… Sau bữa cơm chiều 30 tết Mậu Thân năm 1968, Đại đội trưởng Chín Sang và 36 đồng chí của Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5, từ cánh rừng thượng nguồn sông Đồng Nai chúng tôi lên mấy chiếc xe ô tô tải được che đậy bằng thùng hàng vật tư y tế đi qua các trạm kiểm soát trên quốc lộ số 51 đến khu vực được giao nhiệm vụ bí mật vào cắt 30 lớp rào dây thép gai, qua rãnh thoát nước khoảng 8 mét áp sát đường băng đợi giờ vào đánh phá sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Vào đúng 0 giờ 5 phút, ngày mùng Một tết Mậu Thân 1968, tiếng đạn pháo cối của ta từ các căn cứ bắn vào, tiếng mìn lựu đạn trong sân bay phát nổ. Chúng tôi được lệnh xông lên đánh vào sở chỉ huy của địch trong sân bay. Tiếng còi chuông báo động của địch trong sân bay rú lên, lính địch từ các phòng nghỉ chạy ra bị các tay súng của chúng tôi phục kích tiêu diệt, làm rất nhiều tên gục ngã trên đường chạy trốn.
Vợ chồng ông Trần Văn Hiển và người con bị nhiễm CĐDC
Chúng tôi nhanh chóng triển khai đội hình tiêu diệt những tên lính địch đang có ý định lên máy bay chạy trốn, mấy tiếng sau các mũi tấn công của Tiểu đoàn chúng tôi đã làm chủ được một nửa sân bay. Sáng mùng Một tết, Mỹ ngụy bắn hàng ngàn quả đạn pháo cối hạng nặng vào sân bay, làm nhà cửa kho tàng trong sân bay cháy nổ và mấy đồng đội của tôi hy sinh (lúc đó tôi là tiểu đội phó).
Để chiếm lại sân bay Biên Hòa, mấy ngày liền địch huy động rất nhiều máy bay ném bom và bắn hàng ngàn quả đạn pháo cối vào phá hủy sân bay, rồi cho xe tăng và xe bọc thép cùng hàng trăm tên lính thủy đánh bộ đến bao vây, chặn đường tiếp viện của ta.
Mờ sáng, ngày mùng 6 tết địch bắn hàng trăm quả đạn pháo cối hơi cay cùng chất độc vào vị trí đơn vị tôi đang chiếm giữ. Đạn pháo hơi cay làm người tôi quay cuồng, mắt trợn ngược và sùi bọt mép, chân tay bủn rủn, tôi ngã vật xuống đất. Ít phút sau, lính địch xông lên, khóa chân tay rồi bịt mắt quẳng tôi lên xe chuyển về trại giam thị xã Long Bình. Lúc đó khoảng 9 giờ sáng.
Trong trại giam, lính địch vào dụ dỗ mua chuộc hỏi về các đơn vị của ta đang tấn công vào các căn cứ quân sự của địch sau tết Mậu Thân -1968. Sau nhiều giờ không lấy được tin, chúng quăng tôi vào căn nhà có người đã bị bắn chết, sau đó lại kéo ra tiếp tục đánh đập tra khảo. Không moi được thông tin, chúng đưa tôi về phòng biệt giam. Đầu tháng 4/1968, địch bịt mắt, khóa chân tay rồi đưa tôi lên máy bay đưa ra lao tù Phú Quốc. Trong nhà lao Cây Dừa đảo Phú Quốc, tôi tiếp tục bị lính địch khai thác lấy tin, rồi chúng đưa tôi vào chiếc cũi sắt phơi ra dưới trời nắng 37 - 38 độ và dùng búa đập vào thùng sắt khiến tôi chết đi sống lại nhiều lần. Tôi đã nghĩ, mình chắc không còn gặp được lại cha mẹ và anh em của tôi ở huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ và những người anh em đồng đội nữa…
Mấy ngày sau thấy tôi tỉnh lại, địch đưa tôi về trại giam cùng các chiến sĩ của ta. Sau đó tôi gặp được đồng chí Thành, chiến sĩ cùng đại đội. Anh cho biết: trận đánh vào sân bay Biên Hòa hôm ấy, Đại đội hy sinh 33/37 đồng chí, còn bốn đồng chí đều bị bắt, trong đó có tôi.
Thế rồi may mắn đã đến với các chiến sĩ bị địch bắt tù đày bằng Hiệp định Pari được ký kết, ngày 27/1/1973. Trung tuần tháng 3/1973, chúng tôi được chính quyền Sài Gòn vận chuyển ra bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị trao trả. Vất bỏ bộ quần áo tù, chúng tôi trở về với cách mạng trong tình thương yêu vô bờ bến của nhân dân cả nước. Tôi được chuyển về huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh an dưỡng, sau đó lại tiếp tục lên biên giới phía Bắc làm nhiệm vụ. Đến năm 1976, tôi chuyển về Viện thiết kế Xây dựng tỉnh Quảng Ninh làm việc, rồi kết hôn với cô gái người Nam Định xinh đẹp và giỏi giang tên là Trần Thị Hòa, năm sau, chúng tôi sinh được đứa con trai đặt tên là Trần Quốc Nghiệp. Tiếng cười của đứa con chưa được bao lâu, thì con qua đời do di chứng của chất độc hóa học do tôi nhiễm phải trong chiến trường….
Những tưởng may mắn sẽ đến với những đứa con sinh sau, thế nhưng đứa sinh sau còn nặng hơn, vì thế mà đứa thứ hai sống được 35 tuổi rồi cũng chết. Vợ chồng ông Trần Văn Hiển dành dụm được đồng tiền nào cũng đều đưa con đi khám chữa bệnh… Nhưng niềm hy vọng về những đứa con lành lặn của gia đình ông Hiển đã khép lại khi phải chăm đứa con đã gần 50 tuổi mà vẫn như một đứa trẻ mới một hai tuổi. Không biết rồi khi vợ chồng tôi qua đời, có người nào chăm sóc cho nó nữa không?
Ông Trần Văn Hiển bộc bạch: Chất độc da cam của quân đội Mỹ rải xuống chiến trường khiến tôi nhiễm phải, đã để lại nỗi đau dai dẳng cho vợ và mấy đứa con của tôi; nỗi đau ấy còn đau hơn ngàn lần lúc tôi bị địch tra tấn ở nơi địa ngục trần gian Phú Quốc…”.
Nghỉ chế độ, ông Trần Văn Hiển về cư trú tại phường Cao Thắng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ông luôn quan tâm đến những người dân nghèo và những người bị tổn thương bởi chiến tranh gây ra. Nhiều năm, ông được nhân dân bầu làm Trưởng khu, được đảng viên bầu làm Bí thư Chi bộ, rồi BCH Đảng bộ phường, rồi Trưởng ban liên lạc các chiến sĩ bị địch bắt tù đày của thành phố Hạ Long, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin phường Cao Thắng. Ông thường động viên 152 nạn nhân của phường chấp hành tốt đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các qui định của địa phương đề ra. Bản thân ông đã có nhiều đóng góp vào việc xây dựng khu phố văn hóa, xứng đáng với sự tin cậy của cấp ủy, chính quyền, của NNCĐDC và nhân dân địa phương./.
Nguyễn Đăng San
Bình luận