• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Ca khúc được yêu thích nhất về tình hữu nghị Việt Nam – Lào

(DTDC) Trong bối cảnh hai nước Việt Nam và Lào hướng tới “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào -Việt Nam 2022” và những ngày kỷ niệm lịch sử đoàn kết Việt- Lào thì tại Lào, mỗi cuộc giao lưu đều vang lên bài hát “Tình Việt Lào” của nhạc sĩ Hồ Hữu Thới, một người con của quê hương xứ Nghệ.

Năm 2022, là năm Lào và Việt Nam kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ Ngoại giao (5/9/1962-5/9/2022); kỉ niệm 45 năm kí hiệp ước hữu nghị, hợp tác Việt Nam- Lào (18/7/1977-18/7/2022). Tại Lào, bài hát “Tình Việt Lào” luôn được mở đầu và xuyên suốt trong các buổi giao lưu Việt- Lào và kết thúc bởi bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”

Lời ca khúc cứ vang vọng mãi: “Tình Việt Lào anh em mãi mãi không bao giờ phai”.

Đại tá Vi Tố Định, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt -Lào tỉnh Nghệ An, người từng chiến đầu ở chiến trường Lào, nhận xét: “Ca khúc tình Việt- Lào của Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới có lời ca rất đặc biệt, truyền cảm, không lẫn với ai. Giai điệu ca khúc trong sáng, lời ca thắm đượm tình yêu nam nữ nhưng lại khái quát lên tình yêu giữa hai dân tộc Việt Lào gắn bó. Tiết tấu âm nhạc đậm chất dân gian Lào, nghe hát ai cũng cứ gật gù và muốn cùng múa theo nhịp Lăm vông, điệu quốc vũ của Lào mà không muốn dừng”.

Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới, tác gia ca khúc "Tình Việt-Lào"

Ca khúc “Tình Việt Lào” được nhạc sĩ Hồ Hữu Thới sáng tác năm 2001 sau một chuyến công tác Lào. Ngay khi bài hát được công bố đã chiếm đa số cảm tình của người dân Lào và Việt Nam. Nhạc sĩ Lào còn dịch nội dung bài hát sang ngữ Lào. Từ đó, trong các chương trình văn nghệ, giao lưu liên quan đến quan hệ hữu nghị Việt Nam -Lào thì bài hát được sử dụng thành nội dung chủ đạo của cả chương trình.

“Đây là bài hát đương đại được yêu thích nhất tại Lào về ca ngợi mối quan hệ Lào- Việt Nam. Bài hát có nội dung trong sáng, lột tả tình cảm sâu lắng giữa nhân dân hai nước, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người bằng giai điệu âm nhạc theo phong cách hát múa dân gian đương đại của cả Lào và Việt Nam. Nghe bài hát, bất kể ai cũng đều đưa tay múa theo và đôi chân muốn bước theo nhịp lăm vông, điệu múa cổ truyền dân tộc Lào. Lúc ấy mọi người xích lại gần nhau hơn, vui vẻ, chan hòa, xóa mọi khoảng cách” - Nhạc sĩ Buangeun Saphouvong, Thứ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch Lào, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ quốc gia Lào đánh giá.

Nhạc sĩ Buangeun Saphouvong, Thứ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch Lào (trái)

“Em ở bên này Tây Trường Sơn

Anh ở bên này Đông Trường Sơn.

Ta gửi cho nhau câu hát ân tình

Câu hát dân ca của Lào xủng Lùm Lào Thơng

Câu hát dân ca của quê mình quan họ

Đến với nhau, người ở đừng về.

Em ở bên Tây, anh ở bên Đông.

Hai nước nghe chung tiếng gà gáy sáng.

Đất nước Chăm Pa, đất nước Tiên Rồng.

Chung bước bên nhau xây đắp mối tình

Tình Việt Lào anh em, tình Việt Lào anh em.

Mãi mãi không bao giờ phai.”

Năm 2015, ca khúc này được Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch Lào trao tặng Bằng khen tác phẩm âm nhạc xuất sắc nhất, có giá trị ca ngợi, vun đắp thêm mối tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam- Lào cho nhạc sĩ Hồ Hữu Thới.

