• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Dân nói đất ông cha để lại, chính quyền bảo đất do xã quản lý, đâu là sự thật?

Dân nói đất ông cha để lại, chính quyền bảo đất do xã quản lý, đâu là sự thật?

Trong đơn gửi Tạp chí Da cam Việt Nam, ông Nguyễn Duy Tân, sinh năm 1945, Cựu chiến binh (CCB), là Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC); cư trú tại thôn Nội Lưu, xã Lưu Hoàng, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội, khẳng định: ở đầu dốc thôn Nội Lưu không có "khu ao ông Ứng” mà chỉ có ao "ông Quất". Ao này là của ông, cha để lại cho con cháu, hiện gia đình ông Tân quản lý, sử dụng, không thuộc quyền quản lý của UBND xã Lưu Hoàng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Lưu Hoàng lại cho rằng, đất khu ao "ông Ứng" đã công hữu vào HTX và do UBND xã quản lý. Vậy, ao "ông Ứng" hay ao "ông Quất"? ao của xã hay ao của hộ dân?

Dân nói đất ông cha để lại...

Ngày 06/8/2019, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4195/QĐ-UBND về việc thu hồi 603,9m2 đất tại xã Lưu Hoàng, huyện Ứng Hòa do UBND xã Lưu Hoàng quản lý; giao cho UBND huyện Ứng Hòa để thực hiện dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) ở khu ao ông Ứng đầu dốc, thôn Nội Lưu”. Tuy nhiên, khi UBND xã Lưu Hoàng triển khai thực hiện Quyết định nêu trên, khu đất ao bị thu hồi lại là khu đất ao "ông Quất" do gia đình ông Nguyễn Duy Tân, đã, đang quản lý và sử dụng ổn định từ chục năm. Ông Tân cho biết: từ đời ông, đời cha, đến đời ông Tân bây giờ là thế hệ con, cháu sử dụng ao "ông Quất" không có tranh chấp với các hộ liền kề và HTX thôn Nội Lưu; người dân trong thôn Nội Lưu hàng chục năm nay vẫn gọi ao gia đình ông Tân là ao "ông Quất".

Ao ông Quất

Ông Nguyễn Ứng Long (82 tuổi), NNCĐDC, nguyên Phó trưởng Công an huyện Ứng Hòa, nhà ở đầu dốc thôn Nội Lưu, khẳng định: từ xa xưa đến nay, ở thôn Nội Lưu, xã Lưu Hoàng không có khu ao nào có tên là khu ao “ông Ứng” mà chỉ có ao ông Quất và ao ông Hán. Hiện nay ao ông Quất do gia đình ông Nguyễn Duy Tân, NNCĐDC, con trai ông Khắc, em trai ông Quất, quản lý sử dụng. Ao ông Hán do gia đình ông Nguyễn Ứng Long, con trai ông Thảo, em trai ông Hán, quản lý sử dụng. Nguồn gốc khu đất ao đầu dốc thôn Nội Lưu mà trong Quyết định số 4195 (thu hồi ao ông Ứng) và Quyết định số: 4196 (thu hồi ao ông Long) của UBND thành phố Hà Nội cho rằng hai ao trên là do UBND xã Lưu Hoàng quản lý là không có cơ sở. Vì, đất ao ông Quất và ao ông Hán nguồn gốc là ao của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thước bà Nguyễn Thị Tước để lại cho con cháu. Ông bà Thước sinh được 4 người con trai, khi các con trưởng thành, ông bà chia cho mỗi con một lô đất để dựng nhà. Ông Nguyễn Văn Thảo (bố ông Long) là con trai cả, ông Nguyễn Văn Khắc (bố ông Tân) là con thứ hai được bố mẹ cho mỗi người một ao cá. Ao ông Khắc rộng khoảng 1 sào bắc bộ (360m2), ao ông Thảo có diện tích khoảng 140m2. Con trai cả ông Thảo tên là Nguyễn Văn Hán, con trai cả ông Khắc tên là Nguyễn Văn Quất, nên bà con trong thôn Nội Lưu thường gọi là ao ông Hán và ao ông Quất (gọi theo tên con). Đầu năm 1960, hạn hán rất nặng, nên HTX thôn Nội Lưu đã trưng dụng ao ông Hán và ao ông Quất để tích nước chống hạn cho cánh đồng thôn Nội Lưu. Năm 1963, ông Thảo làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã Lưu Hoàng, ông Khắc làm Chủ nhiệm HTX nông nghiệp thôn Nội Lưu. Ông Thảo và ông Khắc đã dành hơn 300m2 đất vườn, đất thổ cư, một phần đất ao, trong đó có cả miếu thờ của dòng họ để hiến cho thôn làm đường đi, chính con đường rộng rãi, khang trang hiện nay là do hai gia đình ông Hán và ông Khắc hiến đất mà có. Gia đình ông Khắc còn đưa 720 m2 đất khu ruộng liền kề với ao và 1 con trâu, tất cả dụng cụ cày bừa vào HTX. “Lúc đó tôi đã 20 tuổi, tham gia công tác Đoàn thanh niên của thôn nên biết rất rõ về nguồn gốc khu đất ao ông Quất và ao ông Hán. Sau này tôi và ông Quất, cô Hương (em gái ông Quất) cùng vào ngành công an. Ông Tân đi bộ đội chống Mỹ, các em ông Tân đều đi công tác. Mỗi lần về quê thăm ông bà, bố mẹ, mấy anh em tôi lại hò nhau xuống ao bắt cá. Vào dịp cuối năm, 2 gia đình chúng tôi đều tháo nước, tát ao thu hoach cá đem bán cho bà con trong thôn, trong xã và người thôn Nội Lưu vẫn gọi là cá ao ông Quất, cá ao ông Hán chứ không ai gọi là cá ao HTX thôn Nội Lưu hay cá ao "ông Ứng". Nay đã ngoài 80 tuổi, lần đầu tiên tôi mới được nghe nói ở đầu dốc thôn Nội Lưu có "khu ao ông Ứng”, chủ sử dụng là Ủy ban nhân dân (UBND) xã Lưu Hoàng" - ông Long nói.

Ông Tân (người đang viết) và ông Long

Ông Nguyễn Duy Tân kể lại: bố mẹ ông sinh được 8 người con, cái ao cá mang tên con trai cả là Nguyễn Văn Quất, là nguồn thu chính để bố mẹ ông Tân nuôi 8 anh em ăn học. Sau này anh em ông Tân trưởng thành, hằng năm vào các ngày lễ, tết, giỗ chạp ông bà, anh em lại đoàn tụ, quây quần ngoài sân bên bờ ao ôn lại chuyện ngày xưa bố mẹ chắt chiu từng xu, từng hào bán cá mua quần áo, sách vở cho con. Năm 2004, bố ông Tân (ông Nguyễn Văn Khắc) lâm bệnh, chết. Năm 2008, mẹ ông Tân (bà Nguyễn Thị Thường) chết, anh em trong gia đình giao cho ông Tân ở quê chăm lo hương khói cho bố mẹ và trông nom, bảo vệ ao cá "ông Quất". Ông Tân chia sẻ: Nguyễn Văn Ứng là em trai đang cùng gia đình sinh sống ở Đồng Nai nên không thể đứng tên ao, khi còn sống, bố mẹ không cho phép lấp ao, bán ao, không cho người con nào trong gia đình đứng tên ao ngoài ông Quất là người anh cả trong gia đình. Vì vậy, một số ao lân cận đã bị lấp làm vườn, làm nhà ở nhưng ao "ông Quất" vẫn còn nguyên.

Từ những căn cứ trên, ông Nguyễn Ứng Long và ông Nguyễn Duy Tân một lần nữa khẳng định: Quyết định 4195 của UBND thành phố Hà Nội cũng như các văn bản của UBND huyện Ứng Hòa, Sở TNMT Hà Nội, thể hiện khu ao đầu dốc thôn Nội Lưu là "khu ao ông Ứng", do UBND xã Lưu Hoàng quản lý, là không chính xác.

Chính quyền bảo đất của xã quản lý

Tại Báo cáo số 65/BC-UBND ngày 25/02/2020 của UBND huyện Ứng Hòa về "Kết quả kiểm tra rà soát nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, trình tự thực hiện thu hồi đất khu ao ông Ứng thôn Nội Lưu, xã Lưu Hoàng, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội" do Văn phòng UBND huyện Ứng Hòa gửi Tạp chí Da cam Việt Nam, cho thấy, Báo cáo số 65 có một số tình tiết đưa ra để chứng minh đất khu ao đầu dốc thôn Nội Lưu là khu ao "ông Ứng" và do UBND xã Lưu Hoàng quản lý là chưa thuyết phục, tiền hậu bất nhất, cụ thể:

Theo Báo cáo số 65: "Tại bản đồ 1985 và sổ mục kê kèm theo thể hiện khu ao ông Ứng gồm 02 thửa đất: thửa đất số 352, diện tích 174m2, loại đất ao, không thể hiện thông tin chủ sử dụng đất và một phần thửa đất 353, loại đất ao, không thể hiện thông tin chủ sử dụng đất. Tại sơ đồ năm 2002 và sổ mục kê kèm theo thể hiện khu ao ông Ứng là thửa đất số 353, không thể hiện diện tích, mục đích và thông tin chủ sử dụng". Như vậy sau 17 năm, khu đất ao "ông Ứng", đã mất thửa đất số 352, diện tích 174m2.

Tuy nhiên, đến năm 2014, tại bản đồ địa chính và sổ mục kê kèm theo thì khu ao ông Ứng gồm thửa 324 diện tích 481,9m2, chủ sử dụng đất là UBND xã Lưu Hoàng và thửa đất số 325, diện tích 140m2. Như vậy, cùng một khu đất ao "ông Ứng" thì có đến 3 thông tin khác nhau cả về số thửa, diện tích và chủ quản lý đất. Từ đất không chủ thành đất có chủ?.

Thông tin tiếp theo mà Báo cáo số 65 đưa ra là: "Đến năm 1960, toàn bộ diện tích khu "ao ông Ứng", gia đình ông Nguyễn Duy Tân đã đưa vào hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Nội Lưu quản lý. Từ năm 1960 đến năm 2014, diện tích ao "ông Ứng" gia đình ông Nguyễn Duy Tân thả cá và trông nom nhưng HTX Nội Lưu không thu sản lượng". Thông tin trên không thuyết phục. Vì, thứ nhất: nếu từ năm 1960, đất khu ao "ông Ứng" đưa vào HTX Nội Lưu quản lý thì bản đồ và sổ mục kê năm 1985, 2002 của xã Lưu Hoàng phải thể hiện đầy đủ thông tin về khu đất, như: số thửa, diện tích, chủ sử dụng là HTX Nội Lưu, không thể là đất không chủ. Thứ 2. Báo cáo số 65 đưa ra thông tin: "năm 2014 HTX Nội Lưu ký hợp đồng giao thầu khoán ao "ông Ứng" cho ông Nguyễn Văn Ứng (em ruột ông Nguyễn Duy Tân) để thả cá. Hết năm 2014, ông Nguyễn Văn Ứng thu cá, chuyển vào Nam sinh sống, ông Nguyễn Duy Tân có đơn xin thầu ao "ông Ứng" với HTX Nội Lưu thời hạn từ 31/8/2015 đến 31/7/2020".

Ông Nguyễn Duy Tân khẳng định: em trai ông là Nguyễn Văn Ứng không ký hợp đồng thầu ao thả cá với HTX Nội Lưu. Ông Tân cho rằng đây là bản hợp đồng "ma". Vì, năm 2008, mẹ ông chết thì đầu năm 2009, ông Nguyễn Văn Ứng đưa cả gia đình vào Đồng Nai sinh sống, làm ăn. Ao cá ngay trước sân nhà, nếu ông Ứng thả, thu hoạch cá thì gia đình ông Tân và các hộ trong thôn phải biết. Để làm sáng tỏ vấn đề này, Phóng viên Tạp chí Da cam Việt Nam đã liên hệ với Công ty TNHH SX TM XNK Thanh Ngọc (Công ty Thanh Ngọc), có trụ sở tại số 449 Dương Diên Nghệ, Ấp Long Khánh 2, Tam Phước, TP Biên Hòa, Đồng Nai, nơi ông Nguyễn Văn Ứng làm việc. Tại Bản tự kê khai xác nhận thông tin cá nhân của ông Nguyễn Văn Ứng do Công ty Thanh Ngọc cung cấp, ghi rõ: "Từ năm 2009 đến tháng 5/2020, ông Nguyễn Văn Ứng làm Đội trưởng Đội Bảo vệ Công ty TNHH SX-TM XNK Thanh Ngọc". Bản thông tin do ông Nguyễn Mạnh Hưng, Giám đốc Công ty ký tên, đóng dấu. Từ thông tin trên, khẳng định, ông Ứng không ký Hợp đồng thầu ao "ông Ứng" thả cá với HTX Nội Lưu. Đồng thời không có liên quan đến khu ao mà Báo cáo 65 của UBND huyện Ứng Hòa và Quyết định số 4195 của UBND TP Hà Nội đưa ra. Vậy bản hợp đồng trên được lập ra với mục đích gì?

Tại mục: Các tài liệu UBND xã cung cấp trong Báo cáo số 65, trích dẫn: 1. 01 Đơn xin thầu ao của ông Nguyễn Duy Tân đề ngày 13/01/2014; 2. 01 Phiếu thu tiền thầu ao người nộp là ông Nguyễn Duy Tân. Phóng viên Tạp chí Da cam xác minh thông tin trên, cho thấy, cũng tại Báo cáo số 65 đã nêu: "Năm 2014, ông Ứng ký hợp đồng thầu ao thả cá với HTX Nội Lưu...", thì tại sao ngày 13/01/2014 ông Tân lại viết đơn xin thầu ao với HTX Nội Lưu?. Điều nữa, năm 2014, đất khu ao "ông Ứng" chủ quản lý là UBND xã Lưu Hoàng. Nhưng ngày 31/7/2015, HTX Nội Lưu lại ký hợp đông thầu ao với ông Nguyễn Duy Tân?. Lạ nữa, Hợp đồng giao thầu ao ngày 31/7/2015, ông Nguyễn Thế Dân, Chủ nhiệm HTX Nội Lưu, ghi: “Xét đơn đề nghị xin thầu ao” (của ông, cha cũ). Như vậy, ông Nguyễn Duy Tân không xin thầu ao của HTX Nội Lưu. Và, “bên A (HTX Nội Lưu) giao bên B (ông Tân) ao nhà ông Quất”, chứ không giao ao HTX Nội Lưu hay ao ông Ứng cho ông Tân. Tại Phiếu thu tiền thầu ao do thủ quỹ, kế toán HTX Nội Lưu lập phiếu cũng thể hiện ông Tân “nộp tiền thầu ao ông Quất”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Da cam Việt Nam về nội dung đơn của ông Nguyễn Duy Tân, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Ủy Ban nhân dân xã Lưu Hoàng cho biết: khi vào HTX, tất cả các hộ có ao đều đưa vào công hữu hóa do HTX quản lý. Nhiều khu ao đã phá bờ ao nhỏ liên kết thành ao lớn hàng chục mẫu. Trường hợp ao ông Ứng hiện gia đình ông Tân đang thả cá thuộc vào diện đất xen kẹt. UBND xã đã lập quy hoạch, xây dựng dự án hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá QSDĐ ở khu ao ông Ứng và ao ông Hán. UBND xã đã trực tiếp làm việc với ông Long, ông Tân đại diện hai gia đình, nhưng hai gia đình chưa đồng thuận. Nguyên nhân khu ao đầu dốc thôn Nội Lưu gọi là ao ông Ứng vì khi chưa chuyển gia đình vào Nam sinh sống, ông Ứng đã nhận thầu ao với HTX Nội Lưu nên gọi là ao ông Ứng.

Cũng nói về tên ao ông Ứng, tại Báo cáo số 65 của UBND huyện Ứng Hòa cho rằng “việc thể hiện tên ông Nguyễn Văn Ứng trên thửa đất nêu trên là sai sót vì ông Ứng chỉ là người xây 4 bức tường trên đất do HTX Nội Lưu cho ông Ứng thầu, hiện nay 4 bức tường đã tháo dỡ”.

Như vậy UBND xã Lưu Hoàng và UBND huyện Ứng Hòa đều cho rằng đất khu ao ông Ứng do UBND xã Lưu Hoàng quản lý. Vì ông Ứng đã nhận thầu ao “ông Ứng” với HTX Nội Lưu. Song trên thực tế, ông Nguyễn Văn Ứng không ký hợp đồng thầu ao ông thả cá với HTX Nội Lưu. Việc đó chứng minh khu đất ao đầu dốc thôn Nội Lưu không phải ao "ông Ứng".

Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho NNCĐDC và không để xảy ra khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, Tạp chí Da cam Việt Nam đề nghị UBND huyện Ứng Hòa, UBND Thành phố Hà Nội sớm giải quyết dứt điểm khiếu nại của ông Nguyễn Duy Tân và bà Nguyễn Thị Hương.

Nguyễn Hồng Bài

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Tối 24-4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền ...
    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Tôi tên là: Trần Văn Toàn, 72 tuổi; quê quán: xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Tôi được đến Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, địa chỉ tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội để xông hơi giải độc từ ngày 29/3 đến ngày 18/4/2024. Trước khi rời Trung tâm về địa phương, tôi xin có đôi ...