• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Điều kỳ diệu của tình yêu

Tôi đến nhà Anh Nguyễn Văn Đình ở xóm Mỹ Thượng, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh để thông báo kế hoạch của Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin thành phố sẽ hỗ trợ cho anh về kinh phí để anh có điều kiện sửa lại ngôi nhà của mình. Gia đình anh Nguyễn Văn Đình thuộc diện hộ nghèo, có 3 thành viên phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Tôi chờ mãi anh Đình mới về.

Lần gặp này tôi nhận thấy khuôn mặt u buồn của anh đã biến mất, thay vào đó là nét mặt rạng rỡ, lạc quan vui vẻ, nụ cười thường trực trong câu chuyện giữa hai chúng tôi.

Chưa kịp chào nhau anh đã khoe, tôi sắp có cháu "Đích tôn" rồi anh ạ! Mừng lắm.

Anh nói sao? Tôi hỏi lại.

Thằng Hà nó sắp có con trai rồi. Từ trước đến nay tôi đâu có nghĩ con mình lấy được vợ, có lẽ đây là trời đất ban tặng cho gia đình tôi. Anh biết đó di chứng chất độc da cam để lại cho ba đứa con tôi tật nguyền suốt đời.

Cháu Hà liệt cả hai chân, không đi lại được, không tự phục vụ nổi bản thân. Cháu Hải thì tắc nghẽn động mạch, chân cắt đi từng khúc, còn cháu út lại bị bệnh máu không đông. Vợ chồng tôi, năm nào cũng vậy, chủ yếu chăm các con ở bệnh viện.

Nhưng trong cái rủi lại có cái may ạnh ạ, chính thời gian điều trị tại bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội, cháu Hà đã gặp được vợ nó bây giờ.

Qua tìm hiểu tôi biết, hồi đó, Hòa là sinh viên thực tập, quê ngoại thành Hà Nội. Cô sinh viên có nước da trắng hồng, cùng với tính tình dịu hiền. Hàng ngày cô sinh viên thực tập khi thì đẩy xe lăn, khi bưng bê cơm nước, giặt giũ áo quần giúp con trai tôi... Rồi không rõ hai người đã nảy sinh tình cảm từ lúc nào.

Ra viện được mấy ngày bỗng dưng con trai tôi nói: “Bố ơi! Con và Hoà, cô sinh viên thực tập ấy, bố nhớ không, chúng con đã hẹn ước lấy nhau, bố sắp xếp thời gian ra ngoài ấy xin phép cho chúng con được làm lễ cưới nha.”

Nghe con nói, tôi bàng hoàng không biết nên vui hay buồn. Vui là nghĩ Hoà đem lòng yêu con mình thật sự. Nhưng buồn vì không tin điều đó là sự thật. Nhỡ đó là câu nói đùa thì sẽ khổ tâm cháu Hà Biết bao bởi Hà là người tật nguyền suốt đời.

Tôi gặng hỏi lại vài lần nữa nhưng con vẫn khăng khăng quả quyết khẩn cầu bố phải đi ngay.

Phần vì thương con, phần vì mong manh hy vọng một điều kỳ diệu nào đó xảy ra...

Hôm sau tôi khăn gói lên đường ra Hà Nội, vượt hơn ba trăm cây số, qua nhiều đoạn đường, phố xá ùn tắc giao thông. Tôi như lạc vào một thế giới khác, hình như những ánh mắt mỉa mai đang nhìn tôi như muốn hỏi: Sao ông dễ tin điều không tưởng thế, sao không liệu cơm mà gắp mắm? Bỗng dưng tôi cảm thấy lạc lõng cô đơn giữa vạn người.

Tôi lần mò mãi rồi cũng được gia đình Hoà. Câu chuyện của tôi cứ vòng vo mãi, không dám nói lời cần nói, nhưng rồi tôi cũng buột miệng ngỏ lời. Phải nói là tôi dũng cảm lắm mới thưa được câu chuyện với nhà gái. Nhưng quả đúng như tôi dự đoán, gia đình cháu Hoà đã tế nhị khước từ.

Tôi ra về lòng nặng trĩu, quãng đường Hà Nội - Vinh như dài thêm mấy ngàn cây số làm tôi vô cùng mệt mỏi.

Về đến nhà, Hà biết chuyện nên nó rất buồn. Tôi động viên an ủi con hãy giữ gìn sức khoẻ rồi thời gian sẽ nguôi ngoai dần.

Đôi uyên ương bước ra từ truyện cổ tích

Nhưng rồi một tháng sau Hà lại giục tôi ra Hà Nội. Lần này Hà quả quyết, Hòa không lừa con đâu bố ạ.

Thương con, động viên con cũng là một liều thuốc tiên, tôi lại vay thêm ít tiền lặn lội ra Hà Nội.

Lần này trước mặt tôi, bố Hoà đã nói thẳng với con, “Bố mẹ không đồng ý cho con đi lấy chồng xa. Nếu con nhất quyết lấy thì bố mẹ xem như không có con. Con liệu mà thưa với ông bà và anh Hà để đừng làm họ bận lòng nữa”.

Như thấu hiểu nỗi buồn của tôi, Hoà tiễn chân tôi ra về và nói: "Bố cứ yên tâm số phận con đã gắn với anh Hà, chúng con sẽ lấy nhau. Con biết lấy anh ấy con sẽ vô cùng vất vả, nhưng tình yêu sẽ không làm chúng con thấy khổ, bố đừng lo đừng dằn vặt. Con sẽ thuyết phục bố mẹ, anh em, họ hàng con cho con được lấy anh Hà".

Tôi quay về Vinh, mang theo nỗi buồn man mác nhưng vẫn lóe lên một tia hy vọng bởi những câu dặn của cháu Hòa.

Ba tuần sau, chuông điện thoại đổ dồn, cầm máy lên tôi không tin vào tai mình nữa. Một giọng Bắc nhẹ nhàng vừa lạ, vừa quen dịu ngọt:"Xin mời ông bà chọn ngày lành tháng tốt để lo hạnh phúc cho các con nha". Đó là lời của bố cháu Hòa, cú điện thoại làm tôi mừng đến nỗi không khóc mà nước mắt đàn ông vẫn cứ chảy ra. Điều kì diệu đã đến với con mình.

Ngày cưới, Hà đi xe lăn ra tận ngõ đón Hòa. Hoà lộng lẫy rực rỡ trong bộ váy áo cô dâu từ trong xe hoa bước xuống, nét mặt tươi rói tràn ngập hạnh phúc. Cô dâu đặt tay lên cánh xe lăn đưa chủ rể vào hôn trường. Cả làng Mỹ Thượng, xã Hưng Lộc ai nấy đều xúc động ngậm ngùi trước một tình yêu kì diệu, một cổ tích có thật trong đời thường.

Tạ Quang Dư (Chủ tịch Hội NNCĐ DC tp Vinh)






















NGƯỜI ĐI BẰNG ĐẦU

Vừa qua, tôi dẫn đoàn cán bộ của UB MTTQ thành phố và Phòng LĐ-TBXH đến thăm Công ty của Thành. Từ đường Vinh - Cửa Hội qua Liên đoàn địa chất 4 theo đường Lê Quý Đôn đi vào chừng 500m rẽ trái là đến Công ty máy công nông nghiệp Thành Vinh.

Bước vào Công ty chúng tôi gặp Giám đốc trẻ Lê Bá Thành. Được Thành giới thiệu hàng loạt sản phẩm do chính anh thiết kế và sản xuất như: Máy hàn Điện tử, Motơ Điện, Máy nghiền thức ăn gia súc, Máy ép nước Mía, Máy vặt lông gia cầm... và nhiều loại máy công nông nghiệp ứng dụng phù hợp với điều kiện sử dụng cho từng đối tượng .

Nhìn những bằng khen, giấy khen treo chi chít trên tường, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam, thành phố Vinh hỏi :

- Thành học cơ khí điện trường nào mà làm giỏi thê ́?

  • Thành trả lời: Cháu không được học trường nào cả, cháu chỉ vừa học vừa làm thôi.
  • Thế hồi học phổ thông chắc cháu học giỏi lắm nhỉ?

Đẩy chiếc xe lăn thoăn thoắt không trả lời ngay vẻ mặt Thành thoáng buồn ngoảnh đi như dấu những nỗi niềm tuổi thơ cực nhọc của một đứa trẻ tật nguyền. Thành rót nước mời chúng tôi uống và tâm sự: Cháu không được một ngày cắp sách đến trường. Khi cháu mới sinh ra cũng bình thường như những bạn khác nhưng đến năm 3 tuổi, đôi chân cháu bỗng teo tóp lại rồi tê liệt hoàn toàn. Mẹ cháu buồn lắm; sau mấy năḿ, mẹ sinh thêm một đứa em nhưng bị tai biến thai sản cả mẹ và em đều qua đời. Mãi sau này cháu mới biết bệnh của cháu và em đều do di chứng Chất độc Da cam/Dioxin từ bố cháu hoạt động ở Chiến trường để lại .

Lúc đến tuổi đi học bạn bè cắp sách đến trường cháu cứ lấm lét nhìn theo, những năm ấy có ai nhận một đứa trẻ bại liệt như cháu vào trường học đâu. Nhiều hôm cháu bò theo các bạn nằm nép ở góc trường nghe thầy cô giảng rồi lấy que viết lên nền đất những chữ o, chữ a dần dần cháu biết ghép lại thành ra biết đọc, biết viết. Về nhà, nhặt được mảnh báo nào là cháu ghép lại đọc hết từng chữ, từng trang.

Bố cháu đi bộ đội, bà nội già yếu, cháu tàn tật khổ sở trăm bề. Có hôm thương bà quá cháu bò ra ruộng hái rau ngã lăn xuống bùn không ngoi lên được. Bà thay bố, mẹ nuôi cháu được bốn năm sau thì bà nội cũng về với tổ tiên. Cháu phải theo bố ra ngoài Vinh. Những ngày ở với bố cháu không làm được gì đáng kể ngày hai buổi chờ bữa cơm cháu buồn lắm. Cháu thấy không thể sống dựa dẫm mãi được.

Mặc dù đôi chân không nâng nổi cuộc đời, nhưng còn có cái đầu mình phải đi lên bằng đầu. Nghỉ thế rồi cháu nhất quyết xin bố tìm cho mình một chỗ làm. Thật may mắn lúc ấy bác Phan Khuyên đang làm Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật trẻ mồ côi thành phố Vinh đã nhận và giới thiệu vào làm việc ở một xưởng cơ điện vừa học vừa làm. Những ngày làm việc đầu tiên ở xưởng Cơ điện đối với người bại liệt hai chân như cháu thật cực nhọc nhưng chính những ngày ấy đã nhen lên cho cháu một niềm hy vọng. Cháu nghĩ, máy móc, điện năng có thể nâng bước cuộc đời mình. Từ đó vừa làm cháu vừa để tâm suy nghĩ rồi tích lũy dần những kiến thức về cơ khí, điện...Sau những năm làm việc miệt mài cháu đã mạnh dạn xin bố cầm bìa đất để vay tiền xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thành lập Công ty riêng. Cháu không được học phổ thông, học nghề ở trường nhưng nhờ lao động cháu đã ứng dụng linh hoạt những quy luật vận hành của máy móc, những công năng của điện.

Khi được tiếp xúc với các loại máy người ta sản xuất bán trên thị trường cháu đều nghiên cứu cải tiến thêm nhiều chi tiết quan trọng vượt trội. Vậy nên máy móc của cháu vừa đẹp vừa bền, giá lại rẻ hơn mà người khuyết tật có thể dùng được như: Cái máy ép nước mía, máy cắt thức ăn gia súc này đây. Là người khuyết tật phải di chuyển bằng xe lăn nhưng các nhà sản xuất họ không làm số lùi, nhiều lần đường sá ách tắc hoặc gặp đường bé mà không tiến được là

cháu đành ngồi tại chỗ. Từ thực tế đó cháu đã nghiên cứu để chế thêm số lùi cho xe mình và giúp những người khuyết tật khác có xe ba bánh tiến và lùi được dễ dàng. Việc ứng dụng ấy có ý nghĩa thiết thân của người khuyết tật như cháu.

Nhìn nhà xưởng rộng hơn hai trăm mét vuông và gần đây lại mở rộng gấp đôi tổng tài sản trên dăm tỷ đồng. Với đủ loại máy tiện, máy bào, máy ép Thủy lực, ô tô và hàng loạt máy móc môtơ, máy thành phẩm đang chờ chất lên xe xuất xưởng đến với bạn hàng cả nước.

Có lẽ ai cũng ngạc nhiên vì những máy móc hoàn mỹ kia lại do một nạn nhân CĐDC tật nguyền không được học hành và đào tạo qua một trường kỹ thuật nào. Từ lao động người thanh niên ấy lại biết ứng dụng những tri thức nhân loại vào cuộc sống một cách sáng tạo như vậy. Ngoài ra Thành còn dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều người khác. Đứng trước Thành tôi thấy cuộc đời này có những con người tưởng chừng như đã tàn phế nhưng họ đã vượt lên số phận bằng nghị lực phi thường.

Họ có thể chinh phục mọi trở ngại, dành lấy yêu thương và quý trọng của xã hội. Những giọt mồ hôi, nước mắt của Thành đã hòa quyện vào sản phẩm lấp lánh trí tuệ, như những quả chín giữa mùa được chắt lọc từ bùn đất. Nó tỏa hương thơm ngát đúng như lời cổ nhân “hữu xạ tự nhiên hương” tài năng của Thành đã làm cho Trang Nhung một cô sinh viên xinh đẹp, giỏi giang, như một bông hoa lỗng lẫy hương sắc núi rừng; tận Nghĩa Đàn những năm về Vinh học đã mê mẩn Thành rồi tình nguyện nâng khăn sửa túi cho Thành như một sự sắp đặt của đất trời và số phận. Trang Nhung vừa là người rất mực yêu thương bù đắp những khiếm khuyết của Thành vừa là một kế toán trung thành và tận tụy. Trang Nhung đã gửi gắn cuộc đời mình vào Thành. Nhung tin Thành sẽ đi bằng đầu dẫn dắt Nhung trên con đường hạnh phúc./.

Tạ Quang Dư




GIẤC MƠ BÌNH YÊN

Sắp đến ngày 30/4, tôi muốn trở về với ký ức của những ngày này bốn lăm năm về trước. Khi chúng tôi ôm nhau trong niềm vui toàn thắng.

Những ngày sau này, tôi ngược dòng thời gian xa hơn để tìm lời giải qua những điều thật bình dị. Đó là câu chuyện của đôi bạn chiến đấu trên mặt trận Quảng Trị từ năm 1967 đến ngày 30/4/1975 - Giải phóng hoàn toàn miền Nam: Anh Phan Đình Minh xã Hưng Tân và anh Ngô Xuân Thủy xã Hưng Chính cùng nhập ngũ một đợt, lại là đồng hương may mắn cùng chung tiểu đội. Mấy tháng nay cái chảo lửa Quảng Trị lắc lư rung chuyển bởi những trận B52 ném bom rải thảm và pháo bầy của Mỹ. Bầu trời dày đặc màn sương khói chất độc hóa học. Rừng cây do chất độc hóa học làm chết đứng trơ trọi; thỉnh thoảng lại bốc cháy dữ dội vì bom Na pan. Những lúc nằm trong hầm chữ A chờ lệnh xuất kích họ thường kể cho nhau chuyện nhà, ôn lại những ngày còn cắp sách tới trường. Câu chuyện thường ngắt quãng sau những trận bom B52 và pháo bầy của Mỹ. Thời gian ở chiến trường chỉ mấy năm sao dài đến thế?

- Thủy ơi, bao giờ đất nước hoà bình nhỉ?

- Bao giờ chúng ta có cuộc sống bình yên?

Bom đạn địch đánh dữ dội thế này chắc nó đang thua to ở các chiến trường khác. Ngày chiến thắng sẽ đến gần, ngày ấy ta được phục viên, tao và mày sẽ lấy vợ, sinh con. Ta đính ước với nhau bây giờ đi là vừa. Nếu đứa nào sinh con trai sẽ đặt tên Bình, con gái đặt tên là Yên.Ta sẽ gả con cho nhau.

- Thôi mày đừng vội ép con lấy vợ, lấy chồng sớm làm gì. Lúc đó đất nước hoà bình, con trai cho nó đi đại học Kiến trúc để xây dựng, mày có thấy không? Các thành phố lớn Mỹ đánh bom xoá sạch rồi. Thành phố Vinh của ta nghe nói chỉ còn những hố bom và gạch vụn. Đêm qua nghe một nghệ sỹ ngâm bài thơ: "Gạch vụn Thành Vinh" hay tuyệt mày ạ. À, nếu con gái cho nó đi học ngành Y, mày chẳng nghe nói "nhất y, nhì dược" là gì? Nếu vợ tao sinh con gái thì đẹp phải biết, con gái quê choa tóc dài, da trắng lại chăm làm, nết na. Nhà tao ở bên dòng sông Lam, nhờ uống nước và tắm gội dòng sông trong xanh nên có nhiều cô gái tóc dài, da trắng đẹp nổi tiếng.

Mày biết không? Thôi ngủ đi, mai đơn vị còn phải vào trận mới rồi đó.

Mức độ ác liệt và sự hy sinh có thể lớn hơn gấp bội. Thời gian cứ thế trôi dài theo những trận đánh trên chiến trường.

Mùa xuân 1975 đã đến cả đơn vị nhận lệnh "Thần tốc, thần tốc hơn nữa". Thế là chúng tôi cuốn theo dòng thác đi vào chiến dịch Hồ Chí Minh cho đến ngày 30/4/1975; cái ngày lịch sử ấy, lồng ngực chúng tôi như muốn vỡ oà cùng niềm vui chiến thắng.

Thế là giấc mơ bình yên đã đến với mình. Minh và Thuỷ đều được phục viên. Cầm tờ quyết định mà niềm vui tuôn trào nước mắt. Họ lộn ngược ba lô nhét cả gia tài người lính và những kỷ vật đã theo nhau đi suốt chặng đường chiến đấu; Ra bến xe về quê với bao nhiêu cảm xúc buồn vui khó tả.

Về địa phương họ đều lấy vợ và sinh con. Thuỷ có con trai đặt tên là Bình. Mình có con gái đặt tên Yên. Nhưng cả con Mình và Thuỷ khi sinh ra đều không mặt hoa da phấn như tưởng tượng hồi ở chiến trường. Con Thuỷ hai chân teo tóp không đi lại được, khuôn mặt thì đáng thương làm sao cứ như nhìn lên trời. Con gái Minh thì trên khuôn mặt trái xoan ấy bị hằn lên bao khiếm khuyết

đau thương, thịt da xám ngắt.

Mỗi lần Minh và Thuỷ gặp nhau, hai đứa cứ than thở không biết kiếp trước có ai làm điều gì để đến nay con cái mình phải chịu tội? Mãi những năm sau này mọi người mới nhận ra đó là di chứng chất độc da cam/Dioxin mà kẻ thù đã rải xuống ở chiến trường. Đó là công nghệ giết người hiện đại nhất mà Đế quốc Mỹ đã dùng trong chiến tranh Việt Nam. Nó đã để lại di chứng nặng nề cho hàng vạn con em chúng ta phải hứng chịu. Họ nuôi con trong khốn khó, nhọc nhằn. Những đứa trẻ di chứng da cam sớm ốm, chiều đau đi hết bệnh viện này lại đến viện khác.

Năm tháng qua dần chúng đã đến tuổi trưởng thành. Nhớ lời nguyện ước

năm xưa nhưng con cái mình tật nguyền như vậy, lấy vợ lấy chồng làm chi cho thêm khổ. Bao nhiêu đêm dằn vặt đắn đo. Cuối cùng hai cựu chiến binh đã quyết định: Nó là con người, nó có quyền lấy vợ lấy chồng. Thế rồi Thủy và Minh tác thành cho hai con lấy nhau.

Năm trước Hội NNCĐDC Thành phố Vinh dẫn đoàn “hành trình Cam” đến chứng kiến ở gia đình hai cháu Bình - Yên.

Vợ Thuỷ (mẹ Bình) phân trần, chúng nó sống với nhau đã khổ lại thêm thằng Dần là em trai của Bình cũng do di chứng da cam bị tâm thần phân liệt cứ đè anh chị mà đánh.

May mà Hội nạn nhân chất độc da cam đã chung tay góp sức cùng anh em

họ hàng đã xây dựng cho vợ chồng nó vài gian nhà, hễ khi thằng Dần có nổi cơn tâm thần thì đóng chặt cửa. Mặc dù chưa bình yên nhưng cũng cảm thấy yên bình hơn một chút.

TẠ QUANG DƯ

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Tối 24-4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền ...
    Trung tâm BTXH NNCĐDC Việt Nam kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập

    Trung tâm BTXH NNCĐDC Việt Nam kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập

    Sáng 26/4, Trung tâm BTXH NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập (28/4/2014 – 28/4/2024). Dự lễ kỷ niệm có: Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam; Thiếu tướng Đỗ Hồng Lâm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội; bà Đinh Thị Thụy, Trưởng phòng Người Khuyết tật, Cục Bảo ...