Kỳ 1:Một chính sách cứu giúp nghìn cuộc đời
Kỳ 2: Trục lợi chính sách, bức xúc, ồn ào nhiều năm
Kỳ 3: Lọc nước trong, chặn cò
Kỳ 4: Rà soát, thực chứng - Kẻ cười, người khóc
Kỳ 5: Giải quyết dứt điểm tồn tại
Nguyên nhân từ đâu?
Nhìn lại quá trình triển khai thực hiện chính sách đối với người nhiễm CĐHH trên địa bàn tỉnh có nhiều bất cập, hạn chế. Cụ thể, trong giai đoạn 2000-2006, thực hiện theo Quyết định số 26 ban hành năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ, người nhiễm CĐHH thuộc đối tượng bảo trợ xã hội. Từ năm 2006 đến nay, thực hiện theo Nghị định số 54/2006/NĐ-CP của Chính phủ, người nhiễm CĐHH chuyển từ đối tượng bảo trợ xã hội sang đối tượng người có công với cách mạng. Ở giai đoạn đầu năm 2000-2006, việc lập, xác nhận hồ sơ do cấp xã, phường thực hiện nên tại nhiều địa phương chưa được thực hiện chặt chẽ, quan hệ họ hàng, làng xóm chi phối khá cao nên không ít trường hợp chưa từng qua chiến trường vẫn được hưởng chính sách người nhiễm CĐHH. Mặc dù vậy, bởi giai đoạn này họ là đối tượng bảo trợ xã hội nên trong quần chúng nhân dân chưa xuất hiện sự phản ứng gay gắt. Giai đoạn 2006-2009, vẫn theo đà “quan hệ họ hàng, làng xóm” ở giai đoạn trước, việc lập hồ sơ tiếp tục được thực hiện khá ồ ạt, do đó chỉ trong 3 năm, đã có hơn 11.000 trường hợp được hưởng chế độ.
Đặc biệt, khi chuyển hơn 7.000 hồ sơ (giai đoạn 2000-2006) từ đối tượng bảo trợ xã hội sang đối tượng người có công, tỉnh lại không thực hiện ra soát hồ sơ để dừng hoặc hướng dẫn đối tượng bổ sung những điều kiện chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, trên thực tế tại nhiều địa phương, không ít người chưa từng qua chiến trường, hoặc ở vùng không có rải chất độc hóa học, hoặc khách quan bản thân người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ không mắc bệnh hoặc dị dạng, dị tật bẩm sinh cũng được hưởng chính sách. Những ồn ào trong nhân dân nổi lên, đơn thư, khiếu kiện, thậm chí là khiếu kiện vượt cấp đã diễn ra. Các cuộc thanh tra của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã được tiến hành tại một số huyện vào các năm 2014, 2017. Sau thanh tra đã chỉ rõ những vi phạm trong thực hiện chính sách, kết luận từng trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện song tỉnh chưa thực hiện kết luận thanh tra dẫn đến đơn thư, kiến nghị kéo dài. Chiến dịch rà soát hồ sơ trên địa bàn toàn tỉnh đối với gần 20.000 hồ sơ giai đoạn 2000-2009 chỉ thực sự được thực hiện từ năm 2017 (sau cuộc thanh tra lần thứ 2 tại huyện Quỳnh Phụ) và đến tháng 8/2018 đã có quyết định dừng hưởng chính sách đối với các trường hợp đầu tiên không đủ điều kiện giấy tờ chiến trường. Tiếp tục các năm 2019, 2020 và từ đầu năm 2021 đến nay, việc dừng chính sách đối với hàng nghìn trường hợp lại một lần nữa gây nên những ồn ào, bức xúc đối với người bị dừng chính sách.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/ ĐiôxinThái Bình phân tích: Việc thực hiện xuất hiện những bất cập, tồn tại không chỉ thuộc về phía tỉnh mà có một phần không nhỏ từ các cơ quan tham mưu trung ương. Việc ban hành chính sách có phần vội vàng, chưa có sự tính toán kỹ. Cụ thể: Khi chưa có rà soát sơ bộ về số lượng người nhiễm CĐHH đã ban hành chính sách. Khi ban hành, không đề ra các tiêu chí cụ thể. Trong giai đoạn đầu (2000-2004) không có quy định về danh mục bệnh tật, chỉ có quy định chung; giai đoạn 2004-2006 thực hiện theo Thông tư liên tịch số 14 của liên bộ Lao động Thương binh xã hội - Y tế - Tài chính quy định 144 bệnh liên quan đến nhiễm CĐHH; giai đoạn 2006-2007 chưa ban hành danh mục bệnh tật; từ năm 2008 đến nay mới có hướng dẫn cụ thể theo Quyết định số 09 của Bộ Y tế về danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm CĐHH. Một chính sách lẽ ra cần được thực hiện theo mô hình chóp ngược, từ phạm vi hẹp (những người ảnh hưởng nặng nề trước), mới đến phạm vi rộng (những người ảnh hưởng ít nặng nề hơn) nhưng với chính sách đối với người nhiễm CĐHH thì thực hiện ngược lại. Vì vậy, từ quy định 144 bệnh xuống còn 17 bệnh, từ diện rộng xuống diện hẹp dẫn đến từ nhiều người đang được hưởng sang ít người được hưởng nên những người bị dừng chính sách có nhiều bức xúc.
