• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Xoa dịu nỗi đau da cam

Tết Nguyên đán Nhâm Dần, hàng chục bệnh nhân chất độc da cam ở lại đón tết tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan. Những phút giây đầm ấm, sum vầy trong thời khắc đầu tiên của những ngày năm mới, đủ để sưởi ấm trái tim, thắp lên nhiều hi vọng cho những người không may mang di họa da cam.

Bác sỹ Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan là một trong những người hướng dẫn bệnh nhân Nguyễn Thị Huyền bước đi đầu tiên.

Chị Nguyễn Thị Huyền, một trong những người bị nhiễm chất độc da cam thế hệ thứ 2 được nhận về chăm sóc ngay từ khi Khoa Nuôi dưỡng, chăm sóc người bị nhiễm chất độc da cam - Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan mới được thành lập vào năm 2015.

Chị Huyền không biết mình năm nay bao nhiêu tuổi, chị cũng không nói được nhiều. Nhưng ánh mắt chị thì hân hoan, ngập tràn niềm vui khi được vui xuân, đón tết với các y, bác sĩ, với những người cùng cảnh ngộ tại Trung tâm. Với Huyền, đây thực sự là ngôi nhà đúng nghĩa, là nơi chị được chăm sóc, yêu thương, được chờ đợi khoảnh khắc năm mới trong đủ đầy, đầm ấm.

Phấn khởi nhìn những bước đi ngày càng vững chắc của bệnh nhân Nguyễn Thị Huyền, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan xúc động kể: Huyền là con gái của một cựu thanh niên xung phong quê ở huyện Hoa Lư. Điều trị cho Huyền là thành công đầu tiên của chúng tôi.

Khi mới tiếp nhận vào Trung tâm, Huyền không biết đi, không biết nói… sau khi thăm khám cho Huyền, tôi thấy Huyền hoàn toàn có khả năng đi được nếu được tập luyện đúng phương pháp. Vậy là hàng ngày, chúng tôi đều có "giáo án" riêng để rèn luyện cho Huyền. Không kể ngày nắng, ngày mưa, sau 8 tháng bền bỉ, kiên trì của cả bệnh nhân và các cán bộ, y bác sĩ, Huyền đã biết chập chững những bước đầu tiên ở cái tuổi… ngoài 30. Báo tin này cho mẹ Huyền mà bà mừng rơi nước mắt.

Bác sỹ Nguyễn Thị Thủy kể tiếp: Vì bị tai biến nên nhiều năm nay, mẹ của Huyền không thể đến Trung tâm để thăm con gái. Thay bà lên thăm con là những người bạn, những người từng "vào sinh ra tử" với bà những tháng năm chiến đấu ở chiến trường. Rồi những người đồng đội ấy lại mang về cho bà tin vui về tình hình sức khỏe của con gái. Những năm còn khỏe, trong những lần lên thăm con, bà vẫn tâm sự với chúng tôi về cuộc đời nhiều nước mắt của mình. Rời cuộc chiến, trở về quê hương khi mới ngoài 20 tuổi, nhưng bệnh tật, di chứng của chiến tranh hành hạ, bà quyết định trở thành một người mẹ đơn thân.

Nhìn thấy con lớn từng ngày khiến mọi mệt mỏi dường như tan biến. Thế nhưng, khi tròn một tuổi, rồi hai tuổi… mà con gái của bà vẫn chưa biết đi, biết nói, nhận thức lại chậm chạp hơn hẳn những đứa trẻ khác. Ôm con đi khắp nơi tìm thầy thuốc để chạy chữa, song ở đâu người ta cũng bó tay vì con gái bà bị ảnh hưởng bởi di họa của chất độc da cam/dioxin.

Bất lực, ôm con về nhà và đã hơn 30 năm trôi qua, người đàn bà ấy vẫn ôm ấp, chở che cho đứa con gái bất hạnh của mình cho đến ngày bản thân bà bị tai biến, không thể chăm sóc con gái được nữa. Cô con gái, bà trông cậy cả vào sự tận tâm của các y, bác sĩ tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan.

Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan cho biết: Nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng là con người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là một đề án lớn, đậm tính nhân văn. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan phối hợp với một số Phòng LĐ, TB&XH các huyện thực hiện, đa số các đối tượng có hoàn cảnh rất khó khăn, trong đó có nhiều đối tượng nặng, cần hơn cả về kinh tế, thuốc điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng, nhiều đối tượng cần người chăm sóc … Rất nhiều gia đình muốn gửi con vào nuôi dưỡng và chăm sóc tại Trung tâm.

Với tình cảm, trách nhiệm đối với người có công với cách mạng, vừa là nghĩa cử, trách nhiệm của người thầy thuốc, những năm qua, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ tại Trung tâm luôn nỗ lực, tận tụy chăm sóc, góp phần cải thiện đáng kể tình hình sức khỏe cho người bệnh.

Một ngày làm việc của bác sĩ, điều dưỡng khoa chăm sóc, nuôi dưỡng người bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin thường bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc rất muộn. Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến, xuân về, các cán bộ, y, bác sĩ đều tập trung chăm lo chu đáo cho các đối tượng ở lại Trung tâm đón Tết.

"Những ngày giáp tết, các nhân viên sẽ cắt tóc, móng tay, tắm rửa, chuẩn bị trang phục gọn gàng giúp bệnh nhân chuẩn bị đón tết với một diện mạo tươm tất nhất. Ngoài ra, còn huy động những bệnh nhân đủ sức khỏe tham gia vào các hoạt động trang trí, khánh tiết khu vực nhà ở để các bệnh nhân cảm nhận được niềm vui, không khí phấn khởi khi Tết đến xuân về"- bác sỹ Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan chia sẻ thêm.

Nguồn: báo Ninh Bình

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chủ tịch Hồ Chí Minh với những ngày sinh nhật

    Chủ tịch Hồ Chí Minh với những ngày sinh nhật

    Nhìn lại tất cả các mốc kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1946 đến năm 1969, chúng ta nhận thấy: Người luôn đón sinh nhật bằng sự cần mẫn làm việc. Người cũng luôn tránh mọi sự chúc tụng bằng cách ...