• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Chung tay chăm lo nạn nhân da cam

Trong dịp kỷ niệm 61 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2022) và 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), trên địa bàn tỉnh Bình Định nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đến thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ các gia đình nạn nhân chât độc da cam khó khăn kinh phí xây, sửa lại nhà ở trước mùa mưa bão.

Những tấm lòng nhân hậu

Từ nhiều ngày nay, ông Đinh Xớt, SN 1965, nạn nhân chất độc da cam ở thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) vui mừng trông chờ cuối tuần này căn nhà cũ đã xuống cấp sẽ được xây mới nhờ nguồn hỗ trợ của nhà hảo tâm. Cùng với ông Xớt, 4 gia đình nạn nhân khác ở huyện Tây Sơn và huyện Vĩnh Thạnh cũng phấn khởi khi nhận thông báo được xét nhận khoản hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ để xây, sửa lại nhà ở. Bà Huỳnh Thị Kim Xuyên, thành viên CLB thiện nguyện Hội LHPN phường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn), người làm cầu nối với Quỹ xã hội từ thiện Hành trình xanh (TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ kinh phí giúp ông Xớt xây lại nhà, cho biết căn nhà sàn đã cũ, thiếu nhiều vật dụng sinh hoạt đã “ám ảnh” bà rất nhiều. “Tôi và CLB đã quyết tâm, dù công tác vận động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thêm khó khăn, nhưng phải tìm cách thuyết phục nhà tài trợ bằng “người thật, việc thật”, để giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời các đối tượng yếu thế trong xã hội, trong đó có những nạn nhân chất độc da cam/dioxin”, bà Xuyên chia sẻ.

Bình Định tri ân những tấm lòng vàng đã đồng hành chăm sóc NNCĐDC những năm qua

Đến khu phố Hiệp Hà thuộc thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh - huyện có đông nạn nhân chất độc da cam/dioxin thứ hai trong tỉnh, hỏi nhà bà Đinh Ka Nu, nhiều người dân đã dẫn đến tận cửa nhà. Chuyện trò với họ, nghe họ ngợi ca không ngớt lời tấm lòng cô em dâu của bà Nu là chị Trần Thị Thu (34 tuổi), người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng bà ròng rã hàng chục năm trời qua. Bà Đinh Ka Nu bị nhiễm chất độc hóa học từ khi mới sinh ra, cha mẹ bà đã chết vì chất độc da cam năm 2009. Còn chồng chị Thu cũng bị bệnh hiểm nghèo qua đời năm 2020. Không nghề nghiệp ổn định, một nách nuôi 2 con nhỏ (đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ 5 tuổi) rồi chăm bà Nu nằm một chỗ, nhưng chị Thu chưa một lần than khổ. Ngược lại, nhiều đêm khó ngủ, chị lại nằm suy nghĩ, càng thấy chạnh lòng thương cho người chị dâu, bởi “mình làm mệt nhoài, sau đó nghỉ ngơi sẽ khỏe lại, còn chị Nu bị bệnh tật dày vò, nằm một chỗ suốt mấy chục năm nay”, chị Thu chia sẻ vậy. Có lẽ cảm nhận tấm lòng người em dâu mà lần nào đến thăm cũng thấy bà Nu cười thật tươi. Nụ cười ấm áp, khuôn mặt tươi vui trên tấm thân co quắp.

Hành động vì nạn nhân chất độc da cam

Sáng 9/8, tại TP Quy Nhơn, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tổ chức Hội nghị tri ân những tấm lòng nhân hậu vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin năm 2022. Ông Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đã thay mặt hơn 3.000 nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh, cảm ơn lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan cùng hàng trăm DN, tổ chức và cá nhân đã luôn đồng hành và giúp đỡ rất nhiều nạn nhân khó khăn trong tỉnh thời gian qua.

Tại Hội nghị tri ân những Tấm lòng nhân hậu vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin năm 2022, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tặng 10 nhà tài trợ tiêu biểu Bằng tri ân tấm lòng vàng; biểu dương và tặng thưởng 7 người nuôi dưỡng cùng 15 nạn nhân vượt khó vươn lên tiêu biểu.

“Vẫn còn hơn 10.000 người thuộc thế hệ F1, F2 phơi nhiễm chưa được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước. Trong những năm tới, Hội càng nỗ lực tập trung vào việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho họ. Bên cạnh đó, Hội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức đoàn điều tra số nạn nhân đang gặp khó khăn, nhất là những người ở miền núi gặp khó khăn về nhà ở, thông tin đến nhà hảo tâm để kêu gọi giúp đỡ. Hiện tại, số nạn nhân ở độ tuổi 70 - 80 khá nhiều, Hội sẽ vận động nguồn lực, tìm kiếm giải pháp hỗ trợ hiệu quả giúp họ nâng cao sức khỏe bản thân…”, ông Hiệp cho biết.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Sĩ Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết chất độc da cam đã và đang ảnh hưởng đến thế hệ thứ ba ở Bình Định. Để tiếp tục thực hiện tốt hơn việc chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam và đối tượng có công với cách mạng, ông đề nghị các ngành, các cấp tiếp tục phối hợp tạo điều kiện cho các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin toàn tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và có biện pháp, hành động cụ thể, thiết thực để chăm lo tốt hơn cho các đối tượng chính sách, người có công và nạn nhân chất độc da cam.

Đồng thời, cần đẩy mạnh Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, phát huy, huy động mọi nguồn lực xã hội; đồng thời, tiếp tục nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong xã hội, những nỗ lực phi thường của nạn nhân chất độc da cam vươn lên hòa nhập cộng đồng và những tấm lòng nhân hậu, cao quý vì nạn nhân chất độc da cam, để có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Tôi tên là: Trần Văn Toàn, 72 tuổi; quê quán: xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Tôi được đến Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, địa chỉ tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội để xông hơi giải độc từ ngày 29/3 đến ngày 18/4/2024. Trước khi rời Trung tâm về địa phương, tôi xin có đôi ...