• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Lưu lại nước mắt Cụ Hồng

Mắt ngân ngấn lệ, bà cụ Hồng (cụ Thuấn ) cầm trên tay có mấy tờ giấy mỏng mà cứ run lên bần bật, cụ nói mà như đang khóc “Tôi già lắm rồi ! sang năm 2024 (Giáp Thìn) là tôi được mừng thọ 95 tuổi, đơn này là do các chị đồng đội của em Thuần viết hộ cho tôi cả đấy. Các chị ấy cùng đi bộ đội lại ở cùng đơn vị với Thuần nhà tôi nên mới rành rẽ về sự hy sinh của con gái tôi đấy. Con gái tôi tên là Thuần  hy sinh đến nay đủ 47 năm rồi mà tôi chả có được hưởng chế độ , chính sách gì của Đảng và nhà nước cả? . Người ta thì con khóc mẹ còn tôi thì khóc con gần năm chục năm rồi… ”

                     Đó là  tiếng than nấc nghẹn của cụ Nguyễn Thị Thuấn 94 tuổi ở thôn Phong Lôi, xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng. Cụ Thuấn còn có tên gọi khác theo tên chồng là cụ Hồng khi cụ chuyển cho tôi tập giấy mỏng gồm đơn và những thông tin quan trọng khác về sự hy sinh của người con gái đầu lòng quân nhân Nguyễn Thị Thuần, sinh năm 1955, nhập ngũ tháng 8/1973, đơn vị Đại đội 14/Trung đoàn 542/Sư đoàn 473/Binh đoàn Trường Sơn. Lá đơn được viết ngày 8 tháng 5 năm 2014, nội dung đơn ngắn gọn.

        Kính thưa Thủ trưởng Bộ tư lệnh Binh đoàn 12.

        Kính thưa Thủ trưởng Trung đoàn 542/F473 Đoàn 559.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi có con gái tham gia chiến đấu ở tuyến đường Trường Sơn là Nguyễn Thị Thuần, sinh năm 1955, nhập ngũ tháng 8/1973, đơn vị Đại đội 14/Trung đoàn 542/Sư đoàn 473/Binh đoàn Trường Sơn. Con gái tôi được Thủ trưởng đơn vị giao nhiệm vụ tham gia mở đường Trường sơn. Ngày 26/8/1976 do thời tiết sắp mưa, đơn vị thi công đường đang rải gấp mẻ nhựa cuối cùng thì xe lu trượt xuống đè vào con gái tôi, được anh em trong đơn vị cấp cứu nhưng con gái tôi đã không qua khỏi và hy sinh ngày 03/9/1976 thi hài được an táng tại nghĩa trang thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Gia đình tôi chỉ nhận được gấy báo tử là “Tử Sỹ” nên không được hưởng chế độ liệt sỹ. Đây là một thiệt thòi lớn của con gái tôi và gia đình tôi… Tôi làm đơn này gửi đến Thủ trưởng đơn vị xem xét lại trường hợp của con gái tôi Nguyễn Thị Thuần đã hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ tại đường 14 khu vực huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế được cấp bằng Tổ Quốc ghi công và xác nhận là liệt sỹ.

          Tiếp nhận tập đơn từ tay bà cụ Hồng, tôi tìm đến những người đồng đội của chị Nguyễn Thị Thuần để nghe và ghi chép lại bối cảnh hy sinh của chị Thuần trong lúc làm nhiệm vụ. Cựu chiến binh Nguyễn Thị Thu sinh cùng năm với chị Thuần là người cùng xã kể lại: Chị Thu và chị Thuần là người cùng quê chơi với nhau rất thân, cùng nhập ngũ ngày 24/8/1973, cùng ở đơn vị C14/E 542/F473, Binh đoàn Trường Sơn và đóng quân tại khuc vực A Sầu – A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng tham gia thi công trên tuyến đường 14B phía Tây Thừa Thiên Huế. Ngày 26/8/1976, Tiểu đội 10/Trung đội 3/ Đại đội 14 gồm có các chị Tâm, Thuần, Thu, Nguyên, Mỵ, Loan và một số chị em khác nữa được giao nhiệm vụ phối hợp với bộ phận phụ lu giải gấp mẻ nhựa đường trên đoạn đường đèo dốc trong khi cơn mưa rừng đang ập đến. Trong không khí gấp gáp, khẩn trương, xe lu trượt xuống đè gẫy 1/3 chân đồng chí Thuần. Thuần được đưa về cấp cứu ở trạm xá E542, trong lúc mưa rừng xối xả, do vết thương quá nặng và nhiễm trùng Thuần đã hy sinh vào ngày 03/9/1976. Có cùng xác nhận và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng làm công tác chính sách về sự hy sinh của quân nhân Nguyễn Thị Thuần còn có các cựu chiến binh Trần Thị Khánh Vượng quê ở xã Phú Châu, huyện Đông Hưng - hiện đang làm Trưởng ban liên lạc nữ chiến sỹ Trường Sơn, huyện Đông Hưng; cựu chiến binh Phạm Thị Mỵ ở phường Đề Thám,; nữ cựu chiến binh Tâm ở phường Quang Trung, thành phố Thái Bình; nữ cựu chiến binh Oanh ở thị trấn Đông Hưng, huyện Đông Hưng… Chúng tôi đại diện cho chị em nữ chiến sỹ Trường Sơn huyện Đông Hưng nói riêng và chị em nữ quân nhân nhập ngũ ngày 24/8/1973 tỉnh Thái Bình cùng đơn vị với đồng đội Nguyễn Thị Thuần tha thiết đề nghị Ban chính sách Binh đoàn 12 và đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét lại hồ sơ để quyết định chế độ, chính sách đúng với quy định của Nhà nước cho Nguyễn Thị Thuần.

         Về sự hy sinh của quân nhân Nguyễn Thị Thuần ngày 27/7/2014 tại xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã tổ chức một hội nghị gồm: Lãnh đạo UBND xã Đông Hợp, đại diện gồm một số cựu chiến binh từng là đồng đội với quân nhân Nguyễn Thị Thuần, đại diện lãnh đạo Trung đoàn 542 những năm 1973 - 1976 gồm Trung tá Đỗ Tiến Dũng, nguyên Tham mưu phó E542, F473, Thiếu tá Trần Quang Lộc- Nguyên trợ lý quân lực E542, F473, Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hải - nguyên là y tá điều trị cho quân nhân Nguyễn Thị Thuần và cựu chiến binh Phạm Văn Ngoạn - quyền bệnh xá trưởng E542 còn về phía lãnh đạo Sư đoàn F473 có Thiếu tướng Tô Đa Mạn, nguyên là Sư trưởng của sư đoàn F473. Các ý kiến đều thống nhất trường hợp hy sinh của quân nhân Nguyễn Thị Thuần trong lúc đang làm nhiệm vụ bị xe lu đè bị thương, vết thương quá nặng nên sau đó đã hy sinh ngày 03/9/1976. Đề nghị cơ quan làm công tác chính sách phục danh lại cho quân nhân Nguyễn Thị Thuần, nữ chiến sỹ E542, F473 Bộ tư lệnh Trường Sơn nay là Binh Đoàn 12 là liệt sỹ.

          Xin viện dẫn : Trong văn bản của Bộ lao động Thương binh và Xã hội ngày 17/1/1981 hướng dẫn thi hành quyết định số 301/CP ngày 20/9/1980 bổ sung tiêu chuẩn xác nhận liệt sỹ, thương binh, bổ sung chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, mới bị thương hoặc bị hy sinh từ ngày 1/5/1975 trở đi. Trong điểm 1 về tiêu chuẩn xác nhận liệt sỹ, thương binh được hướng dẫn: “Người chết hoặc bị thương từ ngày (1/5/1975 trở về sau) do ốm đau, tai nạn trong khi làm nhiệm vụ được xét để xác nhận là liệt sỹ, thương binh hoặc người được hưởng chính sách như thương binh ”. Quân nhân Nguyễn Thị Thuần hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là có thật. Sự hy sinh của quân nhân Nguyễn Thị Thuần được đồng đội, chỉ huy cơ quan các cấp Sư đoàn F473 biết rõ sự thật cũng là thật. Vì thế, theo tôi việc xem xét giải quyết quyền lợi và chế độ chính sách cho thân nhân của quân nhân Nguyễn Thị Thuần hy sinh cần được xem xét lại.

          Sự hy sinh của quân nhân Nguyễn Thị Thuần ở xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng một sự thật. Xin lưu lại nước mắt cụ Hồng gửi về cơ quan chính sách Binh đoàn 12 và các cơ quan chức năng. Mong được hồi đáp để nước mắt cụ Hồng ngưng rơi.

                                                                                                                           CTV : Nguyễn Công Liêm

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Tối 24-4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền ...
    Phiên Điều trần vụ kiện của bà Trần Tố Nga tại paris (ngày 7/5):  Đồng hành vì công lý, cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Phiên Điều trần vụ kiện của bà Trần Tố Nga tại paris (ngày 7/5): Đồng hành vì công lý, cùng nạn ...

    Ngày 25/04/2024, tại Cuộc họp báo về Phiên điều trần ngày 07/05 của Tòa phúc thẩm Paris xét xử vụ kiện của  bà Trần Tố Nga , công dân Pháp, gốc Việt là nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin kiện 14 công ty hóa chất đã sản xuất chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Một lần nữa các luật sư Pháp khẳng định ...