• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

“Bác ơi, tim Bác mênh mông thế”

Đã hơn nửa thế kỷ, chúng ta không được nghe Bác Hồ muôn vàn kính yêu chúc Tết, mỗi độ Xuân sang. Nhưng hằng năm, cứ đến thời khắc giao thừa thiêng liêng nhất, lời Người lại như từ nơi hồn thiêng sông núi vọng về, mang sắc Xuân mới cho cuộc sống hôm nay. Cả cuộc đời hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, Người “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Khát khao lớn nhất của Người đã thành hiện thực và trong chính hiện thực cuộc sống hôm nay, hình ảnh, giọng nói ấm áp của Người vẫn luôn sưởi ấm mọi tấm lòng người dân Việt Nam.  

Người gánh nước thuê đón Bác đêm giao thừa
Đêm giao thừa là giờ phút giao hòa giữa đất và trời, cùng bịn rịn chia tay năm cũ, bâng khuâng đón chào mùa Xuân mới. Ở thời khắc thiêng liêng ấy, trong từng gia đình, người thân quây quần bên nhau chan chứa yêu thương. Nhưng với Bác Hồ thì đó là lúc nghĩ đến những người nghèo, người đơn côi, Tết đến mà không có Tết. Là thư ký riêng của Bác, ông Vũ Kỳ đã kể nhiều câu chuyện về vị cha già của dân tộc đối với người nghèo, nhất là mỗi khi Tết đến Xuân về.
Chuyện một người gánh nước thuê được Bác đến tận nhà chúc Tết trong đêm giao thừa năm 1960 thật xúc động. Năm đó, theo gợi ý của Bác, thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch để Người đi thăm, chúc Tết các gia đình công nhân, công an, công giáo và trí thức. Về đến nhà chỉ còn không đầy một tiếng nữa là đến giao thừa, Người lại cùng một vài anh em bảo vệ “bí mật” đến thăm, chúc Tết một gia đình nghèo nhất ở Hà Nội. Đó là gia đình chị Tín ở phố Hàng Chĩnh; ngày ngày, chị phải đi gánh nước thuê, nuôi các con vì chồng mất sớm. Đêm giao thừa, chị vẫn làm công việc ấy như mỗi ngày, đổi lấy gạo để mồng 1 Tết có cơm cho mấy đứa con. Vừa về đến nhà, chị quá bất ngờ khi thấy Bác đến thăm, khiến chị làm rơi cả đôi thùng gánh nước xuống đất. Người phụ nữ gầy yếu ấy run run nắm lấy tay Bác, nghẹn ngào: “Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm”, rồi òa khóc trong xúc động. Người trầm ngâm, an ủi: “Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai”. Căn nhà đơn sơ lạnh lẽo lâu nay bỗng tràn đầy không khí nồng ấm, yêu thương. Bác ngồi xuống chiếc chõng tre duy nhất, nói chuyện khá lâu với mẹ con chị, tặng các cháu cặp bánh chưng và mấy gói kẹo. 
 Về đến nhà đã quá giao thừa, Bác thấy các đồng chí trong Bộ Chính trị đang chờ để chúc mừng năm mới mà nét mặt của Người không vui. Kể lại hoàn cảnh gia đình chị Tín, Bác chậm rãi như nói với chính mình: “Ta có chính quyền trong tay, nhưng chính quyền đó chưa thực sự là do dân, vì dân. Một số lãnh đạo các địa phương còn quan liêu và nặng về hình thức. Họ không đi sâu, đi sát quần chúng, nên phục vụ quần chúng chưa tốt. Nếu chúng ta chỉ nghe báo cáo của họ thì sẽ không bao giờ nắm được chính xác tình hình để có chủ trương, nghị quyết đúng đắn. Đảng quan liêu, chính quyền quan liêu, thực sự là một nguy cơ đối với đất nước chúng ta” (“Thư ký Bác Hồ kể chuyện” - NXB Chính trị quốc gia. H 2005. tr 89).
Điều Người trăn trở từ Tết ấy, nay vẫn là lời nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên.
Lo Tết cho mọi nhà, mọi người
Khi đất nước tủi nhục đắm chìm trong đêm dài nộ lệ, Người quyết ra đi tìm con đường cứu nước, cứu dân. Khi giành được chính quyền, Người lại lo cho cuộc sống của mỗi nhà, mỗi người. Chỉ sau hơn một tháng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, ngày 17/10/1945, Người viết “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (SĐD. Tập 4, tr. 56). 
Chính vì thế, năm 1946, năm đầu tiên dân tộc ta vui đón Tết cổ truyền trong độc lập, Bác rất quan tâm đến việc tổ chức Tết cho đồng bào. Đây là năm Người viết nhiều thư chúc Tết. Đầu năm 1946, trên Báo Cứu quốc, Người viết Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp năm mới; Thư chúc Tết Việt kiều ở Lào, Xiêm; Thư chúc mừng năm mới. Người có thư Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến. Trong bài Tết, đăng báo ngày 21/1/1946, Người viết: Tôi kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào để chia sẻ cuộc vui Xuân mừng Tết với: Những chiến sĩ oanh liệt ở trước mặt trận,/Những gia quyến các chiến sĩ,/Những đồng bào nghèo nàn/Sao cho mọi người đều được hưởng các thú vị về Tết Xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (SĐD, Tập 4, tr 160).
Cùng với viết các thư chúc Tết, chiều 30, Bác cho thư ký chuẩn bị đến thăm một số gia đình đón tết nghèo, tết vừa và tết sang. Người chỉ đi một xe và không báo cho ai biết. Khi đến ngõ Hàng Đũa, phố Sinh Từ, Bác bảo người lái xe tắt đèn đỗ lại, rồi đi bộ vào con ngõ nhỏ đến một gia đình. Thấy có người ốm nằm đắp chiếu, Bác bảo kéo chiếu kín cho chủ nhà, rồi im lặng khép cửa, đi ra. Ngồi trong xe, Bác nói, 30 Tết mà không thấy Tết, rồi dặn mọi người, ngày mai nhớ mang thuốc và quà đến thăm hỏi chủ nhà. Đến phố Hàng Lọng, Bác vào một gia đình viên chức nghèo. Khi nhận ra Bác, mọi người rối hết cả lên, kéo vội quần áo đang phơi trên dây vắt ngang nhà. Người chúc Tết, ân cần hỏi han việc chuẩn bị Tết,  việc làm ra sao,… Sau đó, Người còn đi chúc Tết một gia đình giàu có; đến mấy nhà buôn bán, quan lại cũ, nhưng cửa đều khóa. Về nhà, Bác thay bộ quần áo mới, mặc vào trông như cụ đồ, khăn xếp, áo the, rồi đi bộ ra cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn. Trước thời khắc giao thừa, người đông như trẩy hội. Thư ký đi trước, Bác đi sau, hai người nắm tay nhau. Sau đó, Người còn đi dọc phố Hàng Đào rồi mới quay về. Đêm giao thừa đầu tiên nước nhà giành độc lập, vị Chủ tịch nước đã hòa vào dòng người Thủ đô đón Tết như thế! Hạnh phúc, nhưng cũng còn biết bao điều lo toan.
Thương người như thể thương thân
Suốt cả cuộc đời và nhất là trong 24 năm làm Chủ tịch nước, lúc nào Người cũng nghĩ đến dân, đến người khác. Khi Tết đến, Xuân về, Người lại dành tình cảm đặc biệt đến với công nhân, nông dân, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, hay giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Tình thương ấy là sự kế thừa, kết tinh bản tính giàu lòng nhân ái của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, vốn nằm trong sâu thẳm trái tim của Người. Năm 2013, tôi được đến thăm tòa nhà Niu Dilân ở số 80, phố Hây Makit, Thủ đô Luân Đôn, Vương quốc Anh, khi ấy là khách sạn Cáctơn. Tại tầng hầm khu nấu ăn - nơi hơn 100 năm trước Bác Hồ làm phụ bếp, ông Len Anđixơ, Chủ tịch Hội hữu nghị Anh-Việt kể rằng, sau mỗi bữa ăn của khách, Bác Hồ thường lựa thức ăn còn lại mà có thể ăn được, cất cẩn thận để đem cho người nghèo. Cảm phục trước tấm lòng nhân ái ấy, nhà đầu bếp người Pháp Excốt Phiê đã giúp Bác cách làm bánh, để có điều kiện học thêm và tìm hiểu cuộc sống của những người cùng khổ. 
Những năm tháng hoạt động tại Pháp, Người đã sáng lập và là chủ biên Báo Người cùng khổ, thuộc cơ quan chủ quản là Hội Hợp tác Người cùng khổ, trực thuộc Hội Liên hiệp Thuộc địa. Tờ báo xuất bản từ năm 1922 đến năm 1926 với 38 số, nội dung chống chủ nghĩa thực dân, kêu gọi đoàn kết các dân tộc thuộc địa, đấu tranh bảo vệ người lao động nghèo khổ. Cuộc sống của người dân nghèo luôn là nỗi ám ảnh và cũng là một trong những động lực để Bác vượt qua mọi khó khăn trên hành trình tìm đường cứu nước. Ngay khi bị giam trong nhà lao Tưởng Giới Thạch, “một ngày tù nghìn thu ở ngoài”, Người vẫn đau đáu trước cuộc sống cùng cực của người lao động. Thấy phu làm đường vất vả, Người viết: “Dãi gió, dầm mưa chẳng nghỉ ngơi,/ Phu đường vất vả lắm ai ơi!/Ngựa xe, hành khách thường qua lại,/Biết cảm ơn anh được mấy người” (Nhật ký trong tù). Chỉ có những tấm lòng cao cả, những bậc vĩ nhân mới quên đi nỗi đau thân xác của chính mình mới cảm thông, chia sẻ với người lao động nghèo như vậy!
Khi cách mạng nước ta giành được chính quyền, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 3/9/1945, hai vấn đề Người đặt lên hàng đầu để bàn và giải quyết là nạn đói và nạn dốt. Người đề nghị Chính phủ phát động ngay chiến dịch tăng gia sản xuất và mở một cuộc lạc quyên trong khi chờ ngô, khoai và các thứ lương thực khác chưa thể có ngay. Ngày 28/9/1945, trên Báo Cứu quốc, viết bài Sẻ cơm nhường áo, Người đề nghị đồng bào cả nước và xin thực hành trước, cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa, đem gạo đó để cứu người nghèo...
Đã 55 mùa Xuân rồi, không được nghe Bác chúc Tết, nhưng trong lòng mỗi người dân Việt Nam luôn thầm gọi: 
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người (Tố Hữu)./.

 Bắc Văn

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác