• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Một chủ tịch Hội hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

Đó là câu chuyện về Đại tá Phùng Bá Đam, nguyên Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Tây Hồ, Hà Nội. Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn minh mẫn, nhiệt huyết, hết lòng với những hoạt động giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam cũng như thân nhân của họ. Ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

Hy sinh xương máu cho Tổ quốc

Gặp Đại tá Phùng Bá Đam tại nhà riêng (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), chúng tôi được ông giới thiệu một kho tư liệu, ký ức ăm ắp về những tháng ngày tham gia kháng chiến chống Mỹ. Theo đó, năm 1967, hưởng ứng lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước, chàng thanh niên Phùng Bá Đam khi ấy mới 19 tuổi đã hăng hái tham gia quân đội chi viện cho miền Nam khi đang là cán bộ Ngân hàng tỉnh Hà Tây (cũ). Ông được biên chế về Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, đơn vị ông đã tham gia hàng loạt chiến dịch lớn, tại các chiến trường ác liệt nhất. Năm 1974, ông bị thương nặng khi tham gia chiến dịch Thượng Đức. Với 3 mảnh đạn găm vào vùng cổ, ông được đưa về tuyến sau điều trị. Một tháng sau đó, ông xin trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu. Trung đoàn 66 có ông trong đội hình đã có mặt tại dinh Độc Lập vào ngày 30 tháng 4/1975 lịch sử.

Chuyện về Đại tá hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam
Đại tá Phùng Bá Đam (ngoài cùng, bên phải) và các đại biểu người có công tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội tham gia Hội nghị biểu dương Người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2022.

Hòa bình lập lại, khi đến khám tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ông mới biết những mảnh đạn này nằm ở những vị trí hiểm yếu, nếu phẫu thuật sẽ có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và sinh hoạt. Bác sĩ khuyên ông không nên lấy chúng ra. Vậy là 3 mảnh đạn vẫn “chung sống” với ông mấy chục năm qua. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương lại như nhắc nhớ ông về một thời đạn bom khốc liệt. Và sau này, ông mới biết ngoài những vết đạn trên cơ thể được xác định tỷ lệ thương tật 47% (là thương binh hạng 3/4) thì ông còn bị nhiễm chất độc da cam.

Năm 1978 ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm chính trị Trường Hậu cần quân khu, Trưởng ban cán bộ Cục Hậu cần quân khu 2. Năm 1993, ông làm trợ lí cán bộ Học viện Quân y, Phó Chủ nhiệm chính trị Viện 103 Học viện Quân y. Nhiều năm công tác ở nhiều cương vị khác nhau, ông được phong hàm Đại tá vào năm 1999. Ông cũng từng là giáo viên và Chủ nhiệm Khối đào tạo cán bộ chính trị cấp chiến thuật chiến dịch tại Học viện chính trị - quân sự cho đến khi nghỉ hưu.

Sau khi nghỉ chế độ, ông tham gia giảng dạy lồng ghép Bộ môn Giáo dục công dân và Giáo dục quốc phòng tại Trường Trung học phổ thông dân lập Đông Đô và gắn bó với trường suốt 20 năm. “Làm nghề giáo dục, phải có môi trường giáo dục. Niềm vui lớn nhất của tôi là được truyền kinh nghiệm sống của mình, kể về lịch sử của cách mạng quân đội cho thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống cha anh”, ông Đam chia sẻ.

Không chỉ cùng đồng đội của mình chiến đấu anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông còn có nhiều đóng góp xây dựng quân đội chính quy hiện đại trong thời bình. Ông đã được Đảng và Quân đội tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý.

Hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

Xuất thân từ một chiến sĩ có mặt trên khắp các chiến trường, cũng là nạn nhân của chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh, ông hiểu hơn ai hết, dù chiến tranh đã lùi xa, song hậu quả của chất độc da cam/dioxin đối với môi trường và con người vẫn hiện hữu dai giẳng. Chính vì vậy, vào năm 2011, khi Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội được thành lập, ông là một trong hững thành viên đầu tiên của Hội.

Chuyện về Đại tá hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam
Ông Phùng Bá Đam (ngoài cùng, bên trái) trong một lần tham gia cùng Thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội thăm, tặng quà Tết cho gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày ấy, với cương vị Phó Chủ tịch, ông nghĩ, nếu có thể giúp đỡ được gì cho mọi người thì nhất định sẽ không từ chối. Ông nắm rõ hoàn cảnh của hội viên, ai bị nhiễm, ai có con bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin để thường xuyên thăm hỏi, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ họ.

Sau này, khi giữ cương vị Chủ tịch Hội, ông cùng Ban Chấp hành tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp phường của phường thuộc quận Tây Hồ. Ông đề xuất với chính quyền về việc xã hội hóa xây dựng quỹ "vì nạn nhân chất độc da cam". Từ đó, ông cùng các cấp hội vận động doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, cá nhân hảo tâm, cùng các tầng lớp nhân dân trong quận chung tay xây dựng quỹ.

Ông còn kết nối với nhiều nhà trường, đưa các em học sinh đến thăm, tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ông tuyên truyền, lan tỏa những tấm gương nạn nhân chất độc da cam vượt khó, vươn lên như một cách giáo dục truyền thống, tình yêu thương, đồng cảm cho thế hệ trẻ... Với những nỗ lực của cá nhân ông mong muốn các tầng lớp nhân dân tự giác tham gia cùng Đảng, Chính phủ khắc phục hậu quả chất độc hóa học quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam từ 1961 dến 1975, tích cự chung tay cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin chăm sóc giúp đỡ nạn nhân, ụng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.

Với vai trò Chủ tich Quận hội Tây Hồ, ông đã đề xuát với Quận ủy, UBND quận thành lập tổ chức Hội ở 100% các phường của quận Tây Hồ; ông thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức Hội các cấp, đưa Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Tây Hồ trở thành Hội đi đầu của thành phố Hà Nội. Tổng số hội viên của hội nay đã lên đến 650 người, trong đó, trong đó 158 người. là nạn nhân chất độc da cam.

Thời gian giữ cương vị Chủ tịch Hội, Đại tá Phùng Bá Đam cùng Ban Chấp hành Hội đã vận động được hàng tỷ đồng, tạo nguồn tặng quà cho 100% nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn quận trong các dịp Tết Nguyên Đán, ngày thảm họa da cam mùng 10/8... Qua các lượt thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ khó khăn đã góp phần động viên nạn nhân về vật chất, tinh thần, “xoa dịu nỗi đau da cam” để nạn nhân hòa nhập với cộng đồng.

Với những gì mà Đại tá Phùng Bá Đam, đã ngoài 70 tuổi, chịu sự ảnh hưởng của những mảnh đạn cùng chất độc hóa học trong cơ thể nhưng ông luôn tâm sự: bản thân còn may mắn hơn biết bao đồng đội, cán bộ, chiến sỹ đã ngã xuống hoặc để lại một phần thân thể trên chiến trường trong cuộc chiến giải phóng và bảo vệ độc lập của dân tộc. Sự hy sinh của những đồng chí, đồng đội đã đem lại niềm vui hạnh phúc cho dân tộc, làm cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do, máu đào của các thương binh, liệt sỹ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ thắm.11 năm tham gia công tác Hội, không có phụ cấp, thù lao (theo quy định, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Tây Hồ thành lập sau ngày 1/7/2010 nên không phải là hội đặc thù, các thành viên không được hưởng trợ cấp, thù lao), ông Đam vẫn luôn nhiệt huyết với công tác Hội, đi đầu trong chăm sóc nạn nhân chất độc da cam, họ là đồng đội và con của đồng đội một thời trận mạc với ông. Tấm gương của ông sứng đáng để mọi người noi theo.

Nguồn: báo Lao động Thủ đô

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Tiếp tục hành trình vận động ủng hộ, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam của Đoàn VAVA với một ngày làm việc dày đặc hoạt động, di chuyển vừa dài và vất vả từ Paris (Pháp), đến Bruxelles (Bỉ),  bằng mấy loại phương tiện giao thông công cộng để hạn chế chi phí, nhưng kết quả đạt được đã động viên tinh thần chúng tôi thật nhiều ... ...