• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Lào: Mít tinh trọng thể kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào

Chuỗi các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào được diễn ra từ ngày 23-25/10/2024 tại thị xã Phonesavanh, tỉnh Xiengkhuang với sự tham gia của nhiều địa phương, đơn vị của cả Việt Nam và Lào (trong đó, gồm 10 tỉnh Bắc Lào và 4 tỉnh Việt Nam (Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An), Sư đoàn 2, Sư đoàn 3 của Lào cùng các sở, cơ quan, đơn vị các tỉnh của Lào; đại diện Hội người Việt Nam, Hội Doanh nghiệp Việt Nam các tỉnh Bắc Lào; Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào, Hội Cựu chiến binh, Ban Liên lạc Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào. Về phía tỉnh Nghệ An có đại diện lãnh đạo Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Văn hóa- Thể thao; Hội hữu nghị Việt- Lào tỉnh Nghệ An và lãnh đạo huyện biên giới Kỳ Sơn.
  •  
 


Các đại biểu tiến hành nghi thức chào cờ Lào và Việt Nam

Trước khi diễn ra Lễ mít tinh trọng thể, các đại biểu đã dâng hương, tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ Việt Nam và Lào tại đài tưởng niệm giữa trung tâm thị xã Phonsavanh; tổ chức Hội chợ triển lãm, trưng bày, giới thiệu quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, sản phẩm nông nghiệp OCOP, ODOP của Việt Nam và Lào; công diễn văn nghệ tại Sân Thư viện tỉnh Xiengkhuang. Trưng bày tài liệu, hình ảnh về “Quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam”; chiếu phim tài liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong


Bà Kiều Thị Hằng Phúc, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Luang Prabang phát biểu

Bà Kiều Thị Hằng Phúc, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Luang Prabang cho biết: Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương quyết định “Các lực lượng quân sự của Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện”. Đây là mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu bước phát triển và trưởng thành của các lực lượng quân sự trên chiến trường Lào, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả. Kể từ đó, ngày 30/10 được lấy làm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào.
Sau thắng lợi của Chiến dịch biên giới năm 1950, cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào đẩy mạnh phối hợp chiến đấu, nêu cao tinh thần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, gắn bó với nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, đưa cách mạng hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, nổi bật là Chiến dịch Thượng Lào năm 1953 (tháng 4/1953), Trung Lào (tháng 11/1953), Thượng Lào lần thứ hai (tháng 2/1954) và Hạ Lào (tháng 4/1954), tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Việt Nam tiến lên tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (tháng 5/1954). Quân đội và nhân dân Lào đã phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh hoạt động quân sự ở khắp nơi, liên tiếp giành được thắng lợi trên các mặt trận, tạo tiền đề cho việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 20/7/1954 về việc đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.


Đồng chí Bounhom Thetthany Phó bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch HĐND tỉnh Xiengkhuang phát biểu


Đại tá Vanthong Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Xiegkhuang phát biểu



Ông Vi Hòe, Bi thư Huyện ủy Kỳ Sơn (trái)



Trung tướng Nguyễn Tiến Long, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Lào, Phó Ban liên lạc truyền thống hữu nghị Việt Nam - Lào cơ quan Bộ Quốc phòng  (phải) và Phó chỉ huy Trưởng- Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An
Sau năm 1954, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ngày càng can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Lào, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Lào đứng trước nhiều thử thách, gian nan. Trước diễn biến mới của tình hình cách mạng Lào, Đảng và nhân dân Việt Nam đã xác định: “Tích cực ủng hộ cách mạng Lào phải được coi là một nhiệm vụ quốc tế hết sức quan trọng của Đảng và nhân dân ta....., là một công tác có ý nghĩa trọng đại đối với sự nghiệp củng cố miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà”. Trên tinh thần đó, ngày 06/7/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã thành lập Ban công tác Lào, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Trưởng ban. Đây là quyết định quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự sáng tạo trong lãnh đạo các lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam giúp Lào kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong quá trình giúp Lào, các Đoàn quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đều bắt đầu từ việc đề xuất, kiến nghị những vấn đề quan trọng, giúp Lãnh đạo cách mạng Lào xem xét đề ra chủ trương, chính sách lãnh đạo kháng chiến, xây dựng kế hoạch chiến đấu, bám sát các Nghị quyết của Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Bộ Quốc phòng Lào để tổ chức triển khai xây dựng lực lượng, xây dựng phương án tác chiến, phối hợp chiến đấu hiệu quả. Đặc biệt trong các chiến dịch lớn, như: Nậm Thà (1962), 128, 74A (năm 1964), Nậm Bạc (1968), Mường Xủi (1969), đường 9 - Nam Lào (1971), cánh đồng Chum – Xiêng khoảng (1972)...v.v tạo những bước tiến lớn trong công cuộc kháng chiến của cách mạng Lào, tác động tích cực trở lại đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Trong giai đoạn này, ngày 05/9/1962, Việt Nam và Lào đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện trọng đại này mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước, khẳng định sự gắn bó vận mệnh chung của hai dân tộc trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.


Đồng chí Bounchanh Sivongphan Bí thư- Tỉnh trưởng Xiengkhuang (trái)

Sau những thất bại liên tiếp, ngày 27/01/1973 đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Một tháng sau ngày ký Hiệp định Paris, ngày 21/02/1973 đế quốc Mỹ tiếp tục phải ký Hiệp định Viêng-chăn về Lào. Đến đây, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân hai nước Việt Nam và Lào bước sang một giai đoạn mới. Hiệp định Paris là bước ngoặt lịch sử, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam đã phát huy cao độ thắng lợi trên các mặt trận ngoại giao, chính trị, quân sự, kết hợp thành công sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo ra thế và lực mới cho cuộc chiến giành độc lập dân tộc, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng Việt Nam và đi đến đại thắng mùa Xuân năm 1975.





Đại biểu tham dự Lễ mít tinh

Với tinh thần quốc tế vô sản, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào đã có những đóng góp to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng với quân đội và nhân dân các dân tộc Lào giành thắng lợi hoàn toàn trong 2 cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược. Việt Nam và Lào trở thành hai nước độc lập, thống nhất, cùng đi theo con đường XHCN. Xuất phát từ nhu cầu hợp tác sâu rộng trong tình hình mới, ngày 18/7/1977, Việt Nam và Lào đã ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác. Từ đó đến nay, gần nửa thập kỷ trôi qua, quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào – Việt Nam luôn được Lãnh đạo 2 Đảng, 2 Nhà nước và nhân dân hai nước quan tâm, vun đắp, củng cố, tăng cường, coi đây là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc, là nhân tố đảm bảo sự tồn tại và phát triển của hai nước.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu trên đất nước bạn Lào, mà cho đến hôm nay cả hai nước vẫn đang phối hợp việc tìm kiếm, mong sớm được đưa hài cốt các anh được trở về an nghỉ trên đất mẹ Việt Nam.
Các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào, là dịp ôn lại truyền thống quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào, tưởng nhớ và tri ân những đóng góp to lớn của các thế hệ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào vì sự nghiệp cách mạng của 2 Đảng, 2 Nhà nước, vì độc lập, tự do của 2 dân tộc Việt Nam và Lào. Đây cũng là dịp để tuyên truyền, giáo dục nhân dân, nhất là thế hệ trẻ 2 nước về truyền thống quý báu, hiếm có của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam.


Các đại biểu được thưởng thức chương trình ca múa nhạc đặc sắc ca ngợi tình Việt- Lào





Tham dự hội chợ với hơn 20 gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam và Lào
Nhân dân hai nước và đặc biệt là thế hệ trẻ có quyền tự hào, hân hoan trước những bước phát triển tốt đẹp của mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng Việt Nam – Lào, khẳng định dù có khó khăn, gian khổ đến đâu, hai nước vẫn luôn quyết tâm giữ vững, bảo vệ và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng đơm hoa kết trái, gắn bó lâu dài.
Song song với đó, cần có trách nhiệm tiếp tục phát huy truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào, sống mẫu mực, đoàn kết, nghĩa tình, tiếp tục sự nghiệp cách mạng của hai nước, hai dân tộc, tiếp tục là cầu nối đưa mối quan hệ
hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam – Lào phát triển lên tầm cao mới, vì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của hai nước, của khu vực và trên thế giới.

Quốc Khánh (Đưa tin từ Xiengkhuang Lào)

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nói đến mùa xuân là nói đến thanh âm rộn ràng, sắc màu tươi mới, rực rỡ, rạng ngời của cảnh vật thiên nhiên và con người. Đó là sắc xuân của muôn hoa, là hoa đào thắm đỏ ở miền Bắc, ...