Thành tựu và nền tảng phát triển
Với nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp và quyết tâm chính trị cao, hơn 20 năm qua, Hậu Giang đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Công tác xây dựng Đảng của tỉnh có những đổi mới quan trọng, đặc biệt trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. Những năm qua, Hậu Giang đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, đạt nhiều kết quả đột phá, toàn diện trong thực hiện các nghị quyết, đề án trong công tác xây dựng đảng, nhất là công tác đánh giá xếp loại tổ chức đảng và đảng viên gắn với đánh giá cán bộ, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy. Nhiều nghị quyết, đề án về công tác tổ chức cán bộ đã được ban hành; Hậu Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước sớm ban hành danh mục vị trí việc làm, bảng mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm; nghiên cứu, đưa vào sử dụng bộ chỉ số KPI để đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức; triển khai thực hiện phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử Đảng bộ tỉnh, góp phần chuyển đổi số trong công tác Đảng.
Với quyết tâm đưa Hậu Giang trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết phát triển 4 trụ cột, đó là “Nông nghiệp sinh thái, công nghiệp hiện đại, đô thị thông minh, du lịch chất lượng”, với nông nghiệp là trụ đỡ, công nghiệp có vai trò nền tảng, dẫn dắt, lan tỏa - là trụ cột chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và gia tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân. Qua hơn 3 năm thực hiện, Bốn trụ cột phát triển: Nông nghiệp, công nghiệp, đô thị, du lịch đều ghi dấu ấn rõ nét, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh.
Từ năm 2021 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh liên tục đứng tốp đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và nhóm cao so với cả nước. Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng GRDP của tỉnh vẫn tăng 3,08%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước; năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt 13,94%, đứng thứ tư cả nước; năm 2023, tăng trưởng 12,27%, năm thứ 2 liên tiếp đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long và vươn lên xếp thứ hai cả nước; năm 2024, đạt mức tăng trưởng 8,76%, xếp vị trí thứ 02 vùng đồng bằng sông Cửu Long, thứ 15 cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 23,52% so năm 2023; thu nhập bình quân đầu người đạt 93,78 triệu đồng/người/năm.
Mạng lưới giao thông được đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để phục vụ nhu cầu của người dân và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh địa phương. Môi trường thu hút đầu tư được cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng cao. Đến nay, Hậu Giang đã có 2 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp tập trung với tổng diện tích hơn 1.100 ha, tỷ lệ lấp đầy 55%.
Năm 2024, toàn tỉnh có 930 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng số vốn 4.826 tỷ đồng; tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và kê khai thuế là 4.770 doanh nghiệp, tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2023. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển và duy trì tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 43.903 tỷ đồng, tăng 14,68% so với cùng kỳ và vượt 3,35% kế hoạch. Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đạt 62.052 tỷ đồng, tăng 11,4% so cùng kỳ, vượt 7,45% kế hoạch…
Nông nghiệp phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, gắn với quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa lớn; phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong và ngoài tỉnh. Có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành/đạt chuẩn nông thôn mới, 42/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Đáng chú ý là Hậu Giang luôn chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hậu Giang trong quá trình phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Chất lượng giáo dục và đào tạo không ngừng được nâng cao với số trường chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 84,29%. Công tác phát triển khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được đẩy mạnh. Hậu Giang nằm trong tốp 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số.
Chính sách xã hội tỉnh được quan tâm với tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế,…. Tỉnh luôn quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo, người khuyết tật… Năm 2024, tỉnh tặng 221.608 phần quà cho người có công với cách mạng và các đối tượng chính sách xã hội khác, với tổng kinh phí gần 112 tỷ đồng.
Tỉnh chú trọng quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, nhằm bảo đảm “Mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường quốc phòng, an ninh”.
Để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới, nhất là tận dụng “thời kỳ vàng” để sớm hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững, toàn diện và bao trùm, tỉnh đã xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050, trong đó, tập trung cao độ hiện thực hóa mục tiêu “Một tâm” động lực, “Hai tuyến” hành lang, “Ba thành” kết nối, “Bốn trụ” phát triển, “Năm nhiệm vụ trọng tâm”, để Quy hoạch thực sự là khởi nguồn, động lực để Hậu Giang vững bước cùng dân tộc tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, bứt phá, phát triển, văn minh, phồn vinh, thịnh vượng.

Vững vàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Những thành tựu trong chặng đường hơn 21 năm qua là nền tảng, động lực to lớn để Hậu Giang vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Với tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng”, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh đang khẩn trương tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, hoạt động hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả.

Ngày 10/3/2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Công văn số 1360-CV/TU về việc quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung trong Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và Kết luận số 128-KL/TW ngày 07/3/2025 của Bộ Chính trị về chủ trương công tác cán bộ. Lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Hậu Giang tập trung xây dựng đề án về không tổ chức cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã; lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức đại hội đảng bộ cấp xã (sau khi sáp nhập) theo lộ trình quy định của Trung ương; sắp xếp, tinh gọn các cơ quan trong hệ thống chính trị, cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ,… chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính theo định hướng của Trung ương, tạo không gian phát triển mới cho tỉnh.
Đứng trước yêu cầu phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0, Hậu Giang xác định tận dụng khoa học công nghệ để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, trở thành trung tâm kết nối hàng hóa của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh tập trung phát triển đột phá các ngành, lĩnh vực trên nền tảng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và khai thác lợi thế cạnh tranh. Đầu tư vào Khu công nghệ số, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế số sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn 2025 và các năm tiếp theo. Đồng thời, Hậu Giang nghiên cứu chính sách thu hút, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ phục vụ các ngành tiềm năng, xây dựng chính quyền điện tử và triển khai các ứng dụng thông minh trong nông nghiệp, giáo dục, an ninh trật tự, tài nguyên môi trường và y tế.
Những thành tựu của Hậu Giang trong hơn 20 năm qua là nền tảng vững chắc để tỉnh tiếp tục đổi mới, phát triển mạnh mẽ. Với quyết tâm khai thác tối đa cơ hội từ khoa học - công nghệ, chuyển đổi số và liên kết vùng, tỉnh sẽ tạo đột phá trong tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Hậu Giang vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thịnh vượng, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Đồng Văn Thanh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
Bình luận