• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Cần thực hiện đúng quy định, quy trình khi thanh tra chế độ đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ

Cần thực hiện đúng quy định, quy trình khi thanh tra chế độ đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ

Theo báo cáo của Bộ Lao động - TBXH giải trình chính sách ưu đãi người hoạt động kháng chiến (HĐKC) bị phơi nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) khi trình Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 (sửa đổi), Thanh tra của Bộ đã thanh tra chuyên đề tại 17 địa phương với tổng số 78.251 hồ sơ, trong đó có 1.832 trường hợp không đủ điều kiện hưởng chế độ, phải đình chỉ trợ cấp hoặc phải điều chỉnh giảm mức hưởng trợ cấp (đối với con đẻ và yêu cầu nộp trả ngân sách Nhà nước trên 170,7 tỷ đồng; 3640 trường hợp giám định kết luận sai tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm CĐHH. Sở Lao động- TBXH các tỉnh, thành phố đã tiến hành tự thanh tra, kiểm tra, rà soát 67.657 hồ sơ, phát hiện 786 hồ sơ không đủ điều kiện hưởng chế độ: Bắc Cạn cắt, dừng 11.447 trường hợp được hưởng theo quy định tại Quyết định 26 và Quyết định 120…

Bệnh viện Quân y 103 khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho NNCĐDC tỉnh Nam Định

Theo báo cáo của Bộ Lao động-TBXH, một số sai phạm chủ yếu là: Sử dụng giấy tờ chứng minh hoạt động vùng phun rải CĐHH không hợp pháp: tẩy xóa, sửa chữa, giấy tờ giả; sai phạm khám giám định tại Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh: khám giám định thêm bệnh tật so với hồ sơ giới thiệu, chưa kiểm tra tính chính xác của hồ sơ… Theo phản ánh của nạn nhân (qua đơn thư) và một số hội địa phương, thì việc thanh tra sử dụng các văn bản chính sách thời gian sau để áp dụng cho thời kỳ trước đó. Ví dụ dùng các quy định tại Pháp lệnh số 26, Nghị định số 54/NĐCP và các văn bản hướng dẫn xem xét lại số đã hưởng theo Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg, QĐ số 120/2004/QĐ-TTg…

Việc thanh tra, kiểm tra trong thực hiện chính sách nói chung và chính sách đối với người có công với cách mạng là cần thiết, để bảo đảm tính chính xác, tính công bằng trong thực hiện chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời loại trừ các hiện tượng tham những, trục lợi chính sách ưu đãi người có công, được nhân dân, dư luận xã hội đồng tình.

Tuy nhiên, khi thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách cần thận trọng đồng bộ, dân chủ, đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính chính xác, bảo đảm yên dân, an sinh xã hội, không để khiếu kiện, gây mất ổn định chính trị ở các địa phương và cả nước.

Theo phản ảnh của NNCĐDC và một số tỉnh, thành hội, quá trình thanh tra, kiểm tra, kết luận, hạ mức hưởng, tạm dừng, cắt hưởng chế độ đối với nạn nhân (CCB) tại một số địa phương là chưa thỏa đáng. Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam nhận rất nhiều đơn thư kiến nghị của cá nhân và tập thể. Nội dung phản ánh tập trung: Do sự chưa thống nhất về cách áp dụng pháp luật về các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách các thời kỳ của những cán bộ thanh tra.

Như chúng ta đã biết, trong các đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thì người HĐKC bị nhiễm CĐHH là đối tượng khó khăn và phức tạp nhất. Từ đối tượng được hưởng chế độ mang tính bảo trợ xã hội (thủ tục hồ sơ, điều kiện được hưởng đơn giản) sang hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng (thủ tục hồ sơ, điều kiện tiêu chuẩn… chặt chẽ hơn).

Ngày 3/4/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 74/1998/QĐ-TTg về việc điều tra, xác minh nạn nhân bị hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, bằng phương pháp thực chứng để nghiên cứu hoạch định chính sách. Lúc đó có nhiều người do nhiều lý do khác nhau như đi làm ăn xa, sợ sau này ảnh hưởng đến việc con cái xây dựng gia đình… nên không kê khai.

Ngày 23/2/2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg về chế độ người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH. Theo đó, người tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở vùng bị Mỹ sử dụng CĐHH (8/1961-30/4/1975) đang không hưởng chế độ thương binh, bệnh binh được hưởng trợ cấp.

Ngày 5/7/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 120/2004/QĐ-TTG sửa đổi, bổ sung Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg. Ngày 8/11/2004, Liên bộ LĐTBXH-BYT-BTC ban hành Thông tư số 14 hướng dẫn thực hiện, ban hành danh mục bệnh tật, dị dạng, dị tật do CĐHH có 13 loại bệnh (nhóm bệnh) với 147 loại bệnh khác nhau làm căn cứ (tiêu chí) xác nhận đối tượng được hưởng.

Cả hai quyết định nêu trên về đối tượng, điều kiện và thủ tục hồ sơ cũng đơn giản. Trên cơ sở kết quả điều tra, kê khai của đối tượng xác nhận của UBND cấp xã và Ban chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh người có công cấp xã xác nhận đề nghị, qua cấp huyện đến tỉnh ra quyết định hưởng trợ cấp, do ngân sách địa phương đảm bảo từ nguồn trợ cấp xã hội.

Đến năm 2005, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XI ban hành Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 (Pháp lệnh 26). Từ đó đến nay đã 7 lần sửa đổi qua các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và mới nhất là Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 9/12/2020, quy định: Người HĐKC bị nhiễm CĐHH được công nhận là người có công với cách mạng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng từ Pháp lệnh 26. Theo đó, điều kiện, thủ tục hồ sơ, quy trình xét duyệt… chặt chẽ hơn. Chế độ, chính sách ưu đãi hơn (trợ cấp, phụ cấp, BHYT, điều dưỡng phục hồi sức khỏe…) cao hơn. Về cơ bản, số đang được hưởng chế độ tại Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg và Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg được các sở Lao động-TBXH rà soát, hướng dẫn, bổ sung hồ sơ theo quy định để hưởng chế độ quy định tại Pháp lệnh 26.

Mặt khác, trong các văn bản quy phạm pháp luật như Pháp lệnh số 36-L/CTN ngày 29/8/1994, các pháp lệnh Ưu đãi người có công và các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ đều không cho phép lật lại hồ sơ để cắt chế độ đối với các trường hợp đã được xem xét, công nhận theo đúng các quy định tại thời điểm đó. Nguyên tắc “Bất hồi tố” - một nguyên tắc quan trọng trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật. “Bất hồi tố” là quy định của pháp luật về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật về thời gian. Văn bản quy phạm pháp luật chỉ có hiệu lực điều chỉnh đối với những quan hệ xã hội từ khi văn bản đó có hiệu lực, nó không có hiệu lực ngược thời gian (hồi tố), (Điều 152, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22/6/2015).

Theo phản ánh của người HĐKC bị nhiễm CĐHH tại các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Cạn, Gia Lai, Lâm Đồng…, trong quá trình thanh tra, cán bộ thanh tra lại sử dụng các quy định điều kiện hưởng các chính sách tại các văn bản khi có Pháp lệnh (Nghị định số 54/2006/NĐ-CP; Nghị định số 31/2013/NĐ-CP; các thông tư…) để rà soát các đối tượng đã được hưởng trước đó (Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg, Quyết định số 120/2004/QĐ-TTG các Thông tư …, quy trình thanh tra chỉ có thanh tra viên không có cán bộ y tế). Ví dụ: về danh mục bệnh, dị dạng, dị tật của con đẻ của người HĐKC bị phơi nhiễm CĐHH, giai đoạn thực hiện Quyết định số 120/2024/QĐ-TTG thực hiện theo Thông tư liên tịch số 14/2004/TTLT/BLĐTBXH-BYT-BTC ngày 8/11/2004. Khi thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công thực hiện Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ngày 20/8/2008; Thông tư liên tịch số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 18/11/2013 và hiện hành là Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH. Như vậy, các danh mục này không thể làm căn cứ để áp dụng đối với những trường hợp đã được xem xét kết luận thực hiện chính sách theo Quyết định 120/2004/QĐ-TTg và văn bản hướng dẫn thực hiện. Do đó, theo kiến nghị của 36 CCB, NNCĐDC của Hải Phòng bị cắt, lý do cắt “không sinh con dị dạng, dị tật và không mắc bệnh trong danh mục” theo danh mục quy định tại Quyết định số 09/QĐ-BYT, trong lúc trước đó họ được hưởng theo danh mục quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2004/TTLT/BLĐTBXH-BYT-BTC. Hoặc trường hợp ông Nguyễn Trọng Sự, con đẻ của người HĐKC có xác nhận của Bệnh viện đa khoa huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An xác nhận “gai sống chẻ đôi bẩm sinh S1” nhưng vẫn bị cắt chế độ.

Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, cần hoàn chỉnh, đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng số 02/2020/PLUBTVQH14 để làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; củng cố lòng tin đối với người có công với cách mạng nói chung và đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH nói riêng./.

Đại tá Nguyễn Bá Bồng

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...