Anh Ngô Văn Sinh (SN 1959, sống ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) là con nuôi của ông Lượng và bà Ấp. Năm 1964, anh Sinh khi đó đã 5 tuổi mới về nhà bố mẹ nuôi. Anh nhớ, ngày đi, bố nói cõng đi chơi nên anh rất vui vẻ: "Hôm đó có bố cõng đi, bố bảo cõng đi chơi thôi, cũng có đem theo quần áo mới hay gì ấy. Đến tối hoặc sáng hôm sau thì bố về nên tôi không biết".
Đã 5 tuổi nên anh Sinh còn nhớ ngày nhỏ mình tên là Lý Văn Lợi, bố là Lý Văn Phong, mẹ tên là Đường, bị câm, anh trai tên Phú và em trai tên Vùng. Trong ký ức của anh, mẹ nhỏ người, da trắng trẻo, tóc dài, không nói được nhưng hàng ngày bà đều ra hiệu anh mang lược tới cho bà chải đầu. Không nhớ quê ở đâu, nhưng thời điểm được đem cho, cả gia đình anh mới chuyển lên sống nhờ nhà người bác bên mẹ ở khu gang thép Thái Nguyên.
Anh Ngô Văn Sinh, tức Lý Văn Lợi, được bố mẹ cho đi làm con nuôi.
Sau khi gửi anh tới nhà bố mẹ nuôi, bố vẫn thỉnh thoảng qua thăm. Rồi một ngày, bố anh Sinh về huyện Lương Tài dự khánh thành con sông đào Đồng Khởi, thăm anh và bố mẹ nuôi. Hôm đó anh Sinh lại đi trốn, mà không ngờ rằng, đó là ngày cuối cùng bố ruột anh trở lại. Sau lần đó, ông Phong không quay về thăm con nữa. Ông chỉ gửi lại một lá thư cho bố mẹ nuôi của con trai và ghi địa chỉ của mình là ở Quảng Xương, Thanh Hóa.
"Tôi sống hoàn chỉnh và được như bây giờ trước tiên là cảm ơn bố mẹ đã sinh ra mình. Nhưng cũng giận thầm, khóc một mình tự hỏi: "Sao bố mẹ sinh ra con mà không nuôi con?". Được sự nhất trí của bố mẹ nuôi thì tôi đi tìm, cái tâm mình vẫn luôn luôn hồi tưởng về anh em, bố mẹ", anh Sinh bộc bạch.
Anh Sinh được bố mẹ nuôi khen khéo léo trong làm ăn, chu đáo trong cư xử. Bố mẹ nuôi thương anh tới mức sẵn lòng cho anh đi tìm cha mẹ đẻ. Bà Ấp mong mỏi con tìm được gia đình để đi lại cho đỡ tủi thân. Nhờ chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly kết nối, anh Sinh đã tìm thấy nguồn cội, gốc rễ, thấy những người anh em ruột thịt.
Anh Sinh được sự cho phép của bố mẹ nuôi đã quyết định đi tìm lại cội nguồn.
Cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt sau 52 năm
Kể cho em trai về hoàn cảnh của gia đình lúc bấy giờ, anh Phú hồi tưởng: "Hoàn cảnh gia đình mình rất chi khó khăn. Bố còn ở chiến trường, chưa phục viên, mẹ dắt 2 anh em đi xin ăn. Đến khi có người em thứ 3 là Vùng thì bố lại tiếp tục vào chiến trường. Ở nhà khó khăn chồng chất khó khăn, mẹ lại bồng 3 anh em đi xin ăn.
Năm 1961, cả nhà ra Thái Nguyên, chú Vùng còn bé, Lợi gần 4 tuổi. Em hãy nhớ lại hình ảnh mấy anh em mình cùng mẹ đi xin ăn, cảnh nhà khó khăn như thế nào? Thế nên bất đắc dĩ mẹ mới phải trao em để người khác cho em nương nhờ.
Tháng 2/1962, nghe theo tiếng gọi của Đảng đi xây dựng kinh tế mới, cả nhà lên Như Xuân, Thanh Hóa. Đến năm 1966 là chiến tranh, cả nhà mất liên lạc với bố mẹ nuôi của em". Những câu nói của anh Phú khiến anh Sinh ôm mặt khóc nức nở.
Anh Phú - anh trai của anh Sinh (tức Lợi) kể tường tận về hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ cho em trai nghe.
Anh Sinh bật khóc nức nở.
Anh Phú kể thêm, năm 1976 có một thanh niên lưu lạc ở vùng biển Thanh Hóa tìm tới gia đình của anh tự nhận mình là Lợi. Người đàn ông này còn đưa gia đình tới nhà máy nơi mình làm việc.
Năm 1977, khi ông Lý Văn Phong qua đời, anh về chịu tang rồi không giữa liên lạc nữa. Có lẽ anh ấy cũng nhận ra mình không phải là Lợi của gia đình anh Phú.
"Từ năm 1977 cho đến nay, cuộc sống của các thành viên trong gia đình mình cũng tạm ổn. Mong nhất là tìm được em để anh em mình đoàn tụ. Anh nhớ má trái của em có lúm đồng tiền, chân trái của em có một nốt ruồi chấm giữa lòng bàn chân" - sau lời tâm sự đầy xúc động, anh Sinh, anh Phú, anh Vùng và các chị em gái (bố mẹ sinh thêm sau này - PV) đã ôm chầm lấy nhau trong nước mắt.
Đó là năm 2016, sau 52 năm xa cách, cuối cùng anh Sinh cũng được gặp lại ruột thịt, cũng được tỏ tường lý do vì sao năm xưa, bố mẹ đành đoạn phải đem mình đi cho.
Cả gia đình 6 anh chị em đoàn tụ trong nước mắt.
PV
Bình luận