Trong kháng chiến chống Pháp, nhạc sĩ Đỗ Nhuận phục vụ ở Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam. Khi Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch “Trần Đình” (Điện Biên Phủ), ông hành quân cùng bộ đội lên Tây Bắc, với ý định sáng tác một bài hát nói lên tầm vĩ đại của chiến dịch bằng một hình thức âm nhạc dễ phổ cập.
Khi chiến dịch nổ súng, nhạc sĩ Đỗ Nhuận cùng Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị nhận lệnh tạm thời ngưng biểu diễn, tăng cường cho đơn vị Bộ đội Công binh sửa đường cho xe pháo vào trận. Ông là tổ trưởng, phụ trách một cung đường ở bản Mường Phăng, cách Mường Thanh 60 km. Ông cùng các chiến sĩ văn công tay cuốc, tay choòng cùng Bộ đội Công binh ra sức “mở đường thắng lợi”. Đêm nào họ cũng ra đường đón xem những đoàn xe pháo hiện đại của ta đi qua. Hàng ngày, tay cầm cuốc, cầm choòng nhưng trong đầu ông đau đáu nghĩ về bài ca chiến thắng. Một hôm, Chính ủy đơn vị Công binh làm đường nói với ông: Nhạc sĩ chuẩn bị viết bài ca chiến thắng đi là vừa! Gợi ý ấy trùng hợp với ý nghĩ trong đầu ông. Nhưng viết như thế nào? Như các bài “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam”…(?) Đỗ Nhuận nghĩ rằng, ngôn ngữ âm nhạc của bài hát về chiến thắng Điện Biên Phủ phải có gì khác với những bài hát ra đời trước đó. Cần phải có chất nhạc của Tây Bắc, vì chiến thắng diễn ra trên đất Tây Bắc. Nhưng đồng bào các dân tộc Kinh, Thái, Hmông, Tày, Dao… lại cùng chung sức làm nên chiến thắng lịch sử này nên phải hòa sắc các dân tộc, vì các dân tộc trên đất nước Việt Nam là một, miễn sao nhạc phải chân thực và dễ hát, không được lấn sang hình thức âm nhạc khác như hợp xướng, hoặc nhạc kể lể… Lời ca của bài hát phải hết sức súc tích nên phải biết, nhất là phải có thời điểm, ghi chép, biết tước bỏ những gì thừa, phải đủ trình độ “lên men” trong tâm hồn để sáng tác. Từ đó, nhạc sĩ suy nghĩ, ghi chép và lập đề bài hát. Những hình ảnh chân thực bên cạnh ông cứ hiện ra, nhưng ý tưởng thì lộn xộn xuất hiện trong đầu: “Em bé xòe hoa”, “đàn bướm trắng”, “lá ngụy trang”, “súng đại bác”, “giải phóng Điện Biên”… Một hôm, khi đang nghỉ tay cuốc, Đỗ Nhuận ngồi dưới bụi nứa, tay búng búng cây đàn vi-ô-lông, thì nhạc sĩ Lương Ngọc Trác (khi đó là người lãnh đạo Đoàn Văn công, mới đi dự Đại hội Thanh niên, Sinh viên thế giới trở về) hỏi: cậu đang làm gì thế? Đỗ Nhuận đáp: em đang tìm mô típ nhạc cho bài ca chiến thắng. Lương Ngọc Trác nói: mình muốn chất nhạc bài ca cậu định viết phải “brilanht” (sáng sủa). Còn cái bóng bảy thì tùy cách thể hiện của tác giả. Điều mình tôn trọng trước hết là nhạc cần chân thực. Ban ngày, các chiến sĩ văn công làm đường, ban đêm về lán nghỉ. Bài hát chưa hình thành nhưng nhạc sĩ chắc chắn tin chiến thắng sẽ là “bà đỡ” cho bài ca ra đời. Cái ngày mà nhạc sĩ và quân dân cả nước ta mong chờ đã đến. Chiều ngày 7/5/1954, khi các chiến sĩ sửa đường đang cuốc đất, rải đá thì một đồng chí đạp xe vụt qua nói to: Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi! Tất cả Đoàn Văn công ngừng tay cuốc, ôm nhau nhảy, không cần nhạc đệm. Đỗ Nhuận cứ nhảy một mình, nhảy tít thò lò mà đầu cứ phảng phất câu: “Giải phóng Điện Biên…”. Đoàn nghỉ làm đường, “chia tay đá hộc” trở về đơn vị. Đêm hôm đó, Đỗ Nhuận ngồi viết bên bếp nhà sàn đỏ lửa, thâu đêm suốt sáng. Từng dòng nhạc, từng lời ca hình thành trên trang giấy: “Súng đại bác quấn lá ngụy trang, từng đàn bươm bướm rờn lá ngụy trang”. Rồi đến đoạn tiếp theo là cả tình cảm, sự vui mừng chiến thắng của nhân dân dâng trào: “Xiết bao sướng vui từ ngày lên Tây Bắc, đồng bào náo nức…”. Sáng hôm sau, nhạc sĩ hoàn thành lời 1, chiều xong lời 2. Bài hát đã lan truyền nhanh chóng từ Đoàn Văn công đến các đơn vị pháo binh và các đơn vị khác trên toàn mặt trận. Ngày Lễ chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức tại bãi rộng, Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị hát vang bài ca “Chiến thắng Điện Biên Phủ”. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Thu Trang (sưu tầm và biên soạn)
Bình luận