Sự mạnh mẽ, quyết liệt nhưng rất nhân văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã giúp người dân lấy lại niềm tin với Đảng, tạo ra những bước phát triển mới của đất nước. Ông mất đi để lại nhiều tiếc thương vô hạn cho người dân, nhưng ông sẽ vẫn sống mãi trong lòng dân về một "người đốt lò vĩ đại", một người chiến đấu không khoan nhượng với "giặc nội xâm" vì thanh danh của Đảng, vì niềm tin của Nhân Dân.
Quyết liệt, không bàn lùi
"Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy. Củi khô cháy trước rồi, dần dần cả lò phải nhóm lên. Tất cả các cơ quan vào cuộc, không ai đứng ngoài và không thể đứng ngoài được".
Câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng diễn ra ngày 31/7/2017 đến nay vẫn luôn khiến ông Nguyễn Đức Thắng, ngụ ở quận Bình Thạnh, TP.HCM rất tâm đắc.
Là cán bộ quân đội với 65 năm tuổi đảng, chưa bao giờ ông thấy, việc xử lý cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực lại quyết liệt như hiện nay.
Nhìn lại lịch sử phát triển Đảng, chưa có giai đoạn nào, số tổ chức đảng, số đảng viên bị kỷ luật nhiều như giai đoạn 2012-2022. Chỉ trong vòng 10 năm, đã có hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên bị thi hành kỷ luật, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Đó là những thanh "củi khô, củi tươi" bị đốt cháy bởi cái "lò "phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu. Dù rất đau xót, nhưng vẫn phải làm.
Ông Nguyễn Đức Thắng chia sẻ: "Cái đốt lò ở đây là muốn nói đến việc thiêu hủy chủ nghĩa cá nhân để giữ vững, gương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cho nên từ cái đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã được nhân dân, cán bộ, đảng viên một lòng tin tưởng và ca ngợi là con người: Đức-Trí-Dũng, là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là một Tổng Bí thư tiêu biểu trong thời kỳ đổi mới".
Đảng ta từng nhận định, tham nhũng là căn bệnh do quyền lực bị thao túng. Nó như con sâu mọt rút lá, cắn hoa, khoét quả. Thế nên, các đại hội Đảng, hội nghị Ban Chấp hành Trung ương… chúng ta đều có những Nghị quyết, kết luận, chỉ thị về phòng chống tham nhũng, nhưng vì sao tham nhũng, tiêu cực trong một thời gian dài không được đẩy lùi - đó là băn khoăn, trăn trở của Tổng Bí thư, là sự lo ngại của các tầng lớp nhân dân nhiều, khiến niềm tin của dân vào Đảng bị giảm sút, đe dọa sự tồn vong của Đảng, sự phát triển của đất nước.
Trong 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng từ XI, XII và XIII, với vai trò là người đứng đầu Đảng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ tiêu cực, tham nhũng. Không chỉ cán bộ ở địa phương mà kể các cán bộ cấp cao ở Trung ương.
Giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2022, đã có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 36 ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương Đảng cùng nhiều tướng lĩnh cấp cao bị kỷ luật.
Tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII đến tháng 5/2024, đã có 44 tổ chức Đảng và 164 đảng viên bị kỷ luật. Trong đó, có 13 Ủy viên, 17 nguyên Ủy viên Trung ương và rất nhiều sĩ quan cấp tướng.
Ông Phạm Duy Khiêm, báo cáo viên Trung ương, Trưởng phòng Thông tin Tổng hợp, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước cho rằng, chúng ta có được kết quả của công cuộc phòng chống “giặc nội xâm” nhờ sự quyết liệt, không có tư tưởng “bàn lùi” của Tổng Bí thư-Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tư tưởng, hành động đó của Tổng Bí thư cho thấy sự thống nhất tiếp thu, vận dụng và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh.
“Trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, kể cả các vụ việc tồn tại phức tạp như những vụ việc liên quan đến Công ty AIC và đặc biệt là mới phát sinh như những vụ việc trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam liên quan đến Công ty Phúc Sơn, Công ty Thuận An, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Điều đó cho chúng ta thấy một điều, Tổng Bí thư của chúng ta là một người nói và làm đúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh”- ông Phạm Duy Khiêm nói.
Người ra hiệu lệnh chống tham nhũng
PGS.TS Huỳnh Thị Gấm- nguyên Trưởng Khoa Xây dựng Đảng và Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực II, Trưởng bộ môn lý luận Chính trị Đại học Quốc tế miền Đông cho rằng, công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta chưa bao giờ mạnh mẽ như trong 3 nhiệm kỳ Đại hội mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ vị trí người đứng đầu Đảng.
Điều này cho thấy, ông là Người hội tụ đủ các yếu tố về trí tuệ, dũng khí, sự tín nhiệm, ủng hộ để làm “người phất cờ, người ra hiệu lệnh” trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo PGS.TS Huỳnh Thị Gấm, về trí tuệ, Tổng Bí thư là người rất uyên bác, am hiểu lý luận, trước hết là am hiểu Chủ nghĩa Mac- Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, am hiểu những giá trị tư tưởng văn hóa phương Đông, phương Tây, tư tưởng văn hóa của dân tộc. Từ đó mà Đảng ta và Tổng Bí thư đã vận dụng một cách sáng tạo, gắn lý luận với thực tiễn, đúc rút thực tiễn thành kinh nghiệm, bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 2011. Đây là “kim chỉ nam” dẫn đường để chúng ta phát triển đất nước.
Bên cạnh trí tuệ kiệt xuất, ông còn là một người rất mẫu mực, luôn lắng nghe tiếng nói của dân, đau đáu vì nỗi đau của dân và đặc biệt là nói đi đôi với làm. Làm để người dân, đảng viên tin tưởng làm theo.
PGS.TS Huỳnh Thị Gấm nói thêm: "Lấy ví dụ như Tổng Bí thư đã yêu cầu cán bộ, đảng viên cũng như các tầng lớp nhân dân học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì chính Tổng Bí thư là người thực hành rất nghiêm túc. Trong thực hành tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư luôn là tấm gương tiêu biểu. Chính đức tính này đã củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ngoài ra, ông còn là một người rất dung dị, mộc mạc. Là người đứng đầu Đảng nhưng trong cuộc sống đời thường ông cũng làm những việc bình thường của một thành viên trong gia đình".
Cưa một cành mọt, sâu để cứu cả cái cây, xử một vài người để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa người khác đừng vi phạm.
Ông Nguyễn Ngọc Luận – CEO của Công ty Liên kết Thương mại Toàn Cầu (Meet & More)- Phó Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM cho biết, vấn nạn tham nhũng ở nước ta từng có thời gian làm các nhà đầu tư rất lo ngại. Nhưng nhìn vào công cuộc “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của cả hệ thống chính trị Việt Nam trong thời gian qua đã tạo được niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp:
"Chúng ta thấy được rằng, trong công cuộc phòng chống tham nhũng và thể hiện rõ nhất là “công cuộc đốt lò” dưới sự tác động và điều hành của Tổng Bí thư thì chúng ta thấy, lời nói của Tổng Bí thư đi đôi với việc làm rất cụ thể và đang rất hiệu quả, nhất là câu “không có vùng cấm”. Đây chính là cái lấy lại được niềm tin cho doanh nghiệp, tin vào Việt Nam đang cải cách hành chính, cải cách để tạo sự trong sạch để doanh nhân có thể đầu tư một cách mạnh mẽ hơn; nhìn thấy một tương lai phát triển_- ông Nguyễn Ngọc Luận nói.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, hồi 13h38 ngày 19/7/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần. Ông để lại bạn bè quốc tế niềm tiếc thương về một nhà lãnh đạo kiệt xuất đã góp phần quyết định để "đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Còn đối với mỗi người dân Việt, ông ra đi là niềm tiếc thương vô hạn về một “Người đốt lò vĩ đại” trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lấy lại niềm tin cho dân về một Đảng cầm quyền .
Bình luận