Theo phong tục người Thái đen, cô dâu làm lễ búi tóc “Tằng cẩu”. Nguồn: baomoi.com
Con trai, con gái dân tộc Thái đen ở Sơn La khi trưởng thành, muốn lấy vợ, lấy chồng đều được tự do tìm hiểu, ít có sự sắp đặt của cha mẹ. Đồng bào dân tộc Thái đen ở Sơn La quan niệm, con trai muốn lấy vợ phải chăm chỉ lao động, đặc biệt là biết đan lát; con gái phải biết thêu khăn piêu, dệt vải. Khi đôi nam nữ đã thương nhau, muốn nên vợ chồng, nhà trai cho bà mối cùng những người trong họ hàng mang lễ vật sang nhà gái dạm hỏi.
Bà Lò Thị Tâm, dân tộc Thái đen ở phường Chiềng An, thành phố Sơn La, chia sẻ: Theo phong tục truyền thống, trong lễ cưới hỏi của người Thái đen, gia đình nhà trai sẽ phải chuẩn bị đầy đủ các lễ vật để sang dạm hỏi và làm thủ tục xin cưới bên nhà gái. Lễ để cúng xin tổ tiên bên nhà gái gồm có 2 con gà, xôi nếp và 2 chai rượu. Những đồ lễ vật thường được dùng lá dong gói vào mỗi thứ 12 gói nhỏ gồm có gà, cá, cơm xôi, muối, gừng, trầu cau, thuốc lào. Ngoài ra, nhà trai còn chuẩn bị một bộ váy áo cóm, khăn piêu, đồ làm lễ "tẳng cẩu" (búi tóc trên đỉnh đầu) cho cô dâu mới như trâm cài tóc bằng bạc, 1 đôi tóc độn, 1 đôi vòng, 4 sải vải khít... và 1 đôi vòng bạc tặng mẹ vợ để đền đáp công sinh thành, dưỡng dục. Bên cạnh đó, còn có chăn, đệm dệt thổ cẩm đặc trưng của người dân tộc Thái.
Thực hiện nếp sống văn hóa mới, ngày nay, việc cưới hỏi của người Thái đen ở Sơn La đã giảm bớt nhiều thủ tục rườm rà, tốn kém như không thách cưới, không bắt buộc ở rể... Các nghi lễ trong cưới hỏi cũng được các gia đình rút gọn nhưng vẫn giữ được bản sắc truyền thống của dân tộc Thái đen như chuẩn bị sính lễ hỏi cưới, lễ "tẳng cẩu", xin dâu… Chị Lò Thu Hương, dân tộc Thái đen ở bản Hìn, phường Chiềng An là cô dâu mới bộc bạch, từ xưa chị đã được chứng kiến nhiều đám cưới trong bản. Gia đình chị là người dân tộc Thái đen nên chị cũng được các ông, bà truyền dạy về các thủ tục truyền thống của dân tộc mình. Trong đó, lễ cưới truyền thống của người Thái đen có nhiều thủ tục vẫn được lưu giữ qua các đời như lễ "tẳng cẩu", mặc áo cóm cho con dâu trước khi về nhà chồng... "Tôi rất tự hào vì lễ cưới của mình được tổ chức theo phong tục truyền thống. Tôi hy vọng rằng lễ cưới của người Thái đen luôn giữ được những phong tục tốt đẹp đó”, chị Lò Thu Hương tâm sự.
Anh Lường Văn Lâm, chồng của chị Lò Thu Hương cho hay, là thế hệ trẻ sống ở thành phố, nhưng gia đình là người Thái đen nên anh và vợ đã tổ chức lễ cưới theo đúng phong tục truyền thống để góp phần gìn giữ những giá trị tốt đẹp của dân tộc.
Người dân tộc Thái đen ở Sơn La cho rằng, con gái sinh ra được cha mẹ nuôi nấng, lớn khôn đi lấy chồng thành người của nhà chồng. Do đó, chàng rể phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đối với gia đình vợ để đền đáp công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Khi ăn cơm, bố vợ ngồi mâm trên và được đặt trước mặt 2 chén rượu ngon.
Bên cạnh đó, có một nghi lễ đặc trưng trong ngày cô dâu về nhà chồng đó là tục “tẳng cẩu” (búi tóc trên đỉnh đầu) - một dấu hiệu cho mọi người biết người con gái đó đã lập gia đình. Để tiến hành tục lệ này, sau khi nhà trai chọn được ngày lành tháng tốt sẽ cử hai người phụ nữ đại diện đến làm lễ “tẳng cẩu” cho cô dâu. Họ là những người có cuộc sống gia đình êm ấm, hạnh phúc, khéo ăn nói, hiểu biết về phong tục tập quán và họ cũng chính là người trực tiếp trải chuốt, “tẳng cẩu” cho cô dâu; đồng thời dặn dò cô dâu những điều hay lẽ phải trước khi về nhà chồng. Một trong những đồ lễ không thể thiếu trong nghi thức “tẳng cẩu” được bên nhà trai chuẩn bị là các cặp búi tóc độn. Mái tóc càng dày, càng mượt sẽ càng dễ búi, dễ quấn và có một “tẳng cẩu” đẹp trong mắt mọi người. Khi đã "tẳng cẩu" lên rồi thì người phụ nữ không được tự tiện "bỏ cẩu" xuống (buông tóc). Chỉ khi nào người chồng qua đời, người vợ mới "bỏ cẩu". Cuộc sống hiện đại ngày nay cũng có phụ nữ Thái đen khi lấy chồng không "tẳng cẩu" do thỏa thuận của vợ chồng hoặc đặc thù ngành nghề công tác, nhưng phải được sự đồng ý của bố mẹ hai bên gia đình.
Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Lả, thành phố Sơn La, cho biết tục cưới hỏi của người Thái đen ở Sơn La đã thay đổi nhiều và có sự giao thoa giữa các dân tộc, nhưng những nghi lễ truyền thống tốt đẹp vẫn được giữ gìn. Trong đó, lễ "tẳng cẩu" cho cô dâu về nhà chồng là tục lệ của người Thái không bỏ được. Hiện nay, người con gái sống ở thành thị có "tẳng cẩu" hay không cũng được, còn ở bản dứt khoát phải "tẳng cẩu" nếu không sẽ bị chê bai./.
Nguồn: TTXVN
Bình luận