Bài hát “Tình Việt Lào” trong các buổi giao lưu giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt- Lào luôn làm cho khán phòng vô cùng ấm áp, chan hòa thắm tình anh em, không còn khoảng cách xã giao khách khí ngoại giao.

Các sinh hoạt của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào hay các buổi giao lưu Việt- Lào thì ca khúc “Tình Việt Lào” đều luôn vang lên, tạo sự gắn kết mọi người với nhau như trong một nhà.

Các chương trình giao lưu của Đại sứ quán Việt Nam có lãnh đạo Lào tham gia luôn vang lên ca khúc "Tình Việt Lào" và múa Lăm vông Lào

Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới sau khi nghỉ hưu đã ra Hà Nội làm Chánh văn phòng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Ông được giới trong nghề và công chúng yêu nhạc ví như cây đại thụ trong làng âm nhạc đương đại với hơn 500 ca khúc. Mỗi ca khúc ông sáng tác đều mang một vẻ riêng không lặp lại lối mòn và đều lắng đọng trong công chúng. Ca khúc “Tình Việt Lào” là hiện tượng “vượt biên” được yêu thích nhất, đáng kính nể nhất hiện nay.

Khi được hỏi vì sao hơn 50 năm đời, ông sáng tác không mệt mỏi, ông nói, nếu không sáng tác tức là mình không còn thở, tim không còn đập.

Hồ Hữu Thới là con người nặng nghĩa với quê hương, luôn hướng về quê hương. Công chúng yêu nhạc, yêu quê, nhớ quê đều biết ơn ông qua ca khúc nổi tiếng “câu hát quê hương”.

Trong sáng tác, ông đã triệt để khai thác âm hưởng, tâm hồn và sức sống của Ví Giặm, bên cạnh đó Hồ Hữu Thới còn man mác bâng khuâng điệu hò khoan Lệ Thủy, sự rộn ràng tưng bừng cùng điệu xòe Tây Bắc; điệu Lăm Khắp, cồng chiêng khắc luổng của người Thái miền Tây xứ Nghệ; đượm tình yêu bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Tên tuổi của nhạc sỹ nổi lên với các ca khúc “Em với thác Sao Va”, “Sơn La đón Bác Hồ”, “Hội làng bên sông Lam”, “Ân tình xứ Nghệ”, “Tình xứ nghệ”, “Vinh thành phố nghĩa tình”, “Em chưa về với biển”…

Nhạc sỹ Hồ Hữu Thới từng công tác ở Ty Văn Hóa Nghệ An, làm Phó Hiệu trưởng trường Văn Hóa Nghệ thuật Nghệ Tĩnh, rồi Giám đốc Sở Văn Hóa Thông Tin Nghệ An. Ông sinh ra và lớn lên ở nông thôn Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, miền đất cùng cuộc đời ông đi qua chiến tranh, bom đạn, nghèo khó nên con người và tâm hồn nhạc sĩ của ông luôn đau đáu hướng về quê hương, để ông lắng thêm trong mỗi tác phẩm âm nhạc, đi Suốt chiều dài câu Ví Giặm, suốt chiều rộng câu dân ca.

Phát huy tinh hoa của lớp nhạc sĩ đàn anh

Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới đã học hỏi và phát huy thế mạnh của lớp nhạc sĩ đàn anh trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ba nước Đông Dương. Thời kì đó đã có nhiều nhạc sĩ Việt Nam và Lào sáng tác nhiều bài hát ca ngợi tình đoàn kết chống kẻ thù chung như “Tiến lên quân đội giải phóng nhân dân Lào” của Doãn Nho, “Tình Việt Lào như núi như sông” của Trọng Loan, “Chào đường 9 anh hùng” của Huy Thục, “Cô gái Sầm nưa” của Trần Tiến... Nhạc sĩ Đỗ Nhuận lúc bấy giờ có tên Lào là Oudon Syhalath, đã viết một vệt ca khúc gồm: “Hành khúc quân đội nhân dân Lào”, “Đàn vỏi đàn voi”, “Du kích ca”, “Mường Lau ơi”, “Tình yêu Việt Lào”. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có bài hát “ca ngợi phụ nữ Lào”, Chu Minh có “Hành khúc thiếu nhi Lào”, “Ca ngợi Sầm Nưa”, Đức Minh có “Các dân tộc Đông Dương là anh em”, “Hoa huệ trắng”, “Việt Lào là anh em”…

Đặc biệt ca khúc “Tình đoàn kết hai dân tộc Việt Lào” của Hoàng Vân được viết bởi cấu trúc một đoạn đơn ngắn gọn nhưng lại có sức lay động lớn lúc bấy giờ.

“Dài như nước sông Cửa Long

Cao như dãy núi Trường Sơn

Tình đoàn kết hai dân tộc

Việt Lào thân thiết đã bao đời

Từ trong bóng đêm nô lệ

Càng vùng lên đánh tan thực dân”

Rồi ca khúc “Gửi anh bộ đội yêu nước Lào” của Hồ Bắc, “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn” của Hoàng Hà. Bên cạnh đó còn có nhiều bài hát viết về Trường Sơn, hai phía mái nhà của hai đất nước như “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” của Hoàng Hiệp (thơ: Phạm Tiến Duật), “Sợi nhớ, sợi thương” của Phan Huỳnh Điểu (thơ: Thuý Bắc), “Bài ca Việt- Lào- Cam pu chia” của Nguyễn Đình Phúc...

Việt kiều tại Lào thường hát "Tình Việt Lào" trong sinh họat cộng đồng

Các thế hệ đồng nghiệp luôn tôn vinh trân trọng Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới

Nhờ những tinh hoa của lớp nhạc sĩ đàn anh mà đến thời điểm hiện tại, ca khúc “Tình Việt Lào” của nhạc sĩ Hồ Hữu Thới đang được phổ cập nhiều nhất, có sức lan tỏa rộng lớn nhất tại Lào. Đặc biệt trong năm 2022 là năm có nhiều hoạt động thiết thực chào mừng “Năm đoàn kết hữu nghị Lào và Việt Nam” thì ca khúc “Tình Việt Lào” càng có chỗ đứng ưu ái nhất đối với công chúng 2 nước.

Phải chăng, ca khúc “Tình Việt Lào” đã được nhạc sĩ Hồ Hữu Thới chiết lọc cảm xúc nghĩa nặng tình sâu từ “Câu hát quê hương”.

“Người ơi, thương nhau nhớ lời đã hò hẹn

Càng thương nhau nhớ gừng cay muối mặn

Câu ca ân tình trên sóng nước long lanh bao cuộc đời

Câu ca bây giờ nghe vẫn mới: Thương nhau xin nhớ đừng quên”...

Quốc Khánh (VP Bắc Miền Trung)

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Cội nguồn đoàn kết dân tộc

    Cội nguồn đoàn kết dân tộc

    Hằng năm, cứ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10-3 Âm lịch), người Việt dù ở nơi đâu cũng tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hướng về cội nguồn, bởi từ bao đời nay, trong tâm thức của "con Lạc cháu Hồng", Hùng Vương là vị vua ...
    Nghệ An: Thành phố Vinh khánh thành tượng V.I.Lênin

    Nghệ An: Thành phố Vinh khánh thành tượng V.I.Lênin

    Sáng 16/4, tại thành phố Vinh, 2 tỉnh Nghệ An và Ulyanovsk (Liên bang Nga) phối hợp Thành ủy, UBND thành phố Vinh, trang trọng tổ chức Lễ tiếp nhận và khánh thành tượng V.I.Lê-nin, một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ hữu ...
    TRAO SINH KẾ, GỬI NIỀM TIN

    TRAO SINH KẾ, GỬI NIỀM TIN

    Nặng tình với quê hương , cảm thông, chia sẻ cùng nạn nhân chất độc da cam, ông Cao Xuân Thắng, đang công tác tại Bảo hiểm xã hội, Bộ Quốc phòng , đã dành 49.500.000 đồng để mua 03 con bò, hỗ trợ cho 03 hộ nạn nhân chất độc da cam còn có điều kiện chăn nuôi bò tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An .