• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Chặng đường 50 năm khắc phục hậu quả chiến tranh do tồn lưu bom mìn, chất độc hoá học/dioxin ở Việt Nam

Thượng tướng, PGS, TS Hoàng Xuân Chiến 
Ủy viên BCH Trung ương Đảng 
Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương,
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả của bom mìn, vật nổ, chất độc hóa học đã và đang tiếp tục ảnh hưởng đến sự an toàn, sức khỏe của nhiều người dân, môi trường sinh thái và sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đây là một trong những thách thức lớn trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam.

Bà Samantha Power và Thiếu tướng Bùi Anh Chung ký biên bản hoàn trả  mặt bằng đã xử lý dioxin khu vực Tây Nam sân bay Biên Hòa. (tháng 3/2023).

Bom mìn, vật nổ, chất độc hóa học còn sót lại sau chiến tranh là hiểm họa hằng ngày đối với nhiều người dân Việt Nam. Theo kết quả điều tra khảo sát, 63/63 tỉnh, thành của Việt Nam đều bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ với khối lượng ước tính khoảng 800.000 tấn. Sau hàng chục năm tiến hành rà phá, đến nay vẫn còn khoảng 5,6 triệu héc-ta đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ, chiếm 17,7% diện tích cả nước. Ước tính khoảng gần 1 triệu mét khối đất trên diện tích hàng trăm héc-ta bị ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin tại khu vực các sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát, A So. Nồng độ chất độc hóa học/dioxin có nơi vượt hàng trăm lần so với quy chuẩn cho phép. Ngoài ra, còn một số sân bay dã chiến khác đang được điều tra, khảo sát đánh giá mức độ ô nhiễm dioxin. Cùng với đó, có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó trên 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam.
Thực trạng tồn lưu bom mìn, chất độc hóa học/dioxin có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái và một lượng lớn đất đai không thể sử dụng để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Nhận thức sâu sắc điều đó, 50 năm qua Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách trong công tác xử lý bom mìn, vật nổ, chất độc hóa học cũng như công tác hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ các nạn nhân.
Ngày 14/5/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 43- CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 21/4/2010 ban hành Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010- 2025 (Chương trình 504); Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020...
Để tăng cường sự tập trung và toàn diện trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, ngày 24/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 701/QĐ-TTg Thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 701) do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban; ban hành Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 28/12/2021 về Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Quyết định số 748/QĐ-TTg ngày 22/6/2023 phê duyệt Kế hoạch thực hiện chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2023-2025. Mới đây nhất, ngày 31/01/2025, Bộ Quốc phòng đã ban hành Kế hoạch số 536/KH-BQP triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; trong đó, xác định nhiệm vụ tăng cường hợp tác trong nước, quốc tế để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đối với lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh do tồn lưu bom, mìn, chất độc hóa học/dioxin...
Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ được giao, những năm qua, với vai trò Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701, Bộ Quốc phòng đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với Nhà nước ban hành các chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện công tác khắc phục bom mìn, vật nổ, chất độc hóa học sau chiến tranh, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả. Cùng với đó chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội, đặc biệt là 18 chính phủ và tổ chức quốc tế (Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Úc, Đức, UNDP, ICRC,JICA, KOIKA,...) thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ xử lý đạt nhiều kết quả tích cực. Quản lý, cấp chứng chỉ năng lực hoạt động điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn, vật nổ cho các tổ chức, đơn vị, nhân viên chuyên môn kỹ thuật (tính đến nay đã triển khai hơn 300 đợt, với gần 6.000 chứng chỉ được cấp). Trong giai đoạn từ 2006 đến 2024, chúng ta đã rà phá, giải phóng, làm “sạch” khoảng 700 nghìn héc-ta đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ, đặc biệt từ năm 2020 đến nay, tốc độ rà phá được cải thiện, trung bình khoảng 40.000 - 50.000 héc-ta/năm.
