• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Hồ sơ số 55 2406/001: Đề xuất Nghị quyết trình Hạ viện Bỉ, liên quan đến viện trợ cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam

Những năm qua, quan hệ Việt Nam - Bỉ có sự phát triển rên nhiều lĩnh vực. Bản Nghị quyết do ông André Flahaut và những cộng sự (*) đệ trình lên Hạ viện (Quốc hội ) Bỉ ngày 22/12/2021.  Tạp chí Da cam Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bản nghị quyết này. 

Thưa quý vị!

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, từ năm 1961 đến năm 1971, hóa chất rất độc hại do lực lượng quân đội Hoa Kỳ sử dụng và rải xuống lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt ở miền Trung và miền Nam của đất nước này.

Theo dữ liệu gần đây nhất, Mỹ đã sử dụng hơn 77 triệu lít chất khai quang khác nhau để phun rải xuống trên 2,6 triệu ha, tức là 10% lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở vào. Việc phun hóa chất độc hại đã ảnh hưởng trực tiếp từ 2,1 đến 4,8 triệu người sống trong 20.000 làng bản. Tất cả những chất này đều chứa chất độc làm rụng lá cây, với các tỷ lệ khác nhau, trong đó có dioxin. Sản phẩm chứa nhiều dioxin nhất và được sử dụng rộng rãi nhất chiếm 60% trong số các chất độc này được gọi là “chất độc da cam”.

Cái tên “Chất độc da cam” gắn liền với sự nguy hiểm của các sản phẩm đã phun rải. Trong các hợp đồng đã ký kết giữa công ty hóa chất sản xuất thuốc diệt cỏ với quân đội Hoa Kỳ quy định thành phần hóa học của các sản phẩm đã không được đề cập đến. Các danh mục khác nhau của chất làm rụng lá chỉ có thể được xác định bằng những vạch màu khác nhau trên thùng chứa, màu cam chỉ định là thành phần nguy hiểm nhất.

Các sản phẩm được phun rải dưới dạng phun sương, chủ yếu thông qua các máy bay, mục tiêu là phá hủy vĩnh viễn lớp phủ thực vật của các khu vực bị phun rải để một mặt tước đoạt nguồn cung cấp lương thực của nhân dân Việt Nam, phá hủy cây trồng nông nghiệp và mặt khác là làm cho các chiến binh đối phương không còn nơi ẩn nấp.

Tuy nhiên, quyết định này được đưa ra mà không hề tính đến những hậu quả nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của người dân bị phơi nhiễm (cả quân đội Việt Nam và Mỹ có mặt ở đó). Từ năm 1966 tại Hoa Kỳ, lần đầu tiên ở cấp độ quốc tế, đã tố cáo, lên án việc Mỹ sử dụng ồ ạt những chất độc hại này; đặc biệt là cảnh báo từ nhiều nhà khoa học Mỹ, vì không tương thích với các quy tắc nhân đạo trong xung đột vũ trang.

 

Khi chiến tranh kết thúc, người dân Việt Nam sinh sống trong các khu vực bị ảnh hưởng đều biết rằng các chất độc hại nêu trên đã được sử dụng nhưng không hề biết về những tác động khủng khiếp của nó đối với con người và môi trường sẽ như thế nào. Chỉ vài năm sau, các bệnh hoặc dị tật do phơi nhiễm hóa chất độc hại này xuất hiện, tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường thực vật và sức khỏe con người.

Hôm nay, chúng ta Kỷ niệm 60 năm Ngày đầu tiên phun rải các sản phẩm độc hại nêu trên, người dân Việt Nam không chỉ bị ảnh hưởng do tiếp xúc trực tiếp, mà còn di truyền đến thế hệ con, cháu; dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng, không còn nghi ngờ gì nữa, chẳng hạn như: chloracne, bệnh Hodgkin, ung thư hạch, sarcoma hoặc bệnh bạch cầu. Cơ quan y tế và đại diện Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã lưu ý mức độ thiệt hại, kể từ khi con cháu của nạn nhân trực tiếp cho đến thế hệ thứ tư bị ảnh hưởng với nhiều dị tật trong quá trình phát triển.

Những rủi ro liên quan đến các sản phẩm độc hại nói trên đã không được biết đến tại thời điểm phun rải tràn lan của chúng và tất cả các khu vực bị ô nhiễm như vậy vẫn chưa được xác định hoàn toàn. Một số tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bị phun rải nặng; một phần dân số của các tỉnh này di cư đến các nơi khác trên toàn quốc sinh sống, điều này dẫn đến việc xáo trộn dân số bị phơi nhiễm trên khắp lãnh thổ; ngược lại, người dân khỏe mạnh từ các tỉnh khác định cư/nhập cư vào các tỉnh bị phun rải nặng lại tiếp tục bị ảnh hưởng trong môi trường ô nhiễm.

Dioxin là một chất đặc biệt ổn định chịu được nhiệt độ khắc nghiệt trên 1000°C, chất này ít tan trong nước, nhưng tích lũy trong chất béo và đi vào cơ thể thông qua chuỗi thức ăn. Sự ổn định lâu dài của dioxin đã dẫn đến việc cư dân của các khu vực bị ảnh hưởng tiếp tục bị tiếp xúc sau khi kết thúc chiến tranh, do đó gây ra nhiều trường hợp ung thư hoặc dị tật bẩm sinh.

Ảnh hưởng của các sản phẩm độc hại nói trên gây tác hại đối với môi trường (đất, trầm tích, nước) các dạng thực vật (rừng, rừng ngập mặn, thảo nguyên) và động vật, gây ra tổn thất sản lượng lương thực (nông nghiệp, hải sản). Xét mức độ phát tán của các sản phẩm độc hại nói trên đối với môi trường của Việt Nam, một số nhà khoa học đã đánh giá việc sử dụng chất độc dioxin của quân đội Mỹ gây ra trong cuộc chiến này là “cuộc hủy diệt sinh thái lớn nhất trong thế kỷ 20.

Trong khi người ta có thể hy vọng rằng dấu vết của các phi vụ rải chất độc da cam và các sản phẩm dioxin khác được cho là có xu hướng biến mất trong những năm qua, thì một số các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ tồn lưu dioxin vẫn còn quá cao ở một số khu vực nhất định "điểm nóng"; một số nơi có nồng độ cao hơn sáu mươi lần ngưỡng độc tính cho phép.

 

Tình trạng này đòi hỏi phải có các biện pháp thực hiện nhằm: Bảo vệ các quần thể; Điều trị bệnh cho những người bị ảnh hưởng từ các sản phẩm độc hại này; Phục hồi môi trường.

Viện trợ nhân đạo trong quá khứ và hiện tại đã không tương xứng với nhu cầu thực tế để xử lý với các quần thể có liên quan và tẩy độc những vùng bị ảnh hưởng. Các ước tính mới nhất cho thấy gần 5 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các sản phẩm độc hại nói trên. Ở cấp độ các tổ chức quốc tế và các quốc gia, một mặt, phải tổ chức hỗ trợ cho Việt Nam; mặt khác, phải có các hành động cần thực hiện để tuân thủ yêu cầu khắc phục và giúp đỡ đầy đủ cho tất cả các nạn nhân. Các công ty sản xuất hóa chất độc hại phải tham gia vào viện trợ này và do đó - cuối cùng - phải đảm nhận trách nhiệm của mình. Bởi vì, bất chấp sự nguy hiểm của các sản phẩm được sử dụng, đến nay câu hỏi quan trọng về trách nhiệm chưa bao giờ thực sự được trả lời và công nhận đầy đủ.

Nhà nước liên bang Hoa Kỳ là thực thể đầu tiên trong câu hỏi rằng chính những người lính của mình thành nạn nhân của hậu quả chất độc da cam/dioxin, nhưng chính quyền lại được hưởng quyền miễn trừ đối với bất kỳ hành động nào cam kết trong thời chiến. Năm 1984, cựu chiến binh Mỹ bị nhiễm chất độc da cam đã kiện các nhà sản xuất thuốc diệt cỏ/làm rụng lá; sau đó công ty Monsanto và 06 công ty khác đã phải ký một thỏa thuận dàn xếp ngoài tòa với Hội cựu chiến binh Mỹ để đổi lấy sự từ bỏ bất kỳ truy tố nào, với số tiền thỏa thuận đền bù là 180 triệu đô la Mỹ.

Năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nộp đơn khởi kiện tập thể các công ty hóa chất sản xuất thuốc diệt cỏ vi phạm tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh. Nhưng tòa bác đơn kiện với lý do chất độc da cam/dioxin không phải là chất độc theo luật pháp quốc tế.

Năm 2006, trong chuyến thăm của George W. Bush tới Việt Nam, vấn đề đã bắt đầu được giải quyết, bên cạnh một ngân sách dành cho nghiên cứu về dioxin trong chiến tranh ở Việt Nam, còn có viện trợ nhằm mục đích tẩy độc một số khu vực bị ô nhiễm cao, hoặc "điểm nóng" đã được tiến hành. Nhưng viện trợ hầu như không đủ so với trách nhiệm to lớn của Mỹ. Ví dụ, điều cần thiết là tẩy độc hơn 250.000 m³ đất tại sân bay Biên Hòa - căn cứ quân sự, nơi hầu hết máy bay được giao nhiệm vụ phun rải các sản phẩm độc hại nói trên.

Năm 2011, Tòa án Hàn Quốc ra phán quyết cho 39 cựu chiến binh mắc bệnh lý nội tạng do bị phơi nhiễm liên quan chất độc da cam/dioxin và lên án hai công ty Monsanto và Dow Chemical đã sản xuất và cung cấp nhiều nhất chất khai quang làm rụng lá cây phải trả tiền bồi thường cho họ.

Từ năm 2015, bà Trần Tố Nga, người Pháp gốc Việt (nạn nhân trực tiếp của sự phun rải chất độc này) đã bắt đầu khởi kiện trước tòa án Pháp, một cuộc chiến pháp lý lâu dài, thay mặt cho tất cả nạn nhân Việt Nam, kiện các công ty sản xuất thuốc khai quang cho quân đội Mỹ sử dụng, để buộc họ công nhận trách nhiệm của họ trong thảm họa khủng khiếp về con người và môi trường ở Việt Nam. Chính trong bối cảnh này và với các mối quan hệ ngoại giao song phương phát triển gần năm mươi năm giữa Bỉ và Việt Nam, các tác giả của tài liệu này kiến nghị về một nghị quyết mong muốn gây được sự đồng cảm của cộng đồng quốc tế hỗ trợ, ủng hộ những người là nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.

*

André FLAHAUT (PS)

Christophe LACROIX (PS)

Guillaume DEFOSSÉ (Ecolo-Groen)

Els VAN HOOF (CD&V)

Vicky REYNAERT (Vooruit)

Wouter DE VRIENDT (Eco-Groen)

 

 

Ngày 21/2, tại Hà Nội, đoàn Hội Hữu nghị Bỉ - Việt do Chủ tịch Pierre Grega làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làn việc với Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam.

 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tây Ninh: Tất cả vì nạn nhân chất độc da cam.

    Hội tỉnh Tây Ninh: Tất cả vì nạn nhân chất độc da cam.

    Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2023 - 2028 , quý I/2024, Hội NNCĐDC/dioxin các cấp trong tỉnh Tây Ninh đã tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm: tuyên truyền, kiện toàn tổ chức, huy động nguồn lực hỗ trợ cho nạn nhân, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.