• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Thủ tướng: Ai không tiêm vaccine phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình

Sáng nay (10/12), chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với 63 Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị thần tốc hơn nữa trong việc thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19.

Sau gần 2 tháng triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ, đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương. So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng tăng 10%, số tử vong tăng hơn 24%, số ca nặng, nguy kịch tăng hơn 16%.

Phân tích về nguyên nhân tử vong tăng trong thời gian vừa rồi, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Tăng ca mắc, tử vong chủ yếu là người cao tuổi, trên người bị bệnh nền, và số bị bệnh nền này đa phần là do chưa tiêm vaccine. Đây chính là vấn đề chúng tôi cho rằng các địa phương hết sức quan tâm tới, nhất là nhóm người trên 50 tuổi và vẫn còn tình trạng một vài nơi phát hiện muộn và tiếp cận điều trị còn chưa được kịp thời”.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, sau 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, chúng ta đã từng bước hoàn thiện các biện pháp phòng chống dịch. Tình hình dịch bệnh trên phạm vi cả nước đang kiểm soát được, kinh tế - xã hội đang từng bước phục hồi trên tất cả các lĩnh vực. Thay mặt Ban Chỉ đạo, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của các Ban Chỉ đạo địa phương, các cấp, đặc biệt sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128.

Điều này chứng minh Nghị quyết được ban hành kịp thời, hiệu quả, sát thực tế, được kiểm nghiệm qua thực hiện 2 tháng nay là “đúng, trúng”, từng bước thu được kết quả tốt. Tuy nhiên, số ca mắc, ca chuyển nặng, ca tử vong vẫn diễn biến phức tạp, có ngày tăng lên, đặc biệt ở các địa phương phía Nam.

Thủ tướng cũng chỉ rõ nguyên nhân như có nơi có lúc còn lơ là, chủ quan, thiếu cảnh giác, thoả mãn với cái đạt được. Có quan niệm sai lầm là có vaccine rồi thì không thể nhiễm Covid-19 nữa. Vấn đề này cần phải tuyên truyền rõ để nâng cao ý thức của người dân.

Dự báo thời gian tới, diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, đặc biệt là các ca chuyển nặng và các ca tử vong còn cao ở các tỉnh phía Nam, có thể diễn biến phức tạp ở miền Trung và miền Bắc, do đó phải có dự báo sớm để tránh bị động, bất ngờ. Bên cạnh đó, chủng virus mới Omicron vẫn đang còn nhiều dự báo về tốc độ lây lan và nguy hiểm.

Về mục tiêu, Thủ tướng đề nghị phải nâng cao tính dự báo, cảnh báo, cảnh giác với các biến chủng mới, nâng cao tính ứng biến của từng địa phương; phải giảm tối đa số mắc, số chuyển nặng, và ca tử vong.

Đặc biệt về vấn đề tiêm vaccine Thủ tướng yêu cầu thần tốc hơn nữa trong việc thực hiện chiến dịch vaccine. Bộ Y tế hướng dẫn bảo đảm tiêm vaccine an toàn, hợp lý, khoa học, hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, khắc phục các sự cố vừa qua như bảo quản, tiêm. Tinh thần đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để “tiêm vét” từng người. Ai không tiêm phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, nếu để lây nhiễm ra cộng đồng phải bị xử lý bằng pháp luật.

“Phấn đấu đến ngày 15/12 tới tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên, chậm nhất 31/12 phải hoàn thành; khẩn trương tiêm mũi thứ 3 cho các đối tượng cần thiết, cố gắng hoàn thành trong quý I năm 2022. Với trẻ em từ 12 – 18 tuổi cố gắng phấn đấu đến ngày 31/1 năm sau hoàn thành tiêm 2 mũi để các cháu yên tâm đi học trở lại. Với các cháu từ 5 – 12 tuổi, Bộ Y tế khẩn trương xin ý kiến các cấp có thẩm quyền, khuyến cáo của các tổ chức y tế và tham khảo kinh nghiệm các nước để tiến hành tiêm sớm nhất có thể, phấn đấu hoàn thành tiêm trong quý I năm sau nếu được cấp có thẩm quyền cho phép” - Thủ tướng yêu cầu.

