• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Nỗi đau của người cựu chiến binh có con bị di chứng chất độc da cam

Chiến tranh đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng những di chứng đau lòng vẫn còn đeo bám trong cuộc sống của nhiều gia đình cựu chiến binh trên khắp mọi miền đất nước. Một trong những nỗi đau dai dẳng nhất là hậu quả của chất độc da cam/dioxin – thứ chất độc hóa học do quân đội Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam Việt Nam. Nhiều cựu chiến binh trở về đời thường mang trong mình chất độc đó, và rồi nó âm thầm truyền sang con, cháu, để lại những số phận nghiệt ngã, đầy bi kịch.

Cựu Chiến binh Phạm Đình Tín với người con gái Phạm Hoàng Gia Nghi

 

Cháu Phạm Hoàng Gia Nghi, sinh năm 2013, con gái ông Phạm Đình Tín

 Tại một con ngõ nhỏ trên đường Tô Hiệu (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), có một người cha già vẫn ngày ngày âm thầm gồng gánh nuôi đứa con gái tật nguyền. Đó là cựu chiến binh Phạm Đình Tín, sinh năm 1958, quê ở Hòa Phú (nay là phường Hòa Khánh). Nhập ngũ năm 1982, ông làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, trở về địa phương, ông tích cực tham gia công tác Hội, được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu vực Hòa Phú. Trong nhiều năm, ông cùng hội viên triển khai nhiều phong trào giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn vệ sinh môi trường, chăm lo đời sống cho các cựu chiến binh khó khăn. Chi hội của ông luôn dẫn đầu các phong trào thi đua tại địa phương.

Tuy vậy, cuộc sống riêng của ông Tín lại không may mắn. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông lập gia đình muộn, đến năm 2010 mới kết hôn. Năm 2013, ông đón con gái đầu lòng - bé Phạm Hoàng Gia Nghi – trong niềm hạnh phúc ngập tràn. Nhưng chỉ 8 ngày sau sinh, bé Gia Nghi được bác sĩ chẩn đoán bị tổn thương não bẩm sinh, không thể phục hồi. Bi kịch chưa dừng lại ở đó, người mẹ không chịu nổi cú sốc đã bỏ nhà ra đi, khi con chưa đầy vài tháng tuổi, để lại ông Tín một mình trong cảnh "gà trống nuôi con", gánh trên vai cả nỗi đau làm cha, làm mẹ.

Suốt hơn 10 năm qua, ông Tín một mình chăm sóc con gái bại não, nằm một chỗ, không có khả năng vận động, không nhận thức được thế giới xung quanh. Mọi sinh hoạt cá nhân của con đều phụ thuộc hoàn toàn vào ông – người cha nay đã già yếu, mang nhiều bệnh tật, không còn khả năng lao động. Gia đình thuộc diện hộ nghèo của địa phương, hai cha con sống nhờ vào số tiền trợ cấp xã hội ít ỏi và sự giúp đỡ của bà con, đồng đội và các tổ chức từ thiện.

Năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát dữ dội, ông Tín không may mắc bệnh và phải điều trị dài ngày tại bệnh viện. Có lúc tưởng chừng không thể qua khỏi. Nhưng nghĩ đến con gái tật nguyền không ai chăm sóc, ông như có thêm nghị lực để sống tiếp. Giờ đây, dù sức khỏe không còn như trước, ông vẫn lặng lẽ từng ngày nuôi con bằng tất cả tình thương và ý chí của người lính năm xưa.

Thấu hiểu hoàn cảnh éo le ấy, những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng đã thường xuyên quan tâm, hỗ trợ gia đình cựu chiến binh Phạm Đình Tín. Hằng năm, ông được Hội hỗ trợ 5 triệu đồng từ nguồn vận động xã hội hóa, cùng nhiều phần quà, hỗ trợ đột xuất từ chính quyền, địa phương, các nhà hảo tâm và tổ chức thiện nguyện. Tuy nhiên, cuộc sống của hai cha con vẫn hết sức khó khăn. Ông chia sẻ: “Tôi chỉ mong có một phép màu giúp con tôi được bình thường như bao đứa trẻ khác. Không thì cũng mong có thêm điều kiện để chăm sóc cháu tốt hơn, có đủ thuốc thang, dinh dưỡng để cháu đỡ thiệt thòi trong những tháng ngày còn lại.”

Cuộc đời của cựu chiến binh Phạm Đình Tín là hình ảnh tiêu biểu cho hàng ngàn, hàng vạn cựu chiến binh mang trong mình nỗi đau da cam trên khắp mọi miền Tổ quốc. Họ đã từng chiến đấu anh dũng trên chiến trường, cống hiến tuổi thanh xuân cho hòa bình hôm nay, và nay vẫn đang thầm lặng chiến đấu giữa đời thường – trong cuộc chiến không tiếng súng với nỗi đau kéo dài từ đời ông sang đời cháu.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và chính quyền thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách chăm lo người có công, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và nạn nhân chất độc da cam. Tuy nhiên, để những gia đình như ông Phạm Đình Tín bớt đi phần nào gánh nặng, rất cần sự chung tay, sẻ chia của toàn xã hội.

Mỗi việc làm tử tế, mỗi tấm lòng nhân ái sẽ là nguồn động viên tinh thần lớn lao, tiếp thêm nghị lực để những con người mang trong mình nỗi đau da cam tiếp tục sống, cố gắng vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

Trà Thanh Lành
Phó CT Thành hội  Đà Nẵng

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác