• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Đại tướng Chu Huy Mân - Vị tướng tài ba, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và quân đội ta

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân, cán bộ, đảng viên, nhân dân và LLVT nhân dân Việt Nam luôn tự hào về Đại tướng Chu Huy Mân-vị tướng tài năng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ noi theo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.
Đại tướng Chu Huy Mân (thứ 2 từ trái qua) cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt các đại biểu Anh hùng quân đội gia đình liệt sĩ nhân kỷ niệm 40 năm thành lập QĐND Việt Nam năm 1984 - Ảnh tư liệu TTXVN

Đại tướng Chu Huy Mân, tên khai sinh là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913, tại xã Yên Lưu, Tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Ông tham gia hoạt động cách mạng từ khi tuổi đời còn rất trẻ, được tôi luyện và trưởng thành trong phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ bước khởi đầu tham gia và chỉ huy Đội tự vệ đỏ ở quê hương Nghệ An, trải qua lao tù đế quốc, đến khi tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Nam, ông luôn tỏ rõ là người cộng sản kiên trung, có bản lĩnh và khả năng hoạt động quân sự, chính trị xuất sắc.

Nhà quân sự tài ba

Nhắc đến Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về một nhà lãnh đạo quân sự tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam, mà khởi điểm là vai trò của ông ngay từ các phong trào cách mạng. Ngay từ cao trào Xô viết Nghệ – Tĩnh 1930 – 1931, ông Chu Huy Mân đã tham gia lãnh đạo Đội Tự vệ đỏ đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng. Trên cương vị Bí thư Chi bộ xã Yên Lưu, ông đã trực tiếp lãnh đạo phục hồi sau “khủng bố trắng” của thực dân Pháp (1933 – 1935) và tích cực tham gia các hoạt động trong phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ trong giai đoạn 1936 – 1939. Giai đoạn 1937-1942, ông nhiều lần bị địch bắt, giam cầm, đánh đập, tra tấn dã man và đưa đến nhiều nhà lao, như: Vinh (Nghệ Tĩnh), Đắk Glei, Đắc Tô (Kon Tum). Trong chốn lao tù, ông vẫn luôn giữ vững khí tiết của một người cộng sản kiên trung.

Tháng 8/1945, ông đã trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa chiếm thành Quảng Nam, tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tại tỉnh Quảng Nam giành thắng lợi. Cuối năm 1945, ông được Trung ương điều ra Huế giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân chính khu C (gồm 4 tỉnh Bắc Trung Bộ). Sau đó, lần lượt đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng của Quân đội và của Đảng, Nhà nước trên các mặt trận nóng bỏng, ác liệt nhất ở cả trong nước và các nước bạn Lào, Trung Quốc.

Thượng tướng Chu Huy Mân - nguyên Tư lệnh Quân giải phóng Quân khu 5 đang kiểm tra, theo dõi các mũi tấn công đánh vào thành phố Đà Nẵng tháng 3/1975 - Ảnh tư liệu TTXVN

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (12-1946), từ chiến trường Khu 5, ông được điều ra Bắc và được Đảng, quân đội giao những nhiệm vụ quan trọng mang tầm chiến lược, như: Trưởng ban Kiểm tra xây dựng Đảng Khu ủy Khu 1, Trung đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 72 Bắc Kạn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74 Cao Bằng-những trung đoàn chủ lực đầu tiên của Việt Bắc… Ông Chu Huy Mân đã cùng Ban chỉ huy Trung đoàn chỉ huy đơn vị tiến hành nhiều trận đánh giành thắng lợi. Tiêu biểu như trận đánh đồn Phủ Thông (11-1947), góp phần làm thất bại âm mưu của thực dân Pháp tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến trong Chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947, trận phục kích địch ở Tà Noong (1-1948), trận tiến công đồn địch ở Nà Pặc, Lũng Vài, Lũng Phầy, Khuổi Đăm...

Trong Chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông 1947, trên cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 72, ông đã tổ chức đánh địch nhiều trận giành thắng lợi, góp phần buộc quân Pháp phải rút khỏi Bắc Kạn. Năm 1948, ông được cấp trên điều lên Cao Bằng giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74 kiêm Bí thư Đảng ủy Trung đoàn… Sau đó, ngày 1/5/1951, Đại đoàn 316 được thành lập, ông Chu Huy Mân được phân công giữ các chức vụ Phó Chính ủy, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn. Ông đã cùng tập thể lãnh đạo, chỉ huy Đại đoàn tham gia nhiều chiến dịch, từ Bắc Giang đến Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, đánh thắng nhiều trận, tiêu biểu là tiến công cứ điểm Đồi A1, cứ điểm C1, C2 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Chu Huy Mân đã cùng tập thể Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo quân và dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược, chiến thuật của địch. Khu 5 là địa phương “đi đầu diệt Mỹ” với những chiến công vang dội, như Núi Thành, Vạn Tường, Plei Me – Ia Đrăng. Khu 5 cũng là chiến trường ông đã tham gia chỉ đạo xây dựng thành công “vành đai diệt Mỹ” – một hình thức đánh giặc độc đáo, sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam; chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các chiến dịch tiến công tổng hợp Ba Gia (1965), Sa Thầy (1966), Tết Mậu Thân (1968), Bắc Bình Định (1972), Chiến dịch Huế, Đà Nẵng (1975)…, góp phần cùng quân, dân cả nước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Không chỉ là một nhà tổ chức thực tiễn xuất sắc, Đại tướng Chu Huy Mân còn đặc biệt coi trọng công tác nghiên cứu lý luận quân sự với nhiều công trình, bài viết có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Tiêu biểu như các tác phẩm: “Nâng cao phẩm chất cộng sản của người đảng viên”, “Chiến thắng Pleime-30 năm sau nhìn lại”, “Nâng cao hiệu lực của công tác Đảng, công tác chính trị trong các LLVT nhân dân”, “Người chính ủy Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhà Chính trị xuất sắc

Trên cương vị là một người lãnh đạo công tác Đảng trong quân đội, Đại tướng Chu Huy Mân đặc biệt quan tâm, coi trọng công tác Đảng, công tác chính trị, xây dựng nhân tố chính trị tinh thần, giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo quân đội tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện. Công tác giáo dục chính trị, bồi dưỡng chủ nghĩa anh hùng cách mạng đi đôi với xây dựng tư tưởng tích cực tiến công cho cán bộ, chiến sĩ; chú trọng xây dựng tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ của các lực lượng trong chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ… Ông đã đề ra nhiều biện pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả các mặt hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, đặc biệt là công tác xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ trong Quân đội. Theo Đại tướng Chu Huy Mân, xây dựng tư tưởng, bản lĩnh của mỗi cán bộ, chiến sĩ trước mỗi trận đánh, mỗi nhiệm vụ lớn là nhân tố quan trọng, quyết định đến sự thành bại, vì vậy, công tác lãnh đạo chính trị, tư tưởng phải trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Phẩm chất của một nhà chính trị ở ông Chu Huy Mân được khẳng định thông qua những chỉ đạo quan trọng trong công tác tư tưởng, chính trị, đã góp phần động viên, cổ vũ tinh thần, sức mạnh, ý chí quyết chiến của cán bộ, chiến sĩ ở những giai đoạn đầy cam go, ác liệt của cuộc chiến đấu…

Đại tướng Chu Huy Mân, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nói chuyện với các nữ dân quân dân tộc Tày ở Lạng Sơn (1984) - Ảnh tư liệu TTXVN

Đại tướng Chu Huy Mân đã sống gần trọn thế kỷ với hai phần ba cuộc đời hoạt động và cống hiến cho Đảng và cách mạng. Trải qua 76 năm tuổi Đảng, 61 năm trực tiếp là người lính trên mọi ngả đường gian nan, hào hùng của đất nước, kinh qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, dù ở miền xuôi hay miền ngược, ở trong Nam hay ngoài Bắc, lúc khó khăn cũng như khi thuận lợi, ông luôn giữ vững lý tưởng Cộng sản, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu tấm gương sáng về một nhân cách lớn, một vị tướng tài ba, đức độ, nhà quân sự, chính trị song toàn của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Nguyệt Hằng

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác