• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Điều tra cơ bản về sức khỏe của nạn nhân da cam tại một số tỉnh miền Nam

Điều tra cơ bản về sức khỏe của nạn nhân da cam tại một số tỉnh miền Nam

1. Đặt vấn đề:

Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Hoa Kỳ đã rải khoảng 80 triệu lít thuốc diệt cỏ xuống miền Nam Việt Nam thông qua chiến dịch mang tên “Chiến dịch Ranch Hand“. Các loại chất độc gọi là “diệt cỏ và làm trụi lá” là những chất hồng, chất xanh, chất trắng, chất tím, và nhiều nhất là chất da cam.

Chất độc da cam, hỗn hợp 50:50 của 2,4-D và 2,4,5-T, là loại thuốc diệt cỏ đã được sử dụng nhiều nhất.

Trong khi tổng hợp chất 2,4,5-T ở nhiệt độ và áp lực cao, các công ty hóa chất đã biết có sự xuất hiện của chất dioxin là hóa chất độc hại nhất đối với muôn loài và nhất là con người.

Chất DIOXIN, công thức hóa học là 2,3,7,8 tetra-chloro-dibenzo-para-dioxin – gọi tắt là 2,3,7,8 TCDD

Chất độc da cam (CĐDC)/dioxin làm tăng số lượng và tỷ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh ở Việt Nam và một số bệnh lý khác về sức khỏe ở cả người lớn và trẻ em có phơi nhiễm như ung thư, bệnh tim mạch, đái tháo đường… cho con người Việt Nam, cũng như cho binh sĩ Hoa kỳ và binh sĩ các nước có gửi người tham chiến tại Việt Nam trong thời gian có chiến tranh.

Cho đến hiện nay, người ta đã biết rõ, dioxin là chất độc hại nhất cho cơ thể con người, do chính con người tạo ra. Năm 1996, Cơ quan Quốc tế nghiên cứu về ung thư (IARC) đã khẳng định: dioxin là chất gây ung thư.

Ngoài 19 loại bệnh mà chính phủ Hoa kỳ đã công nhận do dioxin gây ra, gần đây có một số nghiên cứu châu Âu, đã được báo cáo tại Hội nghị thường niên Hội thấp khớp học Hoa kỳ và Hội thấp khớp học Pháp năm 2018 cũng cho thấy, bệnh gút có thể có nguồn gốc từ phơi nhiễm dioxin.

Gut là một dạng thường gặp nhất của bệnh lý viêm khớp, làm giảm chất lượng cuộc sống rất nghiêm trọng vì đưa đến triệu chứng đau nhức mạn tính [1–3]. Tỷ lệ mắc bệnh gút chung trên toàn thế giới là 1 - 10% và có sự khác biệt khá lớn giữa các quốc gia. Đài Loan có tỷ lệ cao nhất, nam 9,5% và nữ 2,8%. Hàn Quốc tỷ lệ bệnh rất thấp, dưới 1%. Hiện Việt Nam chưa công bố tỷ lệ mắc bệnh chung và chỉ có một số nghiên cứu nhỏ lẻ ước đoán về số lượng và tỷ lệ bệnh nhân gút trong dân số. Theo thống kê năm 2.000 của phường Trung Liệt ( Hà Nội) và xã Tân Trường (huyện Cẩm Giảng, tỉnh Hải Dương), thì tỷ lệ mắc bệnh gút chiếm 0,14% dân số.

Theo giáo sư Thomas Bardin, Trưởng khoa Cơ - Xương - Khớp, Bệnh viện Lariboisiere - Paris VII (Pháp), gút là một bệnh nguy hiểm vì biến chứng lâu dài là suy tim, suy thận mãn, hay biến chứng của bệnh đái tháo đường typ 2 rất khó điều trị, thậm chí bế tắc. Một nghiên cứu của ông hợp tác với Viện Gút TP Hồ Chí Minh và Khoa Y- Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, thì tuổi trung bình bệnh nhân là 47 tuổi.

Trước khi mắc bệnh gút, bệnh nhân thường có acid uric trong máu cao. Trong số người có acid uric cao trong máu, có tới 40 -50% sẽ tiến triển thành bệnh gút. Từ khi tăng acid uric trong máu đến khi có cơn gút đầu tiên có thể kéo dài 20 - 30 năm và khoảng 10 - 40% trong số đó có thể có cơn đau quặn thận, cả trước khi viêm khớp.

Gút chủ yếu xảy ra ở nam, tỷ lệ nam/nữ hiện nay là 3 - 4/1.

Để thấu hiểu cũng như cố gắng hỗ trợ điều trị những bệnh tật, đau đớn về thể xác làm giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của NNCĐDC ở các địa phương sau 60 năm phơi nhiễm trực tiếp hoặc gián tiếp với chất độc da cam/dioxin, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam và các tỉnh - thành hội, quận - huyện hội đã phối hợp với bệnh viện các địa phương bắt đầu thực hiện một nghiên cứu cắt ngang về tình hình sức khỏe của NNCĐDC với các xét nghiệm cần thiết nhất về tổng trạng, các bệnh lý, chức năng các cơ quan - nhất là gan và thận, acid uric, tìm ra những nguy cơ gây bệnh để việc điều trị được sớm và hiệu quả hơn.

Cơ quan chủ trì nghiên cứu: Ban Khoa học, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam.

Cơ quan phối hợp: Bệnh viện đa khoa các tỉnh, huyện có đủ khả năng khám và siêu âm, xét nghiệm, với sự đồng ý của Sở Y tế.

Người được phân công chịu trách nhiệm viết đề cương và tổ chức thực hiện nghiên cứu: bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng với sự hợp tác hỗ trợ của tổ nghiên cứu khoa học bệnh viện Mỹ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

2. Mục tiêu nghiên cứu:

Mục tiêu nghiên cứu chính: tình trạng sức khỏe tổng quát của NNCĐDC 60 năm sau khi các CĐHH được rải xuống đất nước Việt Nam, có phân tầng về số tuổi, phân biệt nạn nhân phơi nhiễm trực tiếp hay gián tiếp trong chiến tranh và sau chiến tranh (ở trong hoặc ở gần các sân bay còn tồn lưu dioxin), ở từng địa phương nghiên cứu và gộp chung tất cả nạn nhân các địa phương, tập trung chính vào tỷ lệ các bệnh:

- Tim mạch: cao huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim

- Cơ quan hô hấp: phổi và đường hô hấp trên

- Gan: chức năng gan, các loại u và ung thư gan

- Thận: chức năng thận và tổn thương khác

- Bệnh đái tháo đường

- Bệnh gút và các khuyết tật do gút, nồng độ uric acid ở mỗi địa phương,

- Nồng độ uric acid-huyết thanh trung bình ở mỗi địa phương và lứa tuổi

Nhóm tuổi nào thì có nồng độ acid uric cao? Trong số có acid uric cao, có bao nhiêu % bị bệnh gút?

Mục tiêu phụ:

- Nếu nạn nhân có bệnh gút, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị sớm cho nạn nhân.

3. Phương pháp nghiên cứu:

Đây là một nghiên cứu mô tả cắt ngang vào tháng 07/2020 (Đồng Nai); tháng 10 và 11/2020 ở các địa phương khác, có chú ý đặc biệt tầm soát nồng độ uric acid-huyết thanh và bệnh gút để điều trị nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho NNCĐDC/dioxin.

Số liệu sẽ được phân tích theo phần mềm R.

4. Đối tượng nghiên cứu:

- Tất cả nạn nhân của 3 quận huyện Thành phố Hồ Chí Minh được chọn ngẫu nhiên bằng bốc thăm: quận 2 (nội thành) 118 nạn nhân, huyện Hóc Môn (vùng ven) 120 nạn nhân), huyện Củ Chi (ngoại thành) 345 nạn nhân.

- Tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, chọn ngẫu nhiên: Bến Tre và Bạc Liêu

- Tỉnh ở miền Đông Nam bộ, chọn ngẫu nhiên: Đồng Nai và Tây Ninh.

Mỗi tỉnh chọn 300 nạn nhân.

5. Kết quả nghiên cứu và bàn luận:

Tổng số nạn nhân đồng ý tham gia nghiên cứu là 2079 người, có các đặc điểm như sau:

1, Do tình hình dịch Covid-19, nên thời gian đi điều tra cơ bản và khám bệnh bị chậm lại đến tháng 03/2021.

2, Số lượng người đi khám ít hơn số dự tính do đã tử vong hoặc nặng, không đi lại được; do đã chuyển nơi ở khác.

3, Chúng tôi phân tích riêng nhóm nạn nhân trên hay bằng 50 tuổi vì đó là những người sinh ra trong hoặc ngay sau rãi các chất độc hóa học, trong đó có chất Da Cam và Dioxin.

4, Nghiên cứu cũng phân tích và so sánh bệnh gút ở nam và nữ.

5, Hầu hết NNCĐDC đã lớn tuổi nên mắc nhiều bệnh lý, vừa của người già, vừa do CĐDC/dioxin:

- Cao huyết áp: 48.2 - 82.3%

- Đái tháo đường: 28.3 (Tây Nguyên) - 71.0 (Biên Hòa)

- Bệnh tim mạch: 37.4 - 59.3 (Biên Hòa)

- Các loại ung thư: Tổng số tỷ lệ 3 loại ung thư gan, phổi, tiền liệt tuyến là 67.1%.

- Bệnh gút cả 2 nhóm nam và nữ là 402/2079 = 19,3%, cao hơn các nước (tỷ lệ trên thế giới là 1 - 10%)

Tỷ lệ bệnh và các chỉ số xét nghiệm bất thường của 2 nhóm bệnh nhân từ 50 tuổi trở xuống và nhóm trên 50 tuổi:

Nhận xét

- Những nạn nhân trên 50 tuổi, nhiễm CĐDC/dioxin trong thời gian Mỹ rải CĐDC có vẻ có tỷ lệ bệnh cao hơn nhóm trẻ, nhiễm gián tiếp qua sữa mẹ hoặc qua môi trường. Có thể còn do yếu tố tuổi tác.

Kết luận:

Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam cần nhiều nghiên cứu hơn để đi sâu vào việc chăm sóc, điều trị hiệu quả hơn cho nạn nhân.

Trước mắt, chúng tôi sẽ phân tích chi tiết hơn nghiên cứu vừa được thực hiện để báo cáo trong tháng 8/2021 tới đây.

GS.TS Nguyễn Thị Ngọc Phượng

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Cội nguồn đoàn kết dân tộc

    Cội nguồn đoàn kết dân tộc

    Hằng năm, cứ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10-3 Âm lịch), người Việt dù ở nơi đâu cũng tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hướng về cội nguồn, bởi từ bao đời nay, trong tâm thức của "con Lạc cháu Hồng", Hùng Vương là vị vua ...
    Nghệ An: Thành phố Vinh khánh thành tượng V.I.Lênin

    Nghệ An: Thành phố Vinh khánh thành tượng V.I.Lênin

    Sáng 16/4, tại thành phố Vinh, 2 tỉnh Nghệ An và Ulyanovsk (Liên bang Nga) phối hợp Thành ủy, UBND thành phố Vinh, trang trọng tổ chức Lễ tiếp nhận và khánh thành tượng V.I.Lê-nin, một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ hữu ...