• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Từ hàn gắn vết thương chiến tranh đến mối quan hệ hình mẫu

30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ (12-7-1995 / 12-7-2025): Những năm qua, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và được lãnh đạo cấp cao hai nước cam kết mạnh mẽ, coi đây là ưu tiên trong quan hệ song phương. Trong dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, khắc phục hậu quả chiến tranh một lần nữa được nhắc tới như nền tảng để Việt Nam và Hoa Kỳ gác lại quá khứ, mở ra tương lai hòa bình và tràn đầy tiềm năng hợp tác, phát triển.    

Ngày 21-4-2025, tại Hà Nội diễn ra một sự kiện đặc biệt khi Cục Chính sách-Xã hội/Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam-Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia 515) phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, Trung tâm Ash thuộc Đại học Harvard (Hoa Kỳ), Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng) và các cơ quan chức năng liên quan tổ chức lễ bàn giao một số kỷ vật trong chiến tranh, bao gồm sổ ghi chép, nhật ký, thư cá nhân... của các liệt sĩ và các cựu chiến binh Việt Nam. Và đến ngày 10-7-2025, tại Hà Nội diễn ra lễ khánh thành phòng thí nghiệm ADN tiên tiến đặt tại Trung tâm Giám định ADN của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) với sự tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ. Sự ra đời của phòng thí nghiệm ADN này là bước đột phá trong việc xác định danh tính hài cốt bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh, giúp các nhà khoa học Việt Nam giải quyết những thách thức phức tạp trong việc giám định các mẫu hài cốt đã bị phân hủy nghiêm trọng, mang lại hy vọng cho những gia đình đã chờ đợi hàng chục năm.

Từ hàn gắn vết thương chiến tranh đến mối quan hệ hình mẫu
Lễ bàn giao thiết bị phòng thí nghiệm tại Trung tâm Giám định ADN của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ. Ảnh: NGỌC CHÂU 

Hai sự kiện nói trên diễn ra chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả, ngày càng được quan tâm mở rộng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh.

Trên thực tế, hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam đã bắt đầu cách đây hàng chục năm, từ trước khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau khi Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (Cơ quan MIA Việt Nam) được thành lập vào ngày 9-2-1973, kể từ đó đến năm 1988, Việt Nam đã đơn phương tìm kiếm và trao cho Hoa Kỳ 302 hài cốt của các quân nhân Hoa Kỳ. Và từ năm 1988, hai nước bắt đầu tổ chức các hoạt động hỗn hợp tìm kiếm. Thiện chí và sự hợp tác tích cực, hiệu quả của Việt Nam đã được Chính phủ, Quốc hội, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Liên đoàn các gia đình MIA Hoa Kỳ và các tổ chức cựu chiến binh Hoa Kỳ đánh giá cao, đồng thời góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam như: Rà phá bom mìn, tẩy độc dioxin, hỗ trợ người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi chất da cam, tìm kiếm thông tin bộ đội Việt Nam hy sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh, trao trả kỷ vật chiến tranh giữa hai nước...

Từ các cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa hai nước về vấn đề MIA đầu những năm 1980 đến sau này, khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, rồi nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện và gần đây là đối tác chiến lược toàn diện, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh đã góp phần đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, để hai nước dần mở rộng hợp tác sang nhiều lĩnh vực khác như chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, thương mại, văn hóa, giao lưu nhân dân... Các hoạt động hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này không chỉ thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo sâu sắc, góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh mà còn giúp xây dựng lòng tin chiến lược, đưa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trở thành hình mẫu trong quan hệ quốc tế.

Hoạt động MIA nói riêng và khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam thời gian tới đứng trước nhiều thách thức, nhất là thách thức về thời gian. Bởi, chiến tranh đã qua lâu, nhiều nhân chứng đã qua đời, thông tin, manh mối giảm dần, thậm chí là cạn kiệt. Bên cạnh đó, hiện trường có nguy cơ bị mất do điều kiện thời tiết, thiên nhiên. Nhưng, qua các cuộc trao đổi, tiếp xúc cấp cao gần đây, lãnh đạo hai nước, hai Bộ Quốc phòng đều cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc này.

Đánh giá về sự phát triển quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ trong 30 năm qua, ngày 11-7, trên Facebook của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, Đại sứ Marc E.Knapper nhấn mạnh: “Chỉ trong 3 thập kỷ, hai nước chúng ta đã chuyển mình từ việc hàn gắn vết thương chiến tranh và trở thành đối tác đáng tin cậy, cùng hợp tác trên nhiều lĩnh vực như thương mại, giáo dục, y tế, năng lượng và an ninh”.

Đại sứ E.Knapper cũng nhắc tới niềm hy vọng về hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ trong 30 năm tiếp theo. Trong hành trình hướng tới những mục tiêu đó, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh chắc chắn sẽ tiếp tục đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Nguồn: Báo QĐND

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Thắp sáng niềm tin cho nạn nhân da cam

    Thắp sáng niềm tin cho nạn nhân da cam

    Hà Tĩnh – Mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nơi từng tiễn hàng vạn thanh niên lên đường đánh giặc trong kháng chiến chống Mỹ; hôm nay, nhiều người vẫn đang gánh chịu hậu quả nặng nề của chất độc da cam/dioxin. ...
    Tổng hội người Việt tại Bỉ làm việc với Đoàn cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

    Tổng hội người Việt tại Bỉ làm việc với Đoàn cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

    Chiều 7/7/2025, buổi gặp gỡ giữa Tổng hội người Việt Nam tại Vương quốc Bỉ (UGVB) và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) diễn ra tại Đại sứ quán Việt Nam. Hai bên đã trao đổi và giới thiệu về hoạt động của VAVA tới cộng đồng người Việt Nam ...