• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

TỔNG QUAN KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VÀ TRIỂN VỌNG CỦA VIỆC TẨY ĐỘC DIOXIN TRONG ĐẤT VÀ TRẦM TÍCH Ở VIỆT NAM

Trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng hơn 71,7 triệu lít chất độc có lẫn tạp chất dioxin, gây ô nhiễm nhiều vùng ở Việt Nam.

Đặc biệt, Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát và A So với tổng số gần 735.000 m3 đất, trầm tích bị ô nhiễm. Với sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ Quốc phòng Việt Nam và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đến nay, Việt Nam đã cô lập và chôn lấp hơn 220.990 m3 đất nhiễm chất độc da cam/dioxin tại các sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát, hoàn thành việc khắc phục hậu quả. 94.593 m3 đất nhiễm chất độc da cam / dioxin bằng phương pháp giải hấp nhiệt trong mố (IPTD) tại sân bay Đà Nẵng và đang xử lý 35.000 m3 đất nhiễm chất độc da cam/dioxin tại A So bằng công nghệ cô lập và chôn lấp. Trong tương lai, toàn bộ vùng đất bị ô nhiễm chất độc da cam/ dioxin ở Việt Nam cần được khắc phục hoàn toàn bằng một công nghệ phù hợp. Nhiều nghiên cứu và thử nghiệm đã được thực hiện để lựa chọn công nghệ xử lý loại bỏ hoàn toàn chất độc da cam/dioxin. Trong đó, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã đánh giá và lựa chọn công nghệ gia nhiệt dẫn nhiệt (TCH) là công nghệ phù hợp nhất để xử lý đất và trầm tích ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa.

1. MỞ ĐẦU

Trong chiến tranh từ năm 1961 đến 1971, Quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 80 triệu lít chất diệt cỏ tại miền Nam Việt Nam ở chiến dịch Ranch Hand, để làm rụng lá các cánh rừng và phá hủy mùa màng [3]. Trong đó, có hơn 71,8 triệu lít chất da cam, chất trắng, chất xanh, chất tím và chất hồng được pha chế từ các hợp chất của 2,4-diclophenoxyaxetic axit (2,4-D); 2,4,5-triclophenoxyaxetic (2,4,5-T) và picloram [3], [6], [8]. Năm 1969, Viện Y tế quốc gia Mỹ đã công bố các bằng chứng cho thấy, 2,4,5-T là một tác nhân gây quái thai và sau đó được phát hiện là do dioxin. Dioxin có hàm lượng xấp xỉ 30 ppm trong các mẫu 2,4,5-T, là tạp chất sinh ra trong quá trình tổng hợp 2,4,5-T [7], [8]. Ước tính tổng lượng dioxin trong các chất diệt cỏ có chứa 2,4,5-T được sử dụng ở Việt Nam là khoảng từ 130 kg đến 144 kg [2], [6].

Theo điều tra của Ủy ban 10-80, ở Việt Nam có 28 điểm nóng ô nhiễm dioxin bao gồm những Sân bay quân sự và Sân bay dã chiến đã từng được sử dụng trong chiến dịch phun rải chất diệt cỏ. Trong đó, các sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát và A So là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của chất da cam/dioxin có nồng độ ô nhiễm dioxin cao hơn giới hạn cho phép, sự ô nhiễm dioxin tại các khu vực này có những tác động tiêu cực đến môi trường và con người trước mắt và lâu dài. Tổng lượng đất ô nhiễm dioxin tại bốn Sân bay trên khoảng 735.000 m3 [2], [3], [6], [8].

Với sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ Quốc phòng Việt Nam và sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (NDP); Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID); The Ford Foundation - Quĩ Ford; Cục Hợp tác về phát triển Cộng hòa Séc vv…) và từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Đến nay, Việt Nam đã chôn lấp cô lập được hơn 220.990 m3 đất nhiễm da cam/ dioxin tại Sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát; xử lý triệt để được 94.593 m3 đất nhiễm da cam/dioxin bằng Hệ thống giải hấp nhiệt trong mố (IPTD) ở Sân bay Đà Nẵng [5]; đang tiến hành xử lý khoảng 35.000 m3 đất nhiễm dioxin tại Sân bay A So bằng công nghệ chôn lấp cô lập.

Hình 1. Mật độ phun rải chất diệt cỏ trong chiến tranh ở Việt Nam

Tuy nhiên, lượng đất đã được xử lý triệt để dioxin mới chỉ là một phần nhỏ so với tổng lượng đất ô nhiễm cần được xử lý. Công nghệ chôn lấp cô lập mới chỉ ngăn chặn không cho chất da cam/dioxin phát tán ra môi trường xung quanh. Trong tương lai, toàn bộ đất nhiễm da cam/dioxin ở Việt Nam phải được xử lý triệt để bằng các công nghệ phù hợp.

2. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC CỦA VIỆC TẨY ĐỘC DIOXIN TRONG ĐẤT VÀ TRẦM TÍCH Ở VIỆT NAM

2.1. Sân bay Biên Hòa

Sân bay Biên Hoà là căn cứ lớn nhất của Chiến dịch Ranch Hand, nơi lưu trữ và sử dụng 170.000 thùng chất diệt cỏ, mỗi thùng chứa 208 lít. Trong đó, có 98.000 thùng chất độc da cam, 45.000 thùng chất trắng và 16.000 thùng chất xanh [1].

Từ năm 1990 đến nay, Việt Nam đã tiến hành nhiều Dự án nhằm đánh giá và phân tích mức độ ô nhiễm dioxin tại Biên Hòa. Mẫu đất đầu tiên được thu thập và phân tích bởi Viện Hàn lâm Khoa học Nga có nồng độ dioxin là 59.000 ppt. Các nghiên cứu sau đó cho thấy, mẫu đất có nồng độ dioxin trung bình là 35.865 ppt và điểm đặc biệt nồng độ dioxin lên tới 1.180.738 ppt [1].

Từ năm 2006 đến năm 2009, Binh chủng Hóa học/Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tiến hành Dự án XĐ-1 để xử lý hơn 94.000 m3 đất nhiễm dioxin ở nồng độ cao bằng công nghệ chôn lấp cô lập. Trong số đó, có hơn 3.500 m3 được xử lý bằng công nghệ chôn lấp kết hợp với xử lý vi sinh. Tiếp đó, từ năm 2014 đến năm 2016, Binh chủng Hóa học đã tiến hành chôn lấp cô lập 51.516 m3 đất nhiễm dioxin tại bãi chôn lấp XĐ-2 nằm lền kề với bãi chôn lấp XĐ-1. Trong đó, 33.516 m3 đất nhiễm tại khu vực Nam Sân bay có nồng độ dioxin từ 1.275 ppt đến 65.500 ppt, 18.000 m3 ở khu Nam Z1 có nồng độ dioxin từ 375 ppt đến 13.000 ppt. Các kết quả của Dự án cho thấy đã ngăn chặn có hiệu quả sự lan tỏa của chất da cam/dioxin ra môi trường xung quanh của Sân bay.

Theo kết quả đánh giá toàn diện nhất về ô nhiễm dioxin tại khu vực Sân bay Biên Hòa của USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam (hình 2) cho thấy, tổng lượng đất và trầm tích nhiễm dioxin ước tính khoảng từ 408.500 m3 đến 495.300m3. Trong đó, 95% đất và trầm tích bị nhiễm nằm trong sân bay, tập trung ở khu Pacer Ivy (40 %), Z1 (30 %) và Tây Nam (10 %) [5].

Ở khu vực Pacer Ivy, nhiều vị trí có mức độ ô nhiễm dioxin trong đất và trầm tích vượt quá giới hạn quy định của Việt Nam. Đặc biệt là dọc theo ranh giới phía tây Sân bay, nồng độ dioxin cao nhất trong khu vực này đạt 11.400 ppt, ở độ sâu từ 30 - 60 cm dưới mặt đất. Ngoài ra, ô nhiễm dioxin có tình trạng lan tỏa ra ngoài khu vực Sân bay dọc theo con kênh thoát nước ở phía tây khu Pacer Ivy, nồng độ dioxin cao nhất đạt 3.370 ppt [4], [5].

