• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Viết nhân kỷ niệm 112 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

Nhân kỷ niệm 112 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 (8/3/1910 – 8/3/2022), tôi viết về thân phận một số người phụ nữ của tỉnh Thái Bình.

Năm nay, cả thế giới kỷ 112 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, nhưng phía trời Âu tiếng súng, tiếng bom đạn đang rền vang cuộc chiến tranh Nga - Ukraina làm cho nhiều người phụ nữ của 2 đất nước này mất chồng, mất con và chịu tang thương đau khổ…những đau khổ mất mát của Phụ nữ Việt Nam sau các cuộc chiến tranh đã có cả ngàn vạn trang báo, bài viết vẫn không tả hết đau thương. Tôi, một người cầm bút cũng đã ghi lại những giọt nước mắt đau thương của không ít Phụ nữ Thái Bình.

Ngày 30/4/1975 miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà. Kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Trên 30 ngàn bà mẹ và trên 11 ngàn chị phụ nữ Thái Bình không được hạnh phúc đón chồng và con trở về. 774 bà mẹ có người con độc nhất đã nằm lại chiến trường, 102 bà mẹ có từ 3 đến 4 người con đã hóa thân vào lòng Tổ quốc, trên 200 chị mới được yêu mà chưa nhận, chưa có nụ hôn đầu, mãi không bao giờ được nhận nụ hôn nồng thắm, 791 phụ nữ chưa đầy tuần bên chồng và chưa có được đứa con đã mãi mãi không được đón chồng trở về xây tổ ấm và kết thúc chiến tranh cả nghìn phụ nữ được đón chồng trở về tiếp tục chấp nhận thảm họa đau thương, khi chồng và những đứa con bị nhiễm chất độc Da cam Đi ô xin, là những lần trở dạ với những quái thai, dị dạng.

Không phải ngày 8/3 mà sáng nào cũng vậy, chiều nào cũng thế! Một ngày, một tuần, một tháng, một năm và 53 năm qua cụ Hà Thị Lạc ở thôn Phú Vinh, xã Đồng Phú (Minh Phú), huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình chỉ hay đứng chống tay dựa cửa mắt đăm đắm nhìn xa xăm…Người làng thương cụ Lạc và hỏi cụ sao lại cứ đứng và nhìn như vậy? Khẩn khoản một tiếng thở dài: “Tôi đứng chờ ông Đản về đón tôi đi … nghe cụ Lạc nói ai cũng rơi nước mắt ”. Ở tuổi 87 cụ Hà Thị Lạc vợ liệt sỹ Phạm Văn Đản, tuy không còn minh mẫn nhưng vẫn đau đáu ngóng chồng và thốt lên: tìm thấy mộ ông ấy rồi! Ở mãi tận Quảng Ngãi cơ! Xa lắm, cả nghìn cây số cơ mà. Nay mai đưa ông ấy về là tôi xong phận sự làm vợ rồi tìm lối theo ông ấy về với cõi tiên.

Bà Trần Thị Khiệu, 84 tuổi, ở thôn Khánh Mỹ, xã Phúc Khánh, huyện Hưng Hà, người phụ nữ đã “dám” mang di ảnh của chồng liệt sỹ Lê Công Cán lên “cổng tỉnh” thắp hương cũng đã 53 năm thủ tiết thờ chồng và nuôi con khôn lớn.

Bà Bùi Thị Mậu, 77 tuổi, thôn Hưng Đạo Tây, xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, bà từng là Kiện tướng làm Bèo Hoa Dâu, Bí thư Đoàn thanh niên xã Đông Quang năm 1971, người phụ nữ có chồng là nạn nhân chất độc da cam Bùi Văn Ơn, đã chết, nay phận đời bà Bùi Thị Mậu đang sống cùng bệnh viêm khớp gối và nuôi 2 người con tâm thần…

Mười lần vượt cạn (sinh nở) ra những đứa con dị dạng, quái thai và những đứa con thiểu năng trí tuệ; những tưởng người phụ nữ có tên Lê Thị Liên, vợ của cựu chiến binh Lê Văn Bính ở thôn Hưng Nhượng, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, sẽ không gượng dậy được và gục ngã, nhưng chị Liên đã kiên cường vượt qua bất hạnh, vượt qua nỗi đau da cam. Câu chuyện của chị Lê Thị Liên thật trân trọng trong cuộc đời này .

Gắn với trận địa pháo và đồng đội 11 năm, Đại đội trưởng Trần Thị Tựa đã chỉ huy đơn vị chiến đấu trên 270 trận (có trên 100 trận chiến đấu ban đêm), đơn vị đã bắn rơi 2 máy bay Mỹ. Ngày 31 tháng 12 năm 1973 đại đội nữ dân quân pháo phòng không huyện Tiền Hải được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1982 Trần Thị Tựa chia tay đồng đội, chia tay mâm pháo về nhận công tác ở Hội Phụ nữ huyện Tiền Hải, 8 năm sau đó bà Tựa được UBND huyện Tiền Hải cho thôi việc nhận trợ cấp một lần 620 ngàn đồng. Tuổi trẻ của bà Tựa là những ngày tháng của phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang” người phụ nữ 82 tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng của bà Trần Thị Tựa là như vậy.

Còn đây, là câu chuyện về tình yêu chung thủy của một nữ thanh niên xung phong hơn nửa thế kỷ day dứt tìm người yêu “…Còn chút hơi thở, em còn tìm anh, từ nơi xa xôi, em cầu mong anh luôn được an lành và hạnh phúc. Nếu anh xem được tấm ảnh này, thì anh sẽ nhận ra em ngay, phải không anh…”

Đó là sự thổn thức day dứt của cựu nữ thanh niên xung phong Hoàng Thị Ngọc Điệp, trú ở tổ 19, Bầu Ốc Thượng, Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, quê chị Điệp ở Thành phố Vinh tỉnh Nghệ An viết gửi cho người mà chị yêu thương có tên là Thợi quê Thái Bình.

Bà Nguyễn Lân Phương ở tổ 47, phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình theo một chữ tâm. 84 tuổi đời, đôi chân đã yếu, đôi mắt không còn tinh, nhưng tâm đức bà Lân Phương vẫn rộng mở, hàng ngày bà vẫn tìm đến Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo trợ người tàn tật trẻ em mồ côi, khi lại có mặt ở Trung tâm Dưỡng lão của tỉnh để cập nhật và tìm kiếm địa chỉ mở lòng giúp đỡ, hơn 30 năm nghỉ hưu là bằng ấy năm bà Lân Phương làm từ thiện, làm công tác đền ơn đáp nghĩa, với trái tim trong sáng, sống vì mọi người, làm theo lời Bác dạy, làm những việc có thể làm được để giúp đỡ người nghèo khó “Lấy công xây nghĩa bắc cầu, lấy lòng nhân ái cao sâu suốt đời”.

Cô giáo Ngô Thị Hường dạy môn Hóa học, Trường THPT Thái Phúc, huyện Thái Thụy, lặng lẽ nhiều việc làm nhân ái đã chia sẻ thông tin, kết nối với bạn bè, nhà hảo tâm và Facebook Minh Nga – Facebook Ngô Thị Hường kết nối các mạnh thường quân, quyên góp giúp đỡ gia đình bà Bùi Thị Mậu và gia đình bà Lê Thị Liên, cô giáo Ngô Thị Hường đã trực tiếp đến thăm và tặng bà Lê Thị Liên số tiền 5 triệu đồng, cô giáo Ngô Thị Hường và cháu Nguyễn Thị Hồng là học sinh cũ của cô đã thay mặt nhóm thiện nguyện tặng bà Bùi Thị Mậu sổ tiết kiệm 20 triệu 500 ngàn đồng, cùng với đó từ tháng 01/2021, Quỹ Phước An Nhiên mỗi tháng sẽ chuyển nhờ qua tài khoản của chị Nguyễn Thị Ngà, là cán bộ TBXH xã Đông Quang hỗ trợ chị Mậu và 2 con của chị mỗi tháng một triệu đồng… nhiều năm qua cô Hường lặng lẽ với những việc làm nhân ái.

Mỗi thân phận của những phụ nữ tôi ghi lại ở trên là trân trọng kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.

Một số hình ảnh về những người phụ nữ

Bà Trần Thị Tựa, 83 tuổi, nguyên Đại đội trưởng, Đại đội Pháo phòng không, huyện Tiền Hải

Nữ TNXP Hoàng Ngọc Điệp, nửa thế kỷ day dứt tìm người yêu

Cô giáo Ngô Thị Hường, Trường THPT Thái Phúc lặng lẽ việc làm nhân ái

Bà Nguyễn Lân Phương, hơn 30 năm thiện nguyện, tặng quà bà Bùi Thị Mậu là vợ của nạn nhân chất độc da cam

Cụ Hà Thị Lạc, 88 tuổi, xã Minh Phú, huyện Đông Hưng, là vợ liệt sỹ

Nguyễn Công Liêm - Thái Bình


Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nói đến mùa xuân là nói đến thanh âm rộn ràng, sắc màu tươi mới, rực rỡ, rạng ngời của cảnh vật thiên nhiên và con người. Đó là sắc xuân của muôn hoa, là hoa đào thắm đỏ ở miền Bắc, ...