• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam: Hoàn thành tốt, hoàn thành toàn diện nghị quyết Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2018-2023

LTS: Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (Hội), triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2018-2023, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt là hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19. Song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; cấp uỷ, chính quyền các cấp và sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ, hội viên, Hội đã hoàn thành tốt, hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu thi đua do Đại hội lần thứ IV đề ra. Trong nhiệm kỳ, Hội đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; nhiều cán bộ chủ trì công tác hội được tặng thưởng Huân chương và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; Ban Dân vận và UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Trung tướng, PGS.TS Đặng Nam Điền, Phó Chủ tịch Trung ương Hội phát biểu chỉ đạo Đại hội Tỉnh hội Hà Giang, nhiệm kỳ 2023 - 2028

1. Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội, thường xuyên làm tốt công tác tham mưu, đề xuất để Đảng, Nhà nước; cấp uỷ, chính quyền và các cơ quan chức năng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hoạt động của Hội.
Trung ương Hội (TWH) đã tham mưu để Ban Dân vận Trung ương chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 43 (2015-2020); đề xuất, phối hợp với các ban, bộ, ngành tổ chức các đoàn đi kiểm tra, làm việc với các tỉnh ủy, thành ủy về thực hiện Chỉ thị số 43 (trong nhiệm kỳ đã tổ chức 35 đoàn đi nắm tình hình thực hiện Chỉ thị số 43 tại các địa phương); Thường trực Ban Bí thư ra thông báo tổ chức kỷ niệm 60 năm thảm hoạ da cam ở Việt Nam kịp thời, hiệu quả; Ban Dân vận Trung ương ban hành văn bản chỉ đạo cấp ủy các cấp quan tâm tổ chức “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam” đã tạo sự đồng thuận cao trong công tác tuyên truyền và vận động nguồn lực chăm sóc giúp đỡ NNCĐDC trong cả nước.
Tham mưu đề xuất với Ban Chỉ đạo Đề án 103 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức và quy chế họat động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; tham gia ý kiến với cơ quan chức năng về việc ban hành nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, ngày  21  tháng 4  năm 2010 của Chính phủ; tổng kết thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng”; triển khai thực hiện Công văn số 1294-CV/BDVTW ngày 3/4/2023 của Ban Dân vận TW về việc  hưởng ứng “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam năm 2023”.
Phối hợp với Bộ Quốc phòng - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701), Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH nắm tình hình, kiểm tra việc triển khai thực hiện Quyết định số 1190/QĐ-TTg, ngày 5/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 (Quyết định 1190); Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 28/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc quyết định ban hành Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định 2215).
Các tỉnh, thành hội đã chủ động tham mưu, với cấp ủy, chính quyền ban hành các văn bản, chỉ thị, kế hoạch chủ động sơ kết thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Bí thư, tổng kết Chỉ thị 17 của Bộ Chính trị;  các văn bản chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và tham gia đóng góp ý kiến với các cơ quan chức năng của Nhà nước về các văn bản liên quan đến chính sách của NNCĐDC và quản lý, tổ chức hoạt động hội quần chúng.
2. Ban Chấp hành Hội, thường xuyên là Ban Thường vụ và Thường trực Trung ương Hội, luôn bám sát, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Đại hội gắn với tình hình thực tiễn tổ chức hội và nạn nhân.
Tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương những nội dung cơ bản về xây dựng Hội và thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Chủ động tích cực chỉ đạo phát triển, xây dựng củng cố tổ chức hội, phát triển hội viên; đến nay Hội tiếp tục duy trì mạng lưới tổ chức hội ở 63 tỉnh, thành phố; 613 huyện, quận; hơn 6.600 xã và hơn 415 ngàn hội viên. 
Ban Chấp hành đã xây dựng được chương trình, quy chế làm việc toàn khóa; ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Điều lệ Hội và Kế hoạch Kiểm tra, giám sát hằng năm. Trung ương Hội đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động với Bộ Lao động-TBXH, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701, Binh chủng Hóa học và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam…. Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành Hội tích cực ký kết và triển khai nhiều chương trình phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể chính trị và các hội quần chúng ở địa phương. Nhiều chương trình mới, có sức lan toả và hiệu quả cao như chương trình phối hợp với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 và  Hội Doanh nhân trẻ…
3. Thường xuyên chú trọng công tác tuyên truyền, coi đây là một nội dung hoạt động cơ bản của tổ chức hội từ Trung ương đến cơ sở.
Công tác thông tin, tuyên truyền được các cấp hội quan tâm đẩy mạnh, chú trọng tuyên truyền sâu rộng về Chỉ thị 43, Chỉ thị 14-CT/TW của Ban Bí thư, về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam và chính sách đối với NNCĐDC; các hoạt động kỷ niệm thảm họa da cam ở Việt Nam, Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10/8)… Kết hợp tuyên truyền thường xuyên và tuyên truyền cao điểm, chú trọng phổ biến, nhân rộng những kinh nghiệm hay, mô hình hoạt động hiệu quả trong xây dựng tổ chức hội, chăm sóc, giúp đỡ và đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC. Các cấp hội phối hợp chặt chẽ với ngành Tuyên giáo, Dân vận, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương, địa phương đăng tải hàng nghìn tin, bài, ảnh, phóng sự, phim, video clip về công tác xây dựng tổ chức hội và khắc phục hậu quả chất độc hóa học, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam. Hội luôn chú trọng chỉ đạo công tác tuyên truyền ủng hộ vụ kiện, tuyên truyền đối ngoại, tăng cường cả hình thức và nội dung; đã phối hợp với VTV4 (Đài truyền hình Việt Nam), thường xuyên thông tin về hậu quả nặng nề của CĐHH do Quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Đẩy mạnh tuyên truyền về nỗ lực của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội; sự chung tay hỗ trợ về vật chất và tinh thần của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc chung tay xoa dịu nỗi đau da cam ở Việt Nam. TWH đã phối hợp với Binh chủng Hóa học; Bảo tàng chứng tích chiến tranh và các tỉnh, thành hội tổ chức 5 cuộc triển lãm “Da cam - Lương tri - Công lý”. 
4. Công tác đối ngoại nhân dân luôn bám sát nhiệm vụ, kịp thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 12-CT/TW ngày 5/1/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
Tiếp tục duy trì và thực hiện tốt hoạt động đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC với những hình thức, biện pháp mới, phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Kịp thời ra Tuyên bố ủng hộ vụ kiện và gửi Thư ngỏ tới các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế phản đối phán quyết của tòa án khi xét xử sơ thẩm vụ án. Tiếp tục đồng hành cùng bà Trần Tố Nga khởi kiện lên tòa phúc thẩm của thành phố Paris (Pháp).
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng vừa đấu tranh, vừa vận động tổ chức USAID (Mỹ ) có các chương trình hoạt động quan tâm, chú trọng hơn đến NNCĐDC. Hội đã tích cực làm việc, tiếp xúc với các quan chức của Mỹ, tranh thủ các diễn đàn khi tham gia các cuộc hội thảo quốc tế, tọa đàm để đưa ra các yêu cầu, đề nghị Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất Mỹ phải có trách nhiệm đối với NNCĐDC và coi chất độc da cam là vấn đề mà Chính phủ Mỹ phải quan tâm giải quyết. Những hoạt động này đã góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và đánh giá của các cơ quan chức năng của Mỹ đối với NNCĐDC. Đây là một trong những thành công lớn trong 5 năm qua của Trung ương Hội. Các cơ quan chức năng Mỹ đã có chính sách và thực hiện các hoạt động nhằm trực tiếp đến người thụ hưởng là các nạn nhân và gia đình họ; mở rộng việc khảo sát thêm về nạn nhân tại 7 tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Phú Yên, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Dương, Cần Thơ và đã đồng ý bổ sung 3 tỉnh (Bạc Liêu, Cà Mau và Quảng Ngãi) vào dự án hỗ trợ người khuyết tật trong đó có NNCĐDC tại các tỉnh bị phun rải nặng.
Hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần thúc đẩy Chính phủ Mỹ đã chính thức tham gia cùng Việt Nam tẩy độc môi trường ở Việt Nam: đã hoàn thành tẩy độc ở sân bay Đà Nẵng; hoàn thành khảo sát độ tồn lưu dioxin và thỏa thuận tiếp tục phối hợp tẩy độc ở sân bay Biên Hòa. Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng đã triển khai thực hiện dự án hỗ trợ người khuyết tật trong đó có NNCĐDC tại các tỉnh bị phun rải nặng và đang cân nhắc thực hiện một số dự án khác trực tiếp cho NNCĐDC. 
5. Ban Chấp hành, trực tiếp là Thường trực Trung ương Hội đã chú trọng chỉ đạo vận động quỹ và chăm sóc giúp đỡ nạn nhân. 
Đến nay, Quỹ NNCĐDC/dioxin được thành lập ở Trung ương và 40 tỉnh, thành Hội. Quỹ từ thiện được thành lập ở 108 huyện, trên 500 xã, phường. Trong nhiệm kỳ, toàn Hội đã vận động được trên 1.800 tỷ đồng. Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân dần thành nền nếp, thiết thực, đạt kết quả tương đối tốt, góp phần cải thiện một phần cuộc sống tinh thần và vật chất của nạn nhân.
Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân mang tính bền vững hơn, tập trung vào việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở; hỗ trợ học bổng; hỗ trợ vốn, giống cho sản xuất, xông hơi giải độc; thăm hỏi đột xuất... Các Trung tâm duy trì xông hơi giải độc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và tổ chức dạy nghề cho nạn nhân, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất ở các trung tâm để duy trì, củng cố phát triển ngày càng khang trang sạch đẹp. Ngoài việc tổ chức vận động trong nước, Hội đã vận động các tổ chức và cá nhân nước ngoài (bà Masako Sakata ,Nhật Bản;  Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm dioxin Cộng hòa Pháp, MSAVLC… ), giúp đỡ nạn nhân trong việc cấp học bổng, đỡ đầu, cấp vốn, xây mới, sửa chữa nhà và khám chữa bệnh, tặng quà, tặng thiết bị cho các nạn nhân khuyết tật...
Trong nhiệm kỳ IV đã hỗ trợ xây dựng các Trung tâm Bảo trợ xã hội (Trung tâm) ở các tỉnh, thành, với kinh phí 37.686 triệu đồng; trong đó đã xây dựng Trung tâm của TW Hội và hỗ trợ xây dựng cơ sở bán trú ở các tỉnh, thành, với kinh phí 35.926 triệu đồng. Đến nay, Hội đã có 26 Trung tâm, theo 2 mô hình (17 Trung tâm thuộc tỉnh, thành hội quản lý và xây dựng 9 công trình nuôi dưỡng nạn nhân trong Trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - TBXH các tỉnh, thành quản lý), nuôi dưỡng gần 1.811 cháu. Các Trung tâm nuôi dưỡng đã trở thành “mái ấm” của nạn nhân và cơ sở cải thiện sức khoẻ cho nạn nhân là CCB. 
Vượt qua nhiều khó khăn, nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp hội đã nỗ lực hoàn thành tốt, hoàn thành toàn diện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV đề ra. Hoạt động của các cấp hội có bước đổi mới, phát huy được vai trò, trách nhiệm, thực sự là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, đáp ứng kịp thời nguyện vọng của nạn nhân, khẳng định vai trò và vị thế của Hội đối với cấp ủy, chính quyền và xã hội. Đây là hành trang có ý nghĩa sâu sắc để toàn Hội bước vào một nhiệm kỳ mới với nhiều kết quả tiến bộ hơn so với trước; xứng đáng với tầm vóc của một tổ chức Hội được Đảng, Nhà nước, tin tưởng giao nhiệm vụ và đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong suốt 20 năm qua./.

Trung tướng, PGS.TS Đặng Nam Điền
Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Trung ương Hội

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...