Ông Nguyễn Phúc Long, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Kỳ Anh cho biết: Trung tâm được thành lập theo Quyết định số 1177/QĐ-UBND, ngày 28/4/2010 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, với tên ban đầu là Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp dạy nghề Kỳ Anh, nay đổi tên thành Trung tâm GDNN-GDTX Kỳ Anh.
Tổng số cán bộ, giáo viên của Trung tâm hiện là 26 người, trong đó: Cán bộ, nhân viên là 16 người, hợp đồng 10 người; tổng số học sinh tại Trung tâm là 500. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị có: 12 phòng lý thuyết, 6 phòng thực hành, các phòng học kiên cố, được trang bị máy tính và kết nối mạng Internet, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học được tăng cường. Trung tâm đã được UBND tỉnh, UBND thị xã đầu tư nên đã đáp ứng cơ bản yêu cầu về dạy học văn hóa và đào tạo nghề hệ Trung cấp.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, phổ biến, quán triệt về quy chế dân chủ, nguyên tắc tập trung dân chủ được thực hiện nghiêm túc; việc liên kết đào tạo và quản lý tài chính, tài sản được đưa vào quy định, sinh hoạt rút kinh nghiệm hằng tháng, hàng tuần cũng như các buổi sinh hoạt tập thể, đột xuất khác. Việc phân công nhiệm vụ cho các đảng viên trong chi bộ cũng như các cán bộ, giáo viên được gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa nâng cao vai trò trách nhiệm cán bộ, đảng viên vừa phát huy được năng lực chuyên môn và sở trường của mỗi cá nhân, được bàn bạc thông qua hội nghị CNVC đầu năm; đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế để linh hoạt điều chỉnh, bổ sung trong sinh hoạt chi bộ, giao ban hằng tháng. Năm học 2022-2023, Trung tâm có 16 lớp, với tổng số 730 học viên, cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT hằng năm đạt 97%; Tỷ lệ tốt nghiệp Trung cấp Nghề hằng năm đạt 99%; Tỷ lệ có việc làm sau ra trường đạt từ 90%.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng với sự tham mưu tích cực và kịp thời của Trung tâm nên diện mạo, hình ảnh Trung tâm đã được đầu tư thay đổi khang trang, sạch đẹp và nền nếp hơn (Hệ thống nhà xe học sinh; trạm điện hệ thống điện; hệ thống công trình vệ sinh công cộng; hệ thống hàng rào cây xanh, bồn hoa cây cảnh; lợp mái hệ thống nhà xưởng, khu thực hành; sơn sửa nhà hiệu bộ và 2 dãy phòng học; đầu tư phòng tin học, làm mới nhà hội trường...), trung bình mỗi năm được đầu tư hơn một tỷ đồng.
Trước đây, hoạt động liên kết chỉ được giới hạn nhất định, giờ đây Trung tâm đã mở thêm hình thức liên kết mới và được mở rộng quy mô tới các cơ sở GDNN, một số trường nghề khác, tỷ lệ học sinh liên kết hằng năm tăng, hàng ngàn học sinh được học văn hóa và học nghề, tạo cơ hội phát triển lập thân, lập nghiệp sau khi ra trường. Trong đó, Trung tâm liên kết với Trường Trung cấp nghề Tư thục Kỳ Anh: Năm học 2019-2020: 5 lớp, 225 học sinh; Năm học 2020-2021: 6 lớp, 242 học sinh; Năm học 2021-2022: 7 lớp, 302 học sinh. Liên kết với Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh: Năm học 2019-2020: 23 lớp, 888 học sinh; Năm học 2020-2021: 30 lớp, 1167 học sinh; Năm học 2021-2022: 32 lớp, 1200 học sinh. Trung tâm cũng liên kết với Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh; Trường Trung cấp Du Lịch- Công nghệ số 9 với việc đào tạo các ngành nghề: Điện công nghiệp, Điện Lạnh, Cơ khí Hàn, Kỹ thuật chế biến món ăn, Quản trị Nhà hàng Khách sạn, May CN…
Sau khi được phân cấp về cấp huyện quản lý, Trung tâm được UBND thị xã Kỳ Anh tổ chức sắp xếp lại, đảm bảo hiệu quả hoạt động giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập cho mọi người dân và đảm bảo thực hiện mục tiêu chương trình giáo dục cho mọi người. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được bổ sung. Mô hình vừa học THPT hệ GDTX vừa đào tạo Trung cấp nghề là mô hình hợp lý, thiết thực trong giai đoạn hiện nay. Hầu hết học viên học văn hóa THPT hệ GDTX có động cơ, thái độ học tập nghiêm túc, xác định được năng lực thực tế của bản thân để yên tâm học nghề, lập nghiệp. Chương trình học gồm 7 môn văn hóa nên học sinh có đủ thời gian để chủ động học nghề. Kết quả học viên vừa học THPT vừa học nghề tăng dần so với những năm trước. Do làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp phân luồng nên nhận thức của phụ huynh, học viên bước đầu thay đổi, số học viên học chương trình THPT hệ GDTX kết hợp với học nghề tại trung tâm GDNN-GDTX ngày càng tăng.
Tuy nhiên, việc phân cấp Trung tâm về UBND thị xã quản lý sau khi sáp nhập theo Thông tư liên tịch số 39/TTLT/BLĐTBXH-BGDĐT-BNV, Quyết định số 271/QĐ-UBND tỉnh cũng gây ra một số khó khăn trong hoạt động của Trung tâm, nhất là về công tác quản lý điều hành: Trung tâm chịu sự quản lý, chỉ đạo của 3 đơn vị ở 2 cấp khác nhau (Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo chuyên môn về dạy nghề, Sở GDĐT chỉ đạo chuyên môn về giáo dục thường xuyên và giáo dục hướng nghiệp, UBND thị xã Kỳ Anh quản lý về cơ sở vật chất, tài chính, nhân sự, thi đua, …). Việc phát triển, đào tạo, bồi dưỡng, điều động CBQL, GV khó khăn; cơ chế chính sách của cán bộ, giáo viên, nhân viên còn nhiều bất cập khi sáp nhập, như: chế độ làm việc của giáo viên nghề, giáo viên văn hóa khác nhau, gây khó khăn trong việc phân công lao động, đảm bảo mặt bằng chung. Công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn do trên một địa bàn có nhiều đơn vị tuyển sinh, nhiều phụ huynh học viên chưa nhận thức đầy đủ về mô hình đào tạo THPT hệ GDTX kết hợp với học trung cấp nghề, cộng với tâm lý coi trọng bằng cấp còn khá nặng nề, nên đa số học sinh sau khi học xong lớp 9 có nguyện vọng học tập ở các trường THPT để thi vào cao đẳng, đại học, mặc dù học lực còn yếu. Đội ngũ giáo viên tại Trung tâm còn thiếu về số lượng, cơ cấu giáo viên không hợp lý, kinh nghiệm của một số giáo viên hợp đồng còn hạn chế. Cơ sở vật chất của Trung tâm xuống cấp, thiếu kinh phí để nâng cấp, sửa chữa; phòng học chức năng, phòng thực hành thí nghiệm, sân chơi, bãi tập thể thao của học viên chưa đáp ứng yêu cầu, thiết bị dạy học chưa đảm bảo tính đồng bộ, chưa đa dạng ngành nghề, một số trang thiết bị đã xuống cấp, hư hỏng...
Thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg, ngày 14/05/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, tỷ lệ học sinh được phân luồng sau tốt nghiệp THCS vào học tại các Trung tâm GDNN-GDTX ngày càng tăng. Mô hình THPT hệ GDTX kết hợp với học trung cấp nghề tiết kiệm về thời gian và chi phí học tập, sau tốt nghiệp có thể đi làm việc ngay hoặc học lên trình độ cao hơn nếu có nhu cầu và điều kiện (được miễn học phí theo quy định và chính sách vay vốn nhà nước với lãi suất thấp).
So với các bạn cùng lứa tuổi thì học viên học mô hình này trưởng thành hơn và có khả năng tự lập kiếm sống. Trong số những học viên đã tốt nghiệp THPT-TCN, nhiều em có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. UBND tỉnh cần quan tâm tạo điều kiện bổ sung đội ngũ giáo viên dạy văn hóa và giáo viên dạy nghề đủ số lượng, đạt chuẩn, đáp ứng nhiệm vụ của các trung tâm. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư, tăng cường trang thiết bị đào tạo, cơ sở vật chất cho Trung tâm cấp huyện. Sở Tài chính cần tham mưu UBND tỉnh tăng mức phí đào tạo nghề (1 học sinh/nghề/năm); hiện nay mức phí đào tạo nghề trên địa bàn Hà Tĩnh đang thấp hơn so với các tỉnh bạn và toàn quốc. Hướng dẫn cụ thể mức thu học phí học văn hóa đối với các trung tâm.
Với mong muốn về sự phát triển của mô hình này, ông Nguyễn Phúc Long đề xuất, Sở Lao động-Thương bình và Xã hội chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT trong việc liên kết đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo cũng như lợi ích hợp pháp giữa các bên. Tham mưu việc phân cấp đào tạo cụ thể hơn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) tạo môi trường liên kết lành mạnh, thông thoáng giữa các cơ sở đào tạo. Tham mưu UBND tỉnh ưu tiên nguồn vốn đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị dạy nghề cho Trung tâm để đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời kỳ mới. Sở Nội vụ cần tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, chỉ đạo các huyện, thị xã bố trí đủ giáo viên theo biên chế, tăng biên chế giáo viên đồng thời luân chuyển giáo viên thừa thiếu các môn trong toàn tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tham mưu UBND tỉnh phân bổ tăng ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho Trung tâm để đáp ứng số lượng học sinh ngày càng tăng. UBND thị xã tăng cường trong công tác tham mưu cho HĐND... Định hướng phát triển Trung tâm theo hướng linh hoạt, tự chủ. Quan tâm, chỉ đạo toàn diện, hiệu quả hơn tới hoạt động của Trung tâm...
Bảo Sơn
Bình luận