• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Tẩy độc dioxin cho nạn nhân

Năm nay đã 79 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Bé Bảy-thành viên Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP Hồ Chí Minh-vẫn đang phải đối mặt với nỗi đau dai dẳng do chất độc da cam/dioxin gây ra.

Tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, bà bị địch bắt, giam cầm, tra tấn hết sức dã man trong gần 6 năm rưỡi ở những trại giam khét tiếng, được gọi là những “địa ngục trần gian” như: Trại giam Chí Hòa, Nhà tù Côn Đảo... Nhưng những ngón đòn tra tấn cơ thể thừa sống thiếu chết ấy cũng không thể sánh bằng nỗi đau do chất độc da cam/dioxin gây ra cho bà và hai người con trong suốt nửa thế kỷ qua. Cả hai người con của bà đều không bình thường do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin từ mẹ. Người con trai bị khuyết tật nặng hơn, từ lúc sinh ra cho đaến khi qua đời, suốt 18 năm gần như chỉ ở trong bệnh viện nhi đồng để điều trị. Người con gái bị ảnh hưởng nhẹ hơn, nhưng đến nay cũng không thể có con vì buồng trứng bị biến dạng.

Thăm hỏi, tặng quà nạn nhân chất độc da cam. Ảnh minh họa: TTXVN

Bà Nguyễn Thị Bé Bảy là một trong số hàng triệu nạn nhân chất độc da cam do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 60% là chất độc da cam, chứa 366kg dioxin, tàn phá hơn 3 triệu héc-ta rừng, làm 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, với 3 triệu người đã trở thành nạn nhân của chất độc quái ác này, hàng trăm nghìn người thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba bị dị dạng, dị tật bẩm sinh. Đây là nỗi đau dai dẳng không chỉ với các nạn nhân mà với cả dân tộc Việt Nam cùng những người có lương tri tại Mỹ và trên toàn thế giới.

Suốt nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặt mối quan tâm hàng đầu cho công tác đền ơn đáp nghĩa với người có công, các chính sách với nạn nhân chất độc da cam. Mỗi năm, nước ta đã chi hàng trăm tỷ đồng cho các dự án nghiên cứu, khắc phục hậu quả chất độc da cam. Mỹ cũng đang rất tích cực giúp Việt Nam tẩy độc dioxin ở những khu vực được xác định bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nhưng những nỗ lực tẩy độc dường như đang chủ yếu tập trung cho môi trường, để chất độc da cam/dioxin tồn dư từ thời chiến không còn tiếp tục phơi nhiễm cho nhiều thường dân Việt Nam ngay cả khi chiến tranh đã lùi xa. Một câu hỏi lớn đang đặt ra với chúng ta: Liệu chúng ta có giải pháp nào để tẩy độc dioxin trực tiếp cho các nạn nhân chất độc da cam, ngăn chặn không để chất độc da cam/dioxin tiếp tục hủy hoại nạn nhân và con cháu họ?

Câu hỏi lớn ấy cũng đã được bà Nguyễn Thị Bé Bảy nêu ra trong nước mắt, khi nói chuyện với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong cuộc gặp mặt đầy cảm xúc tại Nhà Quốc hội, chiều muộn 10-4 vừa qua. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, đây luôn là vấn đề mà Đảng, Nhà nước ta quan tâm hàng đầu. Vấn đề này sẽ được chuyển tới Bộ Y tế và đưa ra thảo luận tại các cơ quan cao nhất của Đảng, Nhà nước để tìm giải pháp hữu hiệu.

Tẩy độc da cam/dioxin cho nạn nhân là vấn đề rất khó khăn, nhưng chúng ta cần tích cực tìm ra lời giải trong thời gian sớm nhất. Trong hành trình gian nan ấy, hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực của quốc tế, nhất là từ phía Mỹ, để không còn phải chứng kiến thêm những nỗi đau cả về thể xác và tinh thần do chất độc da cam/dioxin gây ra.

Nguồn : Báo Quân đội nhân dân

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Tối 24-4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền ...