Cuộc chiến tranh hóa học do đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh dài nhất, quy mô lớn nhất và gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin và trên 3 triệu người là nạn nhân. Nhiều gia đình nạn nhân không còn khả năng duy trì được nòi giống. Hàng vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật. Nhiều phụ nữ không được hưởng quyền làm vợ, làm mẹ như chức năng vốn có của họ và rất nhiều người khác đang chết dần, chết mòn, quần quại, vật vã vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc hóa học.
Huyện Vũ Thư (Thái Bình) là địa phương có truyền thống cần cù trong lao động, anh dũng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, ác liệt, hàng vạn người con của quê hương đã lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Tổng kết các cuộc kháng chiến, toàn huyện đã có gần 6.000 người anh dũng hy sinh, người trở về mang trong mình thương tật suốt đời. Theo thông kê toàn huyện, có trên 2.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Khoảng 100 gia đình có từ 3 – 4 thế hệ nạn nhân nặng và hầu hết bị mắc các bệnh: ung thư, tâm thần, bại liệt.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” “Ăn quả nhớ người trồng cây” nhằm tri ân những cống hiến, hy sinh, mất mát của các thế hệ đi trước, những năm qua, Hội NNCĐDC/dioxin huyện Vũ Thư đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, xã hội hóa ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc NNCĐDC. Thành công nhất của tổ chức hội đó là đã triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “dân vận khéo” huy động các nguồn lực chăm sóc, hỗ trợ NNCĐDC, giúp họ vơi đi nỗi đau về thể xác, tinh thần vươn lên trong cuộc sống. Ghi nhớ lời dạy của Bác kính yêu: Dân vận khéo việc gì cũng thành công, Hội đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, qua đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân hiểu rõ về chính sách an sinh của Đảng nhà nước, về vai trò, vị trí của Hội. Đặc biệt là vai trò kết nạp, quản lý hội viên, chăm sóc giúp đỡ nạn nhân là người tham gia hoạt động kháng chiến chống Mỹ, bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Công tác vận động, tạo nguồn lực chăm sóc giúp đỡ nạn nhân được Hội xác định là nhiệm vụ mang tính đột phá, phải làm liên tục, thường xuyên. Hằng năm, trước các dịp lễ, tết, kỷ niệm ngày vì NNCĐDC (10/8), Hội đã gửi thư kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong tỉnh và ngoài tỉnh hướng tâm về huyện. Mặt khác, Hội phối hợp với các cơ quan thông tấn Báo chí Trung ương, địa phương xây dựng các phóng sự truyền hình phản ánh chân thực đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình NNCĐDC. Qua mỗi thước phim tư liệu đó để toàn xã hội cũng thấy được tội ác chiến tranh và sự tàn độc của đế quốc Mỹ, từ đó khơi gợi từ trong tâm can mỗi người, sự thấu cảm, sẻ chia trước những vết thương “không rỉ máu” mà các NNCĐDC đang từng ngày, từng giờ phút phải hứng chịu. Cũng từ đó khơi dạy truyền thống nhân nghĩa, thủy chung, lá lành đùm lá rách, lá rách ít, đùm lá rách nhiều trong cộng đồng xã hội.
Cũng với phương pháp tuyên truyền vận động, giáo dục và thuyết phục, các cá nhân trong Thường trực Hội đều là những người tâm huyết, trách nhiệm, không quản ngại ngày, đêm kết nối với các tổ chức nhân đạo, các nhà hảo tâm hướng tâm về huyện. Đồng thời duy trì mối quan hệ, tạo dựng niềm tin với tổ chức hội, để từ đó có những phần quà san sẻ, trao đến tận tay nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin. Chính vì lẽ đó trong những năm qua, có rất nhiều tổ chức từ thiện, nhân đạo, nhà hảo tâm đã gắn bó với Hội NNCĐDC/dioxin huyện Vũ Thư. Mỗi khi họ tìm về với mảnh đất con người Vũ Thư, về với những hoàn cảnh, những con người nghèo khổ nhất trong những người nghèo khổ, đau khổ nhất trong những người đau khổ, họ tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc, tình người trong sáng, thủy chung. Theo thống kê của tổ chức hội, trong 5 năm từ 2018 – 2022, Hội NNCĐDC/dioxin huyện đã kêu gọi vận động các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm ủng hộ gần 5 tỉ đồng. Trung bình mỗi năm, kêu gọi, huy động được gần 1 tỉ đồng tiền quà và hiện vật. Để tạo được niềm tin tưởng tuyệt đối, sự gắn kết lâu bền với các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh khi về huyện trao quà, Huyện hội khảo sát thực tế hoàn cảnh của từng gia đình nạn nhân, lên danh sách, tổ chức trao quà công khai, minh bạch, đến tận tay đối tượng. Từ nguồn lực xã hội hóa, cùng với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước các cấp đã góp phần quan trọng, để chăm lo tốt hơn đời sống, vật chất, tinh thần, xoa dịu nỗi đau chiến tranh trong các gia đình nạn nhân.
Từ những kết quả đạt được trong phong trào “Dân vận khéo” trong thời gian tới, các cấp hội NNCĐDC/dioxin huyện Vũ Thư tiếp tục phát huy tinh thần “Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm, vì NNCĐDC”, tích cực đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động; làm tốt hơn nữa công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng tổ chức hội vững mạnh, chăm sóc, giúp đỡ và đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam bằng những hình thức và bước đi phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước và đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn mới. Phát huy vai trò nòng cốt của hội, cùng với hệ thống chính trị, toàn xã hội chung tay, góp sức, xoa dịu nỗi đau da cam để không ai bị bỏ lại phía sau.
Nguyễn Xuân Tiến
Phó trưởng Đài TTTH huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình
Bình luận