• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Xã luận: Bản hùng ca “vang vọng giữa Ba Đình”

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Bản Tuyên ngôn Độc lập đó chứa đựng, thấm đẫm các giá trị nhân văn của thời đại mới, bởi sự đề cao các giá trị dân chủ, tự do, công bằng và bình đẳng. Nó thể hiện mạnh mẽ ý chí và khí phách của dân tộc Việt Nam: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. 

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: Tư liệu)

Bảy mươi chín năm qua, lời Tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vang vọng, đầy kiêu hãnh, tự hào từ Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Bản Tuyên ngôn Độc lập đã chính thức khai sinh ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á - Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Từ mốc son chói lọi này, đất nước ta bước sang trang mới. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, tự do, làm chủ vận mệnh của mình.

Tinh thần bất diệt và khát vọng độc lập, tự do của bản Tuyên ngôn với tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập, tự do” được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy, tiếp tục làm nên những thắng lợi vĩ đại, những chiến công hiển hách. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, phát huy tinh thần quật khởi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng, tiến hành cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện”, đầy khó khăn, gian khổ, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, cam kết chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Trước tình hình nhân dân miền Nam vẫn nằm dưới ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân kiểu mới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lại bước vào cuộc chiến đấu mới. Với tinh thần “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”,… quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược: “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đất nước hòa bình, cả nước đi lên CNXH, tinh thần, khí phách từ lời Tuyên ngôn của Hồ Chí Minh tiếp tục vang vọng, thôi thúc mọi tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta từng bước thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu; kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng phát triển; dân chủ được mở rộng; đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân ngày càng được cải thiện; quốc phòng - an ninh được giữ vững, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Được hưởng thụ cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do ngày nay, mỗi người dân Việt Nam đều không quên quá khứ hào hùng của dân tộc. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hàng triệu người con ưu tú đã hiến dâng tuổi thanh xuân, dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng xả thân, không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn, những hy sinh, cống hiến to lớn đó. Với truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chế độ, chính sách ưu đãi, cùng với toàn dân góp sức, chung lòng chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho hàng triệu người có công với cách mạng; trong đó có hàng trăm nghìn nạn nhân chất độc da cam.

Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 cũng là dịp cả nước hướng về “Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam -10/8” với nhiều hoạt động thiết thực, sôi nổi. Phong trào thi đua “Hành động Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” được triển khai rộng khắp, đạt kết quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trong cả nước đã vận động được hơn 348 tỷ đồng; riêng tháng 8 nhiều tỉnh tổ chức Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam, đạt hơn 115 tỷ đồng. Số tiền đó đã hỗ trợ, chăm lo, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam bằng nhiều hình thức phong phú, như: xây nhà, hỗ trợ sinh kế, tặng quà, khám chữa bệnh,… Công tác đối ngoại được tiến hành theo đúng chủ trương của Đảng, vấn đề chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam ngày càng được quốc tế quan tâm, ủng hộ. 6 tháng đầu năm, Trung ương Hội đã tiếp, làm việc với hơn 30 lượt đoàn khách quốc tế, như: Đoàn Quốc vụ khanh, Hạ nghị sĩ Bỉ; Đoàn Nghị sĩ quốc hội Pháp; Đoàn Đảng cộng sản Mỹ,…

Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02/9 là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống hào hùng và vẻ vang của dân tộc; qua đó tạo động lực, niềm tin, khí thế mới để mỗi tổ chức, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

TẠP CHÍ DA CAM VIỆT NAM

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác