• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Xuân yêu thương

Tết đến, xuân về!

Những cánh hoa đào, hoa mai bắt đầu khoe sắc, vạn vật ngập tràn trong sắc xuân rực rỡ, không gian rộn ràng, đầy tiếng cười nói vui vẻ của mỗi gia đình lúc đoàn viên. Đây còn là dịp để mọi người sẻ chia yêu thương, lan tỏa những điều tốt đẹp đến với những hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách.

Cùng với không khí cả nước đang khẩn trương phấn đấu hoàn thành các kế hoạch, chỉ tiêu cuối của năm 2024, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phối hợp với Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400 và App thiện nguyện MB tổ chức phát động chiến dịch “Tết vì nạn nhân chất độc da cam” với chủ đề “Những mùa xuân nguyên vẹn” để có thêm nguồn lực chăm lo, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Là chiến dịch bởi tính chất khẩn trương, quyết liệt, quyết tâm cao, mục tiêu rõ ràng, có thời gian bắt đầu thời gian kết thúc, trong một kế hoạch thống nhất. Chiến dịch đã và đang diễn ra (từ ngày 12/12/2024 đến ngày 24/01/2025) với ý nghĩa nhân văn cao cả, nhằm kết nối và lan tỏa những tấm lòng nhân hậu, tình yêu thương, sự sẻ chia, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh không có được niềm vui đầy đủ trong ngày Tết như bao người khác. Chiến dịch được thực hiện với hai hình thức ủng hộ: qua App thiện nguyện MB chuyển tiền qua tài khoản số 1961, hoặc quét mã QR ủng hộ qua Ví điện tử VTC Pay. 

Thông điệp mà Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã đưa ra là: “Ai cho nạn nhân một nghìn cũng quý, tôi cũng nhận”. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”- nạn nhân chất độc da cam cần lắm sự sẻ chia của cộng đồng, nhất là khi Tết đến, xuân về! Chính lòng yêu thương, sự quan tâm sẻ chia của cộng đồng với những tấm lòng hảo tâm, trái tim nhân hậu sẽ góp phần mang Xuân yêu thương, sự ấm áp cho nạn nhân chất độc da cam.

Đây cũng là dịp để mỗi người thể hiện ý thức trách nhiệm, lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh, mất mát, thiệt thòi của những người có công với cách mạng, trong đó có gia đình nạn nhân chất độc da cam. Chúng ta hãy thể hiện lòng nhân ái bằng những hành động cụ thể, thiết thực, cùng nhân lên truyền thống, đạo lý “thương người như thể thương thân”, “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc để Tết đến, xuân về với mọi nhà!

Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhưng hậu quả của chất độc da cam/dioxin gây ra trên mảnh đất hình chữ S này vẫn còn rất nặng nề và lâu dài. Hiện nay vẫn còn hàng triệu nạn nhân chất độc da cam; đời sống của đa số gia đình nạn nhân còn rất khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân; họ vẫn đang sống trong nghèo khó và bệnh tật; nhiều nạn nhân đang khắc khoải từng giờ, từng phút; nhiều người mẹ, người vợ vẫn hằng ngày, hằng giờ "khóc thầm lặng lẽ", chăm sóc chồng con với nỗi đau quặn xé trong lòng… Trong tiết xuân rực rỡ đó, niềm vui của gia đình họ đâu có được trọn vẹn! thậm chí vẫn là tiếng la hét vô cớ, tiếng đập phá của những con người như vô tri, vô giác, bởi bệnh tật do ảnh hưởng của “chất độc da cam”.

Gia đình bà Nguyễn Thị Đàn, ông Lê Đình Dễnh (xã Quang Trung, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) có 4 người con nhưng cả 4 đều bị di nhiễm chất độc da cam từ bố - một cựu chiến binh đã nhiều năm chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Tuổi của 4 người con đều đã 40, 50, không chồng con. Cả 4 người con đều bị ảnh hưởng trí não, nói năng vô thức, ngây ngô. Hơn 40 năm qua, vợ chồng bà thay nhau chăm con đau ốm, bệnh tật, chẳng đêm nào bà ngủ yên giấc. Bà Đàn bày tỏ: “Mong ước lớn nhất của tôi là có sức khỏe để chăm sóc các con. Tôi thương các con lắm! nếu chẳng may tôi chết đi thì ai chăm sóc cho những đứa con da cam này?”.

Hoàn cảnh đáng thương của bà Hà Thị Kẻ (sinh năm 1943) (thôn Mai Xá, xã Hiệp Lực, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) khiến ai cũng xót xa. Bản thân bà bị bệnh tật giày vò. Năm 2007, ông Đức (chồng bà) qua đời sau hàng chục năm chống chọi với các căn bệnh do chất độc da cam/dioxin gây ra khi ông ở chiến trường miền Nam. Từ đó, một mình bà Kẻ chăm sóc hai người con trai bệnh tật. Chúng ngớ ngẩn, hay đập phá, nên phải “nhốt” trong gian chuồng lợn cũ... Mỗi tháng, chi phí thuốc men cho ba mẹ con bà khoảng 3-4 triệu đồng nên tiền trợ cấp chẳng thấm tháp gì. Bà Kẻ nói: “Tôi không dám vay mượn ai để chi tiêu, bữa ăn của mẹ con tôi chỉ có chút rau cháo qua ngày”.

 

Bà Hà Thị Kẻ đang chăm sóc người con bị di nhiễm chất độc da cam/dioxin

Vợ chồng ông Hoàng Minh Thoáng và bà Nguyễn Thị Chí (thôn Trà Sơn, xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh) đều tham gia chiến đấu và là nạn nhân chất độc da cam. Các con của ông bà khi sinh ra thì bình thường, nhưng cứ khoảng 10-15 tuổi thì phát bệnh; người anh cả đã chết. Gia đình cả 7 người đều bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Các thứ có giá trị trong nhà lần lượt phải bán để chữa bệnh, tiền của ngày càng cạn kiệt, còn bệnh tật thì không suy giảm hơn.

Vợ chồng ông Lê Con và bà Nguyễn Thị Khon (xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) sinh được 3 người con: Lê Hùng (sinh 1961); Lê Thị Hoè (sinh 1965) và Lê Thắng (sinh 1974), cả 3 con của ông bà đều bị di nhiễm chất độc da cam/dioxin từ người bố. Những đứa con sinh ra bị bệnh hoang tưởng ngơ ngáo, mất trí nhớ, ban ngày mỗi đứa một nơi lang thang, tối đến ông bà phải đi tìm chúng về ăn ngủ…

Còn nhiều, nhiều lắm những gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh như vậy. Họ sẽ đón Tết ra sao? Họ có đủ cân thịt, tấm bánh trưng để ấm lòng khi Tết đến, xuân về? Liệu những đứa con ngơ ngơ, ngác ngác kia có cảm nhận được niềm vui khi tiết xuân rực rỡ đang tràn ngập đất trời? Những mảnh đời bất hạnh đó cần lắm sự sẻ chia, giúp đỡ từ cộng đồng.

Với phương châm “Để các gia đình nạn nhân chất độc da cam đều có Tết”, đã thành thông lệ, những ngày này, cán bộ, nhân viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp lại bận rộn cùng các nhà hảo tâm lên đường mang yêu thương, những món quà Tết ấm áp đến với nạn nhân da cam./.

Mạnh Dũng

 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Ngoại trưởng Mỹ tiếp quản USAID

    Ngoại trưởng Mỹ tiếp quản USAID

    Ngoại trưởng Rubio thông báo được giao phụ trách cơ quan viện trợ USAID và sẽ ngăn tổ chức này bất tuân với chương trình nghị sự của Tổng thống Trump.