Hình 2. Bản đồ các khu vực lấy mẫu tại sân bay Biên Hòa [4]

Khu Z1 có nồng độ dioxin tương đối thấp, nồng độ dioxin tối đa trong đất và trầm tích ở ngoài bãi chôn lấp lần lượt là 901 ppt và 1.578 ppt, ở độ sâu từ 15 - 30 cm. Nồng độ dioxin trong bãi chôn lấp khoảng 1.510 ppt, thấp hơn so với dự kiến khi mà đất được đưa vào bãi chôn lấp lên tới 262.000 ppt. Đây là một kết quả khả quan, chứng tỏ việc di dời đất ô nhiễm và xây dựng bãi chôn lấp đã làm giảm đáng kể nồng độ dioxin nói chung ở khu Z1 [1], [4], [5].

Khu vực Tây Nam có mức độ ô nhiễm dioxin cao nhất, có những điểm đạt 110.000 ppt. Đặc biệt, ở những điểm lấy mẫu có độ sâu từ 120 - 150 cm vẫn còn nồng độ dioxin khoảng 2.680 ppt [4]. Hai trong ba đơn nguyên ô nhiễm dioxin ở khu vực Tây Nam đã được Binh chủng Hóa học/Bộ Quốc phòng Việt Nam xử lý bằng công nghệ chôn lấp cô lập trong Dự án XĐ-2.

Ngoài các khu vực trên, ở khu vực Tây Bắc, Đông Bắc và một số điểm ở khu ZT có nồng độ dioxin trên ngưỡng xử lý. Các khu Đông Nam và Rừng cây phía bắc và khu ngoai Sân bay có nồng độ dioxin thấp.

Kết quả phân tích các mẫu trầm tích được lấy tại 25 ao hồ trong Sân bay Biên Hòa cho thấy, 16/25 ao hồ có nồng độ dioxin vượt ngưỡng 150 ppt. Các hồ ở Pacer Ivy và khu Đông bắc có nồng độ dioxin cao nhất được phát hiện lần lượt là 5.410 ppt và 1.300 ppt. [4], [5]. Trong đó, đầu năm 2021, toàn bộ 1.200 m3 trầm tích tại hồ Cổng 2 đã được bốc xúc đến khu vực xử lý tiếp theo tại sân bay Biên Hòa, giải phóng và phục hồi toàn bộ diện tích bề mặt hồ Cổng 2, đáp ứng tiêu chuẩn về ngưỡng dioxin của Việt Nam.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã xác định thêm ba khu vực ngoài Sân bay Biên Hòa có nồng độ dioxin trong đất và trầm tích khá cao, lần lượt là 1.751 ppt, 4.023 ppt và 4.023 ppt. Tổng khối lượng đất ô nhiễm dioxin ở ba khu vực này khoảng 7.510 m3 [5].

Như vậy, tình hình xử lý ô nhiễm dioxin tại Biên Hòa sẽ rất tốn kém và phức tạp, cần tiếp tục quan trắc đánh giá môi trường, khoanh vùng khu vực ô nhiễm dioxin; chống lan tỏa dioxin ra môi trường xung quanh; lựa chọn công nghệ và xử lý triệt để dioxin phù hợp với điều kiện Việt Nam.

2.2. Sân bay Đà Nẵng

Sân bay Đà Nẵng là một trong những căn cứ then chốt của Chiến dịch Ranch Hand, nơi có hoạt động phun rải và cất giữ số lượng lớn chất diệt có chỉ sau Sân bay Biên Hòa. Quân đội Hoa Kỳ đã cất giữ và sử dụng 94.900 thùng chất diệt cỏ. Trong đó, có 52.700 thùng chất độc da cam, 29.000 thùng chất trắng và 5.000 thùng chất xanh [1].

Kết quả phân tích của Công ty Hatfield thực hiện năm 2010 cho thấy, khu vực kho chứa và bãi nạp rửa đất có nồng độ dioxin cao nhất tại Sân bay Đà Nẵng. Nồng độ dioxin cao nhất phát hiện được tại khu vực nạp rửa là 365.000 ppt, vượt giá trị giới hạn hơn 365 lần. Ở khu kho chứa, một số mẫu đất được phân tích có nồng độ dioxin là 20.600 ppt [1]. Dioxin cũng được phát hiện trong các mẫu nước ngầm với nồng độ 0,86 ppt, điều này chứng tỏ dioxin đã ngấm sâu vào mạch nước ngầm.

Từ năm 2012 đến năm 2018, USAID đã phối hợp với Bộ Quốc phòng Việt Nam xử lý 152.567 m3 đất và trầm tích bị nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Trong đó, 94.593 m3 đất và trầm tích có nồng độ dioxin trong khoảng từ 1.038 ppt đến 39.252 ppt được xử lý triệt để bằng Hệ thống IPTD của Công ty Terra Therm qua hai Giai đoạn. Kết quả phân tích mẫu đất sau xử lý cho thấy, mẫu đất sau xử lý Giai đoạn 1 có nồng độ dioxin thấp hơn 100 ppt, mẫu đất sau xử lý Giai đoạn 2 có nồng độ dioxin thấp hơn 30 ppt. Kết quả này đã vượt mục tiêu của Dự án đề ra ban đầu là đất sau xử lý đạt 150 ppt. Khối lượng đất ô nhiễm còn lại là 67.974 m3 có nồng độ dioxin dưới 1.200 ppt được chôn lấp cô lập tại khu vực EVSA (Excess Volume Storage Area) của Sân bay, nhằm ngăn chặn tác động lâu dài đến sức khỏe con người và môi trường. Tuy nhiên, khu vực chôn lấp cô lập cần được giám sát theo định kỳ 6 tháng một lần để đảm bảo không có sự phát tán dioxin ra môi trường, đất ô nhiễm cần tiếp tục được xử lý triệt để khi lựa chọn được công nghệ phù hợp.

2.3. Sân bay Phù Cát

Sân bay Phù Cát thuộc tỉnh Bình Định là căn cứ của Chiến dịch Ranch Hand từ năm 1968 đến 1970. Sân bay này từng được sử dụng để cất giữ 28.900 thùng chất diệt cỏ, trong đó có 17.000 thùng chất da cam, 9.000 thùng chất trắng và 2.900 thùng chất xanh.

Từ năm 1999, Việt Nam đã tiến hành điều tra tồn lưu dioxin tại Sân bay này và phát hiện khu vực bị ô nhiễm dioxin có diện tích khoảng 2.000 m2, nồng độ dioxin cao nhất tại khu vực kho chứa là 49.500 ppt, nồng độ trung bình là 11.400 ppt, nồng độ dioxin ở độ sâu 90 cm là 926 ppt [1], [3]. Sau đó, Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 cùng Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga và Hatfield đã xác định thêm một diện tích nhiễm dioxin rộng 400 m2, nồng độ dioxin cao nhất được tìm thấy là 89.879 ppt nồng độ dioxin trung bình là 3.000 ppt. Tại một số hồ trong Sân bay, nồng độ dioxin trong trầm tích trong khoảng từ mức không thể xác định cho đến 127 ppt [4]. Tổng lượng đất và trầm tích bị nhiễm da cam/dioxin tại Sân bay Phù Cát là 7.500 m3 [1], [4].

Năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức, hợp tác với UNDP và Quĩ Môi trường Toàn Cầu (GEF) xử lý được toàn bộ lượng đất và trầm tích bị nhiễm chất độc da cam/dioxin tại Sân bay Phù Cát bằng công nghệ chôn lấp [1], [3]. Tuy nhiên, khu vực chôn lấp cô lập cần được giám sát theo định kỳ 6 tháng một lần để đảm bảo không có sự phát tán dioxin ra môi trường, đất ô nhiễm cần tiếp tục được xử lý triệt để khi lựa chọn được công nghệ phù hợp.

2.4. Sân bay A So

Sân bay A So thuộc huyện A Lưới là huyện vùng cao của tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong chiến tranh, từ năm 1963 đến năm 1966, Mỹ đã sử dụng thung lũng A So làm Sân bay dã chiến, lưu trữ 7.900 thùng chất diệt cỏ và là trạm trung chuyển để Không quân Mỹ đi phun rải chất diệt cỏ ở khu vực miền Trung. Do đó, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và huyện A Lưới nói riêng là một trong những địa bàn chịu hậu quả nặng nề của chất diệt cỏ da cam/dioxin. Toàn tỉnh có gần 16.000 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, riêng huyện A Lưới là khoảng 5.000 người. Các kết quả khảo sát cho thấy, diện tích ô nhiễm dioxin ước tính khoảng 50.000 m2, chiều sâu ô nhiễm trung bình khoảng 70 cm, tổng khối lượng đất ô nhiễm cần xử lý là 35.000 m3. Trong đó, khoảng 6.600 m3 đất nhiễm có nồng độ dioxin trên 200 ppt, đặc biệt có những điểm nồng độ dioxin lên đến 646 ppt TEQ. Được phép của Thủ tướng chính phủ, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã phê duyệt Dự án: “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” và giao cho Binh chủng Hóa học chủ trì thực hiện. Hiện nay, Binh chủng Hóa học đang tiến hành xử lý đất nhiễm tại Sân bay A So bằng công nghệ chôn lấp cô lập. Đồng thời tiếp túc nghiên cứu, đề xuất tiến tới xử lý triệt để đất nhiễm da cam/dioxin bằng công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như kỹ thuật tại Việt Nam.

3. TRIỂN VỌNG CỦA VIỆC TẨY ĐỘC DA CAM/DIOXIN TRONG ĐẤT VÀ TRẦM TÍCH Ở VIỆT NAM

Do đặc tính ô nhiễm da cam/dioxin tại các điểm nóng ở Việt Nam rất phức tạp bởi nồng độ ô nhiễm cao, mức độ ô nhiễm không đồng đều, lượng đất và trầm tích bị ô nhiễm rất lớn, chi phí xử lý triệt để rất tốn kém. Vì thế, việc xử lý triệt để da cam/dioxin tại Việt Nam là một bài toán khó, thách thức các nhà khoa học, công nghệ và quản lý trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, trong những năm gầy đây, Chính phủ Việt Nam và các tổ chức Quốc tế đã rất nỗ lực triển khai nhiều chương trình và dự án nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình tẩy độc dioxin ở Việt Nam như: đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ công tác lấy mẫu, phân tích, nghiên cứu xử lý dioxin; quan trắc dioxin; triển khai các đề tài nghiên cứu lựa chọn công nghệ xử lý dioxin phù hợp với điều kiện Việt Nam; thử nghiệm, đánh giá, lựa chọn và áp dụng công nghệ xử lý đất và trầm tích bị nhiễm da cam/dioxin tại các điểm nóng ở Việt Nam.

Ở Việt Nam, một số công nghệ xử lý dioxin đã được thử nghiệm và áp dụng như: Công nghệ chôn lấp cô lập; Công nghệ sinh học; Công nghệ phân hủy hóa cơ (MCD) của New Zeland; Công nghệ TCH, cụ thể là hệ thống IPTD; Công nghệ rửa đất của tập đoàn Shimizu (Nhật Bản).

Công nghệ chôn lấp cô lập là kỹ thuật ít tốn kém nhất. Kỹ thuật của công nghệ này là thu gom, lưu giữ và cách ly dài hạn đất và trầm tích bị ô nhiễm, để ngăn chặn ô nhiễm lan tỏa ra môi trường. Tuy nhiên, công nghệ này có nhược điểm là không loại bỏ được độc tính của dioxin và tiềm ẩn nguy cơ tái ô nhiễm trở lại, cần tiếp tục xử lý triệt để.

Công nghệ sinh học đã được thử nghiệm tại Đà Nẵng và áp dụng tại Biên Hòa trong Dự án XĐ-1. Tuy nhiên, do quá trình xử lý sinh học cần thời gian dài, nên việc khẳng định hiệu quả công nghệ để áp dụng triển khai thực tiễn còn nhiều khó khăn, vẫn cần những nghiên cứu và thử nghiệm có kiểm chứng bổ sung mới có thể áp dụng vào thực tiễn.

Công nghệ MCD của cũng đã được thử nghiệm xử lý 150 m3 tại Sân bay Biên Hòa năm 2009. Công nghệ này có một số hạn chế như tiêu thụ điện năng lớn, công suất xử lý nhỏ, khó kiểm soát được bụi phát tán ra môi trường và kém hiệu quả khi xử lý đất ô nhiễm dioxin có nồng độ cao và rất cao.

Hệ thống IPTD của công nghệ TCH đã xử lý 94.593 m3 tại Đà Nẵng có hiệu quả xử lý dioxin cao, nhưng hàm lượng dioxin trong khí thải và nước thải còn cao và buộc phải sử dụng than hoạt tính để hấp phụ. Một lượng lớn sản phẩm phụ bao gồm 477 tấn than hoạt tính, 172 tấn chất thải lỏng, 286 tấn chất thải rắn phải chuyển đến Pháp và Thụy Sĩ để xử lý tiếp. Điều này chứng tỏ áp dụng Hệ thống IPTD vẫn cần sự hỗ trợ của công nghệ khác.

Gần đây, Tập đoàn Shimizu đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ xử lý Môi trường thử nghiệm xử lý đất Biên Hòa bằng công nghệ rửa đất. Kết quả thử nghiệm rửa 890 tấn đất được chia thành 12 loại đất có nồng độ nhiễm dioxin từ 1.200 ppt đến 20.000 ppt cho thấy, phần đất đã rửa sạch và đất quá khổ thu được từ 59 đến 74%, trung bình là 65%, có hàm lượng dioxin đạt QCVN 45 cho đất thành thị, đất giải trí và đất thương mại; phần bánh bùn có nồng độ dioxin trên 12.000 ppt, chiếm từ 26% đến 41%, trung bình là 35% cần được tiếp tục xử lý bằng công nghệ tiếp theo. Ngoài ra, các mẫu đất, nước, không khí xung quanh khu vực xử lý cũng được phân tích, đánh giá, đảm bảo an toàn trong và sau khi thử nghiệm, không ảnh hưởng xấu đến môi trường và con người tại nơi thử nghiệm và khu vực xung quanh.

Sau khi thử nghiệm công nghệ rửa đất, Tập đoàn Shimizu phối hợp với Công ty TerraTherm Asia thử nghiệm Hệ thống Hộp gia nhiệt và Hệ thống Hộp gia nhiệt kết hợp với Oxy hóa nhiệt để xử lý bánh bùn của công nghệ rửa đất. Kết quả hệ thống Hộp gia nhiệt kết hợp với Oxy hóa nhiệt có hiệu quả xử lý dioxin trong bánh bùn tốt nhất, nồng độ dioxin sau xử lý thấp hơn 100 ppt. Hiệu quả kinh tế của công nghệ rửa đất kết hợp với Hệ thống Hộp gia nhiệt kết hợp với Oxy hóa nhiệt sẽ tiết kiệm hơn so với công nghệ TCH.

Từ năm 2019 đến năm 2020, USAID đã tiến hành đánh giá 22 công nghệ xử lý dioxin [5]. Kết quả đánh giá Giai đoạn 1 cho thấy, chỉ có công nghệ TCH là đáp ứng cả 9 tiêu chí, 5 công nghệ đáp ứng được 7 tiêu chí ngoại trừ tiêu chí về chi phí dự kiến và sự chấp thuận của các đối tác thuộc Chính phủ Việt Nam, đó là: công nghệ Lò đốt; công nghệ hồ quang plasma và nhiệt phân; công nghệ khử bám xúc tác bazơ; công nghệ xử lý nước siêu tới hạn và dưới tới hạn; công nghệ khử hóa chất pha khí. Vì thế, Giai đoạn 2 của quy trình đánh giá sẽ không thực hiện mục đích so sánh các công nghệ nữa. Tuy nhiên, công nghệ TCH được tiếp tục đánh giá, cho điểm theo tiêu chí và trọng số ở Giai đoạn 2. Kết quả này có thể được dùng để đánh giá và so sánh nếu có một công nghệ nào đó, được xác định trong tương lai, đáp ứng tất cả các tiêu chí sàng lọc ở Giai đoạn 1. Với kết quả đánh giá này, công nghệ TCH là công nghệ khắc phục/xử lý đã được thống nhất lựa chọn để xử lý 408.500 m3 đất bị nhiễm dioxin ở khu vực Sân bay Biên Hòa với chi phí xử lý khoảng 880 USD/tấn, dựa trên các tiêu chí sàng lọc được phê duyệt [5].

