Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh dự tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, mục đích của hội nghị nhằm đánh giá một cách tổng thể, khách quan, toàn diện, sâu sắc các nhiệm vụ được triển khai về thúc đẩy cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp thời gian qua của Chính phủ và chính quyền các cấp; nêu kết quả đạt được, những việc chưa làm được và chỉ rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan và bài học kinh nghiệm; đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể từ nay đến cuối năm 2022 và những năm tiếp theo, bảo đảm thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế nhằm triển khai có hiệu quả, thực chất công tác này.
Báo cáo về tình hình công tác cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp từ năm 2021 đến nay và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2022-2025, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật (gồm: 12 luật, 47 nghị định, 10 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 72 thông tư và 3 văn bản khác). Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định của 9 bộ, cơ quan.
Văn phòng Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5.187 TTHC trên 100 lĩnh vực (chiếm 13.47%). Theo đó, sẽ sửa đổi, bổ sung 232 văn bản để thực thi phương án (gồm 32 luật, 87 nghị định, 8 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 5 thông tư liên tịch, 97 thông tư, 3 quyết định của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ).
Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, cùng các bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025. Theo đó, từ nay đến tháng 9-2023, sẽ tập trung rà soát, đơn giản hóa đối với 59 TTHC/nhóm TTHC trọng tâm ưu tiên trên 12 lĩnh vực.
Đến nay, cả nước đã thành lập tổng số 11.700 bộ phận “một cửa” các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC. Tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, cơ quan, địa phương là 6.522 TTHC. Số TTHC đưa ra thực hiện tại bộ phận “một cửa” các cấp đạt trung bình 96,9%.
Cổng dịch vụ công quốc gia được khai trương và đưa vào vận hành từ tháng 12-2019, đến nay đã cung cấp 3.805 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4.
Trong 8 tháng năm 2022, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia là trên 3,56 triệu văn bản. Tính đến nay, đã có hơn 14,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông, trung bình có khoảng 550.000 văn bản/tháng. Theo số liệu cung cấp của các bộ, ngành, địa phương, 98% đơn vị đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã tham luận, chia sẻ về kinh nghiệm triển khai cũng như đề xuất một số giải pháp để thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, nâng chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tham luận về “Sáng kiến và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, đến nay, thành phố đã đề xuất phân cấp, ủy quyền 700 TTHC, đạt tỷ lệ 39,17% tổng số TTHC cấp thành phố và cấp huyện (Thủ tướng Chính phủ giao 20%). Về cắt giảm TTHC, thành phố đã đạt 31,3%, vượt trên mức Thủ tướng Chính phủ giao (20%). Thành phố cũng đã kết nối với hệ thống quản lý, theo dõi nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ phân công cho các tỉnh, thành phố.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, hiện thành phố Hà Nội cũng đang triển khai tốt Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ, trong việc chuyển đổi số, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần đặt ra các đầu bài cụ thể, không đao to búa lớn, để triển khai hiệu quả. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh Đề án 06 là nòng cốt để phát triển những ứng dụng rất thiết thực. Do đó, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải quyết tâm cao và trong quá trình thực hiện, nên chỉ định một đồng chí Phó Chánh Văn phòng UBND chuyên theo dõi và Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông phải tổ chức tập huấn.
“Chúng tôi sẽ cùng 3 cơ quan này có hướng dẫn cụ thể từng việc. Nếu làm tốt thì hiệu quả của Đề án này sẽ còn nối xa để chúng ta có một xã hội hoạt động ngày minh bạch”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả trong công tác cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại cần sớm khắc phục. Đó là các TTHC rườm rà phát sinh trong quá trình thực hiện; sự phối hợp giữa các bộ, ngành vẫn còn lúng túng, bị động, thiếu chặt chẽ; người dân, doanh nghiệp vẫn phải có chi phí đầu vào không cần thiết…
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thời gian tới, cần tập trung hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành, bám sát tình hình, tôn trọng thực tế khách quan cũng như kịp thời nắm bắt những vướng mắc, khó khăn của người dân, doanh nghiệp để có sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06 và rà soát việc cắt giảm TTHC, trong quá trình làm, phải thực hiện tham vấn, lấy ý kiến của doanh nghiệp, người dân. Hợp nhất Cổng dịch vụ công với Hệ thống thông tin “một cửa” một cách hợp lý, có hiệu quả, thông suốt, để hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm thân thiện với người dân, người dùng, chống ách tắc. Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ kết quả giải quyết các TTHC theo đúng quy định của Chính phủ. Hỗ trợ việc thực hiện TTHC tại bộ phận “một cửa” ở các cấp để tất cả mọi người dân, nhất là những người yếu thế ở vùng nông thôn, biên giới, hải đảo có thể làm được dịch vụ công trực tuyến.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp, thực hiện hiệu quả TTHC. Trong đó, cố gắng phấn đấu đến năm 2023 đạt trên 80% và những năm tiếp theo càng cao lên, để đạt tối đa sự hài lòng của người dân; tỷ lệ giải quyết TTHC ở Trung tâm dịch vụ hành chính công phải đúng hạn trên 90%; phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 50%... Mục tiêu trước mắt là mỗi gia đình có 1 người có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Thủ tướng Chính phủ giao rõ nhiệm vụ cho từng bộ, ngành liên quan cũng như các việc địa phương cần thực hiện. Sau hội nghị này, Văn phòng Chính phủ trên cơ sở góp ý của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, địa phương vào dự thảo nghị quyết, sớm hoàn thiện, ban hành Nghị quyết về “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp”.
Bình luận