• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với việc rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên

13h38 phút, ngày 19 tháng 7 năm 2024, trái tim của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ngừng đập. Đồng chí đi về cõi vình hằng cùng với Bác Hồ và các vị tiền bối của cách mạng Việt Nam. Một nhân cách lớn, nhà lý luận xuất sắc, nhà lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân của Đảng ta không còn nữa, để lại tiếc thương khôn nguôi cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và bạn bè quốc tế. Tổng Bí thư ra đi nhưng tư tưởng của đồng chí vẫn còn nguyên giá trị trong công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là trong rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên.  

      Là người đứng đầu Đảng ta nhiều khóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hết sức coi trọng công tác xây dựng Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng, coi đó là “cái gốc” để Đảng ta xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân. Trước tác động của quá trình hội nhập quốc tế, mặt trái cơ chế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch đã làm cho giá trị đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ giữ trọng trách quan trọng trong hệ thống chính trị bị chi phối, “nhúng chàm”, nhiều người không giữ được phẩm chất cách mạng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, tiêu cực, nhận hối lộ, không còn đặt lợi ích của Tổ quốc, Nhân dân lên trên hết nữa, gây sự phản cảm, bức xúc trong Nhân dân và trong đời sống xã hội.

Trăn trở trước tình hình đó, Tổng Bí thư luôn ưu tiên trong công tác lãnh đạo của mình đối với việc rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Là người khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng từ Đại hội XI đến nay, Tổng Bí thư xác định đây là cuộc đấu tranh hết sức cam go, phức tạp, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, tinh thần trách nhiệm phải lớn, sự nêu gương phải trở thành lẽ sống cao thượng hàng ngày, “trên làm gương tích cực, dưới mẫu mực làm theo”. Việc loại bỏ những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, tham nhũng, tiêu cực phải làm cương quyết, không chừa một ai, dù ở cương vị nào. Làm được như vậy, như “loại bỏ một cành sâu để cứu một thân cây” đang trong quá trình phát triển, đảm bảo cho Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh”, xứng tầm là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đáp ứng được kỳ vọng của Nhân dân và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Để việc rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên mang lại hiệu quả tích cực, đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra các quyết sách lãnh đạo nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ tình hình trong Đảng thông qua các chỉ thị, quy định vừa có tính nhân văn sâu sắc nhưng cũng thể hiện tính cương quyết, bản lĩnh của một Đảng trước những khó khăn, phức tạp cần phải đổi mới, chỉnh đốn. Trong đó, phải kể đến Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định số 144), v.v. Ở mỗi thời điểm, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cùng tình hình thực tiễn trong Đảng và trong xã hội thì việc rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên đặt ra những yêu cầu mới thiết thực và cụ thể hơn; gắn xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động”, thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Ngoài việc cùng tập thể xác định chủ trương, biện pháp rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư còn có nhiều bài viết sắc sảo thể hiện trình độ lý luận kiệt xuất của đồng chí về lĩnh vực này được các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng nghiên cứu, quán triệt. Nhiều câu nói bất hủ của đồng chí đã trở thành câu triết lý để cán bộ, đảng viên suy ngẫm và noi theo. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính năm 2021, Tổng Bí thư nói: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”.  Tại cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”, đồng chí nhấn mạnh: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống”, v.v. Muốn chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả phải xử lý triệt để “cái gốc, cái cơ bản”, đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Chính vì vậy, Tổng Bí thư thường xuyên nhắc nhở, căn dặn cán bộ, đảng viên: Danh dự gắn liền với trọng liêm sỉ. “Liêm” chính là sự thanh liêm, chính trực, ngay thẳng, đó là sự trong sạch, tuyệt đối không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của Nhân dân; không hám danh lợi, địa vị, không ham tiền tài, danh vọng, không đố kỵ, toan tính lợi ích nhỏ nhen, ích kỷ; không làm điều mờ ám, khuất tất, trái với đạo lý, lương tâm, nguyên tắc, quy định; biết phân biệt đúng sai, tốt, xấu, biết tự cảnh báo giới hạn, răn dạy mình tránh những điều xấu xa, tội lỗi... “Liêm” là thước đo đạo đức và bản lĩnh của người cán bộ, nhất là khi được Đảng, Nhà nước giao chức vụ, quyền hạn lãnh đạo, quản lý, nắm quyền, nắm tiền của, tài sản công. “Sỉ” là biết hổ thẹn khi làm việc xấu, làm sai, làm trái; là thước đo giá trị xã hội của mỗi người. Người giữ liêm sỉ thì luôn giữ cho nhân cách mình được vẹn toàn, thanh danh mình được trong sạch, không bị “vấy bẩn” bởi lòng tham “chiếm công vi tư”. Người vô liêm sỉ là người không biết trọng danh dự, có thái độ, hành vi trái với đạo đức, tư cách, lương tâm, danh dự của con người.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì Phiên họp thứ 21 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thấm nhuần, quán triệt quan điểm, ước nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay, mỗi chúng ta cần thể hiện rõ phẩm chất cách mạng của người đảng viên cộng sản, trước mắt là phải nắm vững, hiểu sâu và có quyết tâm thực hiện tốt Quy định số 144 của Bộ Chính trị mà đồng chí Tổng Bí thư vừa ký ban hành trước lúc Người đi xa. Điều đó được thể hiện trên một số vấn đề cốt lõi sau đây:

Một là, trong bất luận hoàn cảnh nào cũng phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; nêu cao tinh thần yêu ước, lòng tự hào dân tộc; gắn bó mật thiết với nhân dân, có niềm tin vào sức mạnh của quần chúng nhân dân; việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa lợi ích trước mặt và mục tiêu chiến lược lâu dài. Đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân lên trên hết, trước hết; kiên quyết, kiên trì đấu tranh với mọi hành vi gây phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân; có quan điểm rõ ràng trước cái đúng, cái sai và có hành động cương quyết bảo vệ chân lý, lẽ phải trước những diễn biến phức tạp của tình hình và âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.

Hai là, kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới của Đảng và các nguyên tắc xây dựng Đảng. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ý chí vươn lên, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân. Đẩy mạnh học tập, nghiên cứu nâng cao kiến thức, kỹ năng; năng lực công tác, làm việc trong môi trường quốc tế. Tích cực tham gia quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng theo đường lối đối ngoại của Đảng phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ba là, có ý chí, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao trong công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo. Quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, đúng quy định; tiết kiệm và hiệu quả; không xa hoa, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và các nguồn lực vật chất khác của tập thể và cá nhân. Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh. Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực

Bốn là, luôn luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất  trong nội bộ; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện chia rẽ, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm. Nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ cương, nhất là kỷ luật phát ngôn.  Sống có nghĩa tình, chân thành, thương yêu, đối xử, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp; khiêm tốn, cầu thị, giản dị. Nói đi đôi với làm; nói và làm theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành các quy định của cơ quan, đơn vị. Kiên quyết đấu tranh, phê phán mọi hành vi né tránh, đùn đẩy hoặc có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh là khâu then chốt của then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Chúng ta luôn khắc sâu lời dạy của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về rèn luyện đạo đức, lối sống trong mỗi cán bộ, đảng viên, từ đó có kế hoạch rèn luyện phù hợp, hiệu quả, góp phần xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng trong sự nghiệp đổi mới, xây dụng và bảo vệ Tổ quốc./.

 Thiếu tướng, TS Đỗ Hồng Lâm
Phó Chủ tịch Thường trực Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam

 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác