• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Người phụ nữ với hành trình bền bỉ đi tìm công lý cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam

Là người mang trong mình nhiều căn bệnh do hậu quả của chất độc da cam/dioxin, trong suốt 10 năm qua, bà Trần Tố Nga đã bền bỉ theo đuổi đến cùng vụ kiện các công ty hóa chất đã cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Không chỉ đấu tranh đòi công lý của riêng cá nhân bà mà còn cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khác.

Đấu tranh vì nạn nhân chất độc da cam

Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã phun rải một lượng thuốc diệt cỏ lớn, có thành phần chất độc da cam, với số lượng gần 80 triệu lít xuống lãnh thổ của Việt Nam, khiến hàng triệu người Việt Nam đã tiếp xúc với chất độc này và thế hệ con cháu của họ phải sống cùng với những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần.

Từng tham gia chiến trường miền Nam và bị nhiễm chất độc dioxin, bà Trần Tố Nga, sinh năm 1942, tại tỉnh Sóc Trăng, nguyên là Phóng viên thông tấn xã Giải phóng, đã đứng đơn khởi kiện 26 công ty hóa chất của Mỹ đã sản xuất và thương mại hóa số lượng lớn chất độc da cam có hàm lượng dioxin cao với mục đích yêu cầu bồi thường cho cá nhân và gia đình bị hại.

Theo bà Nga chia sẻ: Ban đầu, tôi từ chối không đứng đơn kiện nhưng nghĩ đến hàng triệu nạn nhân chất độc da cam và sự ủng hộ, đồng hành của luật sư, nhà hoạt động xã hội người Pháp ủng hộ nạn nhân da cam (dioxin) Việt Nam, tôi quyết định đứng ra kiện các công ty hóa chất Mỹ. Đây được coi như là cuộc chiến đấu cuối cùng vì công lý của tôi cho dân tộc, quê hương của mình.

Phải chờ đến năm 2013, Quốc hội Pháp mới khôi phục lại quyền xét xử các vụ án quốc tế của tòa án Pháp, và điều kiện để có thể khởi kiện: là công dân Pháp gốc Việt, sống tại quốc gia duy nhất có luật cho phép luật sư mở các vụ kiện quốc tế bảo vệ công dân chống lại một nước khác làm hại mình và là nạn nhân chất độc dioxin..

Người phụ nữ với hành trình bền bỉ đi tìm công lý cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam - Ảnh 1.

                                                                                                             Bà Trần Tố Nga trong lần trở về Việt Nam tháng 4/2023

Ngoài ra, điều kiện tiên quyết để khởi kiện phải là nạn nhân chất độc da cam và còn sống, bà Nga cho biết: "Được Hiệp hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA) tư vấn, tôi đã gửi 80cc mẫu máu của mình đến phòng xét nghiệm Eurofins GFA ở CHLB Đức, một trong những phòng xét nghiệm quốc tế y học và sinh học được tòa án công nhận. Và kết quả đã đến sau 2 tuần, khi có kết quả, tôi thấy trên những tờ giấy đó là những con số in đậm, nhiều lắm. Lúc đó tôi không hiểu gì ngoại trừ một điều: Có sự bất thường trong máu của tôi".

Nhưng luật là một chuyện, con đường pháp lý đầy chông gai là chuyện khác. Trải qua nhiều phiên tòa điều tra đã diễn ra, nhưng trước mỗi phiên tòa các bị đơn đầy tài lực đã làm tất cả để ngăn cản vụ án, với những "lý do" quy trình pháp lý để kéo dài, làm cạn kiệt nguồn lực và ý chí của bà nhằm đổi lấy sự im lặng.

Tuy nhiên, bà bày tỏ thái độ bình tĩnh và vững tin vào cuộc đấu tranh mà bà coi là "hành trình tranh đấu cuối cùng của cuộc đời". "Nếu họ nghĩ rằng tôi kiện vì tiền thì đúng là họ không hiểu gì hết. Vụ kiện mang tên tôi, vì tôi là công dân Pháp, tôi có quyền kiện ở đây. Và tôi không hề đấu tranh cho công lý của cá nhân tôi, sau tôi là tất cả nạn nhân chất độc da cam, bất kể ở đâu. Đến nay, tôi đã có hàng chục nghìn người từ nhiều nước trên thế giới làm bạn đồng hành, trong đó có rất nhiều người trẻ tuổi sinh ra sau chiến tranh Việt Nam.

Hơn nữa, tôi theo đuổi cuộc đấu tranh này đến cùng để khẳng định quyền được sống của người dân Việt Nam, cuộc sống của họ không thể bị tước đi mà không ai phải trả giá. Tính mạng của họ quan trọng và họ xứng đáng nhận được công lý. Cuộc tranh đấu này không dừng ở con người mà bao gồm cả môi trường bị thảm hại với những hệ quả lâu dài, như các nạn nhân gánh chịu từ thế hệ này qua thế hệ khác. Và thiệt hại môi trường, hệ sinh thái bởi chất độc da cam cũng quan trọng không kém những hệ quả ở con người. Có thể nói là quan trọng hơn vì điều này ảnh hưởng đến tất cả những người sống trên mảnh đất đó, bất kể họ có phải là nạn nhân trực tiếp hay không – bà Trần Tố Nga chia sẻ.

Hai chữ "Công lý" đó là lý do và động lực của người phụ nữ thân mang đầy bệnh, tuổi xấp xỉ ngưỡng 80 dấn thân trên con đường đấu tranh. Thay vì yên ổn, sống vui với gia đình con cháu, bà trở thành biểu tượng của hàng triệu nạn nhân nhiễm chất độc da cam và mang trên vai mình tiếng nói của họ - tiếng nói của công lý và lương tri.

