 221 nạn nhân gián tiếp; có 354 người là hội viên của Hội. Năm qua, trong số 17 chi hội cơ sở, có 11 chi hội hoạt động tốt, 6 chi hội hoạt động khá. Dịp Tết Tân Sửu -2021, do có sự phối hợp giữa Hội NNCĐDC với Hội Chữ thập đỏ, Phòng Lao động TB và XH, Hội CCB, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… mà tất cả nạn nhân và hội viên đều được nhận quà với tổng cộng 485 suất, trị giá hơn 200 triệu đồng cùng 405 túi quà Tết, tổng trị giá 81 triệu đồng. Ngoài ra, Hội còn tặng quà bằng hiện vật cho một số đối tượng nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. Trước đó, 7 nạn nhân đã được Hội trao tặng xe lăn phục vụ sinh hoạt.

Xuất thân từ đồng ruộng, phục viên lại về với đồng ruộng trong vai trò người đứng đầu HTX nông nghiệp. Khi được nghỉ công tác lãnh đạo địa phương, CCB Hà Kim Duyệt lại trở về với thửa ruộng, mảnh vườn, vuông ao của mình, tự nguyện vừa tham gia công tác Hội mặc dù thù lao không có gì đáng kể. Không lương hưu, ông Duyệt chỉ có 2 khoản trợ cấp, gồm bệnh binh và nạn nhân chất độc da cam, tất cả được gần 5 triệu đồng/tháng. Để có thêm nguồn thu, ông bà Duyệt phát triển kinh tế gia đình theo mô hình VACR. Khoảnh vườn hơn 1ha có 500 cây bưởi quý. Vạt rừng 1,7 ha trồng cây keo, 6 sào ao thả cá, 10 sào ruộng cấy và nuôi gà, nuôi ong, ươm cây giống… Không tham vọng làm kinh tế, nhưng sản vật từ ruộng vườn chẳng những đủ để gia đình cựu chủ nhiệm HTX nông nghiệp chi dùng dư dả mà còn cho tích lũy mỗi năm dăm chục triệu đồng – ông Duyệt nói vui: Đó là “quỹ dưỡng già” của vợ chồng tôi!

Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân trong huyện đồng hành cùng Hội NNCĐDC/dioxin và Hội Chữ thập đỏ chăm sóc nạn nhân, người có hoàn cảnh khó khăn.

Trải qua bao thăng trầm đường đời, nhưng trên gương mặt CCB Hà Kim Duyệt ta khó đọc được nét phiền muộn, chỉ thấy ánh mắt, nụ cười lạc quan. Thăm trang trại của gia đình, mới thấy trong mỗi thành quả, từ ngôi nhà, mảnh vườn, đồi cây, ao cá… tất cả đều kết tinh trong đó bao mồ hôi, công sức của ông bà cùng cả gia đình đã đổ ra.

Ông Duyệt bên người vợ đảm đang, chu toàn của mình.

Là anh thượng úy phục viên chẳng có gì đáng để công thần, nhưng tôi tự hào về những năm tháng thanh xuân hiến dâng cho đất nước. Những năm tháng này, hàng ngày cố gắng sống vui vẻ; còn sức thì giúp con cháu việc ruộng vườn; đã tự nguyện tham gia công tác Hội thì làm đến nơi đến chốn - ông Duyệt chia sẻ như vậy sau khi chiêu ly rượu thuốc pha mật ong trong bữa thắng cố tự tay ông làm làm đầu bếp để đãi khách… Với chúng tôi, bài học từ Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Yên Lập: CCB Hà Kim Duyệt mà mình tiếp thu được là: hãy sống lạc quan và luôn nhiệt huyết trong công việc…

NGUYỄN SẢN

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác