• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

“Bắt cóc online” - chiêu trò mới của tội phạm công nghệ cao

Thời gian gần đây, Công an thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp phát hiện và giải cứu nhiều vụ lừa đảo “bắt cóc online” nhắm vào học sinh, sinh viên. Dù am hiểu công nghệ, nhưng thiếu kỹ năng nhận diện chiêu trò, không ít nạn nhân vẫn rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.    

 đối tượng lừa đảo.

49201.jpeg
Cơ quan Công an phát hiện nạn nhân bị "bắt cóc online" ở trong phòng một mình, bị đối tượng lừa đảo điều khiển từ xa. Ảnh: Công an cung cấp

Như Báo Hànộimới đã đưa tin, sinh viên L.T.K.Y (SN 2004, ngụ phường Bảy Hiền, thành phố Hồ Chí Minh) là một nạn nhân trong vụ "bắt cóc online" xảy ra mới đây. Theo đó, ngày 5-7-2025, Y nhận được cuộc gọi điện thoại tự xưng nhân viên giao hàng Shopee yêu cầu kết bạn Zalo.

Sau đó, một người mặc sắc phục Công an gọi video qua Zalo nói Y liên quan đường dây ma túy và rửa tiền. Người này yêu cầu Y cài phần mềm “Zoom Workplace” và đăng nhập theo mã riêng để “làm việc nội bộ”. Quá trình “làm việc”, các đối tượng biết Y muốn đi du học Mỹ nên yêu cầu Y chuyển khoản tổng cộng hơn 800 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng chúng chỉ định để “chứng minh tài chính”.

Sau đó, đối tượng kêu Y đến một khách sạn thuê phòng ẩn náu, không nghe bất kỳ cuộc gọi nào khác ngoài cuộc gọi của chúng để “phục vụ điều tra”. Các đối tượng giám sát điện thoại của Y thông qua phần mềm, buộc Y nhắn tin về gia đình yêu cầu chuyển khoản 200 triệu đồng để “chuộc người”.

Khi được gia đình trình báo, Công an phường Bảy Hiền và Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hồ Chí Minh cùng các đơn vị chức năng nhanh chóng xác minh, phát hiện Y ở một mình trong phòng khách sạn tại phường Tân Bình, không có ai bắt cóc.

Tương tự, ngày 11-5, Phòng Cảnh sát hình sự đã giải cứu một nam sinh (sinh năm 2007) cũng bị “bắt cóc online” tại một khách sạn, gia đình em đã chuyển khoản 200 triệu đồng cho nhóm lừa đảo để chuộc. Ngày 26-6, Phòng Cảnh sát hình sự cũng giải cứu một nam sinh (sinh năm 2006), nam sinh này đã chuyển khoản 51 triệu đồng đến tài khoản ngân hàng do nhóm lừa đảo chỉ định trước khi được giải cứu.

39010.jpeg
Vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự đã có buổi tuyên truyền cho sinh viên về nhận diện lừa đảo. Ảnh: Nghiêm Ý

Theo Thượng tá Lê Duy Sâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hồ Chí Minh, các đối tượng lừa đảo thường tiếp cận nạn nhân thông qua tin nhắn, cuộc gọi hoặc video call. Chúng giả danh cán bộ Công an, nói rằng đang xử lý vụ án liên quan đến nạn nhân như rửa tiền, buôn bán ma túy, gian lận tài chính...

Qua đó, chúng gieo rắc sự hoang mang, sợ hãi vào tâm lý người bị hại. Khi nạn nhân bắt đầu lo sợ, chúng liền yêu cầu người đó “hợp tác điều tra” bằng cách rời khỏi nơi ở, đến thuê một phòng khách sạn hay nhà nghỉ, ở yên một chỗ. Sau đó, các đối tượng sẽ chiếm đoạt tài khoản Zalo, Facebook, yêu cầu nạn nhân không nghe điện thoại, không liên lạc với bất kỳ ai, kể cả người thân.

Nạn nhân sau khi bị cô lập hoàn toàn sẽ làm theo mọi chỉ dẫn của kẻ lừa đảo. Chúng điều khiển từ xa, yêu cầu nạn nhân thực hiện các hành vi phục vụ cho âm mưu đòi tiền chuộc từ gia đình. Có trường hợp, sinh viên bị yêu cầu quay clip như thể đang bị tra tấn, đánh đập để gửi về cho bố mẹ, nhằm làm tăng tính xác thực của kịch bản “bắt cóc”.

3010.jpg
Công an thành phố Hồ Chí Minh đưa ra các cảnh báo cho người dân, học sinh, sinh viên. Ảnh: Công an cung cấp

Trung tá Đinh Đức Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Đặc nhiệm, Công an thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, có trường hợp bị hại còn tự dàn dựng “màn kịch” để đánh lừa gia đình, như giả vờ bị đánh đập, dí điện, hoặc đứng nép vào góc tường kêu gào: “Mẹ ơi, bố ơi, cứu con với!”. Đầu dây bên kia, các đối tượng liên tục quát tháo, đe dọa qua điện thoại, tạo cảm giác như đang trực tiếp khống chế nạn nhân.

Những cảnh quay được dàn dựng như thật khiến người nhà hoảng loạn và lập tức chuyển tiền chuộc theo yêu cầu. Chỉ đến khi Công an vào cuộc mới phát hiện “nạn nhân bị bắt cóc” thực chất đang ở một mình trong phòng khách sạn, không hề có hành vi bắt giữ nào xảy ra.

Từ những vụ việc nêu trên, Thượng tá Lê Duy Sâm đưa ra cảnh báo, Công an không làm việc qua mạng xã hội và không bao giờ yêu cầu công dân chuyển tiền để phục vụ điều tra. Bất kỳ cuộc gọi nào mạo danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, yêu cầu cài phần mềm, chuyển tiền hoặc thuê khách sạn… đều là lừa đảo.

"Học sinh, sinh viên, người trẻ cần trang bị cho mình kỹ năng nhận diện chiêu trò lừa đảo, cảnh giác cao độ trước mọi yêu cầu bất thường qua mạng. Đừng để “màn hình điện thoại” trở thành công cụ dẫn dắt cuộc đời bạn rơi vào tay kẻ xấu", Thượng tá Lê Duy Sâm khuyến cáo.

Nguồn: Báo Hànộimới

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác