Người đàn ông giàu nghị lực ấy là anh Đỗ Quang Hóa (SN 1978, ngụ ấp Vịnh, xã An Cơ, Châu Thành, Tây Ninh). Do ảnh hưởng từ người cha từng tham gia kháng chiến chống Mỹ bị nhiễm chất độc da cam. Khi mới chào đời, cậu bé Đỗ Quang Hóa đã có một thân hình không bình thường: đầu to, chân bé, lưng gù, chỉ riêng đôi mắt là tinh anh, lanh lợi. Hóa được gia đình cho đi học nhưng chỉ hết lớp 2 thì phải nghỉ vì sức khỏe quá èo uột. Thấy các bạn cùng trang lứa khỏe mạnh bình thường, cậu bé khuyết tật cũng chạnh lòng. Càng lớn, Hóa càng nung nấu ý nghĩ không thể để bản thân mình trở thành kẻ ăn bám gia đình. Năm 2001, chàng trai trẻ tật nguyền xin cha mẹ cho đi học nghề sửa chữa điện cơ tại cơ sở của một người bà con gần nhà. Sau 2 năm học nghề, nhờ sáng dạ lại chịu khó, Hóa đã thành thạo nghề, có thể tự tay quấn mô tơ, sửa chữa quạt, nồi cơm điện…
Anh Hóa (phía trái) đang hướng dẫn anh Trung quấn mô tơ |
Năm 2005, được cha mẹ ủng hộ, Hóa mở tiệm ngay tại nhà. Nghề dạy nghề, Hóa vừa làm vừa mày mò học hỏi, nghiên cứu, nhờ đó tay nghề mỗi ngày một nâng lên. Thấy anh thợ trẻ tính tình hiền lành làm ăn có uy tín, giá cả lại phải chăng nên người dân trong ấp ai có đồ điện bị hư hỏng là mang tới cho Hóa sửa chữa. Đến nay, hơn 10 năm trong nghề, Hóa đã tạo được cho mình chút vốn liếng, tuy không lớn nhưng cũng đủ bảo đảm một cuộc sống ổn định.
Bị tật nguyền từ nhỏ, Hóa thấu hiểu hơn ai hết, những khó khăn, vất vả của những người cùng cảnh ngộ. Vì thế anh luôn ấp ủ ý nguyện giúp đỡ họ. Anh nghĩ giúp họ cũng là giúp mình. Ý nguyện của Hóa đã thành hiện thực. Thông qua sự giới thiệu của ông Tư Doanh, Chủ tịch Huyện hội Châu Thành, tháng 5/2017, Hóa nhận lời dạy nghề miễn phí cho anh Nguyễn Văn Trung sinh năm 1967, ngụ ấp Chòm Dừa, xã Đồng Khởi. Anh Trung bị liệt cả hai chân, cũng do ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha. Tuy hai người sinh sống ở hai xã khác nhau và trước đó chưa hề quen biết nhau, nhưng ở họ có một điều trùng hợp là cùng chí hướng vươn lên để có thể nuôi sống bản thân và giúp đỡ người khác. Với kinh nghiệm của một người khuyết tật đã vượt qua được hoàn cảnh khó khăn, anh Hóa đã tận tình chỉ bảo cho anh Trung từng công việc, từng công đoạn. Được tiếp sức, anh Trung vốn thông minh, sáng dạ lại có ý chí vươn lên nên tay nghề càng ngày càng tiến bộ. Sau 3 tháng học nghề, anh Trung đã quấn được các loại môt tơ 1KW và biết sửa chữa những hỏng hóc thông thường của quạt điện, nồi cơm điện, bàn ủi… Biết gia đình anh Trung khó khăn hơn mình, anh Hóa còn hứa nếu chưa có vốn để mở tiệm thì cứ ở lại làm tại cơ sở của anh và sẽ được trả lương theo mức lương của thợ. Được biết tháng 5/2017, anh Trung đã mở tiệm tại nhà với số vốn đầu tư 10 triệu đồng do Tỉnh hội Tây Ninh hỗ trợ. Với cách làm ăn coi trọng chữ tín nên anh Trung được chính quyền địa phương, bà con lối xóm càng quan tâm, ủng hộ. Thu nhập chưa cao, chỉ tạm đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày, nhưng nụ cười lạc quan luôn thường trực trên gương mặt người đàn ông khuyết tật.
Lãnh đạo Tỉnh hội và Huyện hội hỗ trợ vốn cho anh Trung |
Anh Trung chia sẻ: “Những thành quả lao động mà tôi cũng như anh Hóa có được hôm nay so với người khác có thể là hết sức bình thường, nhưng với chúng tôi là thật sự ngọt ngào vì chúng tôi đã tự đứng lên bằng đôi chân tật nguyền của mình và giờ đây cả hai chúng tôi đã tìm thấy được sự bình yên trong tâm hồn. Tuy phía trước vẫn còn nhiều thử thách nhưng tôi rất mừng vì mình đã có được niềm vui trong công việc và nhận ra giá trị của cuộc sống”.
Chẳng có phép màu nào xảy ra đối với đôi chân bại liệt của hai anh Hóa và Trung, nhưng chính sự nỗ lực vươn lên của hai anh đã tạo nên “kỳ tích” mà không phải bất cứ ai trong hoàn cảnh tương tự cũng làm được.
Hà Quang
Bình luận