Tái hiện vở kịch cuộc đời

Từ một hành trình đơn độc, đến nay, bà đã trở thành một biểu tượng của hàng triệu người. Chính vì thế, để tiếp thêm sức mạnh, ủng hộ bà trong cuộc chiến đấu của mình, nhóm kịch Lumiere d'Aout mà người sáng lập là Marine Bachelot Nguyễn đã dựa trên cuốn sách Ma Terre Empoisonnée (Mảnh đất bị nhiễm độc của tôi, tác giả Trần Tố Nga) đã tái hiện cả cuộc đời của bà Trần Tố Nga trong bối cảnh thời gian trải dài mấy mươi năm của lịch sử đất nước, của dân tộc và tất cả những sự kiện trải dài trong gần 10 năm của vụ kiện, để dựng nên vở kịch.

Người phụ nữ với hành trình bền bỉ đi tìm công lý cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam - Ảnh 2.

                                                                                                                  Cuộc đời của bà Trần Tố Nga được tái hiện trên sân khấu 

Bà Trần Tố Nga chia sẻ, vì khi dựng vở kịch dựa nội dung cuốn sách nên bà không hề biết cuộc đời mình được đưa lên sân khấu. Bởi vậy cũng không có chuyện cân nhắc, trao đổi chi tiết này hay chi tiết khác sẽ được đưa lên hay lược bớt đi. Khi vở kịch chính thức được lên sân khấu thì bà mới biết chuyện và thật bất ngờ. Bà đánh giá cao các dàn dựng mới mẻ, độc đáo, nội dung chân thực, xúc động và giá trị nhân văn của vở kịch.

Vào đầu năm 2023, vở kịch 'Những cơ thể bị nhiễm độc của chúng tôi' đã được công diễn tại nhà hát của thành phố Choisy Le Roi, Pháp và sau đó được đi diễn ở khắp các nước trên thế giới. Vở kịch được diễn trong 90 phút, Angelica, cô diễn viên mang một chút máu Việt từ ông nội, một chút máu Pháp, một chút máu Ba Lan trong vai Trần Tố Nga đã một mình chiếm lĩnh sân khấu, một mình chiếm lĩnh trái tim của khán giả.

Tuy vở kịch chỉ có một diễn viên kết hợp với những kỹ thuật hiện đại nhưng đã tái hiện từng cảnh, từng giây phút chiến tranh mà con người Việt Nam, đất nước Việt nam đã trải qua thông qua một cuộc đời. Cũng như một sự khẳng định, để có công lý, chỉ có một con đường, tiếp tục chiến đấu trong thời bình. Đặc biệt, trên sân khấu đã có quá nhiều ngọn nến được đốt lên, nến dành cho những ai đã ngã xuống trong chiến tranh, nến cho các nạn nhân của chiến tranh, của chiến tranh trong hòa bình, nến dành cho nạn nhân da cam.

                                                                                                                Cuốn sách Đường Trần của bà Trần Tố Nga

Qua đó, vở kịch đã đem lại vô vàn những cảm xúc cho khán giả, để họ cùng vui, cùng buồn, cùng chia sẻ để những người có mặt trong khán phòng cùng vui, cùng buồn, cùng chia sẻ những mất mát đau thương của một con người, của một đất nước trong hai, ba cuộc chiến tranh, hôm qua và cả hôm nay. Có nhiều khán giả đã rất xúc động nói với tôi rằng: Họ hiểu hơn về Việt Nam, về con người Việt Nam, về cuộc chiến ở Việt Nam sau khi xem vở kịch. Và đó là điều hạnh phúc cũng như rất ý nghĩa đối với tôi" – bà Trần Tố Nga cho biết.

Theo bà Trần Tố Nga cho biết: "Tôi luôn cố gắng đến các buổi biểu diễn để xem những phản ứng của khán giả, và khi họ nhìn thấy tôi họ rất xúc động bởi thông qua vở diễn công chúng hiểu rõ hơn về lịch sử của Việt Nam, đặc biệt về tội ác của chất độc da cam vô cùng nặng nề. Tôi rất mong có thể đưa vở diễn này về Việt Nam công chiếu để người Việt có thể thưởng thức và gắn kết với nhau hơn trên con đường đấu tranh chống lại tội ác của chiến tranh hóa học".

Không nghĩ bản thân lại trở thành hình tượng sân khấu. Bà cũng rất mong muốn vở kịch này sẽ được các nghệ sĩ Pháp mang tới Việt Nam để tiếp tục nhận được sự ủng hộ về hành trình đi tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam. Hiện nay dù mang trong mình nhiều căn bệnh, nhưng cứ khi nào sức khỏe cho phép "có thể đi được" là bà lại "đi xin" tài trợ khắp nơi và trở về Việt Nam giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam.

Bà mong mỏi có thể tạo dựng công việc, thu nhập để họ có thể nuôi sống bản thân, thấy mình vẫn là những người có ích. Ngay cả cuốn sách "Mảnh đất bị nhiễm chất độc của tôi" và cuốn tự truyện "Đường trần" bà cũng dùng toàn bộ tiền bán sách để gây Quỹ chi phí cho vụ kiện.

"Tôi đã đi gần hết con đường đó như một con người, một người chiến sĩ, đã làm được những việc có ích cho cuộc đời, đã gắng sống đúng theo những giá trị được nuôi dạy và thừa hưởng từ ông bà, cha mẹ tôi" – bà Trần Tố Nga chia sẻ trong cuốn tự truyện của mình khi nhìn lại chặng đường dài đầy thăng trầm của cuộc đời mình.

Nguồn: Báo điện tử Tổ quốc/Bộ VHTT&DL

 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương

    Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập thành ...

    Tối 29-12, tại Quảng trường Ngọ Môn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập thành phố (TP) Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ...