• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học về xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại

Cách đây tròn 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã lập thêm một chiến công hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc-Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chiến thắng đó bắt nguồn từ truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc ta; từ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và tinh thần, ý chí quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vì độc lập, tự do của Tổ quốc...  

Bảy thập niên đã trôi qua, nhưng âm hưởng, ý nghĩa và bài học lịch sử từ chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, trong đó có bài học về xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, với những nội dung chủ yếu sau:

Một là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết của Đảng về xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.

Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội là nguyên tắc, vấn đề có tính quy luật quyết định sự trưởng thành, chiến thắng của Quân đội. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng được thể hiện rõ nét, là nhân tố quyết định thắng lợi. Ngay từ tháng 1-1953, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định: Phương hướng chiến lược trong thời gian tới là tạm thời “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do; đánh địch ở những nơi địch sơ hở, đồng thời phải hoạt động mạnh sau lưng địch. Đây là quyết sách cực kỳ quan trọng của Đảng để đưa cuộc kháng chiến tiếp tục tiến lên giành những thắng lợi mới trên mặt trận quân sự.

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học về xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại
 Thượng tướng Nguyễn Tân Cương động viên cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 12 và các đơn vị tham gia diễn tập bắn đạn thật, tháng 12-2023. Ảnh: SƠN BÌNH

Trước tình hình thực dân Pháp đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch Navarre, cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị họp, phân tích, đánh giá tình hình địch-ta và xác định chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1953-1954 với phương châm “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Bộ Chính trị nhấn mạnh các nguyên tắc về chỉ đạo chiến lược, chỉ đạo tác chiến là: “Tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng”. Đến đầu tháng 12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp các chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ, Tây Bắc, Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào-Đông Bắc Campuchia, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó.

Quyết tâm chiến lược và tư tưởng chỉ đạo “đánh chắc thắng” của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là cơ sở để Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định đề xuất chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, trực tiếp đưa đến Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây chính là thành công nổi bật, là bài học quan trọng nhất về sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội và sự chấp hành, triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng.

Hiện nay và trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là chủ đạo, nhưng tiếp tục có những diễn biến phức tạp như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột quân sự, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ... Cách mạng công nghiệp lần thứ tư xuất hiện nhiều loại vũ khí mới, hiện đại; chiến tranh công nghệ cao và chiến tranh phi tiếp xúc ngày càng phổ biến; các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp. Đối với nước ta, sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế không ngừng được nâng cao, tạo nền tảng vững chắc tiếp tục phát triển đất nước. Tuy nhiên, đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không ngừng chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội... Tình hình trên đặt ra yêu cầu rất cao đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, bài học về giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội từ Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên giá trị.

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học về xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại
 
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học về xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại
 

Sơ tổng duyệt diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: TUẤN HUY

Để xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, phải tiếp tục quán triệt, nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng Quân đội. Trước hết, phải tổ chức quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, trọng tâm là Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17-1-2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 2-4-2022 của Quân ủy Trung ương, Kế hoạch số 1228/KH-BQP ngày 25-4-2022 của Bộ Quốc phòng về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo... Trên cơ sở đó, chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể, phương pháp tiến hành chặt chẽ, khoa học, với lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp để xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.

Hai là, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, việc xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, có bản lĩnh, tinh thần, ý chí quyết tâm chiến đấu cao luôn được chú trọng. Sau Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháng 3-1953, Tổng Quân ủy ra nghị quyết về chỉnh quân chính trị. Qua chỉnh quân chính trị, Quân đội được giác ngộ giai cấp và nâng cao một bước về trình độ hiểu biết Chủ nghĩa Mác-Lênin. Sức mạnh về chính trị tư tưởng được tăng lên gấp bội, là cơ sở thúc đẩy sự trưởng thành của Quân đội về mọi mặt.

Chuẩn bị bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cờ “Quyết chiến, quyết thắng” cho Quân đội. Thư động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lệnh động viên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được phổ biến khắp mặt trận, tạo ra không khí phấn khởi, thi đua lập công trên khắp các trận địa, góp phần củng cố tinh thần, quyết tâm chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ. Khi thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, phải chuẩn bị lại chiến trường cũng như trong quá trình chiến đấu vô cùng gian khổ, nhiều tình huống khó khăn. Song, được giáo dục, động viên kịp thời, cán bộ, chiến sĩ ta vẫn giữ vững ý chí, niềm tin vào thắng lợi cuối cùng, sáng tạo ra nhiều cách đánh độc đáo, hiệu quả, đưa chiến dịch đến toàn thắng.

Hiện nay, bài học xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cần tiếp tục được vận dụng và phát huy trong xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, bởi đây là nguyên tắc xuyên suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta nhằm giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng là nhân tố quyết định việc hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Theo đó, phải quán triệt sâu sắc đường lối quân sự của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội, lấy xây dựng chính trị làm nền tảng. Xây dựng Quân đội phải toàn diện, bao gồm tất cả các lĩnh vực và trên mọi nhiệm vụ; phát huy cao độ nhân tố chính trị tinh thần. Chú trọng tăng cường giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Tích cực, chủ động trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Xây dựng cho quân nhân có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, thấm nhuần đạo đức cách mạng, gắn bó chặt chẽ với nhân dân; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích quốc gia-dân tộc...

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học về xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại
 
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học về xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại
 
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học về xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại
 
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học về xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại
 Quân đoàn 12 và các lực lượng thực hành diễn tập bắn đạn thật, tháng 12-2023. Ảnh: HẢI HUY

Ba là, thường xuyên xây dựng, kiện toàn tổ chức, biên chế của các cơ quan, đơn vị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó có kết quả của việc xây dựng, từng bước hoàn chỉnh tổ chức LLVT, nòng cốt là QĐND. Ngay sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đặc biệt coi trọng xây dựng LLVT nhân dân. Ngày 22-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 71/SL ấn định Quy tắc Quân đội quốc gia, quy định về tổ chức biên chế thống nhất từ tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, liên đoàn, tập đoàn của bộ binh, các đơn vị chuyên môn và hỏa lực trợ chiến. Căn cứ điều kiện thực tế, đến tháng 11-1946, ta chủ trương tập trung xây dựng, củng cố các đơn vị bộ đội quy mô cấp tiểu đoàn, trung đoàn.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến là phải tiến lên vận động chiến, mở những chiến dịch lớn, ngày 28-8-1949, Đại đoàn 308-đại đoàn chủ lực đầu tiên-chính thức làm lễ thành lập. Từ năm 1950 đến năm 1952, có 5 đại đoàn bộ binh và 1 đại đoàn công binh-pháo binh tiếp tục được thành lập. Đây là “những binh đoàn cơ động-quả đấm chiến lược” để thực hiện các chiến dịch lớn, các đợt hoạt động mang tầm chiến lược, tạo chuyển biến trên chiến trường. Đến năm 1953, chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, cùng với giáo dục chính trị tư tưởng, toàn quân thực hiện chỉnh đốn về tổ chức. Các đơn vị được bổ sung, kiện toàn tổ chức biên chế, củng cố thêm chất lượng của LLVT, sẵn sàng bước vào chiến dịch.

Trên cơ sở các đơn vị chủ lực được tổ chức xây dựng và rèn luyện trong chiến đấu qua nhiều chiến dịch lớn, được củng cố trong chỉnh huấn chính trị, quân sự; trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tư lệnh đã sử dụng lực lượng nhiều đại đoàn chủ lực mạnh: 308, 312, 316, 304 (thiếu), 351, tạo sức mạnh đột phá, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất, kiên cố nhất của địch. Trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch, Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch luôn kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức, kịp thời kiện toàn tổ chức biên chế lực lượng của các đơn vị, đáp ứng kịp thời yêu cầu tác chiến.

Từ thực tiễn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, để xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, trên cơ sở biểu tổ chức, biên chế mới, các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên rà soát, điều chỉnh, kiện toàn tổ chức cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện có và với nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam trong điều kiện mới. Trước hết, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kế hoạch về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo. Khối cơ quan cấp chiến dịch, chiến lược tập trung rà soát, điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng giảm đầu mối trung gian và quân số phục vụ, bảo đảm, nhằm tăng cường quân số cho khối đơn vị. Khối đơn vị chiến đấu, điều chỉnh tổ chức theo hướng tăng cường sức mạnh, khả năng cơ động lực lượng, sẵn sàng chiến đấu cao. Sắp xếp lại các nhà máy sản xuất, cơ sở sản xuất quốc phòng; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế một số nhà trường Quân đội phù hợp với tổ chức của Quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh.

Bốn là, thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ; đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu phát triển lý luận quân sự, quốc phòng và khoa học quân sự hiện đại.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng, Nhà nước và Quân đội ta luôn chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ trong toàn quân. Đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân đội ta đã có đội ngũ cán bộ lớn mạnh, có khả năng, trình độ tổ chức chỉ huy chiến đấu. Chỉ huy các cấp đã được đào tạo, rèn luyện, thử thách, trải qua nhiều cương vị công tác, nhiều chiến dịch lớn, nhiều đồng chí có thành tích xuất sắc qua thực tiễn chiến đấu và chỉ huy chiến đấu. Với năng lực, kinh nghiệm dày dạn trận mạc và được đào tạo, bồi dưỡng, việc chỉ huy, phối hợp, hiệp đồng chiến đấu trong chiến dịch đã diễn ra chặt chẽ, nhịp nhàng, quyết đoán, đưa đến thắng lợi vang dội. Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều đồng chí tiếp tục có những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trở thành những nhà quân sự, chính trị xuất sắc, cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Cùng với xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công tác huấn luyện được đặc biệt chú trọng nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu của bộ đội. Từ tháng 9-1953, sau chỉnh huấn chính trị, Quân đội ta tiến hành chỉnh huấn quân sự, rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật, nâng cao trình độ đánh công kiên cũng như đánh vận động, cả ban ngày và ban đêm... Các đơn vị tiến hành luyện tập thực tế, coi thao trường như chiến trường, huấn luyện như chiến đấu. Qua chỉnh huấn quân sự, khả năng chiến đấu hiệp đồng binh chủng, trình độ chỉ huy, chiến thuật, kỹ thuật, tác phong chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ được nâng cao, đặc biệt là đánh tập đoàn cứ điểm.

Với đội ngũ cán bộ được xây dựng, bồi dưỡng và rèn luyện, toàn quân được chỉnh huấn quân sự, trong Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, nghệ thuật quân sự Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Về chỉ đạo chiến lược, với 5 đòn tiến công chiến lược trên khắp chiến trường Đông Dương, ta đã phá được kế hoạch tập trung khối cơ động mạnh, làm đảo lộn thế bố trí của quân Pháp, từ đó buộc Pháp phải thay đổi bố trí lực lượng trên chiến trường và chấp nhận một trận chiến quyết định với ta ở Điện Biên Phủ. Về nghệ thuật chiến dịch, ta đã sớm hình thành thế bao vây, tiến công và bao vây, ngày càng siết chặt từng cứ điểm, cụm cứ điểm và cả Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chia cắt thế liên hoàn của tập đoàn cứ điểm địch. Với hỏa lực mạnh, ta tổ chức tập trung đánh chắc thắng, tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm theo kiểu “bóc vỏ” từ ngoài vào trong, từng bước uy hiếp tiến tới tiêu diệt khu vực trọng yếu nhất của địch. Về chiến thuật, ta đã tổ chức thành công các trận công kiên hiệp đồng binh chủng lớn có hỏa lực pháo binh yểm trợ; tiến hành các trận chiến đấu phòng ngự trận địa dài ngày, sáng tạo ra cách đánh “vây, lấn” độc đáo, hiệu quả, gây bất ngờ cho địch.

Hiện nay, để xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, việc xây dựng nhân tố con người vẫn luôn là yếu tố có ý nghĩa quyết định theo đúng quan điểm “người trước, súng sau”. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ; đề ra chủ trương, giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết số lượng, điều chỉnh cơ cấu, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ.

Cùng với đó, đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện-đào tạo, tạo nguồn cán bộ các cấp có đủ phẩm chất cách mạng, tư duy, năng lực chuyên môn, trình độ chỉ huy, quản lý... Xây dựng hệ thống nhà trường tinh, gọn, mạnh, hiện đại; chương trình đào tạo sát thực tiễn hoạt động của đơn vị. Việc tổ chức huấn luyện phải chặt chẽ, đúng phương châm, quan điểm, nguyên tắc, các mối kết hợp; chú trọng truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn kết hợp với việc làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật. Tập trung nâng cao chất lượng các cuộc diễn tập, hội thao, hội thi, diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng...

Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, phát huy nghệ thuật quân sự độc đáo, đặc sắc Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, phát huy cao nhất sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đánh thắng kẻ thù trên các mặt trận: Chính trị, quân sự, ngoại giao. Vận dụng linh hoạt “thế, lực, thời, mưu” với nhiều cách đánh sáng tạo để giành thắng lợi với tổn thất ít nhất. Phát triển lý luận và thực tế về tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành chiến tranh, chỉ huy tác chiến và tiến hành chiến tranh nhân dân trong điều kiện mới, phù hợp với các hình thái chiến tranh, đối tượng tác chiến, loại hình tác chiến chiến lược, VKTBKT hiện đại. Phát triển nghệ thuật tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, tác chiến liên hợp. Phát triển tư tưởng, phương châm chỉ đạo, phương thức tiến hành, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam...

Năm là, tiếp tục nghiên cứu công tác hậu cần-kỹ thuật (HC-KT) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với các mặt công tác khác, công tác bảo đảm HC-KT được gấp rút triển khai. Hội đồng Cung cấp mặt trận ở Trung ương, các khu và các tỉnh từ Thanh Hóa trở ra được thành lập để huy động nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch. Ngành hậu cần đã huy động toàn bộ lực lượng, bảo đảm cho hơn 87.000 người tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, bao gồm cả lực lượng chiến đấu và dân công, với 12 triệu ngày công phục vụ chiến dịch; khối lượng vật chất phục vụ chiến dịch hơn 20.000 tấn. Công tác kỹ thuật đã tổ chức, huy động phương tiện và bảo đảm kỹ thuật tốt cho lực lượng vận tải cơ giới; bảo đảm an toàn, bí mật, đầy đủ vũ khí, đặc biệt là vũ khí pháo binh; đồng thời triệt để tận thu vũ khí, trang bị của địch, thực hiện “lấy của địch đánh địch”.

Vận dụng bài học về công tác HC-KT từ Chiến dịch Điện Biên Phủ trong xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại cần xây dựng hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý chỉ đạo công tác HC-KT bảo đảm thống nhất, đồng bộ, tinh, gọn, hiệu quả, phù hợp với tổ chức lực lượng Quân đội, phát huy được sức mạnh của các cấp, các ngành và của toàn dân. Có đội ngũ cán bộ, nhân viên HC-KT chất lượng cao, đủ khả năng làm chủ phương tiện, trang bị kỹ thuật hiện đại. Kiện toàn tổ chức ngành kỹ thuật theo hướng “tinh, gọn, mạnh, thống nhất”, phù hợp với tính năng công nghệ của VKTBKT và nhiệm vụ của từng cấp. Đổi mới phương thức bảo đảm kỹ thuật đối với VKTBKT thế hệ mới, công nghệ cao.

Kết hợp tốt các phương thức bảo đảm truyền thống với ứng dụng khoa học-công nghệ, tổ chức triển khai bảo đảm linh hoạt, kịp thời, đầy đủ cho các nhu cầu của Quân đội cả thời bình và thời chiến, trong mọi tình huống chiến tranh hiện đại, công nghệ cao, trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các thách thức an ninh phi truyền thống khác. Có các cơ sở bảo đảm HC-KT nòng cốt, đồng bộ với khu vực phòng thủ, tạo thế liên hoàn vững chắc theo hướng bố trí chiến lược tại các vùng, miền gắn với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đồng thời tổ chức bảo đảm HC-KT theo phương thức hiện đại để nâng cao chất lượng công tác bảo đảm.

Sáu là, đẩy mạnh công tác đối ngoại, phát triển công nghiệp quốc phòng, hiện đại hóa VKTBKT.

Để đi đến Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã từng bước chuẩn bị một cách toàn diện, kỹ càng cả về nhân lực, vật lực và trong quá trình đó, sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế là hết sức quan trọng. Quán triệt quan điểm “Đông Dương là một chiến trường”, Quân đội ta đã xây dựng được khối đoàn kết, liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của quân và dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Từ năm 1950, sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Liên Xô, chúng ta đã nhận được từ những quốc gia này sự giúp đỡ cả về vật chất và chính trị, trong đó có nhiều loại hỏa lực hiện đại, tạo sức mạnh đánh bại đối phương. Bên cạnh nguồn viện trợ, ta rất chú trọng và nỗ lực xây dựng, phát triển ngành quân giới, vừa sửa chữa, vừa sản xuất một số loại vũ khí, bảo đảm một phần VKTBKT cho LLVT.

Hiện nay, hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng là một bộ phận quan trọng của ba trụ cột đối ngoại, nhằm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình, đồng thời, góp phần củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, phục vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, nâng cao vị thế và uy tín trên trường quốc tế. Thời gian tới, toàn quân cần tiếp tục đẩy mạnh, triển khai thực hiện tốt công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 8, khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Kết luận số 53-KL/TW ngày 28-4-2023 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Qua hoạt động đối ngoại quốc phòng và hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực quốc tế phục vụ sự nghiệp hiện đại hóa Quân đội, phát triển công nghiệp quốc phòng, kỹ thuật quân sự. Triển khai và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-1-2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Theo đó, tiếp tục xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, đạt trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại, gắn phát triển công nghiệp quốc phòng với công nghiệp quốc gia, ưu tiên hướng tới những công nghệ hiện đại, có hiệu quả cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo đảm VKTBKT cho LLVT nhân dân. Kết hợp phát triển công nghiệp quốc phòng để tự trang bị với mua sắm vũ khí, khí tài mới, hiện đại gắn với nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, đổi mới công nghệ, nhất là các công nghệ mới, hiện đại, làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại.

Xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại là chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta nhằm bảo đảm cho Quân đội ta có đủ sức mạnh, hoàn thành tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 70 năm đã trôi qua, nhưng những bài học từ Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 vẫn còn nguyên giá trị trong xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Những bài học đó cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng và phát huy, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng Quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguồn: Báo QĐND

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chủ tịch Hồ Chí Minh với những ngày sinh nhật

    Chủ tịch Hồ Chí Minh với những ngày sinh nhật

    Nhìn lại tất cả các mốc kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1946 đến năm 1969, chúng ta nhận thấy: Người luôn đón sinh nhật bằng sự cần mẫn làm việc. Người cũng luôn tránh mọi sự chúc tụng bằng cách ...