Chúng tôi đến thăm anh Lê Thiết Hùng là nạn nhân chất độc da cam, ở số 44 Hạ Lý, tưởng đó là số nhà mặt đường, nhưng lại là con ngõ nhỏ, cái ngõ hẹp đến mức người dắt một cái xe đạp ra, vào còn khó, ánh sáng lờ mờ, nếu không có luồng ánh sáng ở khu phụ phía sau từ trên cao xuống thì đi trong ngõ không nhìn thấy nhau. Đến thời buổi này rồi, nhưng khu phụ gồm: bếp và khu vệ sinh vẫn là sử dụng chung của 5 gia đình (ở dưới 2 gia đình, trên gác 3 gia đình), đây là khu tập thể của Nhà máy Đúc Tân Long cấp, người nhiều nhất được 15m2, người ít nhất 11m2 chính là nhà của anh Lê Thiết Hùng.
Anh cao dễ đến hơn 1,7m, giọng nói sang sảng, anh chào chúng tôi và mời vào nhà, đoàn chúng tôi có 5 người vào tất cả thì chật, không biết đứng ngồi ở đâu, chỉ có một cái ghế nhựa con, thế là chúng tôi ngồi xuống sàn nhà, nhưng cũng chỉ ngồi được 3 người với anh Hùng là chật, gọi là nhà chứ chỉ là cái buồng nhỏ, tường ẩm mốc meo, có một cái gác xép nhỏ để vợ chồng nằm ngủ, ở dưới là chố tiếp khách, ăn uống và sinh hoạt thường ngày. Giọng anh nói to pha chút hài hước: may hôm nay các anh đến còn có chỗ ngồi, hôm nọ vừa mưa, nước sông Tam Bạc lại dâng lên trong nhà, ngoài ngõ ngập đến ống chân, rồi anh cười sảng khoái, tôi không tìm thấy nét bi quan nào trên khuôn mặt của anh.
Anh Hùng, sinh năm 1947, nhập ngũ năm 1967, cũng năm ấy vào chiến trường Trị Thiên Huế chiến đấu, sau đó bệnh tật, yếu sức khỏe được ra Bắc an dưỡng, năm 1973 anh được ra quân và về làm việc tại Nhà máy Đúc Tân Long, đến tháng 01/2005 anh Hùng cưới vợ, chị là Nguyễn Thị Thắng, sinh 1956, sống với nhau mãi không sinh con, khám, kiểm tra mới biết do anh bị nhiễm độc da cam/dioxin, anh mất 50% sức khỏe.
Hai vợ chồng không con sống trong căn buồng 11m2 ẩm thấp, vợ không lương hưu, anh tâm sự với chúng tôi: thực tình cũng muốn sửa sang cho căn buồng chỗ ở khang trang, nhưng tiền tích lũy không có, mỗi tháng chỉ trông vào tiền lương hưu được 3,7 triệu đòng và trợ cấp da cam của anh được 2 triệu, tổng cộng là 5,7 triệu, hai vợ chồng tằn tiện, thuốc thang chữa bệnh tuổi già, không có dư giả nên không thể sửa nhà được, rồi anh vẫn hồn nhiên cái giọng to khỏe pha chút hài hước: nói vậy thôi, chứ trông ra ngoài xã hội còn có người khổ hơn.
Anh Hùng, không ngờ rằng cuộc thăm hỏi của chúng tôi là cuộc khảo sát của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hải Phòng phối hợp với Mặt Trận Tổ Quốc thành phố về hỗ trợ làm nhà ở đối với người có công.
Ngay sau cuộc khảo sát, anh Hùng nhận được 35 triệu đồng, tiền hỗ trợ sửa nhà do MTTQ thành phố trao tặng nhân dịp kỷ niệm 61 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2022). Một việc làm kịp thời và thiết thực xoa dịu nỗi đau da cam./.
Phan Dũng
Bình luận