Về các biện pháp tới đây, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhưng cũng không được lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh, mất kiên định, lập trường. Đặc biệt nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống dịch, kiên trì quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Tiếp tục hoàn thiện Nghị quyết 128 phù hợp tình hình và diễn biến dịch bệnh, linh hoạt, an toàn; kiên trì, nhất quán thực hiện việc này trên cả nước, nếu thấy điểm nào chưa phù hợp thì gửi văn bản lên Ban Chỉ đạo Quốc gia để xem xét điều chỉnh. Khi thực hiện, các địa phương không được ban hành các văn bản trái với Nghị quyết này.

Cần kiên trì thực hiện 3 trụ cột là cách ly, xét nghiệm, điều trị, thực hiện công thức 5k + Vaccine, thuốc + Biện pháp điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân + biện pháp khác như đông tây y kết hợp, kinh nghiệm quốc tế, phối hợp hài hoà chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Bộ Y tế hướng dẫn việc tự xét nghiệm, không được để thiếu vaccine. Tiếp tục thúc đẩy công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân chữa trị các loại bệnh khác cùng với điều trị Covid-19.

Đẩy mạnh, tích cực hơn nữa nghiên cứu, chuyển giao công nghiệp, sản xuất vaccine trong nước; Bộ Y tế khẩn trương rà soát các thủ tục hành chính nhanh nhất có thể, nhưng phải bảo đảm vaccine an toàn, hiệu quả vì tính mạng, sức khoẻ của người dân là trên hết. Tỉnh nào thiếu lực lượng tiêm vaccine thì phải báo cáo ngay với Ban Chỉ đạo, Chính phủ để điều lực lượng hỗ trợ.

Về thuốc điều trị Covid-19 Thủ tướng yêu cầu: “Phải đáp ứng ngay về thuốc chữa bệnh, đề nghị Bộ Y tế thúc đẩy sản xuất thuốc trong nước; cấp phép sản xuất bảo đảm công bằng, dân chủ, khách quan, tránh lợi ích nhóm, tránh “chạy chọt”; nỗ lực để sớm có ngay thuốc điều trị Covid-19 cho nhân dân. Việc nhập khẩu thuốc điều trị Covid-19 cần hệ thống lại về số lượng, chủng loại, thời gian, đối tượng; các địa phương phải hết sức chi tiết, cụ thể thì Bộ Y tế mới tập hợp để có kế hoạch nhập khẩu”.

Thủ tướng yêu cầu, các địa phương phải cân đối nguồn lực để tăng cường năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở. Các tỉnh, thành phố rà soát, thực hiện công tác an sinh xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ; chỗ nào làm chưa tốt phải kiểm điểm trách nhiệm; không để người dân “thiếu ăn, thiếu mặc”, không được chăm sóc y tế. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải chăm lo việc bảo đảm an sinh xã hội gắn với khôi phục thị trường lao động; phối hợp Bộ Y tế đề xuất chính sách cho các lực lượng tuyến đầu.

Từng bước khôi phục đường bay quốc tế trên tinh thần bảo đảm an toàn; có lộ trình, bước đi phù hợp, đặc biệt là cảnh giác, đề phòng với các biển chủng virus mới. Có kế hoạch cho công tác tuyên truyền, không để khủng hoảng truyền thông; kêu gọi, huy động người dân tham gia phòng chống dịch.

Về sản xuất kinh doanh, các địa phương phải bàn bạc, đối thoại với các doanh nghiệp; kêu gọi người dân, công nhân đồng tình với các biện pháp phòng dịch. Các khu công nghiệp phải triển khai các trạm xá, trạm y tế lưu động; đề xuất làm thêm các khu nhà ở cho công nhân. Thủ tướng đề nghị tiếp tục hoàn thiện công nghệ, đây là thời cơ thúc đẩy chuyển đổi số, “biến nguy thành cơ”. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chống tham nhũng tiêu cực trong quá trình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Tài chính rà soát, các địa phương nào quá khó khăn thì phải giúp đỡ, nhưng phải tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm đúng đối tượng./.

Nguồn: VOV

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Lãnh đạo TW Hội: Thăm, chúc sức khỏe nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch danh dự của Hội

    Lãnh đạo TW Hội: Thăm, chúc sức khỏe nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch danh dự ...

    Thực hiện chương trình công tác đầu năm, nhân dịp đón Xuân mới Ất Tỵ 2025, Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và đoàn cán bộ của TW Hội đã đến thăm, chúc sức khỏe bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch ...