Trong cuộc trò chuyện với VnExpress nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ những đánh đổi sau quyết định tưởng chừng "ngược dòng", hành trình 60 năm cống hiến cho ngành sản khoa, và 40 năm bền bỉ đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam.
- Ở tuổi 82, vẫn khoác áo blouse trắng và làm việc mỗi ngày từ sáng đến 21h. Bà lấy đâu ra nguồn năng lượng dồi dào như vậy?
- Chắc là ai cũng như tôi thôi, về hưu mà ở nhà thì buồn lắm. Được cống hiến tôi vui hơn. Bệnh nhân gặp tôi, họ cũng vui. Mà tôi nghĩ, 60 năm trong nghề, tôi thu lượm được rất nhiều kinh nghiệm - những thứ không có trong bất kỳ cuốn sách nào. Tôi cũng muốn truyền lại hết cho thế hệ sau. Vài năm nữa, nếu những kinh nghiệm đó theo tôi xuống mồ thì cũng không còn ích lợi cho ai.
- Là bác sĩ sản khoa, bà đã trải qua nhiều thời khắc quan trọng trong đời của bệnh nhân. Còn với thời khắc lịch sử của đất nước ngày 30/4/1975, bà nhớ gì về ngày hôm ấy?
- Ngày đó - cách đây 50 năm - thành phố hỗn loạn lắm. Hầu hết bác sĩ không đến bệnh viện vì lo sợ. Một số người thì tìm cách rời khỏi Việt Nam. Nhưng còn bệnh nhân, tới ngày chuyển dạ họ vẫn phải sinh con. Nhất là tại Bệnh viện Từ Dũ, ngày đó hầu hết sản phụ là người nghèo, không đi khám thai nên thường có nhiều biến chứng.
Tôi tự hỏi ai cũng rời đi, vậy bệnh nhân cần mổ, cần cấp cứu, ai lo? Nghĩ vậy, tôi dắt 3 đứa con vào viện trực 24/24. Khi đó, đứa con lớn nhất của tôi mới 5 tuổi, đứa thứ hai 4 tuổi, còn đứa út mới hơn 2 tháng tuổi, sinh vào ngày 14/2/1975, vẫn còn bú mẹ. Tôi cũng xin bệnh viện cho 3 suất cơm mỗi ngày, tôi sẽ trực hết thay mọi người. Bốn mẹ con tôi ở luôn trong phòng trực, hơn một tháng sau mới về nhà.
- Trong giai đoạn này, nhiều người chọn rời đi. Chính bà cũng từng có cơ hội sang Pháp định cư cùng chồng. Vì sao bà lại từ chối?
- Chồng tôi sang Pháp tu nghiệp từ 1974 và làm giấy bảo lãnh đưa bốn mẹ con đi theo. Hộ chiếu lúc đó tôi đã cầm trong tay, mẹ con cũng đã chích ngừa để đủ điều kiện xuất cảnh.
Hôm đó, tôi đi giảng bài ở Đại học Y Dược - bài giảng về nhau bong non. Tôi thường có thói quen chêm những câu chuyện vui khi giảng cho sinh viên khỏi buồn ngủ. Để giảng về nguy cơ sản phụ có thể bị bong nhau thai khi té ngã, tôi bảo sinh viên phải dặn sản phụ: "Cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh đừng đi". Lập tức cả lớp nhao nhao: "Vậy thì cầu ván đóng đinh đi được phải không cô?". Tôi nhìn xuống giảng đường, thấy mắt đứa nào cũng long lanh, rất trong sáng. Chúng đâu biết tôi sắp bỏ chúng đi.
Tôi nghĩ, nếu mình qua Pháp vẫn có thể đi dạy, đi khám bệnh, nhưng làm sao có những giao tiếp rất tình tự, rất quê hương như vậy. Ngay sau buổi giảng, tôi đạp xe tới chỗ cấp hộ chiếu để trả lại giấy. Họ hỏi lý do, tôi nói: "Đất nước mình thì mình ở".

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cùng con gái (bên trái) và cháu gái (bên phải) trong một ca mổ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Năm 1979, bố mấy đứa nhỏ về lại Việt Nam để bảo lãnh cho cả nhà đi lần hai. Tôi vẫn chọn ở lại. Nghĩ lại, tôi thấy thương và tội ông ấy. Tôi tưởng rằng nếu đi sẽ không thể trở về nên đã nói với chồng cứ sang Pháp, tôi và con sẽ ở lại Việt Nam. Sau này nếu anh muốn quay về, tôi sẽ bảo lãnh. Tôi thuyết phục nhiều điều, cuối cùng chồng tôi bộc bạch không thể sống một mình bên Pháp. Ông ấy kể về những ngày trời âm u, lẻ bóng đi về trong lạnh lẽo. Nếu tôi không đi thì buộc lòng phải ly dị để ông ấy đỡ day dứt khi đến với người mới.
Chúng tôi đã nộp đơn ly hôn. Tôi nghĩ điều đó cũng sòng phẳng. Không thể vì lựa chọn của tôi mà bắt chồng cô đơn cả đời. Tôi vẫn định bụng khi già, sẽ bảo lãnh cho ông ấy về nơi chôn nhau cắt rốn. Nhưng tội nghiệp, năm 2003 ông ấy mất.
- Hai lần chọn hy sinh hạnh phúc cá nhân, hai lần đứng trước cơ hội định cư ở nước ngoài, bà đều từ chối để ở lại Việt Nam. Điều gì khiến bà kiên định với lựa chọn ấy - dù có thể đánh đổi bằng hạnh phúc, điều kiện sống, làm việc - tốt hơn?
- Thứ nhất, từ nhỏ, tôi đã có niềm đam mê với ngành y. Nhà tôi rất nghèo, có lần bị bệnh tưởng không qua khỏi, may nhờ một bác sĩ kê đơn cứu chữa. Từ đó, tôi ao ước một ngày nào đó có thể trở thành bác sĩ, trở về quê chữa bệnh cho trẻ em nghèo. Niềm đam mê đó lớn lắm. Rồi sau này khi đã là sinh viên y khoa, tôi lại thấy mang ơn những bệnh nhân của mình. Những bệnh nhân đầu tiên đã hy sinh để chúng tôi trau dồi tay nghề. Đến khi tiến bộ, tay nghề vững vàng lại rời đi, tôi không đành lòng. Pháp hay Mỹ không thiếu bác sĩ, nhưng những bệnh nhân ở đây, những người tôi từng mang ơn, lại rất cần sự giúp đỡ.
Đối với đất nước, tôi có tình cảm rất đặc biệt. Cha tôi từng bị bắt và suýt 6 lần bị tử hình vì tham gia các phong trào yêu nước. Ông không có nổi một bộ đồ lành lặn để mặc nhưng vẫn rất nhiệt thành. Anh chị em tôi cũng vậy, nhà nghèo đó, nhưng khi biểu tình thì rất hăng hái. Chính tôi cũng từng hết mình với câu hát: "Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng. Là người, tôi sẽ chết cho quê hương". Sau này có người sửa lại: "Là bác sĩ, tôi sẽ sống cho quê hương". Tôi thấy mình có những ràng buộc rất mãnh liệt với quê hương.
Người ta nói sau năm 1975 cuộc sống rất khó khăn. Nhưng với tôi, khó khăn đã là điều quen thuộc từ bé. Nhà có tám anh em toàn con trai, ba làm công nhân đồn điền cao su, mỗi tháng đổi được 100 kg gạo và một bình mắm là đủ ăn. Nhiều bữa ra ruộng khoai người ta đã thu hoạch xong, anh em tôi đi nhặt những củ nhỏ còn sót, luộc lên chấm mắm nêm là đủ bữa. Thống nhất rồi có thiếu thốn, tôi thấy vẫn là điều có thể chịu được. Vả lại, ai cũng khó, không riêng gì mình. Trong bệnh viện, bác sĩ chúng tôi cũng ăn bo bo cùng nhau nhưng vui.
Còn một lý do nữa khiến tôi càng quyết tâm ở lại. Chồng tôi theo đuổi từ hồi tôi còn là sinh viên năm nhất, tới năm cuối tôi mới đồng ý. Tôi đồng ý là bởi vì tưởng ông ấy cũng nghèo như mình. Khi yêu, tôi hay xỉu vì thiếu ăn, ông ấy bảo nhà nghèo để tôi đỡ ngại. Nhưng đến khi cưới rồi, tôi mới biết bên chồng giàu có. Về sống chung, tôi càng cảm nhận rõ hơn nỗi tủi thân của người nghèo.
Những ám ảnh đó khiến tôi luôn muốn dạy dỗ con tôi trong môi trường không phân biệt giàu nghèo. Nếu đi nước ngoài, hai vợ chồng cùng làm việc, có thể giàu có. Nhưng nếu vì vậy mà con tôi coi thường người nghèo, tôi không chấp nhận. Hoặc ngược lại - nếu tôi gửi tiền về giúp nhà, tôi sẽ nghèo hơn thì con tôi sẽ bị khinh thường, chà đạp - giống như gia đình tôi từng bị.
- Những năm sau đó, một mình nuôi ba con trong hoàn cảnh thiếu thốn, cuộc sống của bà diễn ra thế nào?
- Vẫn thiếu thốn. Năm 1979, khi ba tôi mất, bệnh viện cử người qua thăm, mới biết nhà tôi rất nghèo. Vách nhà làm bằng gỗ tạp, miếng nọ vá miếng kia. Tường èo uột nhưng mái lại làm bằng tôn xi măng nặng nên nhà nghiêng hẳn sang một phía. Cũng may lúc đó không sập. Thấy vậy, lãnh đạo bệnh viện mới xin cho tôi một phần cơm trưa mỗi ngày. Nhưng tôi ăn thì không đành lòng nên mang cơm đem về nuôi mấy đứa nhỏ. Hồi đó, tôi thường đi dạy thêm đến tối muộn mới về. Nhưng cứ nghe tiếng xe đạp, bọn nhỏ tung mùng bật dậy, tíu tít lấy cơm chia nhau. Tội nghiệp lắm. Rồi dần dần khi kinh tế thành phố khá lên, cuộc sống của mẹ con tôi cũng bớt chật vật.
Điều tôi lo nhất lúc đó là chuyện học hành của 3 đứa nhỏ. Trong một buổi họp sinh hoạt trong Hội Trí thức Yêu nước, tôi nêu vấn đề và được ông Nguyễn Duy Cương, lúc đó là Giám đốc Sở Y tế, hứa bọn trẻ sẽ được tiếp cận mọi cơ hội học tập. Thật vậy, con tôi không những được học mà còn tiến bộ. Giờ cũng đàng hoàng.

- Khi quyết định gắn bó với ngành y trong nước, bà đặt ra mục tiêu gì cho sự nghiệp của mình?
- Ngay khi chọn ở lại, tôi đã tự nhủ: nếu không làm được gì cho đất nước này, cho người bệnh ở đây, thì sự lựa chọn ấy cũng chẳng còn ý nghĩa. Nhưng thú thật, lúc đó tôi chưa biết mình phải bắt đầu từ đâu, phải làm gì. Dần dần, khám chữa cho bệnh nhân, tôi phát hiện ra rất nhiều phụ nữ không sinh được con. Tôi nhớ mãi trường hợp một cô gái rất đẹp ở Hải Dương vào tận trong TP HCM nhờ tôi chữa trị vì không sinh được con. Cô ấy đã cắt hết 2 vòi trứng, không thể có thai theo cách thông thường. Nhiều bệnh nhân tương tự.
Tôi suy nghĩ mãi, mày mò đọc sách tìm hiểu nhưng không có thông tin. Tới năm 1984, tôi được cử qua Bangkok làm việc, cứ hết giờ làm, tôi lập tức lên thư viện của họ để tìm tài liệu về hiếm muộn. Lúc đó, tôi mới biết tới phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) đã thực hiện thành công ở Anh từ năm 1978. Tôi hạ quyết tâm, bằng mọi giá tôi phải làm được điều đó cho người Việt Nam.
Tôi bắt đầu tìm cơ hội từ những đoàn khách quốc tế tới thăm Từ Dũ. Sau khi giải quyết hết công việc chính, câu cuối cùng tôi luôn ngỏ lời xin họ hỗ trợ chút ít dụng cụ thực hiện thụ tinh ống nghiệm. Họ đều nhìn tôi với ánh mắt kinh ngạc. Việt Nam đang thực hiện kế hoạch hoá gia đình, dân số quá đông trong khi kinh tế khó khăn, tôi lại đi ngược dòng. Vậy nên, không ai giúp. Tôi buồn lắm nhưng vẫn quyết tâm.
Tới 1994, sau ca mổ Việt - Đức (ca mổ tách cặp song sinh dính liền thành công đầu tiên ở Việt Nam), Bộ Y tế cho tôi qua Pháp làm bằng tiến sĩ. Với kinh nghiệm của mình, tôi được xét phong giáo sư và qua Pháp dạy học.
Sang đó, tôi lại tận dụng mọi thời gian rảnh, vào nơi họ làm IVF, ghi chép lại cẩn thận từng quy trình, từng thiết bị cần thiết. Lương giáo sư ở Pháp cao, tôi tiết kiệm đến mức chỉ ăn cánh gà - phần rẻ nhất - để gom tiền mua thiết bị mang về.
Đến năm 1995, khi trở về nước, tôi đã sắm được gần đủ cho phòng thí nghiệm. Tôi còn dư một khoản tiền để gửi bác sĩ Từ Dũ sang Pháp học thêm về thụ tinh.
Năm 1997, tôi bắt đầu thực hiện kỹ thuật chọc hút noãn. Nhưng xin giấy phép rất khó. Ông Đỗ Nguyên Phương – lúc đó là Bộ trưởng Y tế – nói với tôi: "Sản xuất ra máy móc, nếu hỏng thì bỏ. Còn sản xuất ra con người thì tôi cần thời gian, phải xin ý kiến Bộ Chính trị".
Chờ hơn 4 tháng, đến ngày 19/8/1997, Bộ Y tế ra công văn chính thức cho phép Bệnh viện Từ Dũ thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Ngay trong ngày hôm đó, tôi thực hiện ca đầu tiên.
- Thụ tinh trong ống nghiệm là một hành trình gian nan, đặc biệt trong bối cảnh y tế Việt Nam những năm 1990. Bà đã làm như thế nào với những ca đầu tiên?
- Thời điểm đó, thuốc hỗ trợ điều trị hiếm muộn rất đắt đỏ. Tôi biết, để người dân chi trả khoản tiền lớn từ đầu rất khó khăn nên tôi xin được hỗ trợ thuốc miễn phí đợt đầu.
Sau khi tiêm thuốc, thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, phải chờ hai tuần mới biết kết quả. Khoảng thời gian đó với tôi rất căng thẳng, không thể ăn, không thể ngủ. Tôi nhờ nhóm bác sĩ của mình gọi điện tới từng gia đình để theo dõi. Chỉ cần nghe câu: "Bệnh nhân có kinh trở lại", là tôi biết ca đó thất bại, tôi lại suy sụp. Cứ một người, rồi hai người, ba người... thất bại, tôi suy sụp, tóc tôi bạc trắng sau thời gian đó. Mãi đến khi nhận được tin hơn 10 phụ nữ trong nhóm thử nghiệm đã mang thai, tôi mới có thể thở phào.
Trước ngày dự sinh của ba sản phụ đầu tiên, tôi gần như không rời bệnh viện. Đúng sáng 30/4, cả ba đứa trẻ tự nhiên chui ra, khoẻ mạnh, đủ cân nặng.
- Ngoài IVF, bà cũng dành cả sự nghiệp để nghiên cứu và đấu tranh cho công lý của nạn nhân chất độc da cam. Mới đây, bà được trao giải Ramon Magsaysay - được mệnh danh là "giải Nobel châu Á" cho những đóng góp này. Nhìn lại hành trình ấy, bà cảm thấy thế nào?
- Hồi mới trở thành bác sĩ sản, lúc đó khoảng năm 1966, tôi vô tình đỡ đẻ cho một thai nhi vô sọ. Số lượng trẻ tương tự ngày càng tăng. Không thể lý giải nguyên nhân, tôi xin giữ lại những bào thai này để nghiên cứu. Từ đó, tôi bắt đầu tìm kiếm tài liệu.
Năm 1982, tôi dẫn đoàn đến xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, Bến Tre, một trong những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Rất nhiều trẻ dị tật, chết không rõ nguyên nhân. Nhiều bé gái 16-17 tuổi bị sứt môi, chẻ vòm hầu. Các em rất mặc cảm, không dám đến trường. Tôi xác định có 5 nhóm dị tật mà Việt Nam thường gặp: dị tật ống thần kinh, nứt đốt sống, khuyết tật về tay chân, khuyết tật về cơ quan giác quan như mắt, mũi, miệng, lỗ tai, song thai dính nhau như Việt - Đức và cuối cùng là sứt môi, chẻ vòm hầu.

Tháng 1/1983, tại hội nghị ở TP HCM, tôi trình bày các kết quả điều tra bước đầu. Cả hội trường lặng đi vì bất ngờ. Nhưng cũng từ đây, tôi đối diện rất nhiều rào cản.
Một số bác sĩ nghi ngờ tôi làm vì mục đích chính trị, muốn chống Mỹ. Các lãnh đạo lo ngại việc công bố dioxin còn tồn dư sẽ ảnh hưởng xuất khẩu nông sản. Tôi phải tìm tài liệu chứng minh nhiều nước như Nhật Bản vẫn nhập hàng Việt Nam sau khi kiểm định chặt chẽ. Rồi ngay cả người dân cũng e ngại, vì sợ con em họ bị kỳ thị, khó lấy vợ lấy chồng nếu mang gen di chứng. Tôi phải giải thích rằng không phải ai nhiễm cũng sinh con dị tật. Từng thông tin tôi đưa ra đều phải thận trọng.
Năm 1984, tôi mang theo tất cả tài liệu, sang Mỹ dự hội nghị khoa học. Nhưng phía Mỹ từ chối cho phép công bố. Mãi 5 năm sau, bài viết đầu tiên của tôi mới được đăng ở Anh. Đến năm 2008, Nhà nước cử tôi tham dự điều trần với các công ty hoá chất ở Mỹ. Tôi phải đối diện một mình giữa phòng họp, hai bên toàn là người Mỹ, đại sứ quán mình thì bị xếp ngồi xa, tôi không thể trao đổi gì. Mà tiếng Anh của tôi thì không đủ nhanh để theo kịp họ, nhất là khi họ nói mà để râu che kín khẩu hình. Dù có đủ chứng cứ khoa học trong tay, tôi vẫn bị mất lợi thế vì rào cản ngôn ngữ.
Gần 40 năm miệt mài, cuối cùng khi tôi tham gia nhóm Đối thoại Việt - Mỹ, phía họ mới cam kết chi khoảng 3 triệu USD để tẩy độc sân bay và hỗ trợ y tế. Dù vậy, Mỹ vẫn chưa chính thức công nhận nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.
Một số chuyên gia quốc tế, như nhóm Hatfield (Canada), luôn động viên tôi. Họ nói câu chuyện chất độc da cam sẽ giống như ngành công nghiệp thuốc lá - ban đầu chối bỏ trách nhiệm, nhưng đến lúc bằng chứng đủ mạnh thì phải thừa nhận và bồi thường. Mỹ đã công nhận dioxin là loại hoá chất độc nhất do con người tạo ra. Tôi tin, một ngày nào đó, họ cũng sẽ phải công nhận nỗi đau mà hàng triệu người Việt Nam đã và đang gánh chịu.
- Nếu gói ghém cả cuộc đời mình trong một lời nhắn nhủ, bà sẽ nói điều gì?
- 50 năm trôi qua, nhìn lại, tôi cảm thấy như một giấc mơ. Không thể ngờ đất nước mình có thể phát triển đến vậy, rất nhiều thành tựu đáng tự hào. Nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn con đường này - chọn ở lại, chọn cống hiến.
Trong 20 năm tới, tôi tin đất nước ta sẽ sánh ngang với các nước phát triển. Cũng như chuyện thụ tinh ống nghiệm, ngày trước chúng ta đi sau 20 năm, nhưng giờ có những lĩnh vực mà Việt Nam đã vượt lên, các nước phải học hỏi. Tôi thấy người Việt rất thông minh, sáng tạo và có tinh thần làm việc hăng say. Nếu mỗi người cố gắng sống tốt, làm tốt việc của mình, chắc chắn đất nước sẽ hùng cường.
Thành tựu IVF của GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng:
|
Nguồn: Báo điện tử VnExpress
Bình luận