Hội nghị vinh dự được đón ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Duy Cường, Phó ban Dân vận Tỉnh ủy và đại diện các sở, ngành liên quan trong tỉnh cùng 60 nạn nhân chất độc da cam điển hình trong vượt khó.
Sau lời khai mạc của Chủ tịch Hội tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Hữu Quyết, Phó Chủ tịch Tỉnh hội trình bày báo cáo “Di chứng da cam, vượt qua nỗi đau và trách nhiệm của toàn xã hội”. Bài viết đề cập đến những thảm họa do chất độc hóa học để lại cho môi trường và con người sau chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt là di chứng chất độc da cam đã và đang dạy vò về tinh thần, thể xác của hơn 4,8 triệu người dân Việt Nam. Trong nỗi đau tột cùng đó, thì có rất nhiều NNCĐDC đã vượt qua bệnh tật để vươn lên trong cuộc sống, mà tiêu biểu là 60 gương điển hình có mặt tại hội nghị.
Hội nghị nghe bà Trần Thị Hồng Minh, vợ một NNCĐDC đang sống tại huyện A Lưới kể về quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng chồng và đứa con trai bị dị tật xương đùi bẩm sinh, tâm thần không ổn định do nhiễm chất độc da cam từ người cha. Hiện nay, người chồng đã bị liệt toàn thân, con trai bệnh tình không thuyên giảm. Ngoài việc nuôi dưỡng, chăm sóc cho 2 nạn nhân và lo toan cho cuộc sống gia đình, bà Minh đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại xã, huyện, hiện bà là Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin xã Hồng Vân, nguyên là đại biểu HĐND huyện khóa 9, nhiệm kỳ 2004-2011.
Ông Tạ Quang Tâm là NNCĐDC tại xã Phong Sơn, huyện Phong Điền đã báo cáo trước hội nghị quá trình vượt khó vươn lên để tạo dựng cuộc sống cho gia đình. Hiện nay gia đình ông đã có một trang trại nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây lấy quả, xây được nhà ngói khang trang, mua xe ô tô để kinh doanh vận tải… thu nhập trung bình 200 triệu đồng/năm. Không những vậy, gia đình ông đã cùng với chính quyền địa phương góp công, góp sức giúp đỡ cho một số gia đình khác bị di chứng da cam như hoàn cảnh của ông để cải thiện cuộc sống gia đình họ.
Hoàn cảnh của ông Nguyễn Thanh Phước ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy thì đặc biệt hơn, bản thân ông là NNCĐDC, phải nuôi dưỡng 4 người con trai bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Cả 4 người con đều bị chứng bệnh tâm thần, không học hành, không biết đọc, biết đếm; chỉ biết cười, nhưng là những tiếng cười vô cảm. Vợ ông do gánh vác những vất vả, khó khăn kéo dài suốt mấy chục năm qua hiện nay cũng nằm liệt một chỗ. Mọi sinh hoạt trong gia đình bây giờ chỉ mình ông cáng đáng.
Ba hoàn cảnh trên chỉ là con số rất nhỏ trong số những NNCĐDC vượt khó trên địa bàn tỉnh. 60 điển hình được tôn vinh hôm nay, mỗi người có những nỗi đau, niềm day dứt, nỗi khổ riêng nhưng họ đều có chung ý trí kiên cường, nỗ lực vượt qua khó khăn để chăm sóc, nuôi dưỡng chồng, vợ, con, cháu bị di chứng, dị tật do chất độc hóa học gây ra, họ đã vượt qua đói nghèo, hòa nhập cộng đồng.
Hành trình của họ đã nhận được sự đồng hành, giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức, nhà hảo tâm…động viên, hỗ trợ họ khắc phục bệnh tật, tạo vốn làm ăn để từng bước tự trang trải, vươn lên trong cuộc sống.
Phó Bí thư thường trực Phan Ngọc Thọ chụp ảnh lưu niệm với đại biểu |
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Ngọc Thọ, đánh giá cao những nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức…trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế đã luôn động viên, giúp đỡ cả về tinh thần, vật chất cho các NNCĐDC và gia đình họ. Ông nhấn mạnh: giúp đỡ cho NNCĐDC là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các ngành và của toàn xã hội. Ông đánh giá rất cao những tấm gương vượt khó của những NNCĐDC và đặc biệt biểu dương 60 nạn nhân có mặt trong hội nghị lần này.
Ông Phan Ngọc Thọ, đề nghị các cấp Hội NNCĐDC/dioxin tiếp tục quan tâm hơn nữa, kêu gọi nhiều hơn nữa các nguồn lực trong xã hội để giúp đỡ cho hơn 17.700 trường hợp bị phơi nhiễm chất độc hóa học trên đị bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông hy vọng, trong những năm tới, các cấp Hội sẽ nhân rộng hơn nữa các gương điển hình, các mô hình sáng tạo của các nạn nhân và gia đình nạn nhân da cam vượt khó, vươn lên./.
Bình luận