• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Hội những người Nhật Bản yêu Việt Nam [1] hai thập kỷ hàn gắn nỗi đau da cam

Hội Những người Nhật Bản yêu Việt Nam đi 4 tỉnh miền Bắc, đi tiếp vào miền Đông Nam Bộ và tỉnh Tây Ninh là một trong những tỉnh bị phun rải nặng nề chất độc hóa học

Tiếp nối chuỗi các hoạt động tại 4 tỉnh miền Bắc nhân kỷ niệm 61 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam để thăm những người lính năm xưa và con cháu của họ là nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC), nay Đoàn Hội Những người Nhật Bản yêu Việt Nam đi tiếp vào miền Đông Nam Bộ, và tỉnh Tây Ninh, nơi Đoàn đặt chân là một trong những tỉnh bị phun rải nặng chất độc da cam/dioxin trong suốt thời kỳ chiến tranh, giờ đây khi chiến tranh đã kết thúc đến gần nửa thế kỷ, nhưng hậu quả của nó vẫn còn hiện hữu đeo đẳng người dân nơi đây, cuộc sống vốn đã khó khăn, nay lại càng khổ đau hơn khi những đứa trẻ không còn trẻ nữa, bố mẹ chúng ngày càng già yếu, sức lao động và chăm sóc cũng giảm dần theo tuổi tác và mòn mỏi….

Chất độc da cam - Còn đó muôn vàn nỗi đau

Đoàn chụp ảnh với 2 nạn nhân chất độc da cam Lê Thị Chẩn, sinh năm 1992 và Lê Thúy Vân, sinh 2000 bị dị dạng dị tật, bại liệt, trú tại ấp Tân Long, xã Long Giang, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam là cuộc chiến cam go, ác liệt nhất, đã để lại nhiều nỗi đau nặng nề mà đến nay vẫn chưa thể hàn gắn được hết. Trong chiến tranh ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng hơn 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất da cam, chứa 366 kg dioxin, việc phun rải chất độc hóa học kéo dài 10 năm (1961 - 1971); chất độc hóa học không chỉ hủy hoại môi trường, hệ sinh thái, mà còn là hệ lụy đau đớn đến sức khỏe người dân Việt Nam suốt 61 năm qua.

Các Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học, Viện Hàn lâm Y học Hoa Kỳ phải thừa nhận nhiều loại bệnh liên quan tới chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Dioxin gây ung thư ở người, làm hỏng các hệ thống trong cơ thể như nội tiết, hệ miễn dịch, thần kinh, biến đổi gien,.v.v... Đáng nói hơn là sự nguy hiểm, chất độc da cam/dioxin đã di truyền qua nhiều thế hệ và di chứng tiếp tục truyền sang thế hệ thứ 4 (đời chắt).

­­­­­­­Những tấm lòng nhân ái - Trăn trở về nỗi đau da cam

Tại một gia đình nạn nhân được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa

Mở rộng vòng tay nhân ái, Hội Những người Nhật Bản yêu Việt Nam đã tổ chức các đoàn học sinh, sinh viên, Giáo sư Nhật Bản tìm đến Làng Hữu nghị, Làng Hòa Bình, các Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật và trẻ em bị nhiễm chất độc da cam ở Hà Nội, Thanh Hóa, Bắc Giang, Thái Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hải Phòng, v.v… và tìm mọi cách giúp đỡ NNCĐDC, như vận động quyên góp tiền mua xe lăn, máy trợ thính, máy vi tính… gửi cho các Trung tâm, ví như tại Làng Hòa Bình (Hà Nội), Đoàn đã làm “Bể bơi vật lý trị liệu”, kết hợp bơi lội với chữa bệnh; mời cả chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn dạy âm nhạc kết hợp tập “vật lý trị liệu” cho các cháu. Ngoài ra, Hội Những người Nhật Bản yêu Việt Nam còn tổ chức các Nhóm từ thiện giúp đỡ cấp vốn sinh kế cho người dân trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất lương thực, thực phẩm.v.v.. cho NNCĐDC Việt Nam.

Hai thập kỷ - Một hành trình, vạn trái tim

Đoàn làm việc mọi nơi, mọi lúc

Từng thấm nỗi đau từ hậu quả chiến tranh với 2 quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản vào năm 1945, Hội Những người Nhật Bản yêu Việt Nam đã không quản xa xôi, vượt qua Thái Bình Dương để đến Việt Nam tìm hiểu, chia sẻ và cảm thông nỗi đau của các NNCĐDC Việt Nam không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng cả trái tim, hành động thắm đượm nghĩa tình.

Suốt 20 năm qua, Hội Những người Nhật Bản yêu Việt Nam đã tham gia điều tra, khảo sát, viết bài, in sách, cùng nhiều hoạt động thiện nguyện hướng tới những nạn nhân chất độc da camở Việt Nam như tự tay Gs. Hajime Kitamura đã viết cuốn sách bằng tiếng Nhật về tác hại của chất độc hóa học và những nỗ lực khắc phục hậu quả do chất độc da cam/dioxin gây ra cho con người dành tặng Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam.

Một chuyến đi – Nhiều ý nghĩa, nhiều trải nghiệm không thể quên

Không thể tả hết bằng lời, chuyến đi Tây Ninh vừa qua, với sự hỗ trợ tích cực của Ban Đối ngoại, Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam và bà Võ Thị Đẹp, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Tây Ninh, một tấm gương về lòng nhân ái, đức hy sinh, người phụ nữ đầy tâm huyết và trăn trở về NNCĐDC đã tranh thủ thời gian với bộn bề công việc của Tỉnh hội để lo thủ tục cho Đoàn vào địa phương từ ngày 05-11/9/2022. Dưới thời tiết khắc nghiệt, mưa thì bùn trơn, nắng thì nóng và bụi, nhưng nhóm Giáo sư, các Nhà khoa học Nhật Bản, cùng cán bộ Tỉnh hội Tây Ninh, cán bộ Sở Ngoại vụ và Ban Đối ngoại Trung ương Hội đã đến thăm trực tiếp 15 gia đình NNCĐDC nặng có hoàn cảnh khó khăn để tận mắt được thấy, để tận tai được nghe những chia sẻ của các gia đình nạn nhân vượt qua nghịch cảnh như thế nào….họ gặp nhau cùng đồng cảm là những dân tộc trải qua hậu quả nặng nề sau chiến tranh, cả những người sinh ra sau chiến tranh, không biết chiến tranh là gì nhưng lại là nạn nhân của thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt mà cho đến ngày nay khi nhắc đến người ta vẫn không khỏi khiếp đảm, rùng mình và ám ảnh…

Đi mới thấy, đến mới thấu được tận cùng của nỗi đau, còn gì đau và khổ hơn khi hàng ngày nhìn thấy đứa con, đứa cháu ruột thịt của mình đau đớn, quằn quại, vật vã từng ngày, từng giờ với những bệnh tật quái ác, dị dạng dị tật…Tôi nhớ, như chị Masako Sakata, nhà đạo diễn phim Nhật Bản đã từng nói với chúng tôi rằng “Mỗi lần thăm NNCĐDC, thấy họ vật lộn đau đớn thì chị cảm tưởng mình cũng đang đau đớn như chính nạn nhân vậy”.

Những tấm lòng, tình yêu thương đã mang tới niềm tin, hy vọng, góp phần giảm bớt nỗi đau da cam và lan toả nhân ái đến nhiều người hơn nữa. Cùng chung tay góp sức, cứu giúp những gia đình nạn nhân vượt qua nghịch cảnh của các bạn bè Nhật Bản phải kể đến ông Nishimura Yoichi, cựu Giáo viên Nhật Bản đi hết 63 tỉnh, thành để chụp rất nhiều ảnh về NNCĐDC, Nhà nhiếp ảnh người Nhật Goro Nakamura với rất nhiều bức ảnh đen trắng về NNCĐDC được trưng bày triển lãm ở Mỹ và Nhật..v.v.. và chúng tôi mong muốn thông qua Hội Những người Nhật Bản yêu Việt Nam sẽ có thêm nhiều Hội yêu Việt Nam hơn nữa trên khắp thế giới này để gắn tình đoàn kết, để giáo dục thế hệ trẻ về hậu quả, sự tàn khốc của chiến tranh và những di chứng để lại cho NNCĐDC Việt Nam./.

---------------------------

[1] Hội những người Nhật Bản yêu Việt Nam được thành lập từ năm 2002 do Giáo sư Hajime Kitamura (nguyên Trưởng Văn phòng đại diện Hãng Truyền hình ASHAHI Nhật Bản tại Hà Nội, từ năm 1994 đến năm 1997) sáng lập. Hàng năm, Hội đều tổ chức từ 1 đến 2 đoàn sang thăm các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, gặp gỡ cán bộ, hội viên làm công tác chăm lo, kêu gọi vận động ủng hộ cho các nạn nhân và để tìm hiểu về hậu quả chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ gây ra, đồng thời chia sẻ với các nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn, nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.

Tháng 9/2022, Ghi chép của Ban Đối ngoại,

Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác