• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Chủ động xây dựng kế hoạch, hoàn thành tốt công tác kiểm tra năm 2023 gắn với tổng kết công tác kiểm tra nhiệm kỳ 2018-2023 bảo đảm chặt chẽ, chất lượng cao

Năm 2022, năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2018-2023; đồng thời là năm đầu trở lại trạng thái bình thường mới sau ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn quốc. Được sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Hội, trực tiếp là Ban Thường vụ và Thường trực, công tác kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm; chất lượng kiểm tra được nâng lên rõ rệt:

Chủ tịch Nguyễn Văn Rinh và Phó Chủ tịch - Giám đốc Quỹ Nguyễn Văn Khanh  trao Bằng khen cho các Tỉnh hội đạt thành tích cao trong trong Phong trào thi đua năm 2022
Chủ tịch Nguyễn Văn Rinh và Phó Chủ tịch - Giám đốc Quỹ Nguyễn Văn Khanh trao Bằng khen cho các Tỉnh hội đạt thành tích cao trong trong Phong trào thi đua năm 2022

Các tỉnh, thành hội xây dựng kế hoạch kiểm tra năm 2022 hướng vào triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị; công tác xây dựng tổ chức hội và công tác thi đua, khen thưởng. Các tỉnh, thành Hội đến nhiệm kỳ đại hội đã chủ động làm công tác kiểm tra tài chính, hoạt động quỹ trong nhiệm kỳ; đồng thời tích cực tham gia đóng góp vào công tác chuẩn bị nhân sự của đại hội.

Hầu hết, các tỉnh, thành hội đã chủ động làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể chính trị, xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin. Năm 2022, 100% các tỉnh, thành hội đã xây dựng được kế hoạch kiểm tra, giám sát; đồng thời báo cáo về Ban Kiểm tra Trung ương Hội đúng thời gian quy định. Tiêu biểu là các tỉnh, thành hội: Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Tiền Giang, Cần Thơ... đã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể và triển khai kế hoạch sớm ngay từ những tháng đầu năm 2022.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, tập huấn được chú trọng; hầu hết các tỉnh, thành hội đều không có đơn, thư phản ánh, khiếu kiện. Hoạt động của Ban Kiểm tra Trung ương Hội và Ban Kiểm tra các tỉnh, thành hội đã chủ động, tích cực và phối hợp chặt chẽ trong giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại, tạo được sự thống nhất cao giữa tổ chức hội với các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhà nước. Công tác kiểm tra đã thực sự góp phần ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực; đồng thời tạo sự đồng thuận, đoàn kết thống nhất cao trong xây dựng tổ chức hội vững mạnh toàn diện.

Các cấp hội đã chủ động phối hợp với ngành Lao động-TBXH và các cơ quan chức năng, các đoàn thể chính trị, xã hội kiểm tra việc hỗ trợ giúp đỡ NNCĐDC trước, trong và sau dịch Covid-19; nhiều tỉnh, thành hội tổ chức chặt chẽ và đạt kết quả, chất lượng tốt như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh...

Một số tỉnh, thành hội (Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình...) tiếp tục đề xuất, kiến nghị cơ quan chức năng quan tâm giải quyết vướng mắc sau kết luận thanh tra của Bộ Lao động-TBXH đối với chính sách của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam. Trung ương Hội đã tổng hợp ý kiến phản ánh của các tỉnh, thành hội về việc cắt, giảm đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi người có công bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và con của họ, báo cáo với Trưởng ban Dân vận Trung ương; đồng thời tiếp tục đề xuất với Bộ Lao động- TBXH trong sơ kết 5 năm thực hiện chương trình phối hợp (2017-2022).

Năm 2022, Ban Kiểm tra Trung ương Hội đã giải quyết 6 đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo gửi đến Trung ương Hội. Các đơn, thư được nghiên cứu, phân loại tính chất, nội dung vụ việc để giải quyết theo quy định về phân cấp và thẩm quyền. Ban Tổ chức-Chính sách và Tạp chí Da cam trực tiếp trả lời nhiều đơn thư của cá nhân đề nghị giải đáp về chế độ, chính sách đối với NNCĐDC. Hiện tại, Ban Kiểm tra Trung ương Hội tiếp tục phối hợp với Tỉnh hội Bắc Giang giải quyết vụ việc tại Trung tâm nhân đạo Phú Quý, tuy diễn ra nhiều năm nhưng còn nhiều vướng mắc nên chưa giải quyết dứt điểm.

Ban Kiểm tra các tỉnh, thành hội đã thực hiện việc giải quyết theo thẩm quyền hoặc chuyển tới các cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật 9 đơn, thư. Hầu hết các tỉnh, thành hội trong năm không có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Nhiều tỉnh, thành hội làm tốt công tác tuyên truyền, giải đáp về chính sách, pháp luật để nạn nhân, hội viên yên tâm, không có đơn thư phản ánh; tiêu biểu là Quảng Ninh, Hải Dương, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang...

Phó Chủ tịch Đặng Nam Điền và Phó Chủ tịch Trần Ngọc Thổ trao Bằng khen  cho các cá nhân đạt thành tích cao trong Phong trào thi đua năm 2022
Phó Chủ tịch Đặng Nam Điền và Phó Chủ tịch Trần Ngọc Thổ trao Bằng khen cho các cá nhân đạt thành tích cao trong Phong trào thi đua năm 2022

Ban Kiểm tra các cấp thường xuyên được kiện toàn, cơ bản đủ về số lượng, chất lượng được nâng lên so với trước. Một số địa phương đã tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ, kịp thời kiện toàn Ban Kiểm tra đủ số lượng, chất lượng cao hơn so với nhiệm kỳ trước (Hậu Giang, Quảng Trị, Trà Vinh...). Căn cứ kế hoạch công tác năm, nhiều địa phương đã tổ chức tập huấn cho cán bộ chủ trì các cấp hội, trong đó lồng ghép việc bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ hội làm công tác kiểm tra, tiêu biểu như: TP Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Giang, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu...

Tuy đạt được một số kết quả quan trọng trong công tác kiểm tra năm 2022, nhưng nghiêm khắc kiểm điểm, công tác kiểm tra còn một số tồn tại, hạn chế như:

Vai trò làm tham mưu và tổ chức thực hiện của Ban Kiểm tra các cấp nhìn chung còn hạn chế. Một số tổ chức hội chưa thật tích cực, chủ động bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong triển khai thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; do đó, nhiều tổ chức đảng ở địa phương chưa có kế hoạch, chương trình thực hiện Chỉ thị 43.

Việc phối hợp giữa tổ chức hội với các cơ quan chức năng trong tuyên truyền, vận động và giải thích cho nạn nhân và hội viên trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra dừng, cắt chế độ chính sách chưa kịp thời, có biểu hiện đơn giản, chủ quan, dẫn tới đơn, thư phản ánh kéo dài ở một số địa phương. Cá biệt có địa phương tình trạng tụ tập đông người khiếu kiện trước cơ quan Sở Lao động- TBXH và trụ sở tiếp công dân của tỉnh còn kéo dài, đến nay vẫn chưa chấm dứt. Có tỉnh, thành hội xem xét, kết luận, giải quyết đơn, thư phản ánh của tổ chức hội, cán bộ, hội viên còn chậm, chưa kịp thời.

Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra kiêm nhiệm lớn tuổi, sức khỏe yếu; kinh phí hỗ trợ hoạt động kiểm tra, giám sát không được bố trí, do đó đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.

Năm 2023, năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2018-2023, có nhiều tỉnh, thành hội tổ chức đại hội nhiệm kỳ mới. Căn cứ Điều lệ Hội và Quy chế hoạt động của Ban Kiểm tra, công tác kiểm tra của Hội trong năm 2023 tập trung vào làm tốt một số nội dung công tác trọng tâm sau đây:

1. Ban Kiểm tra Trung ương Hội và các tỉnh, thành hội tiếp tục triển khai hoàn thành toàn diện Kế hoạch kiểm tra nhiệm kỳ 2018-2023; đồng thời tổng kết công tác kiểm tra nhiệm kỳ IV, xây dựng phương hướng, nội dung công tác kiểm tra nhiệm kỳ V. Chú trọng kiểm tra việc quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội, Điều lệ Hội, việc thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư, Thông báo số 158/TB-TW ngày 02/01/2020 của Ban Bí thư và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng, tập huấn công tác chuẩn bị đại hội nhiệm kỳ với công tác kiểm tra chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ và tiến hành đại hội nhiệm kỳ mới bảo đảm chặt chẽ, đúng nguyên tắc và Điều lệ Hội.

2. Các tổ chức hội đã tổ chức xong đại hội nhiệm kỳ, sớm ban hành các quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra; kiện toàn và phân công rõ chức trách nhiệm vụ của trưởng (phó ban) và uỷ viên Ban Kiểm tra. Đối với các hội tổ chức đại hội nhiệm kỳ trong năm, cần tập trung kiểm tra kết quả thực hiện Điều lệ Hội, kiểm điểm của Ban Chấp hành, thu chi tài chính…, trên cơ sở đó tham mưu cho Ban Thường vụ, Ban Chấp hành giải quyết dứt điểm đơn thư tố cáo, khiếu nại (nếu có) trước khi tiến hành đại hội.

3. Duy trì nền nếp kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về tài chính; quản lý, sử dụng quỹ và nguồn tài trợ; tăng cường kiểm tra nội dung chuyên đề, mục tiêu, nhất là những lĩnh vực vận động nguồn lực hoặc theo dự án như cho vay hỗ trợ vốn sản xuất, hỗ trợ làm nhà cho nạn nhân… Kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; việc thực hiện nguyên tắc, quy định và tính minh bạch, công khai trong hoạt động tài chính, sử dụng quỹ, quản lý cơ sở vật chất của tổ chức hội. Tiến hành kiểm tra có trọng điểm công tác phát triển hội viên, quản lý hội viên và khen thưởng, tặng kỷ niệm chương đối với cán bộ hội các cấp.

4. Chủ động phối hợp giữa Ban kiểm tra Trung ương Hội với các tỉnh, thành hội, kịp thời giải quyết đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền lợi của tổ chức hội và nạn nhân; nhất là việc thực hiện chế độ chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và con đẻ của họ; tránh tình trạng để kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của Hội.

5. Xây dựng Ban Kiểm tra các cấp hội vững mạnh, thực sự là chỗ dựa tin cậy của tổ chức hội và hội viên. Duy trì và thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ báo cáo thường xuyên và đột xuất theo quy định. Toàn Hội thống nhất thực hiện đúng quy định hội nghị Ban kiểm tra các cấp hội tiến hành họp trước phiên họp Ban Thường vụ cùng cấp.

Để thực hiện tốt những nội dung công tác trọng tâm trên đây, các cấp hội chủ động xây dựng kế hoạch công tác kiểm tra ngay từ đầu năm, gắn việc triển khai kế hoạch năm 2023 với việc tổng kết công tác kiểm tra nhiệm kỳ 2018-2023. Đối với các tổ chức hội vừa tiến hành đại hội nhiệm kỳ, cần gắn công tác kiểm tra năm với kế hoạch chung của nhiệm kỳ, xây dựng quy chế, quy trình công tác kiểm tra trong nhiệm kỳ mới. Chú trọng thực hiện kế hoạch kiểm tra thường xuyên với tự kiểm tra, kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo chuyên đề; kịp thời phát hiện, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động công tác hội. Đặc biệt chú trọng quan tâm tạo nguồn, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ hội làm công tác kiểm tra, có sức khỏe, tâm huyết và trách nhiệm trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Năm 2023, năm có nhiều sự kiện của Hội: Trung ương Hội và nhiều tỉnh, thành Hội tổ chức Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2023-2028; tổ chức hội chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thành lập (10/01/2004-10/01/2024). Đây là thời cơ rất thuận lợi để các cấp hội tổ chức tốt phong trào thi đua và các hoạt động của Hội, trong đó có công tác kiểm tra. Vì vậy, Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác kiểm tra để công tác kiểm tra thực sự xứng đáng với vị trí và tầm quan trọng trong công tác tổ chức, xây dựng Hội trong tình hình mới./.

Trung tướng, PGS.TS Đặng Nam Điền

Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Hội

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nghệ An: Thành phố Vinh khánh thành tượng V.I.Lênin

    Nghệ An: Thành phố Vinh khánh thành tượng V.I.Lênin

    Sáng 16/4, tại thành phố Vinh, 2 tỉnh Nghệ An và Ulyanovsk (Liên bang Nga) phối hợp Thành ủy, UBND thành phố Vinh, trang trọng tổ chức Lễ tiếp nhận và khánh thành tượng V.I.Lê-nin, một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ hữu ...