4. KẾT LUẬN

Từ thực tiễn triển khai công tác khắc phục ô nhiễm da cam/dioxin trong những năm qua cho thấy, để có thể kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu tác hại của da cam/dioxin, nhằm hạn chế những tác động xấu đến con người và môi trường cần thực hiện đồng thời các biện pháp sau:

- Chống lan tỏa tạm thời khi chưa có công nghệ xử lý triệt để và nguồn tài chính đảm bảo;

- Trong số 22 công nghệ được đánh giá, công nghệ TCH là công nghệ khắc phục/xử lý đã được thống nhất lựa chọn để xử lý đất nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa. Khi triển khai áp dụng công nghệ này tại Sân bay Biên Hòa cần khắc phục những nhược điểm khi áp dụng Hệ thống IPTD tại Sân bay Đà Nẵng.

- Tiếp tục tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm, lựa chọn công nghệ xử lý triệt để da cam/dioxin trong đất và trầm tích phù hợp với điều kiện Việt Nam.

- Các khu vực sau xử lý cần được quan trắc, đánh giá môi trường; điều tra dịch tế, cơ cấu bệnh tật, đánh giá y tế vùng lan tỏa và hỗ trợ chăm sóc y tế giảm thiểu tác động môi trường. Các khu vực chôn lấp cần được giám sát theo định kỳ 6 tháng một lần, đảm bảo dioxin không thể rò rỉ ra bên ngoài.

- Tăng cường huy động tối đa các nguồn lực tài chính từ các Chính phủ và các Tổ chức phi chính phủ trong việc hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả của chất độc da cam/dioxin.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Lâm Vĩnh Ánh và các cộng sự (2016), “Nghiên cứu lựa chọn công nghệ xử lý triệt để dioxin trong đất và trầm tích phù hợp với điều kiện Việt Nam”, Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu KHCN cấp Nhà Nước, mã số: KHCN 33.02/11-15.

Young Alin L. (2012), Lịch sử, sử dụng, phân bố và sự tồn lưu trong môi trường của chất da cam, Spinger.

Lê Kế Sơn, Charles Bailey (2018), Từ kẻ thủ thành đối tác, Nhà xuất bản Thế giới.

USAID (2016), Đánh giá môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ.

USAID (2020), Kế hoạch tổng thể Dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực Sân bay Biên Hòa, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ.

Hites Ronald A. (2011), “Dioxin: An Overview and History”, Environ. Sci. Technol., 45, pp. 16 - 20.

Wu Wenhao, Chen Wei, Lin Daohui, Yang Kun (2012), “Influence of Surface Oxidation of Multiwalled Carbon Nanotubes on the Adsorption Affinity and Capacity of Polar and Nonpolar Organic Compounds in Aqueous Phase”, Environmental Science and Technology, 46, pp. 5446 - 5454.

Young A. L., Reggiani G. M. (1988), Agent Orange and its associated dioxin: assessment of a controversy, Elsevier, pp. 32 - 66.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    MÙA XUÂN NGUYÊN VẸN…

    MÙA XUÂN NGUYÊN VẸN…

    Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Nhân đạo Quốc gia 1400 và App thiện nguyện MBBank tổ chức phát động Chiến dịch Tết vì nạn nhân chất độc da cam với chủ đề “Những mùa xuân nguyên vẹn”. Với ...
    Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội tỉnh Quảng Ninh hoàn thành xuất sắc mục tiêu nhà kiên cố cho nạn nhân

    Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội tỉnh Quảng Ninh hoàn thành xuất sắc mục tiêu nhà kiên cố cho nạn nhân

    Ngày 24/12, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024-2029. Dự và chỉ đạo Đại hội có: Thiếu tướng, Tiến sĩ Đỗ Hồng Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam; ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng ban TC-CS Trung ương Hội; bà Nguyễn Thị Kim Nhàn, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ; bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh ...