• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Gặp người Anh hùng bước ra từ cổ tích

Có nhiều người anh hùng khi trở về với đời thường thì họ đều có cuộc sống rất bình dị, ấm áp. Nhưng câu chuyện đời từng trải của họ mà ta được nghe cứ tưởng họ vừa bước ra từ những câu chuyện cổ tích. Nhưng lại là những câu chuyện có thật

Về Nghi Lộc, khi lúa Hè Thu vừa gặt xong còn vương mùi rơm rạ trên khắp cánh đồng quê. Tiết trời đã sang cuối tháng 6, như mọi năm thì cũng đã có vài dăm cơn bão, nhưng năm nay vùng quê này còn hiếm cả mưa. Trong tiết trời trên 40 độ c cộng những cơn gió Lào hun hút, tôi ghé đất Nghi Phong, Nghi Lộc, tìm thăm Anh hùng LLVT Nhân dân Đoàn Minh Nguyệt. Ông là thương binh hạng 2/4, đã bước sang tuổi “Cổ lai hy” mà vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn từ lời nói đến cử chỉ, làm hiện lên những ký ức một thời hoa lửa mà ông đã trải.

Gặp người Anh hùng bước ra từ cổ tích
Anh hùng LLVT Nhân dân Đoàn Minh Nguyện hồi tưởng những ký ức

Cựu chiến binh, thương binh Đoàn Minh Nguyệt sinh năm 1932, quê xã Thọ Vinh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên; bố mẹ sinh được 8 người con; ông là con thứ 5; trong gia đình, anh trai ông hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và một em trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Mẹ ông được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Học hết lớp 10, ông tham gia hoạt động Đoàn ở địa phương, sau đó làm cán bộ Viện Thiết kế thuộc Bộ Thủy lợi. Năm 1963, khi chiến tranh do Đế quốc Mỹ gây ra ngày càng ác liệt, ông đã khai hụt tuổi để đủ tiêu chuẩn vào bộ đội. Trong quân ngũ, ông được biên chế vào Trung đoàn 36, Sư đoàn 308, được học thêm đào tạo lái xe. Năm 1965, ông về Tiểu đoàn 32, Cục Hậu cần Quân khu 4, với nhiệm vụ vận tải hàng hóa, vũ khí, khí tài, đạn dược, lương thực từ miền Bắc chi viện cho miền Nam qua đường Hồ Chí Minh ở Tây Trường Sơn, đến các tỉnh Savannakhet, Sekong, Champasak và Attapeu (thuộc Nam Lào), tập kết hàng hóa, sau đó tiếp tục chuyển vào miền Nam Việt Nam.

Cung đường mà ông đảm nhận là từ Ngã ba Đồng Lộc qua Khe Giao, vào Rào Bội, đến Tân Ấp rồi qua Cửa khẩu Cha Lo để sang Lào.

Ông nhớ lại: “Mùa mưa 1965, đường Hồ Chí Minh ở Tây Trường Sơn bị sạt lở, nhiều đoạn lầy lội, trơn trượt kéo dài hàng trăm ki lô mét. Trên đầu thì máy bay Mỹ quần thảo, thỉnh thoảng chúng lại nhả đạn, thả bom vu vơ nhằm chặn các tuyến hành quân tiếp tế của ta. Có lần tôi cho xe chạy qua ngầm thuộc tỉnh Savannakhet (Lào) thì xe bị trúng bom. Tôi bị thương, máu xối xả từ đầu xuống vai, ngực ướt đẫm nhưng bằng nghị lực và ý chí tuổi thanh xuân, tôi vẫn lái xe vượt đoạn đường hiểm trở với một bên là núi dựng đứng, một bên là vực sâu, nhằm cứu hàng, cứu xe, sau đó mới ghé vào một binh trạm cấp cứu. Tôi ngất đi, tỉnh dậy, mới biết là xe và hàng vẫn còn. Tôi mừng quá, nhưng một liều thuốc tiên bồi bổ cho tôi vượt qua thương tật” Ông Đoàn Minh Nguyệt nhớ lại. Đôi mắt ông nhìn ra xa xăm, rồi nâng bát chè xanh.

“Trên cơ thể tôi có nhiều mảnh bom găm vào nên được chuyển về Bệnh viện Quân y điều trị, sau hơn một tháng, dù chưa hoàn toàn bình phục nhưng nhớ xe, nhớ đường, tôi lại xin cấp trên ra viện và nhận xe tiếp tục chở hàng sang Lào.” Trong câu chuyện, ông kể, có lần, vào năm 1968, khi xe qua trọng điểm ngã ba Đồng Lộc, máy bay ném bom dữ dội, nên các lực lượng phải tìm nơi trú ẩn. Bỗng một mảnh bom đâm thủng bình xăng chiếc Gaz66 do ông cầm lái. Đám lửa bùng cháy uy hiếp mấy tấn vũ khí, đạn dược trên thùng xe. Ông đã nhanh trí giật tấm chăn từ ca-bin nhúng bùn ở một hố bom gần đó úp vào thùng xăng. Thật may hôm đó tôi đã cứu được xe và mấy tấn đạn dược."

"Ấy là vào tháng 6 năm 1969, tôi cùng 3 đồng đội được giao nhiệm vụ vận chuyển tài liệu, lương thực và vũ khí cho Quân khu Nam Lào. Vào mùa mưa nên các cây cầu tạm trên tuyến đường bị lũ cuốn trôi, nhiều đoạn sạt lở, cây đổ ngổn ngang. Nhưng vì nhiệm vụ cấp bách nên bằng mọi giá chúng tôi vẫn quyết tâm vượt qua, vận chuyển hàng hóa đạn dược đến được địa điểm tập kết. Chúng tôi phải mất gần 2 tháng, mà dự kiến ban đầu là 20 ngày". Ông Đoàn Minh Nguyệt hào hứng kể.

Gặp người Anh hùng bước ra từ cổ tích
Mỗi tấm Bằng khen, Giấy khen đều gắn với những câu chuyện kể

Chuyện đời Cựu chiến binh, thương binh Đoàn Minh Nguyệt ngồn ngộn như thước phim cuộc đời ông mà tôi không thể ghi hết. Ông đã 14 lần đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” và “Chiến sĩ quyết thắng”; vinh dự được tặng hơn 20 Bằng khen, Giấy khen các loại; được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; năm 1968, ông vinh dự được Bác Hồ gắn Huy hiệu của Người lên ngực áo tại Đại hội điển hình lái xe miền Bắc. Đặc biệt, tháng 8/1970, ông Đoàn Minh Nguyệt vinh dự được phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT Nhân dân”.

Năm 1983, khi nghỉ hưu, ông và gia đình cư trú ở xóm 22, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Là CCB, thương binh, ông nghĩ mình vẫn còn sức lực trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước, ông nghĩ, bản thân phải tự vượt lên để xứng đáng lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”. Ông cùng vợ và 3 người con vay vốn kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Phát huy lợi thế của địa phương ven biển thị xã Cửa Lò mở thêm nghề nuôi trồng thủy sản, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Ông còn tham gia đều đặn sinh hoạt đảng tại chi bộ địa phương và luôn là tấm gương sáng để lớp trẻ học tập về lối sống về ý chí vươn lên. Hiện nay, trong số 3 người con của ông, thì người con trai thứ 2, Đoàn Minh Ngọc nối nghiệp bố với chức danh Chính trị viên Kho K55, Cục Hậu cần Quân khu 4, mang quân hàm trung tá.

Với những thành tích trong chiến đấu cũng như phát triển kinh tế tại địa phương, cựu chiến binh Đoàn Minh Nguyệt vinh dự được tham dự Đại hội người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2012. Những thành tích mà ông đạt được còn góp phần tô thắm thêm tình đoàn kết, liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của Quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam- Lào.

Cát Tường (VP Bắc miền Trung)

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Tối 24-4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền ...
    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Tôi tên là: Trần Văn Toàn, 72 tuổi; quê quán: xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Tôi được đến Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, địa chỉ tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội để xông hơi giải độc từ ngày 29/3 đến ngày 18/4/2024. Trước khi rời Trung tâm về địa phương, tôi xin có đôi ...