Bên cạnh đó, các quy định chính sách giai đoạn đầu thiếu tính thống nhất, liên tục sửa đổi, quy định về thủ tục hồ sơ hưởng chính sách có nội dung còn chưa rõ ràng, các văn bản hướng dẫn chưa được đồng bộ, kịp thời dẫn đến lúng túng, khó khăn cho địa phương khi thực hiện. Cụ thể, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 54 vào tháng 5/2006 về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công (trong đó có hướng dẫn về người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học tại các điều 22-25), đến tháng 2/2008, Bộ Y tế mới có Quyết định số 09 ban hành danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến nhiễm CĐHH. Chính trong khoảng 20 tháng chờ hướng dẫn của trung ương đã gây khó khăn cho tỉnh. Trước đòi hỏi thực hiện chính sách trong nhân dân, với chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế ban hành hướng dẫn số 06 danh mục 125 bệnh (nằm trong 144 bệnh của Thông tư 14) làm cơ sở thực hiện chính sách tại Thái Bình trong giai đoạn 2006-2009 từ đó làm cho số lượng đối tượng hưởng tăng cao so với áp dụng theo danh mục 17 bệnh tật tại Quyết định 09 của Bộ Y tế.
Hoạt động của Trung tâm tẩy độc tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh góp phần nâng cao sức khỏe cho nạn nhân da cam.
Giải quyết những tồn tại, bất cập
Nhằm bảo đảm chính sách được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm loại bỏ đối tượng trục lợi, bảo đảm công bằng trong thực thi chính sách. Cuối năm 2020 và từ đầu năm đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã liên tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo về nội dung này như: Kết luận số 03 ngày 1/12/2020, Thông báo số 123 ngày 14/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 133 ngày 24/12/2020 của UBND tỉnh… Qua đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc giải quyết dứt điểm tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách người nhiễm CĐHH trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, từ cuối năm 2020 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện các đợt thông báo và ra quyết định dừng chính sách đối với các trường hợp không đủ điều kiện. Trong tháng 1/2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành liên quan thành lập các tổ công tác liên ngành tổ chức thực chứng, kiểm tra, đánh giá lại tình trạng dị dạng, dị tật của con đẻ người hoạt động kháng chiến và thẩm định, đánh giá lại hồ sơ y tế của 444 trường hợp.
Việc rà soát, dừng chính sách đối với đối tượng chưa đủ điều kiện đã được giải quyết cơ bản, tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến kiến nghị của người bị dừng chính sách gửi đến các cơ quan chức năng. Thời gian gần đây, không ít đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội để đưa những thông tin thiếu chuẩn mực, thiếu khách quan và đầy đủ về việc thực hiện ra soát, dừng chính sách làm không ít người hiểu sai đi những nỗ lực mà tỉnh đang giải quyết. Bà Đặng Ngọc Hạnh, Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phân tích: Những người hoạt động kháng chiến (HĐKC) đều đã được hưởng chế độ theo Quyết định số 142 của Chính phủ, người HĐKC trên 15 năm được hưởng phụ cấp hàng tháng, người dưới 15 năm đã được hưởng phụ cấp 1 lần. Chính sách đối với người nhiễm CĐHH là để dành cho những người thực sự bị ảnh hưởng của CĐHH, không phải ai HĐKC cũng bị ảnh hưởng của CĐHH. Có ý kiến cho rằng việc qua thực chứng con không mắc bệnh, dị dạng, dị tật mà cắt chế độ của bố là quá phi lý vì hai việc không liên quan đến nhau, người hưởng là bố chứ không phải là con là hiểu chưa đầy đủ về vấn đề này. Ở đây, bản thân người bố (mẹ) không mắc bệnh do ảnh hưởng của CĐHH, phải lấy con để làm điều kiện để bố (mẹ) được hưởng (như một bằng chứng). Nhưng con cũng không mắc bệnh, dị dạng, dị tật thì đương nhiên người bố (mẹ) không bị nhiễm CĐHH, việc dừng chính sách là hoàn toàn chính đáng, theo đúng quy định của Nhà nước.
Tại cuộc họp gần đây nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo về nội dung này, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh quan điểm của tỉnh là luôn trân trọng, biết ơn, ghi nhận sự cống hiến, đóng góp của các thế hệ đã tham gia chiến đấu, hoạt động kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, tỉnh luôn cố gắng giải quyết các chế độ, chính sách cho các đối tượng người có công, trong đó có người nhiễm CĐHH bảo đảm đầy đủ, thấu đáo, theo đúng quy định của pháp luật. Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục tổ chức rà soát, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích để nhân dân hiểu, đồng thuận, ủng hộ trong quá trình tổ chức thực hiện. Để sớm giải quyết dứt điểm các trường hợp còn thắc mắc, chưa đồng thuận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, ban, ngành liên quan tiếp tục kiên trì, kiên quyết, đồng thuận bắt tay vào cuộc, cố gắng làm việc cụ thể, sâu sát, tập trung và dứt điểm.
Để hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng dừng chính sách, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đang tích cực phối hợp với các ngành, địa phương rà soát những trường hợp khó khăn xem xét, đưa về các đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ phù hợp như hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi... Riêng đối với những trường hợp đặc biệt “người thật, việc thật”, do yếu tố khách quan không lưu được hồ sơ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh đang tiếp tục đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung các quy định để giải quyết nhằm không để người có công chịu thiệt thòi.
Chính sách đối với người nhiễm CĐHH đã triển khai thực hiện qua 20 năm. Với nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan trong quá trình triển khai, sự thiếu nghiêm minh, quyết liệt, kịp thời đã để chính sách bị trục lợi nhiều năm, trên diện rộng và phải mất nhiều thời gian, công sức để giải quyết tồn đọng. Việc ban hành và thực hiện chính sách với những bất cập, hạn chế để lại nhiều tồn đọng thời gian qua sẽ là bài học lớn cần được rút kinh nghiệm trong ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách khác nhằm góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính hành động, phục vụ nhân dân mà cả nước đang nỗ lực hướng tới.
Ông Phí Ngọc Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thời gian tới, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người thuộc diện dừng hưởng chế độ, chính sách hiểu và chấp hành việc thực hiện theo quy định. Tiếp tục xem xét, giải quyết các trường hợp sau khi đình chỉ thực hiện chính sách có bổ sung theo quy định hiện hành. Thường xuyên nắm bắt tình hình ở cơ sở, diễn biến các trường hợp dừng chính sách, chủ động xử lý kiến nghị, thắc mắc của công dân để giải quyết kịp thời. Đồng thời, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các cấp, các ngành và các địa phương có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp cả về vật chất và tinh thần để những người phải dừng hưởng chính sách sớm ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh Việc rà soát hồ sơ giai đoạn 2000-2009 là việc phải làm, tuy nhiên kể cả hồ sơ giai đoạn sau 2009 cũng nên được rà soát lại bởi việc thực hiện chính sách giai đoạn này cũng có nhiều điều chưa thực sự chuẩn chỉ, vẫn còn kẽ hở, vẫn để cho không ít đối tượng trục lợi. Bằng chứng là giai đoạn ấy đã điều tra ra một số vụ việc “chạy chế độ” có cả nhân viên ngành lao động- thương binh và xã hội tham gia. Việc rà soát lại có thể sẽ tốn kém, mất thời gian, công sức nhưng làm được mới giải quyết tận gốc rễ các kiến nghị trong nhân dân lâu nay và loại bỏ được những người vẫn đang trục lợi chính sách. |
Trần Hương – Nguyễn Cường
(Nguồn: Báo Thái Bình)
Bình luận