• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Người có hơn 10 năm được bảo vệ Bác Hồ

Trong cuộc đời hơn 30 năm tham gia hoạt động cách mạng đến khi nghỉ hưu, ông Trần Nguyên Mười trú ở xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) có vinh dự lớn, đó là hơn 10 năm được làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ, bảo vệ Bộ Chính trị và Trung ương Đảng. Những kỷ niệm sâu sắc về Bác luôn in đậm trong trái tim ông.

Ông Trần Nguyên Mười hiện trú tại xóm 13, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) hỏi về ông, ai cũng biết vì ông là người có hơn 10 năm được trực tiếp ở bên Bác Hồ.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4, đơn sơ, giản dị nhưng tràn ngập tiếng nói, tiếng cười. Ông Mười nay đã 90 tuổi nhưng còn nhanh nhẹn, minh mẫn. Mở đầu câu chuyện, chúng tôi hỏi ông, tại sao đặt tên Mười. Ông cười hóm hỉnh và nói. “Cha mẹ tôi sinh được 10 người con, tôi là con út nên đặt tên theo thứ Mười”.

Ông Trần Nguyên Mười là người có hơn 10 năm được trực tiếp ở bên Bác Hồ.

Năm ông Mười bước vào tuổi đôi mươi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, ông tình nguyện lên đường gia nhập Thanh niên Xung phong (TNXP) phục vụ tiền tuyến. Mùa thu năm 1952, ông tham gia mở đường từ Lam Sơn (Thanh Hóa) đi Hòa Bình. Cuối năm 1953, đội TNXP của ông được chuyển đến An Toàn Khu (ATK), tiếp tục làm đường từ chợ Chu (Thái Nguyên) đi Tân Trào; là dân sống ven biển nên ông bơi rất giỏi và được phân công làm Trung đội trưởng phụ trách đóng phà Cóc (Phà tời bằng tay qua suối Cóc), chuyên đưa các đoàn cán bộ vào ATK phục vụ chiến đấu. Khi nhắc đến những năm tháng vinh dự được bảo vệ Bác Hồ, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, đôi mắt ông sáng lên niềm vinh dự tự hào, nâng ly chè nóng, ông Mười kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm sâu sắc.

Vào khoảng 19h tối, một đêm cuối năm 1953, trời Việt Bắc rét “cắt da cắt thịt” đội của ông được lệnh chở đoàn cán bộ đặc biệt qua phà nhưng không được tiết lộ là ai. Ông Mười kể- Khi xe lên phà mọi người cố kéo phà cho nhanh qua dòng nước xiết, trên phà có tiếng hỏi vọng sang: “Ai là người phụ trách bến đò này?”. Khi xe qua bến an toàn, đồng chí cần vụ lại gặp ông nói nhỏ vào tai. “Trên xe là Bác Hồ, đồng chí lại gặp Bác”. Tôi rất hồi hộp lại sát bên xe thưa với Bác: “Dạ. Cháu là người phụ trách bến phà này ạ!”. Bác đưa tay đặt nhẹ lên vai tôi và hỏi: “Anh em có khỏe không?”. Trong lúc trả lời Bác nhận ra giọng nói và bảo “Cháu là người quê ta phải không?”. Tôi vội thưa với Bác toàn trung đội đều quê ở Nghệ An. Điều làm tôi hết sức ngỡ ngàng là hơn 40 năm xa quê, bôn ba tìm đường cứu nước và ở chiến khu Việt Bắc, chưa một lần về thăm, mà Bác vẫn nhận ra âm sắc vùng quê cha đất mẹ. Bác tặng cho anh em một cây thuốc lá và một hộp kẹo, Bác bảo: “Đây là quà Bác gửi anh em nhân Tết sắp tới”. Tôi xúc động đưa hai tay đỡ gói quà mà bâng khuâng niềm xúc động. Tôi cố xích lại gần Bác hơn trong khoảng đêm để nhìn thật rõ Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc với vầng trán rộng, đôi mắt sáng và giản dị, gần gũi biết bao. Tôi thật không ngờ mình lại được gặp Bác trong lúc làm nhiệm vụ. Khi xe chuyển bánh tôi nói với anh em, phà chúng ta vừa vinh dự được chở Bác Hồ đi qua, mọi ngựời xúm lại lấy làm tiếc và chuyền tay nhau giữ món quà của Bác, mà ai cũng ấm lòng giữa đêm đông của núi rừng Việt Bắc... Từ hôm đó, tinh thần làm việc của anh em ở bến phà càng hăng say, sôi nổi, mặc dù thời tiết giá rét, công việc vất vả, nhiều hôm thiếu gạo đứt bữa nhưng không ai kêu ca, phàn nàn.

Kỉ niệm được chụp chung ảnh với Bác của lực lượng Cảnh vệ

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhờ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ TNXP, ông Mười được tổ chức tuyển chọn đi học lớp về ngành Công an, học xong ông may mắn được về nhận công tác ở Cục Cảnh vệ (Bộ Công an), tại đây, ông và đồng đội có nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng. Thời gian này ông được thấy Bác nhiều hơn, hàng ngày canh gác trong Phủ Chủ tịch cho Bác làm việc; về đêm canh gác cho Bác ngủ, chiều chiều thấy Bác tập thể dục, tưới hoa, cho cá ăn, sáng ra thấy Bác đi bộ… Nhưng kỷ niệm mà ông nhớ mãi, vào năm 1958, ông được bảo vệ Bác đi thăm trường Bổ túc Công nông ở Hà Nội. Khi xe đến nơi mọi người ra đón Bác ở cổng chính, nhưng Bác xuống xe và đi vòng vào lối cổng phụ phía sau. Bác xem từ nhà bếp, nhà ăn, nơi ở của anh em học viên, rồi nhà trẻ mẫu giáo, công trình vệ sinh. Bác rất chú ý việc bảo đảm sức khỏe cho mọi người và vệ sinh môi trường. Sau đó, Bác không lên Hội trường (nơi chuẩn bị để Bác nói chuyện), mà Bác lại đi thẳng ra sân cỏ phía trước rồi đưa tay ra hiệu mọi người đến ngồi vòng quanh nghe Bác nói chuyện. Điều tôi thấy ở Bác Hồ là rất bình dị, ân cần, gần gũi và sâu sắc, ngay cả khi tiếp đón, Bác rất thương yêu các cháu thiếu niên nhi đồng, nên đi đâu Bác cũng nhắc anh em phục vụ đưa thêm kẹo bánh cho các cháu. Sau khi nói chuyện xong Bác bắt nhịp để mọi người cùng vỗ tay và hát theo...

Năm 1960, tôi được tổ chức phân công cùng đoàn bảo vệ Bác đi thăm công trường xây dựng công nghiệp Việt Trì. Ở khu công nghiệp này hầu hết cán bộ, công nhân là bộ đội miền Nam tập kết. Sau khi Bác đến thăm, nói chuyện với lãnh đạo và tập thể công nhân, trên đường về qua Vĩnh Yên thì đã quá trưa, trời nắng chói chang, đường lại vắng, bên đường chỉ có một ngôi chùa nhỏ có cây cổ thụ. Bác bảo dừng xe mọi người vào nghỉ tạm chốc lát cho đỡ mệt. Cả đoàn thương Bác đi đường vất vả, trên xe không còn nước để uống mà chỉ có mấy quả chuối, người phục vụ đưa đến mời Bác thì Bác đã tự tay cầm con dao nhỏ cắt chuối thành từng lát mỏng, rồi chia đều cho mọi người. Bác bảo “Các cháu ăn đi cho đỡ mệt rồi ta tiếp tục đi”. Bác chia đủ cho cả đoàn gồm 15 người (kể cả lái xe, phục vụ, bảo vệ không thiếu một ai) và Bác cũng ăn một phần như thế. Cầm lát chuối Bác trao mọi người nhìn nhau mà thương Bác vô cùng. Thấy cả đoàn cứ cầm mãi trong tay, Bác lại dục “Các cháu ăn đi để còn kịp về”. Với cử chỉ ân cần như một người Ông, người Cha đang chăm chút cho những cháu, con đi xa mới về, mọi người lặng lẽ ăn mà nước mắt cứ rưng rưng. Đó là hai trong số rất nhiều lần ông Mười được gần gũi Bác Hồ. Trong trái tim ông luôn hiện lên một vị lãnh tụ giản dị, bao dung, gần gũi…

Ông Mười tự hào và rất vinh dự được ngồi gần Bác trong ảnh

Trong cuộc đời đi phục vụ kháng chiến, rồi làm nhiệm vụ ở Cục Bảo vệ An ninh, có giai đoạn ông được điều về công tác ở Đoàn 559, làm cán bộ kỹ thuật cung cấp xăng dầu để giải phóng hoàn toàn miền Nam, sau đó ông trở lại ngành công an. Trong hơn 30 năm công tác dù ở bất cứ cương vị nào ông Trần Nguyên Mười luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng Huân Chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương chiến công hạng Nhì, Huy chương vì An ninh Tổ quốc và năm 2018, ông được tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng…. Năm 1984, ông về hưu mang quân hàm Đại úy. Trước yêu cầu của địa phương, ông tham gia làm Phó Công an xã Phúc Thọ; khi tuổi cao ông tham gia hoạt động Hội người cao tuổi, Chủ tịch Hội TNXP xã; là một Đảng viên gương mẫu, nói đi đôi với làm. Lúc rảnh rỗi ông hay kể chuyện về Bác cho các cháu thanh, thiếu niên nhi đồng ở các trường học nghe.

Cát Tường

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác