• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Chất độc da cam - nỗi đau còn nhức nhối

Cách đây 60 năm, ngày 10/8/1961 chuyến bay đầu tiên phun rải CĐHH do máy bay Mỹ thực hiện tại Quốc lộ 14, nằm ở phía Bắc thị xã Kon Tum. Từ đó đến năm 1971, quân đội Mỹ tiến hành phun rải hơn 80 triệu lít CĐHH, 61% trong đó là CĐDC/dioxin rải xuống Việt Nam. Việc sử dụng CĐDC/dioxin ở chiến trường trong suốt 10 năm (1961 - 1971) đã gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ hủy hoại môi trường, các hệ sinh thái mà còn tác hại đến sức khỏe con người Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác.

CĐHH và những thảm cảnh đau lòng

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Quảng Trị là địa bàn chịu hậu quả CĐHH nặng nề. Theo nhiều tài liệu đã công bố, từ năm 1963, 72 triệu lít chất dioxin được Mỹ thả xuống từ Nam vĩ tuyến 17 trở vào, trong đó tỉnh Quảng Trị là một trọng điểm. Một tài liệu của tỉnh Quảng Trị báo lên cấp trên vào năm 1968 cho hay, có 1.500 ha rừng, hoa màu của nông dân đã bị chết do chất độc từ máy bay Mỹ thả xuống, chủ yếu tập trung vào huyện Cam Lộ. Gần 2.000 người chết do nhiễm độc quá nặng.

Nghiêm trọng hơn, CĐHH đã truyền qua thế hệ thứ 4 (theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có hàng trăm ngàn người thuộc thế hệ thứ 2, hơn 35.000 người thuộc thế hệ thứ 3, hơn 2.000 người thuộc thế hệ thứ 4). Tất cả là do di chứng CĐDC/dioxin gây ra.

Vợ chồng ông bà Trần Văn Trâm - Trần Thị Dần 71 tuổi, ở thôn Tân Hiệp, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị sinh được 7 người con, trong đó 4 người con bị nhiễm CĐDC/dioxin thuộc thế hệ F1 nhiễm từ chính cha mẹ mình. Bà Trần Thị Dần, cho biết cả 4 đứa trẻ phát hiện bị tật nguyền khi được 2 - 3 tuổi. Bà Dần nghẹn ngào chia sẻ: “Người con đầu tiên bị bệnh, chúng tôi vẫn muốn sinh thêm con với mong muốn đứa sau khỏe mạnh, bù đắp cho cuộc sống của gia đình, thêm tiếng cười vui con trẻ. Nhưng càng cố, càng mong muốn sinh con cho lành lặn thì gia đình lại liên tiếp đón những đứa con tật nguyền. Nỗi đau đớn cứ nhân lên. Cả bốn cháu đều không nói được, không đi được bằng hai chân mà phải bò. Mỗi ngày vài lần, cả bốn cháu lên cơn đập phá đồ và ném đồ vào bố mẹ. Sinh con ra mà con không biết gọi mẹ ơi. Vất vả lắm. Trong trường hợp hai vợ chồng già chúng tôi cùng mất đi, chỉ mong Đảng, Nhà nước nuôi giúp mấy đứa con tội nghiệp này. Đến nay 4 người con đều ở độ tuổi từ 30-40 nhưng không thể tự làm được bất cứ việc gì. Hai vợ chồng già cắt cử nhau, vợ ở nhà nấu ăn và bón cơm, vệ sinh cho các con, chồng đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp cho sinh hoạt hàng ngày.

