Tại Ninh Bình, theo tiếng gọi “Vì miền Nam ruột thịt” đã có hàng trăm nghìn lượt người xung phong lên đường nhập ngũ, chiến đấu anh dũng làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, trọn vẹn lời thề độc lập dân tộc... Những người may mắn trở về, không chỉ mang trong mình vết thương trên thân thể mà còn mang theo trong mình chất độc hóa học da cam/dioxin. Toàn tỉnh hiện có hơn 7 nghìn hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó có 3.310 người là nạn nhân, nhiều nạn nhân là thế hệ thứ 2, thứ 3, thứ 4… Nỗi đau vẫn còn hằn lại, dai dẳng ở những gia đình này…
Bà Tạ Thị Chuyên, xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh chăm sóc con trai bị tâm thần do di chứng của chất độc da cam/dioxin. |
Bà Tạ Thị Chuyên, ở xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh, người phụ nữ có chồng đi chiến trường trở về, bị nhiễm chất độc da cam, sinh ra 2 người con trai đều bị tâm thần. Trên dưới 40 tuổi, những đứa con cao lớn về thể xác nhưng trí tuệ vẫn như những đứa trẻ lên hai lên ba, bàn tay mẹ phải chăm lo cho từng chút một, từ vệ sinh thân thể, đến ăn uống, tắm giặt. Trong căn nhà nhỏ bé, một người mẹ già và 2 đứa con ngây dại vẫn ngày ngày quẩn quanh. Không một làn khói, không một tiếng bom đạn, nhưng chiến tranh lại vẫn đang hiện hữu ở làng quê yên bình này.
Có nhiều nơi, nỗi đau da cam đã xuyên cả thế hệ, gây ra những đau đớn về thể xác và tinh thần cho những gia đình nạn nhân chất độc da cam. Thật khủng khiếp nếu ta hình dung về những nỗi đau mà họ và những người thân đã và đang trải qua. Họ đau đớn về thể xác, giày vò về tinh thần, những tháng ngày khắc khoải tồn tại, cứ thế trôi qua trong lặng lẽ, cùng quẫn...
Rất nhiều người mẹ, người cha có con nhiễm thứ chất độc ấy cả đời chưa được nghe một tiếng gọi cha ơi, mẹ ơi. Họ bất an, lo sợ về một ngày mai không xa, nếu như một ngày họ không còn, những đứa con của họ sẽ như thế nào…
Ông Tạ Quang Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Ninh Bình cho biết: Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm, chăm lo đối với những nạn nhân chất độc da cam, bằng nhiều hành động thiết thực. Đầu tiên phải kể đến việc giải quyết các chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng nói chung và nạn nhân chất độc da cam nói riêng được thực hiện đầy đủ, chu đáo và kịp thời, trợ cấp của nhà nước được chi trả đúng đối tượng, duy trì đời sống cho gia đình nạn nhân. Toàn tỉnh hiện có trên 5 nghìn người được hưởng trợ cấp nạn nhân chất độc da cam, trong đó có trên 3 nghìn 300 người thuộc đối tượng trực tiếp, hơn 1.800 người là đối tượng gián tiếp.
Năm 2021 gia đình bà Bùi Thị Tỵ, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hỗ trợ xây nhà mới. |
Bà Bùi Thị Tỵ năm nay 69 tuổi, là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, bản thân không có chồng, không có con, hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xuống cấp nghiêm trọng. Được sự quan tâm, hỗ trợ của Hội tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện, cấp ủy, chính quyền xã Ninh Giang, cùng với sự giúp đỡ của các đoàn thể cơ sở, anh em trong gia đình, bà con trong xóm, sau thời gian hơn 3 tháng đã xây dựng được ngôi nhà khang trang với tổng diện tích sử dụng là 32 m2, tổng kinh phí xây dựng là hơn 200 triệu đồng. Trong đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng.
Trong những năm qua, hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa như thế đã được xây dựng và sửa chữa, giúp vơi bớt khó khăn cho các hội viên nạn nhân, giúp họ ổn định cuộc sống. Riêng trong năm 2021, toàn tỉnh đã hỗ trợ làm và sửa chữa 15 ngôi nhà, trị giá gần 800 triệu cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó phần lớn là từ sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội.
Việc thăm hỏi, động viên, tặng quà trong các dịp Lễ tết cũng được triển khai thường xuyên, giúp động viên tinh thần các hội viên. Năm 2021, toàn tỉnh có hơn 21 nghìn lượt đối tượng là nạn nhân chất độc da cam nhận được sự hỗ trợ, động viên và tặng quà từ các tổ chức, cá nhân, với tổng giá trị trên 7,1 tỷ đồng. Những phần quà, sự động viên của các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm chính là nguồn lực mạnh mẽ giúp các gia đình thêm vững tin chăm sóc các nạn nhân da cam, vươn lên trong cuộc sống.
Ngoài ra Hội nạn nhân da cam/dioxin các cấp cũng tạo điều kiện huy động nguồn vốn để hội viên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Từ đó, phát huy phẩm chất người lính bộ đội cụ Hồ, vượt qua khó khăn về bệnh tật, nhiều nạn nhân chất độc da cam vươn lên trở thành những điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi.
Phát huy vai trò trách nhiệm, phối hợp tốt với các cơ quan, đoàn thể, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trở thành điểm tựa, chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các hội viên, nạn nhân và gia đình các nạn nhân. Bên cạnh đó, giải quyết nhanh chóng chế độ chính sách cho những nạn nhân đã mất hết giấy tờ hay quan tâm đến chế độ đối với thế hệ thứ 3, thứ 4 là những mong muốn của những nạn nhân da cam/dioxin Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung hiện nay.
Những nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang mỗi ngày cố gắng, nỗ lực, tự thân chuyển hóa nỗi đau của mình thành động lực. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam bằng những việc làm thiết thực chính là nghĩa cử cao đẹp, đạo lý nhân văn tốt đẹp của mỗi người dân Việt Nam, nhân lên những tấm lòng nhân ái, thắp lên ngọn lửa của niềm tin, hi vọng, để sưởi ấm những cuộc đời kém may mắn.../.
Bình luận