
Tờ trình về việc xử lý nguồn thu hồi nợ của các chương trình tín dụng chính sách do ngân sách nhà nước cấp đã hết thời gian thực hiện tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho thấy, từ năm 2008 đến năm 2017, ngân sách nhà nước đã cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội tổng số tiền là 6.068,961 tỷ đồng để thực hiện cho vay 3 nhóm chương trình tín dụng chính sách, gồm: Các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số; cho vay nhà ở và cho vay hỗ trợ các huyện.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến 30/4/2025, đã thu hồi được 3.144,499 tỷ đồng và dư nợ còn lại tiếp tục phải thu hồi theo hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng vay vốn là 2.924,462 tỷ đồng (dự kiến thời điểm thu hồi khoản vay cuối cùng là năm 2035, không bao gồm thời gian gia hạn nợ theo quy định).
Trong khi đó, nhu cầu vốn vay của các chương trình tín dụng chính sách đến hết năm 2025 là tương đối lớn, khoảng 31.727 tỷ đồng, trong đó, nhu cầu về vốn ngân sách nhà nước cần thiết bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay các chương trình là khoảng 16.727 tỷ đồng. Do đó, Ngân hàng Chính sách xã hội kiến nghị cho phép sử dụng nguồn vốn đã thu hồi và tiếp tục thu hồi trong thời gian tới của các chương trình tín dụng chính sách cấp đã hết thời gian thực hiện để thực hiện cho vay chương trình nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2024/NĐ-CP.
Trên cơ sở hiệu quả thực hiện các chương trình và nhu cầu về nguồn vốn đến hết năm 2025 của Ngân hàng Chính sách xã hội, Chính phủ nhận thấy việc cho phép sử dụng nguồn vốn đã thu hồi và tiếp tục thu hồi trong thời gian tới của các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội cấp đã hết thời gian thực hiện để bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình khác đang thiếu nguồn lực là cần thiết và phù hợp với thực tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Tài chính (KTTC) Phan Văn Mãi cho biết, Ủy ban KTTC nhận thấy, đề xuất của Chính phủ nhằm thể chế hóa và triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới.

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách do NSNN cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay đối với 03 nhóm chương trình từ năm 2008 đến năm 2017 với số tiền là 6.068,961 tỷ đồng đã phát huy hiệu quả, thể hiện tính nhân văn của Đảng, Nhà nước trong việc hỗ trợ vốn cho các đối tượng chính sách, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Sau khi kết thúc các chương trình, NHCSXH đã tiến hành thu hồi được 3.144,499 tỷ đồng, số đang tiếp tục thu hồi là 2.924,462 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong thời gian qua, NSNN đã bố trí cho NHCSXH thực hiện các chương trình TDCS đã được Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, sau gần 05 thực hiện, việc bố trí NSNN chưa đáp ứng được nhiệm vụ và nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách. Do vậy, việc bố trí NSNN cho NHCSXH thực hiện cho vay các chương trình TDCS là cần thiết.
Về thẩm quyền cho phép tiếp tục thực hiện các chương trình tín dụng chính sách do NSNN cấp đã hết thời gian thực hiện, đa số ý kiến trong Ủy ban KTTC thấy rằng, các quyết định cho vay chương trình tín dụng chính sách của Thủ tướng Chính phủ không quy định việc xử lý, thu hồi vốn cho vay từ NSNN cấp. Theo quy định của Luật NSNN, đối với các khoản chi đã hết thời gian thực hiện thì phải nộp về NSNN. Do đó, để bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý thực hiện, Chính phủ trình Quốc hội cho phép tiếp tục sử dụng nguồn NSNN đã hết thời hạn thực hiện để bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục thực hiện các chương trình tín dụng chính sách là phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội quy định tại Điều 19 Luật NSNN. Việc này cũng nhằm giảm thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi triển khai nhanh chóng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách xã hội; sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có.

Về phương án xử lý nguồn vốn thu hồi nợ của các chương trình TDCS do NSNN cấp đã hết thời gian thực hiện, đa số ý kiến trong Ủy ban KTTC thấy rằng, đề xuất cho phép NHCSXH được sử dụng nguồn vốn thu hồi nợ của các chương trình tín dụng chính sách do NSNN cấp đã hết thời gian thực hiện cơ bản phù hợp với tình hình thực tiễn và đề nghị báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho phép sử dụng toàn bộ số tiền 6.068,961 tỷ đồng NSNN đã cấp cho các chương trình tín dụng chính sách (trong đó số đã thu hồi nợ đến ngày 30/4/2025 là 3.144,499 tỷ đồng và số tiếp tục thu hồi là 2.924,462 tỷ đồng) để cho vay các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó ưu tiên thực hiện chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ những nội dung nêu trên, Ủy ban KTTC kiến nghị UBTVQH cho phép bổ sung nội dung xử lý nguồn thu hồi nợ của các chương trình tín dụng chính sách do ngân sách nhà nước cấp đã hết thời gian thực hiện tại Ngân hàng Chính sách xã hội vào Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và bổ sung vào Nghị quyết chung Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV nội dung: “Cho phép Ngân hàng Chính sách xã hội được tiếp tục sử dụng toàn bộ số tiền 6.068,961 tỷ đồng ngân sách nhà nước đã cấp cho các chương trình tín dụng chính sách (trong đó số đã thu hồi nợ đến ngày 30/4/2025 là 3.144,499 tỷ đồng và số tiếp tục thu hồi là 2.924,462 tỷ đồng) để cho vay các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó ưu tiên thực hiện chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Giao Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục thu hồi đầy đủ các khoản cho vay chưa thu hồi theo quy định pháp luật để thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách”.
Để tạo điều kiện thuận lợi triển khai nhanh chóng các chủ trương của Đảng, chính sách do Trung ương ban hành, về lâu dài, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho phép sử dụng nguồn thu hồi được của các khoản cho vay do NSNN cấp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
Nguồn: CTTĐT Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Bình luận