Bốn người con tật nguyền của ông bà Trần Văn Trâm, Trần Thị Dần. Ảnh: Lan Phương

Ở thôn Thượng Lâm, xã Cam Thịnh, huyện Cam Lộ, cháu Lê Gia Bảo là NNCĐDC thuộc thế hệ F3, là chắt ngoại của ông Trần Văn Lường, NNCĐDC. Gia Bảo đã 9 tuổi nhưng nhận thức chỉ như trẻ lên ba, lên bốn. Chị Trần Thị Lại, mẹ cháu Bảo cho biết sau khi sinh con được hơn 1 tháng, gia đình phát hiện cháu bị bệnh tim bẩm sinh và đục thủy tinh thể. Mổ tim xong, tiếp tục phẫu thuật đục thủy tinh thể nhưng mắt cháu ngày càng mờ. Nên cháu chỉ có thể ngồi sát tivi để nghe tiếng. Cháu không thể tự chăm sóc bản thân vì chân tay yếu cộng với mắt kém. Chị Lại mong mỏi: “Chỉ mong mắt con sáng, có cơ hội được nhìn thấy cuộc sống, được nhìn thấy cha mẹ, bạn bè…”.

Cần có động lực để vươn lên

Ông Phạm Văn Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật - NNCĐDC và Bảo trợ xã hội huyện Cam Lộ chia sẻ: Thật thương tâm nếu nhắc đến con số hay những trường hợp bị quái thai trong bụng mẹ. Thế hệ thứ ba, thứ tư sinh ra sau chiến tranh vẫn bị nhiễm độc. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1087 hộ và 1786 người là NNCĐDC, trong đó mới có 230 trường hợp được hưởng chế độ. Số còn lại là nhờ sự trợ giúp của cộng đồng, các nhà hảo tâm và các tổ chức chính trị, xã hội.

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách chế độ đối với NNCĐDC; nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã dành những tình cảm, sự ủng hộ đối với đối tượng này. Cùng với đó, các cấp Hội NNCĐDC/dioxin cả nước đã đẩy mạnh công tác vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay góp sức giúp đỡ NNCĐDC và gia đình họ vươn lên trong cuộc sống. Bà Trần Thị Dần, một trong những gia đình được hưởng thụ trực tiếp từ các tổ chức phi chính phủ và các nhà hảo tâm chia sẻ: “Các ngành, các nhà hảo tâm rất quan tâm và chúng tôi rất cảm động. Nhìn thấy hoàn cảnh gia đình chúng tôi như thế này, họ thương lắm và ôm chúng tôi khóc. Tôi chỉ mong có nhiều sức khỏe để chăm nuôi cho bốn con tật nguyền”.

Tuy nhiên, vẫn cần lắm những tấm lòng và những việc làm cụ thể để tạo nguồn sinh kế bền vững cho gia đình các NNCĐDC, từ đó hiện thực hóa những ước mơ bình dị của họ.

Truyền cảm hứng tích cực

Hiểu rõ nỗi đau của NNCĐDC, chính quyền, đoàn thể của tỉnh Quảng Trị đã tuyên truyền thực hiện các chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH; phát hiện những bất cập trong thực hiện chế độ, chính sách đối với NNCĐDC. Qua đó, nhiều NNCĐDC được hưởng chế độ chính sách, trợ cấp xã hội, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Để bù đắp những thiệt thòi của NNCĐDC, Tỉnh hội Quảng Trị đã vào cuộc. Một trong những hoạt động nổi bật của Hội là hỗ trợ lập mạng lưới giáo viên đến tuyên truyền cho NNCĐDC về chính sách; trợ giúp các gia đình vay vốn làm ăn, giúp họ thoát nghèo.

Ông Thái Vĩnh Liệu, Chủ tịch Tỉnh hội cho biết: Hội đã tập huấn đào tạo cho 30 giáo viên đến tận nhà các gia đình NNCĐDC tuyên truyền về luật, chính sách, văn bản của Đảng và Nhà nước, Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và đã đạt được hiệu quả rõ rệt. Anh Nguyễn Ngọc Dũng tâm sự, trong ba năm qua, anh cùng các giáo viên tình nguyện đã đến trên 100 xã trong toàn tỉnh Quảng Trị để phổ biến về các chính sách liên quan đến người khuyết tật, tổ chức nhiều lớp phòng chống bạo lực giới, truyền thông về các phương pháp sống tự lập và độc lập, nâng cao năng lực bản thân. Những buổi tuyên truyền tận nơi, trả lời trực tiếp những câu hỏi còn khúc mắc như vậy đã cải thiện được cách nhìn, cách nghĩ của những người khuyết tật.

Lê Văn Trung, quê ở Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh, bị tật ở chân từ nhỏ, cũng là do di chứng của CĐDC/dioxin để lại từ người cha Lê Văn Việt, từng tham gia chiến đấu ở Vĩ tuyến 17, Quảng Trị. Đi lại khó khăn, làm việc gì cũng không thuận lợi, học đến cấp hai, bị bạn bè chế nhạo nhiều, Trung đã nghỉ học. Ban đầu, Trung trách cứ, dằn vặt bố mẹ: “sinh con ra làm chi cho con cực như ri?”. Đến khi thấy mẹ đêm đêm trở dậy, ngồi khóc một mình, cộng thêm sự tuyên truyền về chính sách của đội nhóm giáo viên, Trung mới tỉnh ngộ. Trung xin bố mẹ mua một chiếc máy xay xát gạo để kiếm tiền nuôi thân. Ban đầu, bố mẹ không đồng ý vì lẽ: “Mi như rứa thì mần răng được?”. Với quyết tâm của Trung, bố mẹ cũng đi vay tiền ngân hàng chính sách mua máy theo đúng mong ước của con. Sau một thời gian, thấy khả năng làm được việc, Trung mạnh dạn vay thêm vốn mua máy xúc phục vụ nông nghiệp trị giá 850 triệu đồng. Vừa làm, anh vừa dạy nghề cho học viên, thời gian từ 5 đến 6 tháng, có người 1 năm, không thu phí. Anh nói, vì các em tuổi còn trẻ, chưa có tiền, vả lại, các em đi theo phụ giúp mình, công lao đó cũng coi như đã trả phí. Cứ tự lực cánh sinh như vậy, đến nay, anh Trung đã mua thêm một chiếc xe tải chở máy xúc, xây được ngôi nhà một tầng rộng rãi làm nơi sinh hoạt cho vợ và hai con.

Gan dạ trong thời chiến, vượt khó trong thời bình

Tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, vào cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX, ông Trương Đức Hai bị nhiễm CĐDC/dioxin khi còn là du kích xã Trung Hải. Ông kể, hồi đó, ông hít phải luồng gió màu vàng thổi từ phía Tây xuống, nên đau đầu, chóng mặt, hắt hơi, sổ mũi cả tuần trời. Sau này mới biết, luồng gió màu vàng ấy chứa CĐHH. Di chứng ông mang theo bên mình sau chiến tranh là thương binh hạng 2/4 và căn bệnh tiểu đường. Rời quân ngũ, dù thời bình không tiếng súng, nhưng cuộc sống của gia đình ông Hai khó khăn, vất vả bộn bề. Vợ ngã bệnh vì ung thư tuyến giáp, bốn con còn thơ dại, ông quyết định xin nghỉ hưu sớm ở cơ quan hành chính sự nghiệp, về làm đủ mọi việc xoay xở nuôi con. Căn phòng tập thể chật hẹp, tạm bợ được cho ở nhờ có lúc bị đòi lại. Thấy tình cảnh của ông, lãnh đạo địa phương can thiệp cho ông được quyền hóa giá căn nhà tập thể. Rồi để có tiền cho con ăn học đại học, có lúc ông phải cầm thẻ thương binh để đi vay tiền đóng học phí. Sau này, vay mượn vốn của bạn bè, ông thành lập một công ty nhỏ, kể từ đó, cuộc sống mới dần đi lên. Giờ đây, bốn người con đều đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định.

Trong chiến tranh, ông Trương Đức Hai là một dũng sĩ bắn tỉa làm kinh hồn bạt vía quân thù, được bà con địa phương tôn vinh bằng câu “Nhất Kỳ, nhì Hai”. Gan dạ trong thời chiến, quyết chí trong thời bình, Anh hùng LLVT Trương Đức Hai đã phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, vững vàng trên mọi trận tuyến. Trong ánh mắt của chiến sĩ bắn tỉa Trương Đức Hai hôm nay, ông lại đau đáu nghĩ về những đồng đội đã cảm tử vì Tổ quốc. Khi được Nhà nước phong tặng Anh hùng, ông dành toàn bộ tiền thưởng để mong mỏi góp sức xây dựng nhà bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ tại Di tích khu căn cứ Quán Ngang - nơi có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 31 bộ đội đặc công và các đơn vị bộ đội địa phương đã hy sinh anh dũng. Ở độ tuổi bên kia dốc của cuộc đời, cựu chiến binh 50 tuổi Đảng lại nỗ lực đi huy động vốn từ bạn bè, các nhà hảo tâm cùng nguồn đóng góp của nhân dân và cán bộ công chức trong toàn huyện Gio Linh để Nhà bia tưởng niệm sớm hoàn thành, là điểm đến tham quan, tìm hiểu lịch sử cho du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Bằng ý chí sắt đá, tự lực vươn lên cộng với sự giúp đỡ của địa phương, cộng đồng, nhiều NNCĐDC đã đứng lên bằng chính sức lực của mình, lập thân lập nghiệp, trở thành tấm gương lao động sản xuất giỏi, góp sức làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vận động viện trợ để khắc phục hậu quả chiến tranh

Trong giai đoạn từ 2014 - 2019, Quảng Trị là một trong những điểm sáng của cả nước về thu hút, vận động nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài với tổng giá trị viện trợ xấp xỉ 100 triệu USD. Những chương trình, dự án mà các tổ chức phi chính phủ nước ngoài triển khai thuộc các lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, hỗ trợ phát triển kinh tế… Ông Phạm Văn Mạnh, Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật, NNCĐDC và bảo trợ xã hội huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị khoe: RENEW hay Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Trung tâm hành động vì phát triển cộng đồng (ACDC) thường tổ chức các hoạt động truyền thông thay đổi nhận thức và hành động; hỗ trợ xe đẩy, xe lăn, xe lắc cho NNCĐDC rất hiệu quả và tích cực.

Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc Cơ quan USAID tại Việt Nam, cho biết: Chính phủ Mỹ đã thỏa thuận thực hiện các dự án giai đoạn 2021 - 2025 với kinh phí 65 triệu USD hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ dành cho người khuyết tật ở 8 tỉnh trong đó có Quảng Trị. Dự án hỗ trợ người khuyết tật này sẽ tác động tích cực tới ít nhất 100.000 người khuyết tật và gia đình của họ, mở rộng các dịch vụ hỗ trợ, phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại 8 tỉnh bị phun rải nặng CĐDC/dioxin.

Cần có chính sách ưu đãi đối với NNCĐDC thế hệ thứ 3

Dù đã nỗ lực rất lớn góp phần “xoa dịu nỗi đau da cam” nhưng nỗi đau về hậu quả chiến tranh vẫn ám ảnh những người đang sống. Việc chăm sóc sức khỏe và ổn định cuộc sống cho NNCĐDC tiếp tục là bài toán cần sự giúp sức từ Nhà nước, chính quyền đoàn thể, người dân trong nước và quốc tế.

Ông Thái Vĩnh Liệu, Chủ tịch Tỉnh hội Quảng Trị kiến nghị các ngành chức năng hữu quan xem xét, giải quyết các chế độ chính sách cho thế hệ F2, F3 bị nhiễm CĐDC/dioxin. Bởi đây là nhóm mắc nhiều loại bệnh trong danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm với CĐHH. Ngoài chính sách bảo trợ xã hội, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ dạy nghề, tạo cơ hội việc làm phù hợp với từng người, từng dạng tật. Dù rằng sự quan tâm, giúp đỡ, đồng cảm của cộng đồng không thể chữa lành những di chứng quái ác mà chiến tranh để lại, nhưng cũng giúp nạn nhân và gia đình NNCĐDC nguôi ngoai phần nào nỗi đau và có thêm nghị lực vững tin vào cuộc sống./.

Lan Phương & Thu Hằng

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nói đến mùa xuân là nói đến thanh âm rộn ràng, sắc màu tươi mới, rực rỡ, rạng ngời của cảnh vật thiên nhiên và con người. Đó là sắc xuân của muôn hoa, là hoa đào thắm đỏ ở miền Bắc, ...