Với sự quyết tâm cao trong việc xử lý các khu vực bị ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin, tránh lan tỏa ra môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái, đến nay các cơ quan, đơn vị trong nước phối hợp cùng phía Hoa Kỳ và một số tổ chức quốc tế đã hoàn thành xử lý, cô lập hàng trăm nghìn mét khối đất nhiễm chất độc da cam/dioxin, tổng diện tích đất khoảng 50 héc-ta, đặc biệt đang tiến hành xử lý tại sân bay Biên Hòa, là một trong những khu vực có mức độ ô nhiễm lớn nhất thế giới (khoảng nửa triệu mét khối đất); đã xử lý được hàng chục tấn chất độc CS. Ngoài các khu vực nêu trên, công tác điều tra khảo sát và xử lý chất độc hóa học/dioxin tiếp tục được triển khai thực hiện tại các sân bay dã chiến để hướng đến xử lý triệt để ô nhiễm dioxin tồn lưu do chiến tranh.
Các bộ, ngành, tổ chức, địa phương có liên quan không ngừng quán triệt, triển khai thực hiện các chính sách, quy định nhằm giải quyết chế độ, ưu đãi cho nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học/dioxin; đồng thời, lồng ghép giải quyết các chế độ chính sách, hỗ trợ đời sống, chăm sóc sức khỏe, hướng nghiệp dạy nghề cho nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học/dioxin cho các đối tượng khác có liên quan (người khuyết tật, trẻ tự kỷ...) thông qua các văn bản, quy định hiện hành. 
Hằng năm, ngân sách Nhà nước dành hàng nghìn tỷ đồng để chi trả trợ cấp cho đối tượng chính sách, trong đó có nạn nhân bom mìn, vật nổ và nạn nhân chất độc da cam. Đến nay, 100% người khuyết tật nặng là nạn nhân bom mìn, chất độc hóa học/dioxin được hưởng trợ cấp hàng tháng và gia đình nạn nhân bom mìn, chất độc hóa học/dioxin thuộc diện khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng.
Cùng với đó, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thực hiện Chương trình “Nghiên cứu phát triển hệ thống trang thiết bị, phương tiện dò tìm, xử lý và xây dựng hệ thống thông tin quản lý ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam (KC.BM)”, thực hiện từ năm 2018 - 2022 với gần 20 đề tài nghiên cứu, góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ.
Công tác hợp tác quốc tế, vận động tài trợ cho lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/dioxin cũng được các bộ, ngành đặc biệt quan tâm, thúc đẩy và đạt được những bước tiến đáng kể. Giai đoạn 2014 - 2024, Việt Nam huy động được hơn 600 triệu USD vốn ODA không hoàn lại của các nước và các tổ chức quốc tế (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc...) và vốn đối ứng cho các dự án khoảng gần 500 tỷ đồng để thực hiện khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học/dioxin đối với con người và môi trường. Đồng thời, qua công tác vận động viện trợ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, hàng năm các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã tài trợ triển khai trung bình khoảng 50 chương trình, dự án hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác khắc phục hậu quả chiến tranh do tồn lưu bom mìn, chất độc hóa học thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, như: Tốc độ rà phá bom, mìn còn thấp so với yêu cầu, dẫn tới có thể phải mất từ 70 đến 100 năm mới có thể hoàn thành; nhiều khu vực tồn lưu bom, mìn, chất độc hóa học/dioxin còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao; số lượng nạn nhân được hỗ trợ chăm sóc, điều trị y tế còn ít so với nhu cầu. Nguyên nhân chủ yếu do tồn luu bom, mìn trên phạm vi rộng, công nghệ xử lý phức tạp, thiếu trang thiết bị, công nghệ hiện đại, khó khăn về bảo đảm nguồn lực tài chính để thực hiện các chương trình, việc huy động nguồn lực còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào một số nước, tổ chức, đối tác quen thuộc (Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy...). 
Để đẩy nhanh công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; quy định về chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trong Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 của ủy Ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết số 108/NQ-CP của Chính phủ; các Quyết định số 2215/QĐ-TTg, số 748/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu của Bộ Quốc phòng về khắc phục hậu quả bom, mìn, chất độc hóa học/dioxin trong Quyết định số 2452/QĐ-BQP và Kế hoạch số 536/KH-BQP. 
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản quy định của Bộ Quốc phòng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh do tồn lưu bom, mìn, chất độc hóa học/dioxin.
Ba là, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn giai đoạn 2026 - 2045; chiến lược quốc gia khắc phục hậu quả chiến tranh do tồn lưu bom, mìn đến năm 2050, phấn đấu rà, phá, xử lý bom, mìn trong diện tích hơn 120.000 ha đất/năm và hoàn thành trong 50 năm; cập nhật, hoàn chỉnh các thông tin, dữ liệu về hiện trạng ô nhiễm bom, mìn, chất độc hóa học/dioxin, nạn nhân chất độc da cam phục vụ cho công tác quản lý và thực hiện các giải pháp khắc phục; tổ chức thực hiện dự án giai đoạn 2 điều tra, khảo sát xây dựng bản đồ ô nhiễm bom mìn toàn quốc.
Bốn là, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực của các lực lượng; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, chuyển đổi số phục vụ tăng tốc, rút ngắn thời gian, bảo đảm chất lượng, hiệu quả thực hiện; xây dựng chương trình khoa học công nghệ khắc phục hậu quả bom mìn (KC.BM) giai đoạn 2; tiếp tục lập, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án, đề tài, nhiệm vụ trọng điểm, cấp bách về điều tra, khảo sát, đánh giá, xử lý bom mìn, chất độc hóa học/dioxin; chăm sóc sức khỏe, điều trị y tế, hỗ trợ việc làm cho nạn nhân.
Chú trọng đa dạng hóa các nguồn lực trong nước, quốc tế. Phát huy tinh thần chủ động, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và cơ quan chức năng của Hoa Kỳ để sớm hoàn thành dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa vào năm 2030; hoàn thành dự án xử lý chất độc dioxin sân bay Phù Cát vào năm 2028; xây dựng, phát triển các trung tâm điều trị y tế cho nạn nhân tại một số bệnh viện quân y; tiếp tục mở rộng thực hiện các dự án để phấn đấu 100% nạn nhân chất độc da cam bị bệnh nặng được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và điều trị y tế, hỗ trợ việc làm.
Năm là, tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn trong nước và quốc tế để mở rộng hợp tác với nhiều nước, tổ chức quốc tế, tăng cường sự quan tâm, huy động các nguồn lực; triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã ký về hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh do tồn lưu bom, mìn, chất độc hóa học/dioxin; nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy công tác khắc phục bom, mìn, chất độc hóa học/dioxin, chăm sóc sức khỏe và điều trị y tế, hỗ trợ việc làm cho các nạn nhân.
Công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài, có ý nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc, là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội; trong đó, Quân đội đóng vai trò tiên phong, nòng cốt. Trong thời gian tới, cần tăng tốc, bứt phá để sớm hoàn thành các chương trình, mục tiêu quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học/dioxin, góp phần thực hiện mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người, môi trường sinh thái và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    EVN thực hiện tốt công tác chuyển đổi số

    EVN thực hiện tốt công tác chuyển đổi số

    Theo thông tin của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vào đầu tháng 2/2025, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một trong các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước đạt kết quả tốt nhất về chuyển đổi số doanh ...
    Ký ức tháng tư

    Ký ức tháng tư

    Tháng bảy năm 2025 này, ông tròn 78 tuổi, cái tuổi xế chiều của một đời người, nhưng với ông thì đầu óc vẫn rất minh mẫn, phong thái thì vẫn như ngày còn quân ngũ. Đó là Thiếu tướng Trần Ngọc ...