Người phụ nữ nạn nhân chất độc da cam tố bị chiếm đoạt tiền
Những ngày qua, bài đăng trên trang Facebook cá nhân của chị Vũ Thị Sen thu hút sự chú ý từ dư luận, có nội dung về việc chị tố Giám đốc Công ty TNHH tư vấn và phát triển giáo dục đặc biệt Giang Sơn yêu cầu mình phải nộp phạt 50 triệu đồng.
Lý do phía công ty đưa ra là vì chị đã chụp và gửi hình ảnh bữa cơm phục vụ trẻ tự kỷ không đảm bảo chất lượng của trung tâm cho các phụ huynh.
Trong bài đăng kêu cứu, chị Sen chia sẻ: “Tôi bị chất độc da cam do di truyền từ người bố là thương binh. Cuộc sống có khó khăn nhưng được sự giúp đỡ, trợ cấp của Nhà nước nên gia đình cũng được sự đầy đủ, ấm no. Bản thân lại là một người mẹ đơn thân nên đối với tôi, có một công việc ổn định luôn là niềm mơ ước.
Chị Sen được nhận vào làm tại Công ty TNHH tư vấn và phát triển giáo dục đặc biệt Giang Sơn, chuyên chăm sóc và giáo dục các trẻ em bị tăng động, tự kỷ, trẻ bị chậm phát triển.
Muốn có việc ổn định, nhưng khi được điều chuyển lên cơ sở Lưu Phái ở huyện Thanh Trì để hỗ trợ công ty (do thiếu nhân viên), chị Sen nói cảm thấy bất an khi chứng kiến những bữa ăn của các cháu ở đây không đảm bảo chất lượng - so với số tiền gần 6.000.000 đồng mà phụ huynh phải đóng cho công ty hàng tháng.
Chị Sen cho biết, các cháu đã phải chịu thiệt thòi về mặt sức khỏe, trí tuệ nhưng bữa ăn cũng không được đầy đủ dinh dưỡng. Cơm, phở trộn với đậu phụ và trứng kèm với một ít thịt lợn xay là bữa ăn thường xuyên được lặp lại cho các cháu.
“Chính vì thế tôi đã lén chụp trộm hình ảnh bữa ăn gửi cho phụ huynh các cháu biết với mong muốn trung tâm sẽ rút kinh nghiệm mà cải thiện bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng” - chị Sen nêu trong bài đăng và cho biết; cũng chính vì hành động này đã khiến chị bị đe dọa và chiếm đoạt số tiền 10.000.000 đồng.
Trao đổi với phóng Báo Lao Động, chị Vũ Thị Sen kể lại, sau khi sự việc xảy ra, ngày 3/1, cô Bùi Thị Đinh - Giám đốc Trung tâm Giang Sơn cùng cô Đặng Thị Nga (Quản lý của Trung tâm Giang Sơn chi nhánh 2 tại xã Ngũ Hiệp) đã gọi chị lên văn phòng, dùng lời lẽ đe dọa và yêu cầu chị ký tên vào biên bản nộp phạt với số tiền là 50 triệu đồng vì lý do "nói xấu, làm mất uy tín, danh dự của trung tâm".
Không có tiền mặt, trong khi tài khoản ngân hàng chỉ có 10 triệu đồng, bản thân chị Sen thiếu hiểu biết và do bị di chứng của chất độc da cam đã khiến chị vô cùng hoảng loạn.
“Do quá sợ hãi về những lời lẽ đe dọa liên tục từ cô Đinh và cô Nga, tôi bắt buộc phải ký tên vào biên bản nộp phạt. Tôi xin chuyển trước 8 triệu đồng để giữ số tiền còn lại là 2 triệu đồng lo cho con tiền ăn học, tiền sữa nhưng cũng không được chấp nhận. Tôi luống cuống không biết chuyển khoản ra sao nên cô Đinh đã lấy điện thoại của tôi, ép tôi nhập mật khẩu chuyển tiền để thực hiện hành vi chuyển tiền trái ý muốn, không được sự đồng thuận của tôi với số tiền chuyển là 10 triệu đồng vào chủ tài khoản tên Bui Thi Dinh tại MBBank. Còn số tiền thiếu sẽ phải trả vào đợt sau", chị Sen kể lại.
“Chúng tôi yêu cầu đóng phạt để răn đe”
Sau sự việc trên, chị Vũ Thị Sen đã bị phía công ty cho nghỉ việc.
Chị Sen khẳng định, trong quá trình làm việc tại Công ty TNHH tư vấn và phát triển giáo dục đặc biệt Giang Sơn, chị không có hợp đồng lao động, không ký kết bất cứ một hợp đồng làm việc gì với doanh nghiệp này. Chữ ký duy nhất chị từng thực hiện là chữ ký vào biên bản nộp phạt nói trên cho công ty.
Liên quan đến vấn đề này, Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, sẽ phối hợp với cơ quan chức năng xác minh.
Trong khi đó, bà Đặng Thị Nga (quản lý Trung tâm Giang Sơn chi nhánh 2 thuộc xã Ngũ Hiệp) thừa nhận sự việc trên với phogs Lao Động.
Theo bà Nga, phía công ty cho rằng, chị Sen có thể bị đơn vị cạnh tranh mua chuộc để thực hiện các hành động làm mất uy tín của doanh nghiệp, nên chị Sen phải có trách nhiệm và việc yêu cầu nộp phạt là để răn đe chị.
Nói về suất ăn cho trẻ tự kỷ kém chất lượng, bà Đặng Thị Nga khẳng định, các suất ăn được làm theo yêu cầu của phụ huynh.
Nguồn: Báo Lao động
Bình luận